Trong cuốn “108 điều dạy của đức
Dalai Lama”, điều đầu tiên Ngài dạy rằng, “mỗi
khi cảm thấy hoang mang và mất tự tin thì hãy nghĩ ngay đến các phẩm năng tuyệt
vời của con người mà mình đang có, các phẩm năng ấy của quý vị chỉ mong sao
được nẩy nở thêm. Vậy hãy giữ lòng hân hoan nhìn vào kho tàng quý giá đó đang
được cất giấu bên trong nội tâm của quý vị: Hân hoan là một sức mạnh, vì vậy
quý vị hãy phát huy nó.” Như một món quà quý, một chiếc phao xuất hiện kịp lúc cứu vớt người
đang có tâm trạng “hoang mang và mất tự tin”, đức Dalai Lama đã truyền sức sống cho người mất
thăng bằng tâm lý ấy kịp lấy lại cân bằng và đứng vững trên đôi chân của chính
mình. Lời dạy này mới thấm thía làm sao!
Mất tự tin là điều nguy hiểm nhất làm ta chùn bước trong
cuộc sống. Nếu bạn thiếu sự tự tin nơi bản thân thì làm sao người ta có
thể tin tưởng mình, mà sống ở đời, không ai tin tưởng là một bất hạnh lớn nhất.
Khi mất tự tin, ta không thấy mình có giá trị gì cả và mình không thể chấp nhận
bản thân. Như vậy, nếu không có giải pháp để thay đổi thái độ sống, ta sẽ thất
bại vì sự mất tự tin. Không phải ngủ qua một đêm, từ người mất tự tin, ta trở
nên tự tin vào bản thân mình, mà rèn tự tin là cả một quá trình, nhưng ai cũng
có thể đạt được nếu nỗ lực đúng cách.
Chấp nhận
chính mình
Chấp nhận
chính con người mình không phải là hài lòng, tự mãn với những gì mình có để rồi
không nỗ lực phấn đấu. Không phải ta hài
lòng kiểu AQ, tự thưởng cho mình như một “phép thắng lợi tinh thần”, rằng “em
xinh em đứng một mình cũng xinh”. Chính tâm lý AQ làm ta thui chột ý chí. Ngày
bé đi học, tôi được các cô giáo dạy: “nước Việt Nam ta rừng vàng, biển bạc, đất
phì nhiêu…” Nhiều người lên án, cho rằng dạy cho thế hệ trẻ như vậy là sai lầm,
làm phát sinh tư tưởng ỷ lại, thiếu cố gắng. Chẳng có gì sai khi nói như vậy. Ta
có quyền ghi nhận với một chút tự hào khi thiên nhiên trao tặng cho ta đường bờ
biển dài gần 3.500km, hàng triệu km2 thềm lục địa, hàng nghìn con
sông lớn nhỏ, có nhiều sản vật quý, núi rừng chiếm đến 40% diện tích, với những
cánh rừng nguyên sinh, hệ động vật và thực vật vô cùng phong phú. Thế nhưng, tất
cả điều là tiềm năng chờ đợi những bàn tay, khối óc, tâm huyết của những người
công dân Việt Nam gìn giữ, bảo vệ và phát triển. Sẽ sai lầm khi chúng ta không
biết làm gì với “rừng bạc, biển bạc” và một sai lầm khác nếu ta phủ nhận hoặc
nói khác đi rằng chúng ta không có tiềm năng gì về rừng, khoáng sản trong lòng
đất và chẳng có lợi thế nào về địa hình phong phú và đường bờ biển dài như vậy.
Thái độ đúng đắn là ta ghi nhận những gì mình có để lấy đó làm nền tảng để xây
dựng, phát triển.
Dù quá khứ có khó khăn đến đâu chăng nữa, bạn cũng có thể bắt đầu trở lại từ ngày hôm nay |
Chấp nhận
mình là xác định chỗ mình đứng để từ đó có kế hoạch cụ thể cho đường đi của đời
mình. Để có thể bắt đầu tự tin, bạn nên bình tâm ngồi lại, hãy nghĩ ngay đến và
liệt kê tất cả “các phẩm năng tuyệt vời của con người mà mình đang có” trên một
tờ giấy. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhắc nhở rằng mình đang sở hữu rất nhiều tố
chất đáng quý, hãy xem đây là kho báu được cất giấu trong nhà mình. Vấn đề là
ta cần biết cách sử dụng kho báu mình có để đem lại an vui, hạnh phúc cho chính
mình và cho người khác.
