Tuesday, February 17, 2009

Henry Olcott và Phật giáo Sri Lanka



Mỗi năm vào ngày 17 tháng 2 này, Phật tử khắp đất nước Sri Lanka thắp đèn trổi nhạc thắp nhang để tưởng niệm ngày qua đời của một người hùng Phật tử gốc Mỹ. Trong các tu viện nguyên thủy, chư tăng trong y vàng chỉnh tề quỳ trước tượng ông, tưởng niệm một người làm hồi sinh Phật giáo ở đảo quốc sư tử này. Các em học sinh ở trường học khắp nước dâng quà để tưởng niệm ông. Tất cả thiền định và hồi hướng, “mong rằng những việc làm thiện lành này, nếu có chút công đức nào, xin hồi hướng đến Ngài Henry Colonel Olcott, mong Ngài luôn được bình an và hạnh phúc."

Các sử gia công tâm thì mô tả ông Henry Steel Olcott như là một người khai sáng và làm chủ tịch Hội Linh Trí, một trong những hội Phật giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ và ông cũng là một người đóng góp quan trọng đối với phong trào phục hưng Phật giáo cả ở Ấn Độ lẫn Sri Lanka vào cuối thế kỷ thứ 19. Một số nhà quan sát thiếu khách quan một chút đặt ông vào vị trí trung tâm của lịch sử thiêng liêng. Điều này cũng có lý, trên mặt chủ quan chứ không phải khách quan khoa học, bởi vì những gì họ thừa hưởng từ sự đóng góp của ông với đất nước này là vô giá. Một vị thủ của Sri Lanka từng ca ngợi Olcott như sau: "Đó là một trong những người hùng đấu tranh cho nền độc lập của chúng ta và là một người tiên phong trong phong trào phục hưng nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia ngày nay".

Trong chuyến viếng thăm Sri Lanka lần đầu tiên , ngày 17 tháng 5 năm 1880, Ông là người phương Tây chính thức quy y Tam Bảo trở thành Phật tử tại chùa Vijayananda ở Galle. Từ đó, ông nỗ lực vào công cuộc phuc hưng Phật giáo trên đất nước này. Olcott đã thành lập được bảy chi nhánh thuộc Hội Linh Trí và một Hội Linh Trí Phật giáo (vào ngày 17 tháng 6 năm 1880) tại Colombo. Hội này sau đó thành lập được nhiều trường phổ thông dạy Phật học. Ông giải thích rõ ràng về mô hình công việc ông tiến hành ở Á Châu là mô phỏng theo kiểu mẫu của Thiên Chúa giáo : "Người Ky Tô có hội truyền bá lời dạy của Chúa, thì tại sao chúng ta không lập hội để truyền bá lời Phật dạy ?”. Đứng trên lập trường đó, Olcott đã tiến hành xây dựng nhiều trường trung học Phật giáo và những trường dạy giáo lý (Dhamma School) và trường 'Giáo lý chủ nhật' (Sunday School). Những trường này đi vào hoạt động có hiệu quả đến không ngờ mãi cho đến ngày nay. Sự khởi xướng của ông đã trở thành một cuộc vận động lâu dài và thành công cho nền giáo dục Phật giáo theo kiểu phương Tây tại Sri Lanka. Cho đến bây giờ, giáo dục Phật giáo ở Sri Lanka vẫn duy trì theo mô hình của Olcott. Ngòi các trường chuyên dạy Phật pháp, bộ môn Phật học được đưa vào trường phổ thông và ‘Sunday School” phát triển khắp trên mọi nơi tại đảo quốc này.

Lần thứ hai, Olcott đã trở lại Sri Lanka vào tháng 4 năm 1881. Lần này, ông cùng với trưởng lão Mohotivatte Gunananda, một người lãnh đạo giai đoạn đầu trong phong trào phục hưng Phật giáo tại Sri Lanka, đẩy mạnh các phong trào giáo dục ông đã đặt nền móng trong lần viếng thăm đầu tiên. Ông thành lập một ngân quỹ giáo dục quốc gia,viết và phân phát miễn phí kinh sách Phật.

Chiến lược của ông là truyền bá lời Phật dạy qua con đường giáo dục. Năm 1881, ông soạn cuốn "Buddhist Catechism" (Phật Pháp vấn đáp) để làm giáo trình cho các trường học ở Sri Lanka. Cuốn sách nhanh chóng được phổ biến khắp Sri Lanka và đến nay đã tái bản rất nhiều lần và được chuyển ngữ ra trên hai mươi thứ tiếng trên thế giới. Lần đầu tiên, sách được in bằng hai thứ tiếng Shinhalese và tiếng Anh vào ngày 24 tháng 7 năm 1881. Quyển sách gây được sự ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. Đến nay nó vẫn được sử dụng như một giáo trình chính thức của nến giáo dục tại quốc gia này.

Lần thứ ba Olcott trở lại Colombo là ngày 18 tháng bảy năm 1882. Olcott mới biết Hội Phật giáo Linh Trí và Hội Phục hưng Phật giáo đã không còn hoạt động. Trong nỗ lực khôi phục lại hạt động của Hội. Ông Olcott hiến cúng một số tiền lớn cho Hội và thỉnh cầu chư tăng tham gia vào hoạt động, nhưng không có vị tăng nào chịu đứng ra hoạt động. Cuối cùng ông quyết định làm việc một mình.

Phương hướng lần này của ông không xoáy sâu vào giáo dục học đường như hai lần trước, ông mở sang mảng giáo dục cộng đồng qua các hoạt động khác như là phát thuốc trị bệnh cho nhân dân. Từ năm 1882 đến 1883 đoàn chữa bệnh từ thiện của ông đã điều trị cho gần ba ngàn người. Danh tiếng của đoàn đã lan đi khắp nơi và đồng thời, điều này cũng trở thành là một gánh nặng cho ông. Và ông nhận ra rằng công việc này lần hồi đã dần đi xa mục đích truyền bá Phật pháp của mình. Cuối năm 1883, ông tuyên bố ngưng hoạt động chữa bệnh từ thiện.
(Khi nào rảnh, tôi sẽ quay lại đề tài này, viết tiếp những đóng góp của Henry Olcott cho Sri Lanka trong giai đoạn mâu thuẫn giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Sri Lanka)

Ông là người thiết kế kiểu mẫu cho lá cờ Phật giáo mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Ông đáng cho nhiều người trên thế giới, nhất là người dân đang sống trên đảo quốc Sri Lanka ghi nhớ công ơn, tưởng niệm và phát huy những giá trị phi vật thể về văn hóa, tôn giáo mà họ đang thừa hưởng từ người hùng này.