Mỗi ngày, bà con quanh vùng chứng kiến bao chuyện trái tai gai mắt diễn ra, mắt phải nhìn những điều lẽ ra không nên có, tai phải nghe những lời nói không nên thốt ra từ miệng những người nhân danh gương mẫu, đạo đức đang ở trong một môi trường mà nhiều người tưởng là sạch nhất, lý tưởng nhất của xã hội.
Ôi! Cái nơi mà người đời ca tụng “che chở hồn dân tộc” giờ trở thành nơi che chở xấu tà. Người thể hiện quyền uy thì chẳng giống ai, không giữ nổi cánh cổng để rộng mở cho bà con tới lui thể hiện niềm tin tâm linh lâu đời truyền lại. Lòng người hẹp nên lối vào cũng hẹp, Tết cổ truyền cũng không ngoại lệ. Mồng Hai Tết người đứng ngoài vọng bái, vì điện thờ đã khóa từ 4 giờ chiều. Đúng 6 giờ chiều cổng im ỉm khóa luôn. Mồng Ba Tết “chủ hộ” xuất hành nên khóa cổng, khóa cửa giam người không áy náy mảy may. Khi lòng tham lớn hơn lòng tàm quý, họ có thể làm bất cứ điều gì mà không hề biết ngượng. Ôi cái ngã được dưỡng nuôi qua năm tháng, vì ảo giác nên nhân danh uy quyền của người làm chủ mà đánh mất hết tình người. Vô thường không hẹn một ai mà vẫn chưa tỉnh ngộ, thân tâm mình còn chưa làm chủ được, kể gì ngôi già lam đất đá kia mà đi ra khóa, đi vô khóa nhốt người một cách vô tâm.
Nghe: bực mình; thấy: tức giận… âu cũng là phản ứng thường tình của con người bình thường. Kẻ đi qua, người đi lại tỏ bày ấm ức. Ức quá mà, oan quá đỗi, cây ngay thế mà chịu chết đứng hay sao! Đạo đức xã hội suy đồi, nên dân tình hè nhau “đánh hội đồng” không cần biết đúng sai, phải quấy. Cứ “đông là vui” cái đã, đôi khi bản thân người tham gia trận đánh ấy cũng chẳng có lợi lộc gì. Cái gọi là được, có chăng là “tiếng khen” biết nhiều chuyện, tay dài (như giới showbiz khen chân dài vậy đó!). Tuy nhiên, cần tự nhắc mình, thấy cảnh ngang trái, tức một tí thôi, rồi nhìn sâu xét kỹ. Hãy quán chiếu và thực tập thường xuyên, để giữ tâm cũng có nghĩa là chăm sóc tốt cơn giận của mình, nếu không vậy thì cơn giận kia chẳng mấy chốc phủ cả người thôi và ta không làm chủ được dòng cảm xúc. Triết gia Aristotle nói rằng: ai cũng có thể giận, chuyện đó không khó. Nhưng giận đúng người, giận đúng mức, giận đúng lúc, giận đúng mục đích và giận đúng cách thì không dễ tí nào (Anyone can become angry – that is easy. But to be angry with the right person, to the right degree, at the right time, for the right purpose, and in the right way – this is not easy). Ngay cả giận theo kiểu của Aristotle, Đức Phật cũng khuyên đừng, vì đã giận là không có giận đúng bao giờ!
Không giận, thay vào đó, quán nghiệp mình kiếp trước! và nên khởi tâm từ thương họ thì hay hơn. Người không đáng thương mới cần thương hơn nữa! Nói dễ quá mà làm thì khó đấy. Nhớ lời Phật dạy: chỉ có hành động ác, không có người ác ở thế gian. Thấu hiểu điều này, hãy khởi tâm từ thương yêu những người đang bị tâm ý ác, hành động ác, lời nói ác hoành hành. Thương không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ, mặc cho họ chọc trời khuấy nước kiểu gì cũng được. Thương là hãy chung tay giúp họ dừng làm ác, dừng nghĩ ác và không buông lời ác. Thương là hãy đánh thức cho họ hiểu, không phải gần rừng là cứ sẵn luật rừng mà xài, coi trời bằng vung, ưa hại ai thì hại. Ai cũng chỉ có một đời để sống, phải sống sao cho không thẹn với đời, đừng phí não vào những chuyện tào lao không đáng, uổng cho tế bào não, lại chắp nối đường dài diệu vợi xa xăm.
Nhiều người than vãn, ngao ngán lắc đầu, bảo nhau “đã vào chốn này mà còn vậy, còn gì để tin nữa”! Mất niềm tin trở thành phổ biến trong xã hội ngày nay, khi người và người không còn tin nhau, không tin vào sự thánh thiện của những người mang sứ mạng “hoằng dương chánh pháp”! Khi niềm tin bị xói mòn đến cạn kiệt, mảnh đất tâm linh bị bạc màu, khô cằn, hoang vu, sỏi đá. Còn biết tin vào đâu khi con người cư xử nhau thiếu hẳn tình “người” mà chỉ thấy phần “con”! Ai cũng mặt dạn mày dày trơ trơ như gỗ đá. Ôi nói sao cho hết xót xa khi hiểu ra sự thật đến trần trụi dưới bao nhãn mác lung linh đầy tính nhân văn!
Ôi! Ngán ngẩm thật!
Ngán gì? Ngán ai? Ai ngán? Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm!...