Ta có nhiều
phẩm năng tuyệt vời của con người
Nhân cách
con người cũng vậy. Ta có quyền nhìn nhận về những “phẩm năng tuyệt vời của con
người mà mình đang có” như lời ngài Dalai Lama dạy, tự tin về điều này và lấy
đó làm bệ phóng để phát triển nhân cách, đạo đức và những phẩm năng tuyệt vời ấy
ngày càng hoàn thiện hơn. Những cái ta đang có rất nhiều. Trong phạm vi bài viết
này, tôi chỉ bàn về vài phẩm năng tuyệt vời nơi con người mà bạn có:
Sức sống
Ta đang có
sức khỏe và đây là một hạnh phúc lớn của đời người. Nếu bạn là người bình thường,
bạn khỏe hơn rất nhiều người khác, hãy cảm ơn điều này. Cứ nhìn những người
thân, người quen quanh mình, bạn sẽ thấy mình may mắn biết dường nào. Nếu bạn bệnh,
thì vẫn còn hạnh phúc hơn bao người bệnh khác đang điều trị tại bệnh viện. Thậm
chí nếu bạn đang nằm một bệnh viện nào đó, thì điều này vẫn tốt hơn người đang
nằm xạ trị, hóa trị ở bệnh viện ung bướu. Nếu bạn là người đang theo phác đồ điều trị
ung thư tại các bệnh viện đặc trị chứng bệnh này, bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc
hơn nhiều người khác đã ra đi sớm hơn từ lâu rồi với căn bệnh giống bạn. Nếu
bác sĩ nói rằng bạn chỉ còn một thời gian ngắn ngủi nữa trên cõi đời này thì điều
ấy cũng tốt thôi. Chết là cái không ai tránh khỏi, hà cớ gì phải sợ, may mắn của
bạn là được biết trước khoảng nào việc ấy đến, trong khi vô số người không có
cơ hội để biết trước điều này. Nhìn thấy rõ như vậy, bạn sẽ tự tin hơn bạn
nghĩ.
Sức khỏe
không quan trọng bằng sức sống. Có thể ta không có nhiều sức khỏe, ta vẫn có sức
sống dồi dào nếu có thái độ sống như tôi vừa trình bày. Sức sống là nguồn năng
lượng mãnh liệt nhất ở con người. Ngay trong tình huống sức khổ kiệt quệ nhất,
chính sức sống vực chúng ta dậy và tạo niềm an tâm cho những người thân. Con
người ta không ai có thể lột da sống đời, đây là quy luật vận hành khách quan không
phụ thuộc vào ý muốn con người. Ai cũng một lần ra đi, thế nhưng khi đối mặt với
cái chết được dự báo, nếu ta bình tâm, thanh thản đón nhận sự thật ấy thì người
thân ta không đau buồn, ngược lại ta còn truyền cảm hứng sống tích cực cho bao
người trong cuộc đời này. Có sức sống là có tự tin để chất lượng cuộc sống tốt
hơn với quỹ thời gian còn lại trên cuộc đời.
Sự nỗ lực vươn lên
Đã là con
người thì ai cũng có sự nỗ lực vươn lên và đây là một trong những yếu tố góp phần
duy trì nòi giống và phát triển xã hội. Có điều, không phải lúc nào phẩm năng
tuyệt vời này cũng có thể phát huy tác dụng của nó. Những lúc ta hoang mang và
mất tự tin là lúc “huyết áp nỗ lực” bị tụt nặng! chỉ số này chìm hẳn xuống và
ta trở thành “bệnh nhân” vì mạch sống trở
nên trầm! Hơn lúc nào hết, chúng ta phải kịp thời tìm cách để kéo mình trở về với
trạng thái năng động, phấn chấn, tích cực và đầy trách nhiệm với cuộc đời mình
và cộng đồng. Về phương diện cá nhân, ta phải nhắc mình, chỉ có ta mới có thể
làm thay đổi cuộc đời của chính mình, tất cả các yếu tố khác, ngay cả những người
thân yêu nhất hay những trở ngại to lớn tưởng chừng đè bẹp mình, cũng không đủ
sức thay đổi đời ta nếu ta không đem quyền tự chủ giao nộp cho người khác hoặc
các yếu tố bên ngoài.
