Tuesday, February 24, 2009

Bảo vật từ con đường tơ lụa

Có một bài viết về "Bảo vật từ con đường tơ lụa" ở IHT nhưng không rảnh để dịch. Post link ở đây và kèm theo tấm hình hai bình hoa bằng gỗ, hoa vải lụa từ thời Tây hạ, được tìm thấy tại chùa Bái Tự Khẩu, Ninh Hạ vào năm 1986.



http://www.iht.com/articles/2009/02/17/arts/seno.php?page=2


Saturday, February 21, 2009

Hạnh phúc

Bài viết và tạo file: Hằng Như
Hình: copy từ Internet

Nguồn để có thể tạo nên hạnh phúc trong cuộc sống ở gần chúng ta thôi. Ấy thế mà ta cứ nghĩ nó ở đâu xa xôi lắm… Từ muôn thuở, con người mọi thời đại, mọi sắc tộc, mọi niềm tin tôn giáo đều có một điểm chung: đi tìm hạnh phúc!






Chúc tất cả đều biết cách kiến tạo cuộc sống hạnh phúc từ nội tâm của chính mình!



Ghi chú: Tạo file ppt, post ở scribd, nhúng link vào đây, nhưng file bị lỗi, nên 'chữa cháy' bằng cách cắt trang post lại lên đây vì không có thời gian làm lại...

Wednesday, February 18, 2009

Con đường tơ lụa ở Ninh Hạ

Yvonne Tan
Chuyển ngữ: Hằng Như

Thuật ngữ ‘con đường tơ lụa’ được dùng vào thế kỷ thứ 19, để chỉ cho hệ thống đường bộ rộng lớn nối liền Trung Quốc với Trung Á và qua khỏi khu vực này vào thế kỷ thứ hai. Mặt hàng trao đổi mua bán thời bấy giờ chủ yếu là tơ lụa và những con đường trao đổi mua bán ấy đi qua vùng Ninh Hạ (Ningxia) cằn cỗi đến miền Tây bắc Trung Quốc trở nên vô cùng quan trọng vào thời ấy.
Từ những năm 1980, các cuộc khai quật khảo cổ quan trọng quanh vùng Cố Nguyên ở phía Nam đã viết lại địa danh ‘Ninh Hạ’ trên con đường tơ lụa. Vào khoảng thế kỷ thứ 6, Cố Nguyên, còn gọi là Viễn Châu, là địa đầu của đất nước và là nơi có nhiều tiềm lực là điều dễ hiểu. Đây là vị trí chiến lược do ảnh hưởng của sự giao lưu hai trục lộ quan trọng lộ phía nam nối vùng Ordos với Bình Thành (nay là Đại Đồng) và khu vực Lương Châu và trục lộ phía bắc nối Trường An với ‘các khu vực phía tây’ Tân Cương và Tây Vũ. Trường An (ngày nay gọi là Tây An) là thủ đô của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và sự trao đổi văn hóa phức tạp ở vùng này do sự triều cống của các nước nhỏ và các đoàn buôn bán nhộn nhịp tạo cho Viễn Châu thành vị trí giao điểm quan trọng giữa các huyết mạch giao thông trên con đường tơ lụa.

Các cuộc khai quật mộ đã cung cấp nhiều chứng cứ cho thấy con đường tơ lụa nối dài đến tận Byzantium (một thành phố cổ của Hy Lạp) và Sassanian Persia (thuộc Ba Tư cũ) (224-651) từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 10. Những khám phá quan trọng này mới chỉ mới tiến hành trong vòng ba thập niên trở lại đây đã tạo nên căn bản về con đường tơ lụa ở Ninh Hạ, được trưng bày tại phòng nghệ thuật và viện bảo tàng đại học của trường đại học Hồng Kông. Sự trưng bày bày là một sự cộng tác đặc biệt của viện bảo tàng với văn phòng di sản văn hóa Ninh Hạ đã đưa ra trưng bày một trăm di sản quý hiếm bao gồm nhiều bia đá và các pháp khí tôn giáo, đồ gốm, kỹ thuật nặn đồ gốm, kỹ thuật dệt, nghệ thuật chế kim loại, đồ thủy tinh cũng như nghệ thuật đúc tiền để hiểu hơn về nhiều phương diện khác ở Ninh Hạ.

Về mặt văn hóa và dân tộc mang tính phổ biến bao gồm nhiều yếu tố trên suốt con đường tơ lụa. Ninh Hạ nghĩa là khu Hạ bình yên, tên chỉ cho những người Tangut có nguồn gốc Turkic, có quan hệ với người Thác-bạt Ngụy (Tuoba Wei) và người thiểu số Đảng Hạng (Dangxiang) trong thiên niên kỷ thứ nhất. Những chủng tộc người này cai trị các vùng lãnh thổ trải dài về phía tây Nội Mông (Inner Mongolia) , Ninh Hạ (Ningxia), Cam Túc (Gansu) và Thanh Hải (Qinghai), nhưng không liên tục và nhiều thế kỷ sau đó, cai trị khu Tây Hạ (Xixia) hay còn gọi vương quốc Tây Hạ (1038-1227). Những thành tựu văn hóa của các vùng này vì thế mà có nguồn gốc từ Trung Á, Tây Tạng và Trung Quốc và người dân ở đây coi các nơi này đều quen thuộc như quê hương của chính mình. Những nét biểu biện của nghệ thuật trong giai đoạn sớm nhất ở Ninh Hạ ảnh hưởng Phật giáo được du nhập vào qua con đường từ Ấn Độ. Những pho tượng lớn và các pháp khí Phật giáo thu nhỏ được tìm thấy ở vùng này đều do các nhà bảo trợ Phật giáo đầu tiên, Thác-bạt Ngụy, bằng quyền lực của mình, đã thống lãnh phía Bắc khoảng thế kỷ thứ 4.
Các hang động ở Hứa Địa Sơn (Xumishan), miền Tây bắc của Cố Nguyên (Guyuan), nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo, tìm thấy 300 pho tượng trong 130 hang động được chạm khắc trong suốt thời đại nhà Đường (Tang) (618-906). Các tượng Phật nhỏ và các biểu tượng liên quan đến Đức Phật và niềm tin Phật giáo được làm bằng đồng, đá và ngọc, có cả những hình ảnh và tranh tượng điêu khắc nhỏ có thể mang đi được làm bằng một loại đá vôi địa phương.
Những công trình khám phá mộ ở Cố Nguyên gần đây cho thấy nghệ thuật ở Ninh Hạ có xu hướng phi tôn giáo. Bảy ngôi mộ được khai quật sau năm 1981 có niên đại các triều phương Bắc (386-577), được phân biệt qua các lối đi dài, nhiều cửa sổ trên mái và có hốc tường. Có hai ngôi mộ rất đặc biệt. Một ngôi mộ vào thời Bắc Ngụy (386-534) có quan tài bằng sơn mài đã bị phai, lớp sơn còn thấy được trên nắp quan tài, mặt trước và các mặt bên. Nghệ thuật sơn mài tạo nên những sản phẩm sang trọng và bền như vậy cho thấy sự phát triển của nghệ thuật sơn của Trung Quốc vào thời nhà Hán (Han) (206BC-220) và các vũng lãnh thổ khác của Trung Quốc. Việc phục chế lại lớp sơn mài trên các mảnh ván quan tài mà một điển hình quan trong về nghệ thuật sơn mài vào thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. Điều này cho thấy thể loại nghệ thuật sơn mài ở vùng sơn cước xa xôi Tây bắc thời ấy tương thích với thể loại nghệ thuật sơn mài ở trung tâm đồng bằng. Một ngôi mộ khác ghi niên đại là Bắc Chu (Zhou) (557-581) thuộc về vợ chồng ông Lý Hiển (Li Xian), có vẽ tranh trang trí trên các lối đi. Các hình ảnh chạm vẽ trang trí thể hiện màu sắc phong phú của nghệ thuật sơn vẽ truyền thống vào thời Ngụy (Wei) và Tấn (Jin) (265-316) trong đó, tông màu hồng là chủ đạo cho đến nhà Tùy (Sui) sau này (581-618) và theo kiểu tranh nhà Đường. Cả hai ngôi mộ cho thấy có sự giao thoa xa rộng.

