Ngày nhà giáo nên được tổ chức thế nào cho ý nghĩa nhất? phải
chăng là phụ huynh đèo con đến nhà thầy cô giáo với những phần quà, hoa kèm
theo bì thư? Phải chăng đó là những buổi tổ chức một cách “hành chánh” tại
trường, nhạt như không thể nào nhạt hơn? Phải chăng đó là những câu khẩu hiệu
rỗng tuếch, hô thì to mà làm thì nhỏ xíu? Riết rồi cảm xúc của tôi cũng “idle” khi
ngày nhà giáo đến.
Nhân ngày 20/11 năm nay, tôi dịch bài nói chuyện và giao lưu của thủ
tướng Ấn Độ với các em học sinh. Cuộc trao đổi thật sinh động, tự nhiên, không
hề “diễn”, không có kịch bản, không có tổng duyệt, không có “gà bài” trước theo
kiểu con phải hỏi thế này, em phải phát biểu thế kia. Các em học sinh hoàn toàn
độc lập trong cách nghĩ, tự chủ trong phát biểu và đúng là “live”- trực tiếp
đúng nghĩa như vậy đó. Học sinh ở đây được… tôn trọng lắm! Tiếng nói của các em
được các chuyên gia giáo dục lắng nghe tại các hội nghị giáo dục ở các cấp tiểu
bang, liên bang và quốc gia. Tôi đã từng tham dự các cuộc Hội thảo giáo dục quốc
gia trước đó và các em học sinh là đối tượng chính tham dự hội thảo, bên cạnh
các chuyên gia giáo dục, chứ không phải “trên chỉ đạo, dưới làm theo” như ở quê
ta…
Cách giáo dục ở Ấn Độ tập cho các em có thói quen này ngay từ ở cấp tiểu học, hễ thắc mắc là
hỏi, không đồng tình là tranh luận (chứ không tranh cãi) và thỉnh thoảng, các
em có cơ hội để được gặp các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo cao cấp
của đất nước trong các dịp lễ.. Do đó, các em rất tự tin, dạn dĩ thể hiện mình
và cuộc thảo luận với thủ tướng lần này là một điển hình.
Nhìn người ta, nghĩ lại con em mình, tôi bùi ngùi, nghẹn đắng. Các
em nhà mình có nằm mơ cũng không có được môi trường giao lưu với các quan chức
cấp cao, chứ đừng nói đến thủ tướng quốc gia. Ngày khai trường năm nay, phó thủ
tướng Nguyễn
Xuân Phúc cũng có đến dự lễ khai trường, đánh trống khai trường và trao học
bổng cho học sinh nghèo tại một trường tiểu học ở Làng Sen, quê Bác Hồ. Thế
nhưng, Ngài đứng trên bục sân khấu cao quá, xa quá, nghiêm nghị quá, các em thấy…
choáng! Thật ra, các em chỉ được ngắm tí thôi chứ giao lưu thì tuyệt đối không!
Còn hỏi đáp ư? Xa vời quá! Tôi còn nhớ, hồi nhỏ, cô giáo chuẩn bị cho chúng tôi
“diễn” theo kiểu đối phó khi được báo có cấp trên về dự giờ thanh tra, đánh giá.
Bài học được dạy nháp, tổng duyệt và bọn tôi được phân công đứa nào nói gì, nói
khi nào theo đúng “kịch bản” của cô giáo. Nhàm không thể tưởng nhưng sợ cô nên
y lệnh mà làm. Rồi đồ dùng dạy học, mọi thứ, tất tần tật đều diễn để cả cô và
trò cùng đối phó và đây là triệu chứng căn bản của bệnh thành tích. Chỉ cần người
của Phòng giáo dục về trường thôi là từ hiệu trưởng đến lao công đều… căng
thẳng!