Nỗ lực là sự
dồn năng lượng vào việc tận dụng những gì ta đang có trong hoàn cảnh hiện tại để
tạo một cú hích cho đời mình để không đứng trước vực thẳm của tuyệt vọng. Đừng
trông chờ vào sự may mắn. Cần mẫn, nỗ lực làm công việc của mình như nhặt từng
cánh hoa rơi tự xâu kết thành tràng còn thực tế nhiều lần hơn so với việc lười
lao động và mua vé số để đợi cả tràng hoa tự động rơi vào tay mình. Thật đúng
lúc nếu trong tâm trạng không được tốt thế này mà ta có thể nhớ lại lời nói của
Lucille Ball, nữ diễn viên Hollywood nổi tiếng rằng: “may mắn ư? Tôi không biết may
mắn là gì cả. Tôi chưa bao giờ trông chờ điều đó, thậm chí còn ngại tiếp xúc với
những người gặp may. Với tôi chỉ có sự nỗ lực và nhận biết cái gì là cơ hội cho
mình, cái gì là không”. Không có gì thay thế được sự nỗ lực. Henry Ford từng
nói: “Càng nỗ lực làm việc, càng may mắn nhiều hơn”. Sự nỗ lực và quyết tâm
luôn có người bạn tốt đồng hành là kiên trì.
Kiên trì
Nhờ có ý thức
của một sinh vật cấp cao, con người hơn hẳn các động vật cấp thấp ở khả năng
kiên trì. Con người có thể kiên trì vì hiểu rõ những vất vả, khó khăn, công sức,
thời gian, tài sản mình đang bỏ ra là đầu tư chứ không hề mất, mà sẽ đưa đến kết
quả tốt đẹp trong tương lai không xa. Con người có thể kiên trì vì với trí não
phát triển vượt bậc, sinh vật cấp cao này có khả năng quan sát xa rộng, khả
năng tư duy và phán đoán vượt không gian, xuyên suốt thời gian để thấy rõ tương
quan nhân-quả mà không vội nản lòng bỏ cuộc khi kết quả chưa đến. Chúng ta cùng
ôn lại lời phát biểu nổi tiếng của
Calvin Coolidge, tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ về sự kiên trì. Ông nói, “không gì thay thế được sự kiên trì. Tài
năng cũng không, bởi lẽ cuộc sống thường có rất nhiều người tài giỏi mà không
thành công. Năng khiếu cũng không, vì rất nhiều thiên tài không được công nhận.
Giáo dục cũng không, vì thế gian đầy ắp những người có học nhưng không được tuyển
dụng và nhìn nhận. Chỉ có sự kiên trì và quyết tâm là thể hiện sức mạnh vô hạn”.
Sự nhẫn nại
là người cộng sự đắc lực của kiên trì và sự chung sống giữa chúng cũng đem lại
niềm vui riêng. Vận động viên đầu tư rất nhiều năm khổ luyện chỉ vì một vài
phút giây chinh phục đỉnh cao. Sự kiên trì thể hiện ở tinh thần quyết tâm hoàn
thành công việc mình đã chọn. Những lúc kiệt sức, ta thường muốn bỏ cuộc, nhưng
nên nhớ rằng ta là con người, không nên bỏ phí phẩm năng tuyệt vời mà chỉ có ở
con người này. Kiệt sức và bỏ cuộc là để dành cho con vật, và cho những ai quá
yếu đuối không đủ sức để bảo vệ và phát huy phẩm năng quý giá của con người. Nếu
ta không muốn thuộc loại người bạc nhược ấy, hãy biết kiên trì cho đến hoàn
thành công việc mà mình đã bỏ ra nhiều thứ. Người thiếu kiên trì thì “đầu voi,
đuôi chuột”, khởi đầu công việc khí thế lắm. Tuy nhiên, khi gặp trở ngại, họ liền
chùn chân, kết quả là họ chẳng bao giờ làm trọn vẹn việc gì, đừng nói đến thành
công mỹ mãn.
Sự kiên trì được động viên nhờ mục đích mà ta hướng
đến. Do vậy, để có thể nuôi dưỡng kiên trì, yếu tố cần thiết cho sự thành công,
ta cần phải có mục đích sống được cụ thể
hóa qua từng sự kiện, từng hoạt động của mình. Cuộc đời không có mục
đích giống như thuyền không lái, sống mòn lây lất qua ngày. Với cách “sống qua
ngày, chờ qua đời”, ta chỉ làm nặng gánh cho cộng đồng ta có mặt, uổng phí một kiếp người. Người không có
mục đích sẽ không bao giờ kiên trì vượt khó và không bao giờ trải nghiệm được cảm
giác mãn nguyện trong đời. Kiên trì là viên ngọc quý chỉ có con người mới có,
ta hãy trân quý và đem viên ngọc này ra sử dụng cho nó càng ngày càng sáng,
càng đẹp hơn lên.