Những hình khắc chạm bằng sơn mài ở ngôi mộ đầu tiên cho thấy các họa tiết đường diềm trang trí trên mép ván này không có nguồn gốc từ Trung Quốc mà ảnh hưởng từ thời Sassanian của Ba Tư. Một bình đựng nước mạ bạc với cấu trúc cân xứng theo kiểu cố điển được tìm thấy trong mộ của Lý Hiển, cho thấy nghệ thuật đúc của Ba Tư ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới mà đồ chạm bạc được ưa chuộng nhất. Chiếc bình bạc ấy, có thể dùng để đựng rượu, có những họa tiết trang trí mang đặc điểm của nghệ thuật thời Sassanian. Tay nắm hình cong lượn, phía trên có đầu người Bactria (Đại Hạ), vòi hình mỏ vịt. Trên thân bình, có khắc sáu người bao quanh. Có một hàng viên bi tròn chạy quanh cổ và miệng bình rộng. Người ta cũng khám ra một cái chén thủy tinh quý hiếm với các vòng tròn trang trí chạm nổi. Chiếc chén này là một bằng chứng khác cho thấy nguồn gốc nghệ thuật ngoại quốc đã du nhập vào Trung Quốc qua con đường tơ lụa. Cái chén thủy tinh được chôn theo trong quan tài rõ ràng là một vật quý. Theo người Trung Quốc theo Phật giáo, đồ thủy tinh là vật quý và họ ít khi chôn theo người chết. Một vật thể được thổi bằng thủy tin, sắc sảo, không màu được trang trí bằng các vòng tròn theo hình tổ ong cho thấy đây là nghệ thuật thời Sassanian của Ba Tư, nơi phổ biến nghệ thuật chạm khắc hình nổi. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy trên đồ gốm rất sinh động có sơn hình ảnh các võ sĩ mặc áo giáp hình vảy cá vốn không có nguồn gốc từ Trung Quốc mà là theo phong cách của người Ba Tư.

Những cổ vật này cho thấy rằng giao lưu thương mại ở Ninh Hạ đã kết nối đến thời Sassanian của Ba Tư, triều đại cuối cùng Ba Tư, có lẽ vào thế kỷ thứ 3 trở về trước. Đóng vai trò quan trọng trong việc này là những người Sogdians (Túc trì), làm nhịp cầu nối ở Trung Quốc qua giao lưu mua bán bằng con đường tơ lụa. Những người này đến từ một khu vực, thời ấy gọi là Sogdiana, (ngày nay thuộc Tajikistan and Uzbekistan), người Trung Quốc gọi là Khang cư, nơi giao lưu để tiếp xúc với thế giới người Ba Tư vượt xa hơn sông Hoàng Hà và phía đông Điạ Trung Hải. Ở Trung Quốc, người Túc Trì chủ yếu buôn bán xuất khẩu sang Ba Tư một lượng lớn vải vóc để lấy về tiền đúc. Vì vậy, về sau, người ta tìm thấy có đến 2 ngàn đồng tiền bạc Ba Tư và tiền vàng La Mã. Trong số các đồng tiền bằng bạc, có hai đồng quý giá nhất gọi là drahm, được tìm thấy ở Cố Nguyên, có niên hiệu từ thời Peroz (459-484), vua của người Sassanian của Ba Tư. Các nhà khảo cổ cũng tìm được 10 đồng tiền vàng từ thời Ardashir (d. 241), người Sassanian của Ba Tư thiết lập đạo thờ lửa.

Có bằng chứng cho rằng người Túc Trì sau này trở thành một bộ phận lớn trong thời nhà Tùy và Đường của Trung Quốc. Một số giữ chức vụ cao trong chính quyền. Tám ngôi mộ thời nhà Đường được khai quật từ năm 1982 đến 1995. Trong số bảy bia mộ được tìm thấy, sáu cái là của người Túc Trì, có họ là ‘shi’. Các ngôi mộ của dòng họ Shi là những ngôi mộ của người Túc Trì đầu tiên nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Các ngôi mộ này tương tự phong tục địa táng người chết của người Chu ở phương bắc. Mỗi ngôi mộ có một đồng tiền vàng, mấy cái mặt nạ bằng vàng. Mão đội đầu áo vàng và nhiều vật dụng liên quan đến tục thờ lửa của người theo đạo này. Ví dụ ngôi mộ của một người tên Shi Hedan chẳng hạn, có cấu trúc theo kiểu người Ba Tư với con ngựa trời nơi hòn đá ở cửa mộ. Có một ngôi mộ khác của Shi Daoluo có vệ sĩ bảo hộ được đúc bằng gốm và các con thú bảo hộ được làm thủ công theo kiểu đặc thù ở Ninh Hạ. Điều này cho thấy phong tục địa táng ở mỗi vùng khác nhau.

Khi nhà Đường ở Trung Quốc sụp đổ, Ninh Hạ do các thế lực khác quản lý. Người Tangut càng ngày thế lực càng mạnh trong thời gian chuyển tiếp này và bắt đầu cai trị các vùng biên cương rộng lớn từ biên giới tây bắc đến Cam Túc. Sau này, mặc dù thường xuyên có tranh chấp nho nhỏ, người Tangut cố sống hòa bình với người Tống (960-1279) và người Liêu. Vào năm 1038, Nguyên Hạo (Yuan Hao) một lãnh đạo người Tangut tự xưng là vua của Tây Hạ, lập thủ đô là Hưng Khánh, ngày nay gọi là Ngân Xuyên, nằm ở chân đồi núi Hạ Lan. Triều đại Tangut tồn tại khoảng 190 năm và cho đến nay, vẫn còn là một điều bí ẩn. Đặc điểm nổi bật nhất là sự khai quật lăng tẩm hoàng đế ở Ngân Xuyên vào những năm 1970.
Ngày nay, chúng ta biết rằng Tây Hạ tiếp thu văn hóa vật chất và kỹ thuật của người Tống để phát triển . Nguyên Hạo cho rằng địa vị chư hầu của nhà Tống vào năm 1044 và phải nộp triều cống, vẫn còn giữ nguyên địa vị chư hầu này. Đầu tiên, ông vận dụng hình tượng chữ viết của Trung Quốc để tạo ra một hình thức chữ viết đặc trưng cho Tây Hạ và phát triển ngôn ngữ này trong lãnh thổ ông cai trị. Tiền tệ lưu thông là tiền cắc, đúc bằng đồng hay sắt. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự tự trị của Nguyên Hạo.
Lấy tiền cắc làm phương tiện trao đổi tiền tệ, điều này cho chúng ta thấy được quyền lực và sự quản lý của Nguyên Hạo, cũng như cho ta biết về thực trạng tiền tệ của vương quốc này. Đồng cắc của Nguyên Hạo theo tiêu chuẩn khuôn của Trung Quốc, tròn, có lỗ vuông ở giữa và có dấu hiệu của tất cả các vị cua trị vì Tây Hạ. Yếu tố này phản ánh một đặc điểm quan trọng, yếu tố hai trong một. Một mặt của đồng cắc có chữ tây Hạ và mặt kia là chữ Trung Quốc, cho thấy tiền này có thể chuyển nhượng quy đổi được.
Tiền đúc không phải là hình thức tiền tệ duy nhất dùng để trao đổi trên con đường tơ lụa. Ít nhất là từ thế kỷ thứ 6, vải sợi được dùng để bán và được trả bằng cách trao đổi đồ gia dụng, và có thể dùng hình thức này cho việc trả lương hay thậm chí cho vay. Đối với đồ vật quý giá, vải lụa được dùng như là một phương tiện trao đổi. Có một tấm vải lụa in thời nhà Tống được tìm thấy ở chùa Bái Tự Khẩu, huyện Hạ Lan vào năm 1986. Mảnh lụa này có đường viền trang trí hình tròn và hình thoi theo kiểu Ba Tư hay có lai lịch Hồi giáo xung quanh mô hình theo kiểu dáng Trung Quốc nổi bật “đồng tử chơi đùa”.
Những kiểu mẫu trên lụa này được lặp đi lặp lại cho thấy rằng người Túc Trì đã chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Sassanian qua các sợi vải dệt ngang và chéo. Người Túc Trì cũng đem vào sản phẩm vải sợi của mình các họa tiết theo mô thức Trung Quốc như hoa sen, hoa mẫu đơn hay mây trôi trên nền của vải vốn đậm nét văn hóa Ba Tư. Phương thức sản xuất đờiTống đã cống hiến sự phát triển vượt bực của công nghiệp vải sợi và người Tangut cũng vay mượn nhiều kỹ thuật khác nữa.