Ở Ấn Độ, con trẻ khỏe cái đầu hơn vì không có áp lực này. Vì lẽ
đó, sống trong môi trường giáo dục Ấn Độ gần 10 năm, tôi bị cuốn hút bởi cách
tổ chức, cách dạy, cách học của các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo và học
sinh ở đất nước này mất. Nó thoải mái vô cùng! Học sinh năng động và tự tin, tự
chủ với việc học của mình lắm. Nhìn các em lớp 3 vào thư viện tìm sách tham
khảo mà mình thèm, chừng nào trẻ em Việt Nam mình có được cách học này. Dù rằng
họ còn nhiều phương diện thua kém so với
một số nước bạn, nhưng ta đừng nghĩ Ấn Độ chỉ có những mảng tối như nghèo nàn,
mất vệ sinh hay gần đây như bạo động, hiếp dâm tập thể… mà quên đi họ có nhiều cái
hơn thiên hạ lắm, và rằng môi trường đào tạo con người của đất nước này đáng
cho chúng ta học hỏi đó!
Nhân ngày nhà giáo (5.9.2014), thủ tướng Modi có cuộc trao đổi,
trò chuyện trực tiếp với hơn 800 học sinh đại diện cho các trường phổ thông
công lập tại Trung tâm Manekshaw ở New Delhi. Bài nói chuyện và thảo luận này
được truyền trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia, radio và trên mạng
internet. Ngài cũng liên kết với học sinh các bang ở xa như Leh, Port Blair, Silchar (Assam), Imphal, Bhuj
(Gujarat), Dantewada (Chhattisgarh) và Thiruvannamalai (Tamil Nadu) thông qua cầu
truyền hình nối với các trung tâm thông tin quốc gia.
Hơn 11 135 000 học sinh trên toàn quốc theo dõi trực
tuyến chương trình này.
Sau phần diễn
thuyết, thủ tướng dành khá nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi. Sau đây là
phần hỏi-đáp trực tiếp giữa các em học sinh và thủ tướng tại Trung tâm Manekshaw nhân ngày nhà giáo 5.9 năm
nay:
Học sinh: Ngài có nghĩ đến việc thúc đẩy sự phát triển năng lực không?
Modi:
Chúng tôi sẽ cơ cấu một bộ chuyên biệt lo việc phát triển nhân lực. Thông điệp
của tôi là: Giữ cho trẻ em sinh động. Giữ nụ cười và hãy chơi đùa.
Các em học sinh đang nghe và thảo luận với thủ tướng Mahendra Modi |
Với câu hỏi của một học sinh đến từ Port Blair, Modi trả lời: phục
vụ đất nước không có nghĩa là phải làm điều gì to tát, vĩ đại. Làm một việc nhỏ
cũng là cách phục vụ lớn cho đất nước. Với các em, tôi chỉ mong các em trở
thành học sinh tốt và hãy chú trọng đến vệ sinh sạch sẽ.
Với câu hỏi của một học sinh đến từ bang Assam về sự thay đổi khí
hậu và môi trường, Modi trả lời: “Bao nhiêu trong số các em nhìn thấy mặt trời
mọc và mặt trời lặn? Các em phải học cách sống với thiên nhiên. Có lần tôi hỏi
trong một cuộc thi rằng, bao nhiêu trong số các em có thể xỏ chỉ vào kim trong
ánh sáng trăng? Chúng ta nên tắt đèn hay để đèn trong những đêm có trăng?”
Một học sinh từ Delhi hỏi “chính
trị có khó không? Làm sao Ngài có thể giải quyết tốt những căng thẳng?”
Modi trả lời “tôi tin rằng chính trị không phải là một nghề, đó là
một sự phục vụ. Tất cả người dân Ấn Độ là gia đình của tôi. Hạnh phúc của họ
chính là hạnh phúc của tôi và khổ đau của họ cũng chính là đau khổ của tôi. Tôi
muốn cứ tiếp tục theo hướng này mà làm việc.
Với câu hỏi của một học sinh đến từ Dantewada, Modi trả lời “tôi
thật sự rất vui khi nghe em hỏi về giáo dục từ một nơi từng đẫm máu do bạo loạn
Maoist.”
Với câu hỏi của một học sinh đến từ Port Blair, Modi trả lời “em
có quăng bừa cặp sách vở ngay khi vừa về đến nhà không? Có một số em về đến nhà là cất cặp sách và
giày đi học vào đúng vị trí. Có hai loại trẻ em. Em phải quyết định em muốn
thành loại nào.
Học sinh từ Leh: Hồi nhỏ ngài đi học, ngài và bạn bè có mê chơi
các trò trêu chọc ở trường không?