Ý chí và nghị
lực
Ý chí và nghị lực giúp con người ta vượt qua mọi trở ngại
của cuộc sống. Ý chí và nghị lực không tự nhiên mà có, cũng không phải di
truyền, nhưng nó vốn đã có mầm trong tâm con người ở dạng tiềm năng, do rèn luyện mà trở nên mạnh hay yếu. Người có ý
chí là người có khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động
của mình, khắc phục mọi khó khăn nhằm đạt mục đích đó. Người có nghị lực là người
biết sử dụng sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động,
không lùi bước trước những khó khăn. Không quan trọng ta đang ở đâu mà quan trọng là ý chí và nghị lực của ta đang
hướng về đâu. Chúng ta có thành công có đạt tới đỉnh cao của cuộc sống hay
không là do ý chí nghị lực và niềm tin ở trong chính chúng ta. Khi niềm tin vào
chính mình hơi lung lay thì đó là lúc tốt nhất ta nhờ nghị lực và ý chí kềm giữ,
hỗ trợ để niềm tự tin sống khỏe trở lại mà đi tiếp chặng đường đang chờ phía
trước.
Nếu có vấp
ngã vì những ổ gà, hay ụ đất, tảng đá chướng duyên trên đường ta đi, âu cũng là
chuyện thường. Không có gì chướng ngại trong cuộc sống mới là chuyện… không
bình thường. Đừng mong không gặp chướng ngại, mà mong sao mình đủ ý chí để
không chệch hướng đi, đủ nghị lực để đứng dậy từ chỗ vấp ngã và vượt qua “chướng
ngại vật” để bước tiếp. Hãy xem những
gian truân của cuộc sống là cơ hội để kiểm tra nội lực của mình, để rồi mình
biết lượng sức mà không chủ quan. Ý chí và nghị lực giúp ta khám phá bao điều
nhiệm mầu của cuộc sống đang nằm phía trước, ngay dưới chân ta đứng mà nếu bỏ cuộc,
ta bỏ đi những cơ hội quý giá này.
Nếu có phút giây chùng lòng vì hoang mang và mất tự tin, bạn hãy dừng lại
và nghĩ về đích đến đầy ý nghĩa mà mình đã định hướng từ khi mới bắt đầu, tôi
tin không ai trong chúng ta dừng lại giữa đường.
Dù đang giữa đường hầm tối om, ta
tin có tia sáng ở cuối đường hầm, ta cứ vững chãi từng bước đi tới. Lạc quan là
người bạn tốt của ý chí và nghị lực. Thomas Edison là người lạc quan và luôn
nhìn thấy sự tuyệt diệu trong mọi thứ. Ông không ngại thử nghiệm tới lần thứ
10.000 trước khi tìm ra loại vật liệu phù hợp nhất cho việc chế tạo dây tóc
bóng đèn. Thất bại trong đời nằm ở chỗ người ta không nhận ra được họ đang rất
gần với thành công; ngay lúc đó, họ lại bỏ cuộc. Mỗi chúng ta sinh ra trên đời này là để gặp thử thách, chinh
phục thử thách; do vậy, có thử thách có khó khăn thì ta mới cảm nhận được hết ý vị cuộc đời. Khi tâm đã quyết, chướng
ngại lớn trở thành nhỏ. Khi tâm đã ngại, khó khăn nhỏ như hạt cát trở thành như
hòn núi cản đường ta bước. Bạn có thể dừng lại, hoặc vượt qua, hoặc tìm đường
khác ít mạo hiểm hơn để đi vòng khi phía trước là đoạn đường rất ghập ghềnh và
nguy hiểm. Ta có quyền chọn lựa và cách ta chọn lựa sẽ định hình nên ý chí và nghị
lực của con người mình.