Nghệ thuật in cũng được phát minh vào đời Tống, đã giúp người Tây Hạ có thể phát triển nghệ thuật in chữ của họ trên các đồ vật,ví dụ khắc chữ bằng ngôn ngữ Tây Hạ khổ lớn trên gỗ. Người Tây Hạ cũng dịch các bộ sách cổ Trung Quốc và kinh điển Phật giáo sang ngôn ngữ riêng của họ. Những mảnh bia đá có khắc chữ bằng ngôn ngữ Tây Hạ cho thấy rằng ở Tây Hạ thời bấy giờ, có một hình thức Đạo Phật ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng sâu sắc được truyền bá.
Sau thế kỷ thứ 9, khi thế lực của nhà Đường bắt đầu suy yếu, người Tây Tạng bắt đầu chiếm cứ các lãnh thổ vùng Trung Á trong suốt hai thế kỷ và gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự thực hành theo Phật giáo. Trong Phật giáo Hán-Tạng (Sino-Tibetan), bồ tát Văn Thù (Manjusri) tượng trưng cho trí tuệ, là một trong tám vị thần hiện thân lý tưởng bồ tát, được tôn trọng nhiều nhất. Suốt triều đại Tây Hạ, tượng mạ đồng của bồ tát Văn Thù được tạc theo mô thức Hán-Tạng, nét thể hiện rõ ràng nhất là ở phần trang trí trên đầu và y phục, tay cầm vương trượng, ngồi cưỡi trên một con sư tử màu trắng.
Người ta tin rằng bồ tát Văn Thụ ngự trên Ngũ đài sơn (Mount Wutai),một trong những thánh địa ở Trung Quốc. Bồ tát Văn Thù là vị thần của Thái hậu Võ Tắc Thiên (WuZetian), đời nhà Đường và có một hang động để tôn thờ ngài ở quần thể động Đôn Hoàng (Dunhuang) khi Cam Túc trở thành một phần lãnh thổ dưới sự cai quản của Tây Tạng.

Tây Hạ vẫn là nước chư hầu của nhà Tống cho đến khi vua Tangut bị vua Mông Cổ (Mongols) giết vào năm 1227. Kể từ đó, Phật giáo Hán-Tạng bị đạo Hồi, một tôn giáo đến từ Tây bắc qua Trung Á, thay thế. Ninh Hạ, nơi người dân tộc thiểu số Hồi vẫn là những tín độ đạo Hồi đến ngày nay và sau này, bộ phận này tạo nên trung tâm Hồi giáo quan trọng ở Trung Quốc. Ảnh hưởng của đạo Hồi lan rộng trong suốt triều đại nhà Nguyên (Yuan) (1279-1368).
Người ta tìm thấy một cái cân từ thời thế kỷ 14 bằng bạc cao chừng 10 cen-ti-mét hình mặt trăng khuyết, biểu tượng của đạo Hồi, cho thấy hoạt động chủ yếu ở vùng này thời bấy giờ là thương mại. Mỗi đĩa cân có chân vòng tròn và cán cân được trang trí bằng một dải hoa văn có hình tròn bao quanh 6 ô khắc nổi các chữ Ả Rập cho thấy truyền thống đúc kim loại ở hai thế giới Ba Tư và Ả Rập. Ngược lại, những phát minh quan trọng của Trung Quốc tiếp tục giao lưu với các vùng này. Kỹ thuật làm giấy, được người Trung Quốc phát minh vào thời nhà Hán đã truyền sang thế giới đạo Hồi sau chiến tranh Talas vào năm 751, do tù nhân chiến tranh người Trung Quốc đã bày kỹ thuật làm giấy ở khu vực Samarkand. Từ đó, giấy được dùng để thay thế giấy cói trong nghệ thuật in sách.

Ở tỉnh Tây Tập (Xiji) suốt thời nhà Minh (Ming)(1368-1644), người ta tìm thấy cuốn kinh Koran (Qu'ran) cổ dài 590 trang. Gáy và bìa bằng da của cuốn kinh đã hư, nhưng nhờ khí hậu vùng này khô ráo, phần nội dung bên trong vẫn còn giữ được. Cuốn kinh này được viết bằng tiếng Naskhi Ả Rập. Tranh minh họa có đường cong uốn lượn bằng vàng và gam màu đậm và sặc sỡ, đặc biệt màu xanh da trời dùng để biểu thị thiên đường. Hình thức cuốn kinh Koran gợi lại thời hoàng kim đầu tiên được biết đến là Mamluk ở Ai Cập(1250-1517). Cuốn kinh này, cùng với nhiều cổ vật khác, đã đến Trung Quốc, là chứng thực ở nhiều mức độ và phạm vi khác nhau trong quá trình trao đổi được thực hiện trong điều kiện có thể qua con đường tơ lụa trong đó, Ninh Hạ đóng một vai trò rất đáng kể của một đầu mối giao lưu văn hóa.

Một số hình ảnh trưng bày tại viện bảo tàng:

Tượng Đức Phật ngồi có bia đá, thời Bắc Ngụy (386–534), kích thước 11 x 18 cm, dày 4 cm. Khai quật tại làng Hồng Hà (Honghe), tỉnh Bành Dương (Pengyang) vào năm 1985

Cân bạc hình chiếc thuyền với mẫu tự Ả Rập, thế kỷ thứ 14, cao 10 cm. Tìm thấy ở Kashgar, Tân Cương (Xinjiang)



Chén thủy tinh, thời Bắc Ngụy (557–581), cao 8 cm, đường kính. (miệng) 9.5 cm. Tìm thấy ở mộ ông Lý Hiển và vợ ở làng Thân Cấu (Shengou), miền tây Cố Nguyên vào năm 1983.


Tượng Bồ tát Văn Thù mạ đồng, triều đại Tây Hạ (1032–1227), kích thước 46.5 x 25.5 x 58.5 cm. Tìm thấy ở đường Tân Hoa, Ngân Xuyên vào năm 1986.


Cuốn kinh Koran với bìa da có lớp sơn, triều Minh, (1368–1644), kích thước 26.6 x 20 cm.

Chiếc bình mạ bạc, triều đại Bắc Chu (557–581), đường kính 36.9 cm, (đế) 13 cm. Tìm thấy ở mộ ông Lý Hiển và vợ ở làng Thân Cấu (Shengou), miền tây Cố Nguyên.



Một tấm vải lụa in thời nhà Tống được tìm thấy ở chùa Bái Tự Khẩu, huyện Hạ Lan vào năm 1986


Mảnh vỡ bia đá, triều đại Tây Hạ (1032-1227), kích thước 27 x 22.5 cm. Tìm thấy ở một ngôi mộ ở một tỉnh miền Tây Hạ, Ngân Xuyên vào năm 1974.

Tuesday, February 17, 2009

Henry Olcott và Phật giáo Sri Lanka



Mỗi năm vào ngày 17 tháng 2 này, Phật tử khắp đất nước Sri Lanka thắp đèn trổi nhạc thắp nhang để tưởng niệm ngày qua đời của một người hùng Phật tử gốc Mỹ. Trong các tu viện nguyên thủy, chư tăng trong y vàng chỉnh tề quỳ trước tượng ông, tưởng niệm một người làm hồi sinh Phật giáo ở đảo quốc sư tử này. Các em học sinh ở trường học khắp nước dâng quà để tưởng niệm ông. Tất cả thiền định và hồi hướng, “mong rằng những việc làm thiện lành này, nếu có chút công đức nào, xin hồi hướng đến Ngài Henry Colonel Olcott, mong Ngài luôn được bình an và hạnh phúc."

Các sử gia công tâm thì mô tả ông Henry Steel Olcott như là một người khai sáng và làm chủ tịch Hội Linh Trí, một trong những hội Phật giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ và ông cũng là một người đóng góp quan trọng đối với phong trào phục hưng Phật giáo cả ở Ấn Độ lẫn Sri Lanka vào cuối thế kỷ thứ 19. Một số nhà quan sát thiếu khách quan một chút đặt ông vào vị trí trung tâm của lịch sử thiêng liêng. Điều này cũng có lý, trên mặt chủ quan chứ không phải khách quan khoa học, bởi vì những gì họ thừa hưởng từ sự đóng góp của ông với đất nước này là vô giá. Một vị thủ của Sri Lanka từng ca ngợi Olcott như sau: "Đó là một trong những người hùng đấu tranh cho nền độc lập của chúng ta và là một người tiên phong trong phong trào phục hưng nền văn hóa, tôn giáo và quốc gia ngày nay".

