Thursday, February 20, 2014

THIỆN, MỸ VÀ CHÂN (Kỳ 2)

Tác giả: Bhikkhu Bodhi
Người dịch: Hằng Như
THIỆN
Theo lời dạy Đức Phật, điều kiện cần cho chân hạnh phúc là Thiện ở mọi mức độ, đó là đạo đức chân thật hay đức hạnh (sila). Điều thiện như vậy phải được thực hiện bằng hành vi đạo đức. Để có hạnh phúc thật sự, chúng ta cần phải trải nghiệm chân hạnh phúc trong đời sống của mình và phải sống có đức hạnh. Điều này có nghĩa là chúng ta phải theo hành vi tiêu chuẩn trong đó chúng ta cần nghĩ đến lợi ích của người khác trong lời nói và việc làm của mình. Một đời sống đạo đức là đời sống trong đó chúng ta vượt lên trên nhu cầu cá nhân và xem sự quan tâm đến người khác là yếu tố quyết định hành động của mình.
Trong các kinh điển Phật giáo, đạo đức thường được nhóm vào nhiều tụ giới. Theo Đức Phật, nền tảng đạo đức không nằm trong một nhóm giới đặc biệt nào, mà nằm trong nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng trong các mối quan hệ với những chúng sanh khác, đặc biệt là với con người. Nguyên tắc này hướng dẫn cách sử dụng chính bản thân mình như là một tiêu chuẩn để quyết định cách chúng ta hành động trong mối liên hệ với người khác. Khi chúng ta phải liên hệ với người khác trong các tình huống cụ thể, chúng ta cần bước ra khỏi vỏ bọc cá nhân và đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử. Nếu ta cảm thấy ta nên hành xử với người khác theo cách thế này, trước tiên, ta phải hình dung, mình sẽ cảm thấy thế nào nếu người khác hành xử với mình theo cách như vậy. Nguyên tắc này có tác dụng giúp ta thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác, không hành động chỉ vì bản năng nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình thôi thúc.
Trên nguyên tắc căn bản này, Đức Phật thiết lập các quy điều đạo đức căn bản trong giáo pháp của Ngài. Như vậy, Năm nguyên tắc căn bản (pañcasiila) được thiết lập nhằm áp dụng cách sử dụng bản thân mình như là tiêu chuẩn để hành xử trong hầu hết các tình huống ở khía cạnh đạo đức. Bằng cách xem xét cảm xúc của chính mình, chúng ta tuân giữ các nguyên tắc không giết hại, không sử dụng vật dụng của người khác một cách trái phép, không đam mê tà hạnh và không nói dối. Trên cơ sở của bốn nguyên tắc này, Đức Phật thêm vào nguyên tắc thứ năm, đó là không uống các chất có men gây say, như vậy hoàn chỉnh Năm nguyên tắc sống. Nguyên tắc thứ năm này được thêm vào, không phải vì sử dụng chất gây men trực tiếp nguy hại đến người khác, nhưng vì một người khi đam mê trong các chất gây men, khả năng kềm chế mình sống đúng lương tâm sẽ bị yếu đi và như vậy, sẽ có khuynh hướng vi phạm các nguyên tắc đạo đức kia.
Thực hành nếp sống đạo đức bằng cách tuân giữ năm nguyên tắc đạo đức trên sẽ đưa chúng ta đến một loại hạnh phúc mà Đức Phật gọi là hạnh phúc không lỗi lầm (anavajjasukha).  Khi người ta có hành vi vô đạo đức, vì mục đích ích kỷ, họ có thể được lợi lạc bằng nhiều cách và bề ngoài trông có vẻ họ thành công, hạnh phúc và toại nguyện; đến mức nhiều người có thể ganh tỵ với họ về điều này. Thế nhưng một người khi làm điều gì trái với các nguyên tắc đạo đức căn bản, sâu thẳm trong tâm, họ có cảm giác bất an, một cảm nhận – dù rõ ràng hay mờ nhạt, rằng họ đã gây nên đau khổ cho người khác. Cảm nhận này đem đến tâm lý giày vò buồn khổ và chính tâm lý này ngăn cản và họ không thể tìm thấy hạnh phúc đích thực, bất luận họ có vẻ thành công nhìn ở bề ngoài. 
Để thấy điều này, hãy tưởng tượng một tên trùm khét tiếng có của cải giàu có vì cầm đầu một đường dây buôn bán ma túy, anh ta trừ khử những người chống đối và hối lộ quan chức. Anh ta lượn lờ trên phố trong chiếc xe sang trọng bóng nhoáng, có tài xế riêng, mặc đồ hợp gu thời trang nhất, có một người phụ nữ với vẻ đẹp quyến rũ bên cạnh, trải qua các kỳ nghỉ tại những khu nghỉ mát sang trọng đắt đỏ nhất. Chúng ta có thể đặt vấn đề rằng “liệu anh ta có được hạnh phúc nội tại không khi biết rằng sự thành công của anh ta được xây trên đau khổ của biết bao người?” Rõ ràng câu trả lời cho vấn đề này phải là ‘không’.
Tuy nhiên, khi kềm chế các khuynh hướng ích kỷ cho bản thân mình và điều chỉnh hành vi với sự dẫn lối của đạo đức, chúng ta có thể thành tựu được sự trong sáng và thanh tịnh của tâm xuất phát từ sự nhận thức rằng chúng ta không có chủ tâm làm hại bất kỳ chúng sanh nào. Bằng cách giảm bớt đi những ham muốn ích kỷ và kềm chế những hành động có thể làm tổn thương đến người khác, chúng ta có được hạnh phúc không lỗi lầm, có được niềm vui và bình an từ lương tâm trong sáng.  Hạnh phúc như vậy sanh khởi vì chúng ta nhận ra rằng chúng ta không giáng khổ đau lên bất cứ một sanh linh nào. Chúng ta không gây nên sợ hãi cho bất cứ chúng sanh nào khác, và như vậy chúng ta đã cho họ ‘món quà không sợ hãi’ (abhayadaana). Với sự hiện diện của chúng ta, tất cả các loài chúng sanh khác đều cảm thấy an ổn: an ổn về cuộc sống, an ổn về của cải vật chất họ có được, an ổn trong các mối quan hệ cá nhân, an ổn trong truyền thông. Đây là phương diện đầu tiên về hành vi đạo đức: tránh giáng nguy hiểm và khổ đau lên người khác.
Thế nhưng chỉ tuân giữ các nguyên tắc trên thì chưa đủ. Để thực hiện được điều Thiện, chúng ta cũng cần trau giồi các đặc tính bên trong của tâm tương ứng với các nguyên tắc đạo đức này. Như vậy, những đặc tính tích cực chúng ta nuôi dưỡng, ngầm nằm trong các nguyên tắc đạo đức không gây hại, là: có tâm từ bi với người khác, trung thực, tôn trọng quyền hôn nhân của người khác, chân thực trong lời nói, giữ tâm điềm đạm. Những điều này tương ứng với Năm nguyên tắc đạo đức căn bản trong Đạo Phật. Nếu chúng ta thực hiện hai phương diện của đạo đức: không làm các điều ác và trau giồi thái độ tâm thiện lành rồi hiện thực hóa nguyên tắc Thiện,  chúng ta đã áp dụng nền tảng đầu tiên của chân hạnh phúc vào trong cuộc sống hằng ngày của mình.
(Còn nữa)