Thái độ sống
tích cực
Trên đời này, có thể ta
không được phép chọn nhiều thứ, ví dụ ta không thể chọn cha mẹ, ta không thể
chọn nơi mình sinh ra cũng như hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội, thế nhưng
có một thứ ta hoàn toàn có quyền chọn, đó là thái độ sống. Ta không được chọn
cho mình một hoàn cảnh sống, nhưng ta có thể lựa chọn một thái độ của mình
trước hoàn cảnh đó. Nếu bây giờ bạn vẫn chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại
thì thay vì cứ đắm mình mãi trong sự bực tức, oán than, tiếc nuối, tại sao bạn
không nghĩ khác đi, không tự mình thay đổi nó? Nói về thái độ sống, ta
không được phép quên câu nói của Charles R. Swindoll rằng, “chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không thể thay đổi sự thật
rằng mọi người sẽ hành động theo cách của họ. Chúng ta cũng không thể thay đổi
được những điều không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể “tấu lên” một “giai
điệu” mà chúng ta có, đó chính là thái độ. Tôi tin rằng cuộc sống là 10% những
gì xảy ra với tôi, 90% còn lại là cách tôi phản ứng với nó. Bạn cũng thế –
chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của chính mình.” Một thái độ tích cực
sẽ cung cấp cho ta một nguồn năng lượng mạnh mẽ, giúp bạn hình thành sự tự tin.
Chính sự tự tin đó sẽ thúc đẩy bạn hành động và cách bạn hành động như thế nào
sẽ là câu trả lời rằng những điều bạn mơ ước có thể trở thành hiện thực hay
không.
Trong mọi tính huống, ngay
cả trong lúc khó khăn nhất, bức bách nhất cũng nên nhìn đời, nhìn người bằng
ánh mắt tích cực nhất. Ta chưa có được trọn vẹn những gì mình mong muốn, cũng
nên nhìn đời bằng thái độ “nửa ly nước đầy”. Thấy mình CÓ nửa ly nước mà không phải chiếc ly không, lòng ngập tràn hạnh
phúc; thấy mình sao CHỈ CÓ nửa ly mà
không đầy ly, ta khổ đau, buồn tủi. Người nào mong ước đời dọn cỗ sẵn cho ta
nhập tiệc, sẽ không bao giờ biết đên hạnh phúc chân thật là gì. Hạnh phúc như
ngọc ở trong đá, hạnh phúc như mật ở trong hoa, không đến với ai không cần cù
tìm kiếm. Do vậy, hãy sử dụng châu báu trong con người mình để đem lại cuộc
sống hạnh phúc hơn là chờ đợi sự ưu ái của cuộc đời. Hãy học cách tư duy tích
cực qua lời Norman Vincent Peale, ông tổ
của trường phái tư duy tích cực, rằng nếu đời cho bạn một trái chanh, thì bạn
hãy pha cho mình một ly nước chanh thật ngon. Việc đi tìm cái ly, tìm nước, tìm
đường là công việc của mỗi người chúng ta nếu muốn uống nước chanh. Khi tự tay
mình pha được ly nước chanh và thưởng thức nó, niềm vui thấm nhuần khắp thân
thể các bạn à. Thành công đến từ tự lực, tự chủ và phát huy tất cả nội lực của
mình, với một chút trợ duyên từ người ngoài như một chút gia vị, sẽ vô cùng ý
nghĩa với chúng ta.
Trên đây
tôi nhắc đến một vài món châu báu bạn và tôi đều có trong người. Một khi ta
biết sử dụng những của quý này cũng như bao nhiêu của quý ta còn cất kỹ trong
bản thân minh, tôi tin rằng, chúng ta trở thành người giàu có, không phải giàu
về tiền bạc tài sản thế gian mà giàu về chất lượng sống vui, sống khỏe, sống
đầy tình người với sự viên mãn về tinh thần và tâm linh. Một khi biết sử dụng
đúng cách tài sản tâm linh của mình, trạng thái hoang mang, không tự tin sẽ
không còn chỗ đứng trong lòng mình. Mỗi ngày, mỗi ngày mới đang chờ
đón thái độ tích cực, tâm trạng hân hoan để làm cho chất lượng cuộc sống mình
trọn vẹn. Hãy mỉm cười với chính mình và thầm cảm ơn cuộc sống, cảm ơn những
nhân lành mình đã gieo từ trước để có được những gì đang có trong hiện tại với
nhiều của báu còn cất dành chưa sử dụng đến hoặc mới sử dụng chỉ một phần.
Chần chừ gì nữa mà không tự
trang sức mình bằng những châu báu đầy nhà như sức sống, sự nỗ lực, kiên trì, ý
chí và nghị lực cũng như thái độ sống tích cực cùng nhiều món trang sức giá trị
khác để tận hưởng hạnh phúc của một kiếp người.
Hạnh phúc trong tầm tay,
đừng để nó vút bay…