Trong chuyến viếng thăm Sri Lanka lần đầu tiên , ngày 17 tháng 5 năm 1880, Ông là người phương Tây chính thức quy y Tam Bảo trở thành Phật tử tại chùa Vijayananda ở Galle. Từ đó, ông nỗ lực vào công cuộc phuc hưng Phật giáo trên đất nước này. Olcott đã thành lập được bảy chi nhánh thuộc Hội Linh Trí và một Hội Linh Trí Phật giáo (vào ngày 17 tháng 6 năm 1880) tại Colombo. Hội này sau đó thành lập được nhiều trường phổ thông dạy Phật học. Ông giải thích rõ ràng về mô hình công việc ông tiến hành ở Á Châu là mô phỏng theo kiểu mẫu của Thiên Chúa giáo : "Người Ky Tô có hội truyền bá lời dạy của Chúa, thì tại sao chúng ta không lập hội để truyền bá lời Phật dạy ?”. Đứng trên lập trường đó, Olcott đã tiến hành xây dựng nhiều trường trung học Phật giáo và những trường dạy giáo lý (Dhamma School) và trường 'Giáo lý chủ nhật' (Sunday School). Những trường này đi vào hoạt động có hiệu quả đến không ngờ mãi cho đến ngày nay. Sự khởi xướng của ông đã trở thành một cuộc vận động lâu dài và thành công cho nền giáo dục Phật giáo theo kiểu phương Tây tại Sri Lanka. Cho đến bây giờ, giáo dục Phật giáo ở Sri Lanka vẫn duy trì theo mô hình của Olcott. Ngòi các trường chuyên dạy Phật pháp, bộ môn Phật học được đưa vào trường phổ thông và ‘Sunday School” phát triển khắp trên mọi nơi tại đảo quốc này.

Lần thứ hai, Olcott đã trở lại Sri Lanka vào tháng 4 năm 1881. Lần này, ông cùng với trưởng lão Mohotivatte Gunananda, một người lãnh đạo giai đoạn đầu trong phong trào phục hưng Phật giáo tại Sri Lanka, đẩy mạnh các phong trào giáo dục ông đã đặt nền móng trong lần viếng thăm đầu tiên. Ông thành lập một ngân quỹ giáo dục quốc gia,viết và phân phát miễn phí kinh sách Phật.

Chiến lược của ông là truyền bá lời Phật dạy qua con đường giáo dục. Năm 1881, ông soạn cuốn "Buddhist Catechism" (Phật Pháp vấn đáp) để làm giáo trình cho các trường học ở Sri Lanka. Cuốn sách nhanh chóng được phổ biến khắp Sri Lanka và đến nay đã tái bản rất nhiều lần và được chuyển ngữ ra trên hai mươi thứ tiếng trên thế giới. Lần đầu tiên, sách được in bằng hai thứ tiếng Shinhalese và tiếng Anh vào ngày 24 tháng 7 năm 1881. Quyển sách gây được sự ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. Đến nay nó vẫn được sử dụng như một giáo trình chính thức của nến giáo dục tại quốc gia này.

Lần thứ ba Olcott trở lại Colombo là ngày 18 tháng bảy năm 1882. Olcott mới biết Hội Phật giáo Linh Trí và Hội Phục hưng Phật giáo đã không còn hoạt động. Trong nỗ lực khôi phục lại hạt động của Hội. Ông Olcott hiến cúng một số tiền lớn cho Hội và thỉnh cầu chư tăng tham gia vào hoạt động, nhưng không có vị tăng nào chịu đứng ra hoạt động. Cuối cùng ông quyết định làm việc một mình.

Phương hướng lần này của ông không xoáy sâu vào giáo dục học đường như hai lần trước, ông mở sang mảng giáo dục cộng đồng qua các hoạt động khác như là phát thuốc trị bệnh cho nhân dân. Từ năm 1882 đến 1883 đoàn chữa bệnh từ thiện của ông đã điều trị cho gần ba ngàn người. Danh tiếng của đoàn đã lan đi khắp nơi và đồng thời, điều này cũng trở thành là một gánh nặng cho ông. Và ông nhận ra rằng công việc này lần hồi đã dần đi xa mục đích truyền bá Phật pháp của mình. Cuối năm 1883, ông tuyên bố ngưng hoạt động chữa bệnh từ thiện.
(Khi nào rảnh, tôi sẽ quay lại đề tài này, viết tiếp những đóng góp của Henry Olcott cho Sri Lanka trong giai đoạn mâu thuẫn giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Sri Lanka)

Ông là người thiết kế kiểu mẫu cho lá cờ Phật giáo mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Ông đáng cho nhiều người trên thế giới, nhất là người dân đang sống trên đảo quốc Sri Lanka ghi nhớ công ơn, tưởng niệm và phát huy những giá trị phi vật thể về văn hóa, tôn giáo mà họ đang thừa hưởng từ người hùng này.

Monday, February 16, 2009

Khổ-đau

Chân lý thứ nhất tuyên bố thẳng thừng, không tránh né rằng niềm đau vốn tồn tại trong cuộc sống chỉ vì tất cả đều đổi thay. Chân lý thứ hai giải thích rằng, sở dĩ chúng ta chịu đựng khổ đau với những gì xảy ra khi đương đầu vật lộn với những gì đang xảy ra hơn là chấp nhận nó và mở ra một kinh nghiệm khôn ngoan cho bản thân và phản ứng lại với tâm từ ái. Trên quan điểm này, có sự khác biệt đáng kể giữa ‘đau’ và ‘khổ’.
Đau là điều không thể tránh khỏi, đau song hành cùng với cuộc sống. Khổ không phải là điều tất nhiên. Chúng ta khổ với những gì diễn ra trong cuộc sống chỉ vì chúng ta không thể hoặc không chịu chấp nhận nó. Do vậy, khổ là một sự lựa chọn!

Tôi đã hiểu lầm về đau và khổ khi tôi bắt đầu thực hành thiền và tin rằng, nếu tôi thực hành nhiều chừng nào, tôi sẽ hoàn toàn không còn đau nữa. Đây là một sai lầm lớn. Tôi thất vọng khi thấy ra lỗi lầm này và bối rối hoang mang không biết phải làm gì. Sau đó, tôi hiểu ra rằng, chúng ta không thể chấm dứt đau trong kiếp sống này, nhưng khổ thì có thể.

- Sylvia Boorstein, trong cuốn “Thực tế dễ hơn mình tưởng”

Saturday, February 14, 2009

Sóng!

Photobucket


Sóng biển nhấp nhô...

Friday, February 13, 2009

Đức Phật dạy con thế nào?

Nguyên tác: “The Buddha as a Parent”, Tạp chí Inquiring Mind, số Xuân 2008
Dịch tiếng Việt: Hoài Hương
Copy từ trang nhà của Hoài Hương:
http://www.trangnhahoaihuong.com/phpWebSite/index.php?module=pagemaster&PAGE_user_op=view_page&PAGE_id=384


Thursday, February 12, 2009

Người đi vào, kẻ bước ra



Dòng sống tấp nập, kẻ xuôi người ngược đều hướng đến đích mình muốn. Ừ, mà sao là ‘xuôi’, thế nào là ‘ngược’ nhỉ? Vẫy tay chào cuộc sống cơm áo gạo tiền, rũ bỏ tất cả bước vào chốn thiền môn cô tịch để nuôi dưỡng trí tâm phát triển tuệ giác là xuôi hay ngược? Được nuôi nấng, chở che và dạy dỗ từ trong chùa từ thuở bé, nay bước ra hòa nhập dòng đời, thỏa sức vẫy vùng sức trẻ, là xuôi hay ngược?...