Modi: hồi
nhỏ tôi cũng nghịch lắm và trêu chọc. Tôi với mấy đứa bạn thường đem me chua
nhử thèm trước mặt mấy người thổi kèn, thế là họ không thể nào thổi được vì
nước miếng cứ tiết ra đầy miệng. Họ rượt đuổi chúng tôi. Còn trong tiệc cưới,
chúng tôi đem ghim bấm dính áo những người khách dự tiệc ngồi gần nhau. Nhưng
em hãy hứa với tôi, em không được làm những điều như vậy với bất kỳ ai.
Học sinh đến từ Thiruvananthapuram hỏi: ngài sẽ chú trọng đến một
học sinh thông minh nhưng lười hay một học sinh bình thường nhưng chăm chỉ?
Modi: một
giáo viên đứng lớp không nên có sự phân biệt nào cả. Tất cả học sinh đều thuộc
về người giáo viên ấy. Và mỗi một đứa trẻ đều có năng lực riêng.
Một học sinh hỏi: Ngài thấy trường ở Nhật rồi đó. Điều khác nhau về
cơ cấu trường ở đó và ở chúng ta như thế nào?
Modi: Ở Nhật, họ đặt tầm quan trọng vào việc học. Và tôi thấy phụ
huynh không đưa con em đến tận trường. Cha mẹ đối xử công bằng với tất cả những
đứa con của mình.
Một học sinh đến từ Imphal: làm thế nào em có thể trở thành thủ
tướng Ấn Độ?
Modi: Hãy
bắt đầu cho cuộc bầu cử thủ tướng năm 2024… và điều này cũng có nghĩa rằng, tôi
không có lo sợ gì vào thời điểm đó. Ấn Độ
là một nước dân chủ và bất cứ ai cũng có thể trở thành thủ tướng. À, khi
nào em tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, nhớ gọi cho tôi để tôi chúc mừng em nhé.
Học sinh: ngài được gì khi nói chuyện với các em thế này?
Thủ tướng Mahendra Modi và Smriti Zubin Irani, bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ trong buổi nói chuyện |
Modi: rất nhiều điều chúng ta làm đâu chỉ vì đem lại cho
mình được cái gì. Làm mà không nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình sẽ đem lại cho
ta một niềm vui lớn lao nhất. Thế nhưng
tôi cảm ơn truyền thông. Điều được duy nhất là cả nước đều có thể thấy hình ảnh
các em học sinh chứ không phải là các chính trị gia trong ngày nhà giáo.
Học sinh: Vai trò của thầy cô giáo đối với cuộc đời ngài là gì?
Modi: trình độ giáo dục phụ thuộc vào những kinh nghiệm mà
các em có trong cuộc sống. Với tôi, cả thầy cô giáo cũng như sự trải nghiệm
trong đời dạy tôi rất nhiều.
Học sinh: hồi nhỏ có khi nào ngài nghĩ, một ngày nào đó, ngài sẽ
trở thành thủ tướng quốc gia không?
Modi: tôi
chưa bao giờ nghĩ như vậy. Nền tảng về học hành của tôi cũng đơn giản lắm. Tôi
chưa bao giờ được làm lớp trưởng nữa mà. Thế nhưng, nuôi mộng trở thành một ai
đó tạo rất nhiều áp lực cho mình. Nếu không thể trở thành người mình mơ ước,
thì các em cũng khó có thể vui vẻ chấp nhận địa vị hiện tại của mình.
Học sinh: ngài cảm thấy thế nào khi chuyển từ Gandhinagar [thủ phủ bang Gujarat, nơi Modi từng làm thủ hiến
trong thời gian dài từ 2001 đến 2014] đến Delhi?
Modi: tôi cũng chưa có nhiều thời gian để xem Delhi nhiều,
chỉ tới lui giữa nhà và văn phòng. Tôi không nghĩ có thay đổi gì nhiều. Ừ, tôi cũng phải làm việc
nhiều, có lẽ dậy sớm hơn. Và cũng ý thức nhiều hơn với từ “thủ tướng quốc gia.”
Tuy
nhiên, không có khác nhau nhiều khi tôi còn làm thủ hiến bang và hiện tại là
thủ tướng quốc gia.
Một số câu trả lời khác:
Một số câu trả lời khác:
- Giáo dục, giáo viên và các giá trị, với
tôi quan trọng không kém kinh nghiệm bản thân mình: một thủ tướng quốc gia.
