Monday, November 17, 2014

SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG

Ít có thứ tình cảm nào tác động mãnh liệt đến đời sống con người như tình thương yêu. Thông thường, cảm giác không được thương yêu làm cho con người mất đi sức sống. Người ta nói rằng khi đang thương yêu, toàn bộ quan niệm về cuộc sống của con người thay đổi. Phim nhạc kịch, sách báo nói về tình thương thường được ưa chuộng hơn bất kỳ đề tài nào khác. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, thực tập thương yêu là điều quan trọng, và đó cũng là cốt tủy của Đạo Phật.
Tu sĩ Phật giáo thường bị buộc tội là thờ ơ với nỗi khổ niềm đau của người khác. Một số ý kiến cho rằng thực hành thiền định chỉ là cách để đạt đến an lạc cho riêng bản thân mình mà không đoái hoài gì đến những khó khăn đau khổ của người khác. Người ta cho rằng lý tưởng tu hành của một tu sĩ Phật giáo khi thiền quán trong rừng hoặc tại bãi tha ma là không thực tế và xa rời cuộc sống đời thường, thậm chí trái ngược với xã hội. Chúng ta thử liên hệ vấn đề này với một câu chuyện trích trong kinh điển để thấy rằng Đức Phật và chư đệ tử của Ngài không thể là những người thiếu tâm từ hay thiếu lòng thương yêu.
Tình thương có sức cảm hóa
Một thời, Đức Phật du hành đến một nơi gọi là Āpana thuộc vương quốc Malla cùng với 2500 vị tỳ kheo. Khi nghe tin Đức Phật sắp đến viếng thăm, các hoàng tử trong vương quốc này thông báo rằng người nào không đến cung nghinh Đức Phật sẽ bị phạt. Một người tên Roja là bạn thân của Đại đức Ānanda cũng đến cung nghinh Đức Phật. Thấy Roja trong đám đông, Ānanda ân cần chào hỏi, nói rằng Ngài rất vui khi thấy Roja đến cung đón Đức Phật, nhưng Roja đáp rằng anh ta đến đây chỉ vì sợ phải nộp tiền phạt mà thôi.
Ānanda là một vị tỳ kheo mẫn cảm, thấy đau lòng trước thái độ thờ ơ của Roja đối với Đức Phật. Ānanda nghĩ, bạn của ta thật ngu si, không biết rằng đảnh lễ Đức Phật, Chánh Pháp và Chư Tăng sẽ có được công đức lớn và e rằng bạn mình sẽ mất đi cơ hội ấy. Ānanda đến trình với Đức Phật những suy nghĩ của mình về Roja, bày tỏ nỗi lo lắng về sự lợi lạc mà Roja sẽ không được hưởng. Đức Phật liền dạy Ānanda phát triển tâm từ đối với Roja. Riêng Đức Phật, Ngài cũng hướng tâm từ đến Roja.
Trong sinh hoạt thường nhật, Đức Phật luôn ban trải tâm từ đến tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Riêng hôm nay, vì lời thưa thỉnh của đại đức Ānanda, Ngài hướng tâm từ đặc biệt đến Roja. Ngay lập tức, Roja khởi lên một niềm tôn kính vô hạn đối với Đức Phật. Kinh kể lại rằng khi ấy, tâm Roja như một con bê mới sanh thể hiện lòng thương kính sâu sắc đối với mẹ. Thế rồi Roja không nén được lòng mình, liền đi khắp tu viện tìm Đức Phật. Nhờ chư tăng hướng dẫn, Roja tìm đến tịnh thất của Đức Phật, đảnh lễ Ngài với tất cả lòng thành tín.
Khi ấy, Đức Phật giảng cho Roja về lợi ích của việc tu tập giới, định và tuệ và sau bài pháp này, Roja chứng quả Dự lưu. Roja thỉnh Đức Phật cho phép mình được dâng cúng những vật dụng thiết yếu đến Đức Phật và chư tăng, đó là thức ăn, y phục, thuốc men và am thất.
Câu chuyện này chứng tỏ rằng tình thương là một động cơ tích cực có thể làm thay đổi đáng kể thái độ sống của con người. Tuy nhiên, tình thương cần được phát triển qua quá trình tu tập thiền định để trở thành sức mạnh tự nhiên của tâm thức, khi ấy nó mới có tác dụng thực tế trong cuộc sống đầy nhiễu nhương này. Hẳn nhiên, tình thương phải thành thật và bao dung mới có sức cảm hoá người khác.
Tình  thương vô điều kiện
Tình thương có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Thật ra, một tình thương vô điều kiện rất khó thực hành, vì nó không thuộc cảm tính và đòi hỏi phải hoàn toàn vô ngã. Tình thương vô điều kiện phải có lý trí soi đường chứ không đơn giản là chìu lòng người khác, bởi không phải lúc nào ta cũng có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Ngay cả Đức Phật cũng còn có nhiều kẻ thù dù rằng tâm từ bi của Ngài là vô hạn.
Một tình thương vô điều kiện là tình cảm cao quý vượt lên trên tình cảm thường tình của thế nhân. Khi Đức Phật từ bỏ ngai vàng, bỏ lại người vợ trẻ Yasodharā và đứa con thơ Rāhula, Ngài không phải là người vị kỷ và quên đi trách nhiệm, vì Ngài biết rằng hoàng thân Ngài sẽ bảo bọc chu đáo vợ con của Ngài. Dù rằng Ngài hết mực thương vợ, quý con và thương kính phụ thân Ngài, nhưng nhận thức được cạm bẫy của già, bệnh và chết, Ngài quyết chí ra đi là để tìm con đường thoát  khỏi sự đe doạ ấy.