Hôm nay, tôi nhận được tin và biết rằng một tiểu tôi quen biết vừa từ chối mặc bộ đồ màu lam thanh nhã. Lòng chùng và nhói đau. 19 năm cơm áo đàn na không nuôi lớn tâm hồn em trong cõi đạo. 19 năm tiếng kệ kinh khuya sớm không cho em cảm giác bình an để có thể thích nghi nơi già lam. 19 năm chung sống với những người xuất gia, em đã không thâm nhập nếp sống người tu và tự tách mình ra khỏi môi trường mình được dưỡng nuôi từ tấm bé. 19 năm, từ một đứa trẻ bị bỏ rơi, lòng từ của những người xuất gia đã chắt chiu nuôi dạy từng ngày để hôm nay, em đủ trưởng thành và bước ra khỏi cổng chùa chọn hướng đi riêng cho mình. Con đường em đi rẽ lối từ đây. Tôi mong em hòa nhập vào cuộc sống tốt để sống xứng đáng một kiếp người. Tôi hy vọng những chất liệu của Đạo nuôi lớn em trong 19 năm nay sẽ là hành trang theo em trong suốt cuộc sống này và cho những kiếp sống sau. Tôi mong mỏi em đủ trưởng thành để không sa ngã, để sống sạch, sống trong, sống vững chãi và tìm thấy niềm vui trong từng bước đi em đã chọn. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra. Con đường mình đi là do tự mình xây đắp nên. Mong em nên người!

Cuối ngày hôm nay, trước khi tắt máy nghỉ, tôi dạo vài trang blog quen. Vào blog của bác sĩ Phạm Doãn, tôi mới biết, ngày hôm nay, ông quyết định đặt xuống những lo toan trong cuộc sống đời thường, bước vào cửa Đạo, chính thức làm người xuất gia. Thế là sau nhiều năm nghiên cứu kinh sách, thực hành thiền tập, người thầy thuốc này đã dành trọn quãng đời còn lại để tu tập trên con đường trở về chính mình.

Entry cuối cùng trong blog Phạm Doãn có tựa đề “một mùa xuân thật nhẹ nhàng và bình yên…” đủ biết ông cảm thấy hài lòng với con đường mới ông vừa chọn lựa này biết bao. Trong entry này, ông viết:
Rất tiếc chẳng còn nhiều thời gian,
cho nên blog phải dừng lại...
Chào những người bạn đã từng quen ghé qua đây!
Những người đã từng một thời khắc khoải đi tìm Chánh Pháp.
Chúc các bạn thân tâm an lạc!
Cầu xin Đức Phật cùng các chư Thiên, gia trì và trợ duyên cho các bạn
để nhận ra Đạo Lộ,
mà Thầy Sakya Muni đã từng tu tập, đã từng giảng dạy...
và tha thiết muốn truyền lại cho những Phật tử đời sau
như chúng ta.

Phạm Doãn
Và ông đã chính thức thọ nhận y bát: (hình từ blog Phạm Doãn). Thế là bác sĩ Phạm Doãn làm lễ xuất gia hôm nay, 12 tháng 2 năm 2009 và được đặt pháp danh là Minh Triết.

Tôi đọc entry này mà lòng đầy cảm xúc. Vui mừng cho bác sĩ Phạm Doãn với sự lựa chọn mới. Cảm động với tấm lòng ông nhắn gởi, chúc chào mọi người. Mong Phạm Doãn thành công trên lộ trình tu tập giải thoát.


Cùng một cánh cửa, đang lúc này, tôi biết có một ngươi vừa bước vào, một người vừa đi ra. Tôi tin cả hai đang chọn hướng đi phù hợp với mình và họ sẽ toại nguyện. Cuộc sống sẽ vui hơn và ý nghĩa hơn nếu có thể làm được điều mình thích. Nhìn vào cánh cửa có kẻ vô người ra này, tôi cảm thấy có nhiều điều để suy gẫm.

Would be...

Since last two weeks, another guide was inducted. I would be a tennis ball in some situations, but most of the time, I have been in a comfortable mood to work. However, controversy is sometimes inevitable. It is a part of the learning process. Anyway, I need to strong enough to stand firmly on my feet to keep the balance between both poles. Hopefully, I can overcome the obstacles and reach the shore in time safely. I try my best to change whatever can be changed and accept whatever cannot be changed!

Wednesday, February 11, 2009

Di ngôn của Hòa thượng Thánh Nghiêm




聖嚴師父遺言
Di Ngôn Của Hòa Thượng Thánh Nghiêm

一、 出生於一九三○年的中國大陸江蘇省,俗家姓張。在我身後,不發訃聞、不傳供、不築墓、不建塔、不立碑、不豎像、勿撿堅固子。禮請一至三位長老大德法師,分別主持封棺、告別、荼毘、植葬等儀式。務必以簡約為莊嚴,切勿浪費舖張,靈堂只掛一幅書家寫的輓額「寂滅為樂」以作鼓勵;懇辭花及輓聯,唯念「南無阿彌陀佛」,同結蓮邦淨緣。

1. Sinh năm 1930 tại tỉnh Giang Tô –Trung Quốc, tục họ Trương. Khi tôi mất, không thông báo tin buồn, không cúng kiếng, không lập mộ, không xây tháp, không dựng bia, không đúc tượng, không thâu lượm xá lợi. Lễ tang thỉnh một đến ba vị trưởng lão pháp sư đại đức thay nhau chủ trì các nghi thức nhập liệm, cáo biệt, trà tỳ, thực táng. Điều cốt yếu tổ chức nên đơn giản mà trang nghiêm, không được lãng phí phô trương, linh đường chỉ cần treo một câu thư pháp “Tịch Diệt Vi Lạc” để khích lệ tinh thần; không nhận vòng hoa và đối liễn phúng điếu, chỉ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” để cùng kết thiện duyên về miền Tịnh độ.

二、身後若有信施供養現金及在國內外的版稅收入,贈與財團法人法鼓山佛教基金會及財團法人法鼓山文教基金會。我生前無任何私產,一切財物,涓滴來自十方布施,故悉歸屬道場,依佛制及本人經法院公證之遺囑。

2. Hậu sự nếu có tín thí cúng dường tiền bạc và nhận được tiền bản quyền xuất bản sách sách trong và ngoài nước, tặng vào quỹ của hội từ thiện Phật giáo Pháp Cổ Sơn và hội Văn Hóa Giáo Dục Pháp Cổ Sơn. Tôi sanh tiền không có bất cứ tài sản cá nhân nào, tất cả của cải đều là của thí chủ thập phương cúng dường, nên chúng đều thuộc về đạo tràng, theo Phật dạy và di chúc của bản thân đã được tòa án công chứng.

三、凡由我創立及負責之道場,均隸屬法鼓山的法脈,除了經濟獨立運作,舉凡道風的確保、人才的教育、互動的關懷及人事的安排,宜納入統一的機制。唯在國外的分支道場,當以禪風一致化、人事本土化為原則,以利純粹禪法之不墮,並期禪修在異文化社會的生根推廣。

3. Những đạo tràng do tôi sáng lập và phụ trách, đều thuộc về pháp phái Pháp Cổ Sơn, ngoài việc kinh tế độc lập, giữ gìn đạo phong, đào tạo nhân tài, quan tâm lẫn nhau và sắp xếp nhân sự, nên nhập vào cơ chế thống nhất. Còn đạo tràng nước ngoài, nên dựa theo nguyên tắc nhất trí hóa về thiền phong, bản địa hóa về nhân sự, để không làm suy yếu thiền pháp thuần túy, đồng thời làm cho phương pháp tu thiền được đâm chồi bén rễ và ngày càng phát triển trong lòng văn hóa phương Tây.

四、法鼓山總本山方丈一職,不論是由內部推舉,或從體系外敦聘大德比丘、比丘尼擔任,接位之時亦接法統,承繼並延續法鼓山的禪宗法脈,亦不得廢止法鼓山的理念及方向,是為永式。佛說:「我不領眾,我在僧中」,方丈是僧團精神中心,督策僧團寺務法務僧斷僧行,依法、依律、依規制,和樂、精進、清淨。

4. Chức phương trượng Trung tâm Pháp Cổ Sơn, bất luận là do nội bộ suy cử, hay do hoặc bên ngoài chân thành kính mời đại đức tỳ kheo, tỳ kheo ni đảm nhiệm, khi kế vị cũng nên truyền thừa truyền thống pháp phái, thừa kế và tiếp tục mạng mạch thiền tông của Pháp Cổ Sơn, không được hủy bỏ lý tưởng và phương hướng của Pháp Cổ Sơn, những điều này là phương thức vĩnh hằng. Phật dạy: “ Ta không lãnh đạo đại chúng mà Ta ở trong đại chúng” (ngã bất lãnh chúng, ngã tại tăng trung), phương trượng là trung tâm tinh thần tăng đoàn, giám sát sách tấn việc tu học của tăng đoàn, quan tâm đến Pháp, đến Tăng và oai nghi của Tăng chúng, nương theo Pháp, theo luật, theo quy chế, an vui, hòa hợp, tinh tấn, thanh tịnh.

五、我的著作,除了已經出版刊行發表者,可收入全集之外,凡未經我覆閱的文稿,為免蕪濫,不再借手後人整理成書。

5.Trước tác của tôi, ngoài những kinh sách đã được phát hành và đăng báo, có thể tập hợp lại thành toàn tập, những bản thảo chưa được tôi duyệt qua, để khỏi phiền phức người sau không nên chỉnh lý thành sách nữa.

六、在我身後,請林其賢教授夫婦,將我的「年譜」,補至我捨壽為止,用供作為史料,並助後賢進德參考。故請勿再編印紀念集之類的出版物了。

6. Sau khi tôi qua đời, nhờ hai vợ chồng giáo sư Lâm Kỳ Hiền, đem “niên phổ” của tôi bổ sung cho đến khi tôi cuối đời, dùng làm sử liệu để giúp cho các vị hiền đức tham khảo. Không nên biên tập in ấn thành những tập kỉ yếu.

七、我的遺言囑託,請由僧團執行。我的身後事,不可辦成喪事,乃是一場莊嚴的佛事。

7. Di ngôn, di chúc của tôi, do tăng đoàn chấp hành. Hậu sự của tôi không thể tổ chức thành tang lễ mà chỉ là một Phật sự trang nghiêm.

八、僧俗四眾弟子之間,沒有產業、財務及權力、名位之意見可爭,但有悲智、和敬及四種環保的教育功能可期。諸賢各自珍惜,我們有這番同學菩薩道的善根福德因緣,我們曾在無量諸佛座下同結善緣,並將仍在無量諸佛會中同修無上菩提,同在正法門中互為眷屬。

8. Giữa Tăng tục tứ chúng đệ tử không đáng có những ý kiến tranh giành về sản nghiệp, của cải, quyền lực và danh vị, duy chỉ mong chờ vào lòng từ bi, trí tuệ, hòa kính và công năng giáo dục về bốn loại môi trường. Chư vị hiền đức mỗi mỗi hãy tự trân trọng, chúng ta có nhân duyên phước đức thiện căn cùng tu học Bồ tát hạnh, chúng ta từng kết thiện duyên trong đạo tràng của vô lượng chư Phật và cũng sẽ cùng tu tập vô thượng Bồ đề trong vô lượng chư Phật hải hội, cùng là quyến thuộc của nhau trong ngôi nhà chánh pháp.

九、在這之前本人所立遺言,可佐參考,但以此份為準。末後說偈:「無事忙中老,空裡有哭笑,本來沒有我,生死皆可拋。」

9. Đây là bản di ngôn tôi đã lập, có thể để tham khảo, nhưng lấy bản này làm chuẩn. Cuối cùng tôi nói bài kệ này:
“Vô sự mang trung lão,
Không lí hữu khấp tiếu,
Bản lai một hữu ngã,
Sanh tử giai khả phao.”
Tạm dịch:
(Già nua trong Phật sự,
Cửa không có khóc cười,
Xưa nay vốn vô ngã,
Vậy sống chết sá gì!”

Người sáng lập Pháp Cổ Sơn: Hòa Thượng Thánh Nghiêm

Liên Hải dịch

Trụ đá Asoka: xuất xứ và ý nghĩa

Tôi viết entry này qua những gì quan sát được trong thời gian sống và học tại đây và lưu giữ ở blog như là một tài liệu cá nhân.


I. Xuất xứ và ý nghĩa

Vua Asoka (304-232 trước tây lịch), một vị vua Phật tử có nhiều cống hiến rất to lớn cho sự truyền trì mạng mạch Phật pháp và cho đất nước Ấn Độ. Có rất nhiều tài liệu nói về sự nghiệp, sự cải đạo và chủ trương truyền bá chánh pháp Đức Phật của vị vua anh minh này. Một điều đặc biệt là sau khi quy y Phật giáo, vua Asoka đến chiêm bái Tứ Động Tâm - nơi di tích của bậc Đại giác đã để lại. Đến đâu, nhà vua ra lệnh khắc bia đá để làm dấu ấn đến đó. Các trụ đá, bia ký và pháp dụ Asoka được lưu giữ tại các viện bảo tàng ngày nay thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ Đức Phật và Đạo Phật của một vị vua thuần thành cũng như chủ trương duy trì và phát huy tinh hoa của Đạo Phật trong quá trình truyền bá Phật giáo ra khỏi bờ cõi đất nước Ấn Độ. Trị vì một lãnh thổ rộng hơn diện tích Ấn Độ bây giờ, vua Asoka đã gây tiếng vang không chỉ thời ấy mà mãi đến ngày nay. Một trong những biểu tượng nổi bật nhất của vua Asoka phổ biến ở Ấn Độ ngày nay là trụ đá có bốn sư tử. Chúng ta có thể thấy biểu tượng này ở đâu?

Trụ đá Asoka có bốn sư tử được vua Asoka cho khắc dựng làm kỷ niệm tại thánh địa ở Sarnath, nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên và tăng đoàn đầu tiên được thành lập, khi nhà vua đến viếng thánh tích này. Trụ đá này cao 50 feet (15.24 mét). Trên trụ đá có khắc chỉ dụ của vua Asoka rằng “không ai được gây chia rẽ trong tăng đoàn”. Nét đặc biệt của trụ đá Asoka ở Sarnath là trụ đá có đầu trụ là bốn sư tử dựa lưng vào nhau, đặt trên một trụ ngắn tròn. Trên bề mặt của trụ ngắn này có bốn bánh xe chuyển pháp luân, mỗi bánh xe gồm 24 căm, đặt xen kẽ với bốn con vật xung quanh: một con voi, một con bò đực, một con ngựa và một con sư tử. Tiếp nối với đoạn hình trụ là đế bán cầu hình hoa sen dốc ngược xuống.




Bốn sư tử quay về bốn hướng chỉ cho chánh pháp của Đức Phật, từ vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên và là nơi tạo dựng trụ đá này, được truyền bá khắp bốn phương. Bánh xe tương trưng cho bánh xe pháp luân chuyển khắp mọi nơi mọi chốn. sau này, các nước Phật giáo, các tổ chức Phật giáo và các cơ sở tu tập thích lấy biểu tượng bánh xe để trang trí, làm logo và biểu tượng cho tổ chức mình với ý nghĩa tương tự.


Bốn con vật trên trụ đá bốn sư tử ở Sarnath được các nhà nghiên cứu giải thích là tượng trưng cho bốn giai đoạn trong cuộc đời của Đức Phật. Voi tượng trưng cho ý niệm về giấc mơ của hoàng hậu Maya, mẹ của thái tử Sĩ Đạt Ta (sau này là Đức Phật), Bà nằm mộng thấy con voi trắng chui vào bên hông phải, rồi Bà thọ thai thái tử. Con bò đực là tượng trưng cho sự sung mãn hạnh phúc khi Đức Phật còn là một thái tử sống trong hoàng cung. Con ngựa tượng trưng cho sự ra đi tìm đường giải thoát khỏi khổ đau cho nhân loại. Đêm vượt thành xuất gia, thái tử ra đi trên một con ngựa. Con sư tử tượng trưng cho cuộc đời hành đạo viên mãn của Đức Phật. Pháp Ngài truyền giảng như tiếng rống của sư tử đánh thức bao con người lìa bến mê sang bờ giác. Bốn sư tử là biểu tượng cho những nền tảng căn bản của giáo lý Đức Phật dạy về chân lý, trí tuệ, hoà bình, lòng khoan dung và lòng từ bi lan tỏa khắp bốn phương.