- Tôi tin chắc, các em là học sinh, hẳn có nhiều ước mơ. Nếu các em
xác định hướng về phía trước, không gì có thể ngăn cản đường em đi. Tuổi trẻ
của chúng ta rất tài năng.
- Tôi từng nói hôm ngày 15 tháng 8 [ngày kỷ niệm Độc Lập] rằng chúng ta cần đảm bảo không có trường nào
thiếu nhà vệ sinh được trang bị đầy đủ tiện nghi cho nữ sinh.
- Ngài Radhakrishnan không tổ chức sinh nhật cho riêng ngài. Ngài
tổ chức ngày ấy cho giáo viên. [ngày 5 tháng
9 hằng năm là ngày nhà giáo. Đây là ngày sinh nhật của Radhakrishnan, vị tổng
thống thứ hai của Ấn Độ. Lý do lấy ngày này làm ngày nhà giáo vì vào năm 1962,
một số học sinh và bạn bè xin phép tổ chức sinh nhật cho ngài, ngài nói thay vì làm sinh nhật riêng cho tôi,
tôi muốn dành ngày này để nghĩ nhớ đến các thầy cô giáo. Từ đó, ngày 5 tháng 9
được chọn làm ngày nhà giáo]
- Ấn Độ là một quốc gia trẻ trung. Tại sao chúng ta không nghĩ đưa
những giáo viên giỏi của mình ra nước ngoài dạy? Tại sao các bạn trẻ không thể
nghĩ: tôi muốn trở thành một giáo viên giỏi.
Tại sao nhiều người không muốn trở thành giáo viên, lý do là gì?
Chúng ta phải suy nghĩ về điều này. Thế giới cần nhiều giáo viên giỏi.
Hãy cảm thấy vinh dự khi nói về tương lai của Ấn Độ.
Tiện đây, bonus
thêm phần này:
Một số câu ấn tượng
của thủ tướng Mahendra Modi trong thư gởi các thầy cô nhân ngày nhà giáo
Tôi không phải
là người hiệu trưởng (headmaster) mà là người đốc công (taskmaster). Điều này có
nghĩa là tôi không đem công việc của mình chia cho người khác. Tôi bảo các cộng sự của
tôi rằng, nếu các anh có thể làm việc đến 11 tiếng một ngày thì tôi có thể làm
12 tiếng.
Sự kiên định và nghiêm túc của các thầy cô sẽ
định hướng cho số phận của đất nước. Tôi muốn thấy một ngày mà mỗi một học sinh
đều cảm thấy tự hào về thầy cô giáo của mình và mỗi thầy cô đều tự hào về những
học sinh của mình.
Kinh
nghiệm và ảnh hưởng của thầy cô giáo đối học sinh của mình sẽ theo suốt cuộc
đời các em. Các thầy cô là người đặt nền tảng và là những viên gạch để xây dựng
xã hội. Đây là một trách nhiệm vô cùng quan trọng bởi vì sự phát triển của những
thế hệ hiện tại và tương lai sẽ phụ thuộc vào đây.
Ngày nay, học đồng nghĩa với việc thu thập
thông tin hay thông thạo các kỹ năng đáp ứng cho nhu cầu của công việc và nghề
nghiệp. Đúng rồi, điều đó là quan trọng, nhưng tôi yêu cầu các thầy cô giáo mở
rộng chân trời suy nghĩ cho học sinh của mình. Hãy khuyến khích các em suy nghĩ
một cách nghiêm túc về những vấn đề lớn hơn liên quan đến đất nước, xã hội và
môi trường. Mục đích của chúng ta là phải đào tạo những công dân tốt, có khả
năng gìn giữ quá khứ và sáng tạo tương lai.
Những bài học để làm người công dân tốt cần được khắc sâu vào học sinh từ khi các em còn nhỏ để có lợi ích lâu dài trong việc tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Điều này đơn giản như luật giao thông, giữ gìn vệ sinh, quan tâm đến người yếu kém và tôn trọng người già. Hy vọng tôi có thể tin chắc sự hỗ trợ của các thầy cô sẽ là điểm khởi đầu của ngày nhà giáo năm nay. Chúng ta hãy cùng cống hiến cho nhiệm vụ này, cho công việc này.Mời các bạn thưởng thức bài hát về người thầy: