Trong
cuộc sống, không lúc này thì khi khác, chúng ta bị người khác làm tổn thương.
Chúng ta có cảm giác rằng mình bị đối xử tồi tệ, niềm tin bị mất đi và trái tim
chùng lại. Có khi nỗi đau này không quá lớn, chúng ta ít bị chi
phối, song có nhiều nỗi đau đeo đẳng chúng ta trong một thời gian khá lâu.
Chúng ta cứ thả dần cho nỗi khổ niềm đau vơi nhẹ và cả một thời gian dài, chúng
ta mới có thể để cho niềm đau ra đi.
Điều này
gây không ít khó khăn cho chúng ta. Nó không chỉ gây nên sự bất an trong lòng,
nó còn làm cho căng thẳng hoặc phá vỡ các mối quan hệ, khiến chúng ta xao lãng
trong công việc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của mình và những điều
quan trọng khác trong cuộc sống, làm cho chúng ta giảm niềm tin yêu với con
người và cuộc sống. Như vậy, chúng ta đã tự chui vào bẫy của vòng lẩn quẩn giận
hờn khổ đau và không thể thưởng thức được những điều tươi đẹp vốn rất nhiều mà
cuộc sống đang đem lại.
Do vậy,
chúng ta phải học cách xả ly và tha thứ. Chúng ta cần học cách tha thứ, để rồi
chúng ta có thể bước qua những khó khăn về tâm lý và cân bằng lại cuộc sống để
có được hạnh phúc mà chúng ta có quyền được hưởng.
Một điều
có vẻ như khó tin, nhưng đó là một sự thật, đó là: Tha thứ có thể giúp chúng ta
thay đổi cuộc sống. Nghiên cứu trong những năm gần đây đưa ra kết luận rằng,
người nào có thể tha thứ có được nhiều lợi ích thiết thực về phương diện tâm
lý, tình cảm và tình trạng sức khỏe. Frederic Luskin, tác giả của cuốn sách
từng là best seller có tựa đề Forgive for Good: A Proven Prescription for
Health and Happiness and Stress Free for Good (Harper Collins, 2002), là giám
đốc điều hành chương trình nghiên cứu về tâm lý tha thứ của đại học Stanford ở
Palo Alto, California, cùng các đồng sự khác tiến hành một nghiên cứu kéo dài 4
năm về tác dụng của tâm lý tha thứ. Các nhà nghiên cứu này tiến hành một nghiên
cứu thực tế với ba nhóm đối tượng khác nhau, gồm các phụ nữ ở Bắc Ái Nhĩ Lan đã
có con hoặc người thân mất trong các trận chiến tranh dưới danh nghĩa tôn giáo.
Kết quả nghiên cứu này thu nhận được là người nào được hướng dẫn và thực hành
tâm lý tha thứ cho hành động sai lầm của đối phương khi đã giết con mình sẽ
giảm đi 70% cảm giác đau buồn và các triệu chứng về các bệnh như tâm trạng căng
thẳng, lo lắng, đau lưng, đau đầu và đau dạ dày giảm đi 27%. Người ấy cũng có
thái độ sống lạc quan hơn, có tâm bao dung hơn và tự tin hơn.
Tom
Farrow, một bác sĩ tâm lý trị liệu, ở đại học Sheffield, Anh, nghiên cứu về ảnh
hưởng của tâm lý tha thứ đối với bộ não. Ông và các cộng sự dùng các thiết bị
cần thiết để CT bộ não và thấy rằng thùy não trước, vùng chịu trách nhiệm giải
quyết vấn đề và lý giải các tư tưởng phức tạp, hoạt động nhiều hơn ở người thực
hành tha thứ. Một số nghiên cứu khác tìm thấy người nào có khả năng tha thứ sẽ
có nhịp tim đập chậm, không bị cao huyết áp và tinh thần cảm thấy thoải mái hơn
so với người cứ nuôi dưỡng niềm đau trong thù hận.
Tha thứ,
từ Pāli là khama, cũng có nghĩa là “trái đất.” Trong kinh, Đức Phật cũng dạy
chúng ta giữ tâm như đất là muốn nói đến thái độ không phản ứng và bình thản
trước những điều bất như ý tác động đến mình. Khi ta tha thứ người nào đó đã
làm những điều tổn thương đến mình, nghĩa là ta quyết định không trả đũa, không
tìm đến để trả thù. Ta không cần phải thích người ấy, mà đơn giản là không tự
mình đeo mang thêm gánh nặng của oán hận, và cắt đi sự báo oán lẩn quẩn vốn đưa
đẩy chúng ta vướng vào vòng luân hồi oán cừu tranh đấu thù hằn. Tha thứ là một
món quà ta tặng cho cả hai, bản thân ta và người đã làm tổn thương mình. Món
quà này ta đã làm ra, người kia không hề biết hay hiểu ta đã làm như thế nào.
Tha thứ
cho người nhưng chính bản thân ta được lợi ích trước tiên với quà tặng của lòng
nhẹ nhàng, thanh thản. Việc giữ tội lỗi của người khác trong lòng mình cũng
chẳng khác gì mang tảng đá trên lưng. Tha thứ là vứt tảng đá nặng ta đang mang
trên lưng ấy xuống. Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng ta tha thứ cho ai đó
là mình làm phước cho người, tốt với người. Thật ra, khi tha thứ, có thể người
mình tha thứ không hay biết gì, cũng chưa hưởng được lợi ích gì, nhưng người
hưởng lợi trước hết và cụ thể nhất là bản thân chúng ta, rằng ta đã vứt tảng
đaz nặng trĩu trên lưng xuống, để cho thân khỏe, tâm an, nhẹ nhõm không bị
stress do giận hờn thù ghét đem lại.
Tha thứ,
thường được hiểu là xóa đi quá khứ, xóa đi vết thương lòng do những việc người
khác đã gây ra cho mình trong quá khứ. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học Michael
McCullough, Kenneth Rachal và Everett L. Worthington đi xa hơn định nghĩa tha
thứ không chỉ có nghĩa là bỏ đi những tâm lý tiêu cực mà còn phát triển tâm lý
tích cực đối với các đối tượng từng làm cho mình tổn thương và đau khổ. Nói
cách khác, tha thứ không chỉ là xóa nhòa quá khứ không đẹp làm hoen ố đi quan
hệ giữa mình và người nào đó để rồi chấm dứt mối quan hệ đó mà tiếp tục duy trì
quan hệ với người ấy và xây dựng nó trở nên tốt đẹp hơn. Làm điều này không
phải để đối tượng của chúng ta thay đổi. Ý tưởng làm người khác thay đổi không
nằm trong tầm tay mình. Do đó, việc chúng ta cần làm là phóng thích nỗi giận
niềm đau và di chuyển tâm đến “tạm trú” ở một vị trí tốt đẹp hơn, để có thể
thưởng thức cái đẹp nội tâm và ngoại cảnh.
Điều này
không dễ dàng chút nào, nhưng không có nghĩa là không thể. Tha thứ là một kỹ
năng và nghệ thuật mà chúng ta có thể học được.
Nếu
chúng ta đang ghì chặt niềm đau, hãy buông chúng xuống, cho tâm ta nhẹ nhàng
hơn, đỡ mệt mỏi hơn. Thực hành được tha thứ, ta làm giàu thêm cuộc sống với một
kỹ năng sống, và hơn thế nữa, một nghệ thuật sống, biết tha thứ trong yêu
thương.
Khả
năng tha thứ đem lại cho ta một trái tim đôn hậu khi chạm mặt với cái
khổ của chính mình và cái khổ của người khác. Tha thứ không
phải là điều đơn giản. Khi chúng ta bị xúc phạm, bị hại, bị phản
bội, bị tổn thương, bị chửi bới, bị làm nhục… nếu ta tha thứ được
cho người đem lại những thứ không như ý cho mình, xem như
không có vấn đề gì. Tha thứ, tất nhiên là tốt, thế nhưng bằng cách nào
để có thể tha thứ, là một vấn đề không phải ai cũng tìm được đáp
án. Nếu không có phương pháp để có thể tha thứ, ta mang nỗi hiềm hận
cũng như lo sợ thường trực trong tâm với nỗi bất an ngày càng lớn
dần. Hãy tưởng tượng thế giới này sẽ ra sao nếu ai cũng không biết
tha thứ. Mỗi người chỉ cần mang một niềm hiền hận thôi, ai
cũng có một sự tức giận nào đó để mang đến thế giới này thì thử
tưởng tượng nó nặng nề và căng thẳng đến dường nào. Ngược lại, thế
giới này trở thành nơi thật đáng yêu và đáng sống.
(Còn nữa)