Một người lính khi ra chiến trường, vì nguy cơ đến tính mạng, anh ta buộc phải đánh kẻ thù, mặc dù anh ta không muốn. Những người ở đằng sau thường coi người lính là anh hùng, đáng được tôn trọng mặc dù anh ta tạo nghiệp ác rất nặng là giết đi nhiều mạng sống. Trong lãnh vực tu tập, một vị bồ tát, mặc dù cũng ‘ra trận’ và ‘chiến đấu’ với kẻ thù, nhưng không tạo những nghiệp xấu ác như vậy. Kẻ thù ở đây không phải là kẻ thù riêng của một quốc gia hay một đảng phái chính trị nào mà là kẻ thù chung của nhân loại, có mặt ở mọi nơi. Kẻ thù ấy nằm ở bên trong mỗi người, đó là tham lam, khát ái, ích kỷ, thù ghét, sân hận, bướng bỉnh, ngạo mạn, ngu si, tự cao tự phụ vv… Với tình thương vô điều kiện, Thái tử Siddhattha trở thành một vị Bồ tát lý tưởng đã chiến thắng vinh quang trong cuộc chiến đầy cam go và thử thách ấy!
Không thể cảm hóa người vô duyên
Mặc dù tình thương vô điều kiện có sức mạnh phi thường, chúng ta cũng cần ý thức rằng tình thương ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng cảm hóa được những người không có duyên. Kinh kể lại rằng có một người bất hạnh ghét Đức Phật, đó là Māgandiyā. Bấy giờ nàng là một phụ nữ trẻ xinh đẹp. Cha mẹ nàng tìm cách gả nàng cho Đức Phật, người duy nhất xứng đáng mà gia đình đã chọn cho nàng. Đáp lại, Đức Phật thẳng thừng từ chối sự cầu hôn của cha mẹ nàng và nói rằng Ngài không thèm đụng, ngay cả bằng chân, đến cái thân thể chứa toàn đồ ô uế bất tịnh của nàng. Sự thật mà nói, cách trả lời như thế khó có thể là lời của một người thanh niên trẻ khi có người đến ngỏ lời cầu hôn. Hầu hết các thanh niên đều bị lôi cuốn hay ít ra cũng nói vài lời tâng bốc khi nhận lời ngỏ ý như vậy, nhưng Đức Phật thì không.
Chúng ta sẽ không hiểu tại sao Đức Phật lại nói một cách nghiêm khắc như vậy. Ở đây, Ngài nhận thấy rằng cha mẹ nàng Māgandiyā là người thâm hiểu giáo pháp Ngài dạy, nên Ngài dùng biện pháp mạnh để giúp họ phản tỉnh. Chẳng may, Māgandiyā không thể nào chấp nhận một sự thật bất như ý của cuộc đời như thế, vì tâm nàng chất chứa đầy hư ảo. Tình thương nhỏ hẹp của nàng không được đáp ứng, do đó nàng khởi tâm thù hận và về sau nàng đã hại nhiều vị đệ tử thuần thành của Đức Phật.
Thật ra, thể hiện tình thương yêu vô điều kiện là một điều không phải dễ dàng, phải không? Rộng rãi, tử tế với người tốt là việc dễ làm, ghét bỏ những người xấu là điều tự nhiên, thế nhưng thể hiện lòng yêu thương chân thật đối với tất cả mọi người không phải là việc bình thường ai cũng có thể làm được. Tất cả những người thiện đều muốn biểu lộ lòng yêu thương và tâm từ ái, thế nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Làm vừa lòng người khác chưa hẳn là thương yêu
Một lần có nhà vũ kịch đến hỏi Đức Phật, những người làm nghề vũ kịch sau khi chết sẽ thác sanh về đâu. Lần đầu tiên Đức Phật từ chối không trả lời. Nhà vũ kịch gặng hỏi nữa, Đức Phật trả lời rằng hầu hết họ đều bị đoạ vào địa ngục. Nhà vũ kịch tưởng rằng làm cho mọi người vui cười, nhờ đó sau khi chết sẽ được sanh về cõi trời, nhưng thật ra ông đã lầm. (Tương ưng bộ kinh 42:2)
Hãy suy nghĩ cẩn thận về vấn đề này. Làm những điều vừa lòng người khác không hẳn đã là thiện nghiệp. Trong hành vi cư xử, có nhiều cách để chúng ta làm vừa lòng người khác, nhưng hành động nào làm cho những ô nhiễm trong tâm tăng trưởng thì đó là nghiệp bất thiện. Người vũ kịch dựa trên những khuyết điểm nơi con người mà dựng nên những tình tiết giả tạo của cuộc sống để làm thỏa mãn tâm lý con người. Khổ nỗi, hầu hết con người có khuynh hướng chấp nhận những điểm yếu khuyết của mình mà không cố gắng khắc phục. Họ vui cười trong chốc lát để che lấp những khổ đau thực tế của cuộc đời mà không nỗ lực tu sửa. Do đó, nhà vũ kịch trong trường hợp này không giúp được gì cho con người trong quá trình tiến bộ tâm linh.
Đức Phật là hiện thân của lòng thương yêu vô điều kiện vì Ngài đã đoạn trừ mọi tàn dư của sân hận. Hoàn toàn khác với nhà vũ kịch, Ngài dạy đệ tử làm vui lòng mọi người với tất cả lòng từ bi. Lòng từ bi có sức mạnh vượt qua mọi nguy hiểm – cả sự nguy hiểm của bạo lực từ bên ngoài, lẫn nguy hiểm của sân hận, ganh tỵ, oán hờn và ích kỷ ở bên trong. Lòng từ bi làm cho tâm trở nên nhẹ nhàng và nhu nhuyến, như cành cây xanh tràn trề nhựa sống.