Bên cạnh cách giải thích có tính tôn giáo, một số người giải thích trụ đá bốn sư tử của Asoka tai Sarnath theo cách phi tôn giáo. Theo cách giải thích này thì bốn sư tử tượng trưng cho sự thống lãnh khắp bốn phương của vua Asoka. Bánh xe pháp tượng trưng cho cho sự lãnh đạo sáng suốt của vua Asoka và bốn con vật tượng trưng cho các lãnh địa của Ấn Độ thời bấy giờ.


II. Trụ đá bốn sư tử của Asoka tại Sarnath bây giờ được tìm thấy ở đâu?

1. Trụ đá nguyên thủy ở Sarnath


Trụ đá vua Asoka cho khắc dựng tại Sarnath được xác định là khoảng năm 250 trước tây lịch. Trụ đá ấy, qua năm tháng thời gian, đã bị gãy đổ.






Phần thân trụ, còn bốn đoạn gãy và các mảnh vỡ, được lưu giữ ngay trên thánh địa nơi đánh dấu Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, bắt đầu vận chuyển bánh xe chánh pháp. Các đoạn trụ này được bao bọc trong một rào chắn, có mái che, cùng trong khuôn viên thánh tích, cách tháp Dhamek không xa.




Đầu trụ là bốn sư tử như đã mô tả ở trên, được lưu giữ tại viện bảo tàng Sarnath ngay gần khu thánh tích. Khách hành hương chiêm bái thánh tích sẽ nhìn thấy phần thân và đầu trụ đá này.


2. Trên quốc huy Ấn Độ
Biểu tượng bốn sư tử của trụ đá Asoka tại Sarnath được chọn làm quốc huy của đất nước vào ngày Ấn Độ tuyên bố dân chủ, ngày 26 tháng 1 năm 1950. Phần đế nửa vòm tròn có họa tiết hoa sen dốc xuống được cắt đi, thay vào đó là hàng chữ Devanagari “Satyameva Jayate” nghĩa là “chỉ có chân lý là chiến thắng” (Truth Alone Triumphs). Trên quốc huy, hình chụp trụ đá thấy được ba đầu sư tử dựa vào nhau, đầu sư tử thứ tư bị khuất. Ba trong bốn bánh xe được nhìn thấy, một bánh xe chính diện ngay ở giữa và hai bánh xe ở hai bên. Bốn con vật trên trụ đá chỉ thấy được con ngựa bên trái và con bò đực bên phải. Voi và sư tử khuất đằng sau.



a) Trên tiền: Vì được chọn làm quốc huy, nên hình ảnh trụ đá bốn sư tử Asoka này xuất hiện trên tiền giấy cũng như tiền cắc Ấn Độ. Ở tất cả các loại tiền giấy (10 Rs, 20 Rs, 50 Rs, 100 Rs, 500 Rs và 1000 Rs), biểu tượng quốc huy xuất hiện ở góc dưới bên trái.

Ở các đồng tiền cắc (1 R, 2 Rs và 5 Rs), biểu tượng này lớn hơn, nằm trên một mặt của đồng tiền.



b) Trên tem: biểu tượng này cũng xuất hiện trên tem thư.

c) Trên đầu giấy viết thư của các cơ quan nhà nước: biểu tượng quốc huy cũng xuất hiện trên tựa đề các đơn, thư của các cơ quan nhà nước.



d) Trên cơ sở của tổ chức ngoại giao: các cơ sở của tổ chức ngoại giao đều có biểu tượng quốc huy.






e) Trên hộ chiếu: bìa đầu tiên của hộ chiếu công dân Ấn Độ có biểu tượng quốc huy
3. Trên quốc kỳ Ấn Độ



Bánh xe chuyển pháp luân Asoka trên đế trụ đá Sarnath được chọn đặt vào vị trí trung tâm của lá cờ tổ quốc vào năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập. Cờ Ấn Độ có ba sọc ngang ba màu: vàng sậm, trắng và xanh biển, ở giữa là bánh xe 24 căm. Bánh xe chuyển luân này được đặt ở vị trí trung tâm lá cờ, chiếm ba phần tư (3/4) chiều cao phần màu trắng.






Ngày nay, trên bề mặt, Ấn Độ dường như không có Đạo Phật. Thế nhưng sâu thẳm trong triết lý sống, văn hóa, sinh hoạt, người Ấn thể hiện tinh thần, tính chất và nội hàm của Đạo Phật rất nhiều. Biểu tượng trụ đá bốn sư tử của Asoka tại Sarnath và ảnh hưởng của biểu tượng này đến đất nước và con người Ấn Độ cho đến ngày nay là một điển hình.

Tuesday, February 10, 2009

Nổi loạn ứng xử

Mọi sự nổi loạn trong ứng xử đều có liên quan đến những bức xúc trong tâm lý. Đây là phản ứng thường tình như là một bản năng tự vệ với những điều không như ý. Các cách ứng xử ấy, được cho là thô hay tế, tùy thuộc vào khả năng kiềm chế của mỗi con người. Khi khả năng kềm chế của con người đã cạn kiệt, hay đơn giản họ không muốn kềm chế, trong tâm học bức xúc thế nào, họ biểu hiện ra trong ứng xử thế đó. Người khách quan nhìn vào chê thô tháo, kẻ hành xử tự hào “tánh tui thẳng thắn vậy đó”!...

(khi nào rảnh, trở lại viết tiếp entry này)

Monday, February 9, 2009

Lạ


Khi tôi kể về thủ tục giấy tờ liên quan đến việc quản lý người nước ngoài (visa và giấy tờ tạm trú) cũng như việc học hành ở đây, bạn bè tôi bảo: sao lạ vậy? Khi tôi nói về cách làm việc giữa giáo sư và sinh viên trong lãnh vực nghiên cứu, bạn bè tôi cũng bảo: sao lạ vậy? Khi tôi kể về những thói quen của giáo viên, kể cả giáo sư, những người rất ‘pro’ ở đây, những thói quen không nên có của một người trong giới nghiên cứu học thuật, bạn tôi lại nói: sao lạ vậy? Khi tôi kể thêm vài nét sinh hoạt vốn trở thành nếp văn hóa của người Ấn, bạn tôi chỉ còn biết trố mắt: lạ vậy sao?!

Ở đây nhiều năm, đến giờ tôi vẫn thấy… hơi lạ! Đúng là đặc trưng của văn hóa!
Thật ra, thời gian đầu tôi cũng thấy những điều như thế là 'lạ lắm'. Một thời gian sau, thấy vẫn còn 'lạ' và bây giờ thì 'hơi lạ'. Từ 'lạ lắm' đến 'lạ' và rồi 'hơi lạ' là cả một quá trình chịu đựng, đến thích nghi để rồi chấp nhận. Chấp nhận, tôi không nghĩ đơn thuần là một tâm lý tiêu cực mà đó là một khả năng được nuôi dưỡng bằng kham nhẫn và nghị lực của chính mình. Tôi vẫn luôn cầu mong, tôi có khả năng làm thay đổi được những gì có thể thay đổi và có khả năng chấp nhận những gì tôi không thể thay đổi.
Từ 'lạ' đến 'hơi lạ' là một bước trưởng thành của tâm thức!

Sunday, February 8, 2009

The Jade Buddha (Tượng Phật Ngọc)




The Jade Buddha for Universal Peace is one of the largest and most magnificent Buddhas ever carved from gemstone-quality true jade. The Buddha, including lotus and throne will be nearly 3.5 metres (11.4 feet) tall. The Jade Buddha has been carved from one great boulder known as “Polar Pride”. It is a wonder of the world.
Lama Zopa Rinpoche has said “It will illuminate the world and bring inconceivable peace and happiness and help prevent the destruction that is happening so much in the world, including war.” The Buddha inside the Mahabodhi Stupa in Bodh Gaya (India) is the model for the Great Jade Buddha. This Buddha was chosen because it is universally recognised by all Buddhists.The Jade Buddha is on tour throughout major cities in Asia and Australia before being set up at The Great Stupa of Universal Compassion in Bendigo, Australia.

Monday, February 2, 2009

Cuộc sống


Trong cuộc sống, tự mình chọn cho mình một mục đích, tự hoạch định ra phương án và thực hiện các công đoạn để đến đích mình hoạch định. Cả ba yếu tố này đều có vai trò quan trọng và liên quan mật thiết với nhau để cùng tạo nên cuộc sống. Cuộc sống của mỗi cá nhân có thành công như mong đợi hay không tùy thuộc vào mỗi một yếu tố và sự phối hợp của cả ba.


