Sunday, March 9, 2014

THÁI ĐỘ ĐÚNG KHI HÀNH THIỀN (1)


Điều quan trọng nhất trong hành thiền, cũng như những hoạt động khác, là thái độ của mình đối với hoạt động này bởi vì thái độ quyết định không chỉ kết quả mà còn nhiều phương diện khác như phương pháp, tiến độ của quá trình hành thiền.
Hành thiền, theo cách nói thông thường, là quá trình thực tập tỉnh thức. Đó là quá trình tập trung, quán sát và ghi nhận một cách khách quan tất cả những biểu hiện và thay đổi, sự sanh khởi và mất đi của tất cả những gì diễn ra trong thân và tâm chúng ta. Tỉnh thức chỉ có mặt khi tâm thật sự an tịnh, các tầng tâm thức sâu thẳm được lắng trong, ta đang ở thế cân bằng nhất, vững chãi nhất, hài hòa nhất về mọi phương diện tâm sinh lý. Tâm sinh lý cân bằng và hài hòa tỉ lệ thuận với mức độ an tịnh và tỉnh thức của tâm. Những hướng dẫn căn bản nhất của các thiền sư là chúng ta nên tránh một số điều sau đây khi tập hành thiền:
1. Khi hành thiền, chúng ta không nên quá tập trung vào đề mục thiền quán
Cái gì “quá” cũng làm cho chúng ta lệch và mất cân bằng. Đức Phật cũng từng đã rơi vào các cực đoan “quá” trong sáu năm đầu tiên khám phá và thể nghiệm chân lý giải thoát, và bài học kinh nghiệm thực tế Ngài dạy chúng ta, trong tu tập, cần “tránh xa các cực đoan”. Hành thiền, tiến trình không thể thiếu trong quá trình tu tập, cũng không đi ngoài quỹ đạo ấy. Tập trung vào đề mục quán như hơi thở chẳng hạn, là việc làm duy nhất của người hành thiền, nhưng khi tập trung quá mức, tâm ta trở nên mệt mỏi, nặng nề và căng thẳng. Đây là những tâm trạng đối lập với mục đích an tịnh, tỉnh thức, sáng suốt của thiền định.  Những trạng thái này thường xuất hiện ở những hành giả mới thực tập thiền định. Ví như người mới tập đi xe máy, khi mới điều khiển xe vài ba lần đầu, ta có xu hướng tập trung cao độ hơn mức cần thiết, đầu căng thẳng, mắt căng thẳng, tay chân gồng lên. Khi về đến nhà thì người mệt nhoài, tây chân ê ẩm, mà lẽ ra, chạy xe máy, đâu cần tập trung để tiêu hao năng lượng nhiều đến vậy.
2. Một điều cần ghi nhớ nữa là đừng có nỗ lực can thiệp đề mục thiền quán khi đang hành thiền.
Hơi thở vào ra liên tục. Cảm thọ sanh diệt không theo chủ ý của mình. Dòng tâm thức luôn tuôn chảy. Công việc của người hành thiền là quán sát, theo dõi chứ không phải can thiệp vào sự vận hành của hơi thở, cảm thọ hay dòng tâm thức hoặc bất cứ đề mục thiền quán nào mà hành giả đang chọn để thực hành. Thế nhưng, khó khăn của người mới bắt đầu thực tập là theo thói quen, ta can thiệp hơi thở, cảm thọ hoặc dòng cảm xúc mà ta đang chọn để đặt niệm tỉnh thức.
Trong chúng ta, ai cũng có tập quán can thiệp, muốn can thiệp hay ít ra, nghĩ rằng ta phải can thiệp vào những gì có thể. “Những gì” mà ta hướng đến để can thiệp có thể là con người, đồ vật, sự việc hay chính hơi thở hoặc dòng tâm thức của mình. Bây giờ, lấy hơi thở làm điển hình. Thường thì hơi thở được vô thức can thiệp một cách tự nhiên. Mặc dù vậy, can thiệp hơi thở một cách có ý thức có thể cần thiết trong một số tình huống. Ví dụ ta cần hít sâu một hơi để có thể nín thở trong thời gian lặn xuống nước, hay đi ngang qua nơi có mùi hôi thối xông lên, hoặc để lên giọng hát một câu… Thế nhưng, trong hành thiền, ta không cần hít sâu hơn hơi thở tự nhiên vốn có của mình. Nói một cách khác, thiền quán sát, theo dõi hơi thở trong tỉnh thức để luyện tâm có tỉnh thức trong hiện tại chứ không phải luyện hơi thở dài trở nên ngắn, ngắn trở nên dài, cạn thành sâu, sâu thành cạn.
Tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng việc can thiệp hơi thở như một kỹ thuật áp dụng trong một khoảnh khắc cần thiết, ví dụ lúc bắt đầu hành thiền, để tâm dễ tập trung vào đề mục, ta có thể hít thở sâu vài hơi. Hoặc khi đang thực hành thiền mà có tâm trạng hồi hộp, bồn chồn, ta cũng có thể sử dụng kỹ thuật hít thở sâu vài hơi để lấy lại sự cân bằng và trở về với đề mục dễ dàng hơn. Khi áp dụng kỹ thuật này, nên nhớ rằng ta chỉ sử dụng trong thời gian rất ngắn, trong vài chục giây thôi. Đừng để tâm trở về với tập quán can thiệp làm chướng ngại trên con đường thực hành thiền.
Thế nhưng có một vấn đề đặt ra là nếu người thực hành đang can thiệp vào hơi thở và người ấy nhận biết điều này, khi ấy họ cần làm gì? Một điều rõ ràng là khi hành giả ý thức được mình đang can thiệp vào hơi thở, một cách tự nhiên, ta không còn can thiệp nữa và trở về với công việc của người hành thiền: theo dõi, quan sát khách quan và ghi nhận tính chất của hơi thở, cảm thọ hoặc những gì hiển thị trên dòng tâm thức của mình. (còn nữa)