Mục đích

Trong cuộc sống, người có ý thức và lý tưởng đều tự đặt ra cho mình một mục đích sống. Mục đích sống là cái mốc con người tự đặt ra cho mình để phấn đấu cả một đời để hướng đến. Mục đích có thể hiểu là ước mơ thiết thực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Muốn thành tựu được mục đích sống, chúng ta cần đứng trên mặt đất để xây dựng ước mơ và mục đích cho chính mình, chứ không nên mơ mộng viển vông. Mục đích sống đẹp tạo cho chúng ta một động lực để vươn lên, làm chủ những bản năng của mình, biết nắm bắt thời cơ, biết nương theo điều kiện, môi trường bên ngoài để vươn đến mục đích. Mục đích sống đẹp là sống để hoàn thiện mình, sống để phát huy tiềm năng mình theo hướng đem lại hạnh phúc cho mình, cho người thân và nếu có thể, cho cả những người không thân. Hạnh phúc ấy mình đạt được không phải từ sự đau khổ thiệt thòi của bao con người khác. Nói cách khác, mình không nên đứng trên vai người khác để trở thành cao! Mục đích sống đẹp là sống thể hiện giá trị nhân bản (tính chất người của con người), nhân đạo (tình người của con người) và nhân văn (tính sống tốt đẹp có văn hóa của con người) một cách đúng nghĩa trong xã hội cộng sinh của con người.

Người sống không mục đích như con thuyền không định hướng, cứ lênh đênh trên sóng nước, không làm chủ được vận mạng của mình, mặc cho sóng nước dập dềnh xô dạt, đẩy đưa về đâu cũng được. Người không có mục đích sống dễ sa ngã vào trong những cám dỗ, cạm bẫy của cuộc đời đời thường. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu sinh học của cơ thể, hầu như họ không có mục đích gì khác trong cuộc sống để phấn đấu. Con người, muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, nên luôn tự nhắc rằng, sống không phải chỉ để tồn tại. Nơi nào ta đến, mỗi bước chân qua, ta để lại dấu chân trên cuộc đời. Hãy để dấu chân ngay thẳng để khi có dịp nhìn lại, ta không tự áy náy với lòng mình và không cảm thấy có lỗi với người đi trước cũng như người đi sau.

Lập kế hoạch

Muốn viết một bài văn tốt, công việc trước tiên của người học là lập dàn bài. Muốn làm một công trình nghiên cứu, người thực hiện cần có một kế hoạch chương trình trong đó, mình vạch ra những gì cần làm, làm như thế nào trong thời lượng bao lâu, với tiến độ công việc thế nào. Một khi bước này được thực hiện tốt, người nghiên cứu sẽ không bị lạc hướng. Cuộc đời cũng cần có những kế hoạch theo cách thế như vậy, nhưng ở mức độ cẩn trọng cao hơn, vì cuộc sống không đơn giản như một công trình nghiên cứu hay một bài văn. Nhỏ như viết một bài văn, vừa vừa như một công trình nghiên cứu hay lớn hơn như một đời người, chúng ta nên có những hoạch định rõ ràng như vậy. Cần có những kế hoạch cụ thể để không chệch hướng và không bị động trước những quyết định lớn có tính chất quyết định trong cuộc đời mình. Khi có kế hoạch, chúng không phí thời gian để dò dẫm lần tìm mà còn có thể làm chủ được thời gian của mình để tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất.
Điều quan trọng nhất trong quá trình hoạch định chương trình của mình là phải có cái nhìn thấu đáo, khách quan trên bình diện rộng để những kế hoạch của mình được xây trên nền đất nơi mình đang đứng chứ không phải ngút tận mây xanh để rồi viễn cảnh được vẽ ra là một bức tranh toàn bích mà bản thân mình không thể nào thực hiện được dù chỉ một phần. Lập phương án không trên thực tế thì đó không còn là phương án nữa và như thế sẽ còn nguy hiểm hơn cả không hoạch định gì. Thiếu thực tế sẽ thành viển vông và đẩy mình vào thế giới của mơ tưởng, hoang tưởng rồi thất vọng càng nhiều hơn. Hãy bắt đầu ngay nơi mình đứng để lên kế hoạch cho tương lai. Cần nhón chân với tay để vươn đến mục đích nhưng nên nhớ, phải ở trong tầm với của mình để đủ cho mình một thử thách để nỗ lực và đủ để không làm thui chột tinh thần vì mệt nhoài, đau chân mỏi tay vẫn không với tới. Hãy bắt đầu lên kế hoạch cho công việc một cách cụ thể, đơn giản nhất bằng cách ghi ra những gì cần làm trong một ngày, một tháng hay một năm. Một khi việc lên kế hoạch cho những gì mình sắp làm trở thành một phần trong cuộc sống, chúng ta có được tâm thế bình an hơn, chủ động hơn, chí ít là đối với những gì mình có thể can thiệp được đối với cuộc sống của mình.

Thực hiện các công đoạn đã hoạch định trong chương trình

Khi đã có mục đích và kế hoạch làm việc, bước cuối cùng là hiện thực hóa kế hoạch ấy để thành tựu mục đích trong cuộc sống. Bước cuối cùng ‘hoàn thành sảm phẩm’ này cũng không kém quan trọng. Một phương cách làm việc có tính khoa học và nghệ thuật là đừng để công việc tạo áp lực cho mình. Với tâm thế nặng nề và mệt mỏi, chúng ta không thể đi xa trên đường dài cuộc đời. Với kế hoạch dài, trung và ngắn hạn đến từng ngày, thậm chí từng giờ, ta không gì phải lo lắng cuống cuồng quá mức mà cứ như thế, tuần tự giải quyết từng vấn đề một cách tốt nhất trong điều kiện có thể. Từng việc một trong từng giai đoạn cụ thể, cần hoàn tất chỉn chu và nghiêm túc nhất. Từ kinh nghiệm thực tế, kịp thời điều chỉnh kế hoạch để sử dụng thời gian tốt nhất. Cần hy sinh một số thú vui cá nhân và điều tiết bản năng thật tốt để giảm thiểu tối đa năng lượng ‘không có ích’ mà dành toàn tâm toàn trí cho việc học và làm. Không khô khan cứng nhắc bằng cách đúc khuôn mẫu sẵn và tự nén mình một cách đau khổ và trong khuôn ấy. Linh động và sáng tạo trong khi thực hiện một kế hoạch có tính mở với nhiều giải pháp lựa chọn dự phòng vẫn là thượng sách trong cuộc sống. Một điều luôn nhớ là dù có nhiều cách thực hiện một vấn đề, cách ấy vẫn không xa rời mục tiêu và phương hướng mình đã lập ra. Câu “đường nào cũng về La Mã” thật đúng khi dùng vào ngữ cảnh này. Hãy ý thức rõ, ‘La Mã’ của mình ở đâu để không lạc lối.

Cuộc đời là những chuỗi sự kiện chắp nối nhau. Nếu nhìn kỹ, sự kiện nào, dù ngắn, cũng có một quá trình. Cố gắng đặt các sự kiện chúng ta phải tham dự vào dưới cái nhìn phân tích để xác định mục đích, phương án khả thi và hành động cụ thể để mình ý thức và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Một cuộc sống có mục đích, có kế hoạch định hướng và các công đoạn này được thực hiện một cách hiệu quả là một cuộc đời đầy ý nghĩa. Ai thực hiện trọn vẹn những bước này trong suốt cuộc đời, người ấy đã trọn vẹn nghĩa sống làm người. Ngoài việc quản lý tốt thời gian của mình, người sống có kế hoạch sẽ bình thản hơn. Hãy là mình đi trong cuộc đời với đầy đủ ý thức về mình và những gì mình thực hiện. Hãy là mình với vai trò chủ động hơn với vận mạng chính mình. Đừng làm lục bình nổi trôi theo dòng chảy.

Sunday, February 1, 2009

Trời nhiều mây...

Trời thấp, mây âm u đan quyện vào nhau rồi bùng lên như thể đang gây gổ. Thế rồi từng luồng, từng luồng mây đen cuồn cuộn chen lấn, đẩy xô nhau chạy loanh quanh tưởng chừng như nghẹt thở! Hôm nay, mây có vẻ... hung dữ và thiếu kiên nhẫn quá! Trời vì thế mà không mấy bình yên!