Tuesday, February 11, 2014

Trường tiểu học đầu tiên ở Châu Âu đào tạo trên nền tảng đạo Phật

Trường tiểu học Dharma ở Brighton là trường tiểu học đầu tiên ở vương quốc Anh thực hiện một chương trình dạy và học trên nền tảng của các giá trị Đạo Phật. Ngôi trường độc lập này thu nhận học sinh từ 3 đến 11 tuổi, không phân biệt tôn giáo, nguồn gốc văn hóa, áp dụng một chương trình giáo dục kết hợp với giáo lý Đạo Phật để hỗ trợ sự phát triển tỉnh thức, lòng thương yêu và trách nhiệm cộng đồng.
Mặc dù là một ngôi trường tư thục nhỏ thôi, trường Dharma có một đội ngũ giáo viên chuyên môn cao và tận tâm với nghề, nhờ đó học sinh được đào tạo trong một môi trường giáo dục tốt, an toàn và bình yên.

Trường này cung cấp một chương trình học chất lượng tốt theo chương trình quốc gia quy định, nhưng linh động và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu, khả năng và sở thích của trẻ em. Học sinh phát triển sự tự tin, hứng khởi và yêu thích việc học và điều này giúp các em học tập tốt và có sự chuyển tiếp tốt khi học xong trường này và vào trường độc lập của địa phương cũng như các trường trung học tiểu bang.

Thông qua nền tảng triết lý Đạo Phật và thực hành sống thiện và tỉnh thức mỗi ngày, thầy cô giáo khuyến khích học sinh nâng cao khả năng tập trung, tự phản tỉnh, phát triển trí tuệ và lòng thương yêu. Đạo Phật không được dạy ở phương diện tín ngưỡng mà là một hệ thống các nguyên lý và là công cụ để sống một cuộc sống hữu ích và ý nghĩa.

Tỉnh thức dành cho trẻ em

Tại trường Dharma, tỉnh thức được tích hợp như một phần mở rộng của các nguyên lý Đạo Phật. Học sinh được hướng dẫn ngồi yên lặng hoặc học cách ngồi thiền mỗi lần từ một đến hai phút, nhiều lần trong tuần, kết hợp với sự tỉnh thức trong các hoạt động công việc hằng ngày như ăn, chơi, làm việc.

Những hoạt động này rất cần thiết để rèn luyện tính kiên nhẫn, tâm thương yêu và khả năng tự ý thức. Khi thực hành thiền định, trẻ em được hướng dẫn nhận thức rõ những tư tưởng khởi lên trong tâm và ghi nhận sự thay đổi nhanh chóng khi tâm mình chuyển từ một ý tưởng này sang ý tưởng khác. Bằng cách này, các em được hướng dẫn để có thể hiểu được năng lực mạnh mẽ của tư tưởng và cảm thọ và rồi có cơ hội để quán sát và học cách phản ứng với những tình huống và con người chung quanh.

Với sự thực hành thiền hằng ngày, những học sinh lớn tuổi hơn có cơ hội quán sát, ghi nhận và thảo luận những trải nghiệm tác động đến thế giới nội tâm của các em. Những thực hành thiền này có thể liên quan đến các tình huống thực tế, như khi các em không nhận được những gì mình muốn, hoặc nhận được những gì mình không thích, và những trải nghiệm khi xa lìa những người đặc biệt và những con thú cưng của mình.

Những học sinh khi được hướng dẫn quán sát và ghi nhận những trải nghiệm của mình rồi sau đó chia sẻ với người khác thường cảm thấy thanh thản hơn hoặc nâng cao hiểu biết nhiều hơn. Điều này đòi hỏi sự tiếp thu và không có thành kiến của thầy cô giáo trong khi lắng nghe và thường xuyên được học sinh, thầy cô giáo trải nghiệm, chia sẻ một cách tích cực và có ý nghĩa.

Thầy cô giáo chú trọng đến giải pháp tích cực trong cuộc sống hơn là chỉ hướng đến giải quyết vấn đề mang tính nhất thời. Để có hiệu quả, cần có sự tích hợp trong việc giáo dục trẻ em theo một hệ thống, cần được khuyến khích thực hành hằng ngày xuyên suốt trong thời gian dài giống như việc tập thể dục và ăn uống thích hợp cho có sức khỏe.

Sau đây là một số vấn đề thường được hỏi trích từ trang tin điện tử của trường:

Làm thế nào để Đạo Phật được dạy ở trường?

Ở trường, Đạo Phật không được giảng dạy như một tôn giáo, mà là một hệ thống các nguyên lý và là công cụ để sống một cuộc sống hữu ích và ý nghĩa. Các em học về Đạo Phật, nhưng cũng học về các tôn giáo khác và các quan điểm khác về nhân sinh, vũ trụ. Những nguyên lý căn bản của Đạo Phật được dạy bằng cách thực nghiệm, giúp cho các em không những hiểu được thế giới quanh mình và mà còn hiểu được những cảm xúc và tình cảm bên trong. Các em hiểu được tương quan giữa nguyên nhân và kết quả (trong đạo Phật gọi là nghiệp), sự cộng sinh và thay đổi, sự phụ thuộc lẫn nhau và sự thay đổi không thường còn. Năm nguyên tắc đạo đức của Đạo Phật giúp cho các em ý thức được hành động đúng sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp (cuộc sống viên mãn). Thiền định và tỉnh thức được dạy như một cách thực hành hằng ngày để phát triển kỹ năng tự phản tỉnh, tập trung và chú tâm. Những thời khóa thực hành ngắn đem lại kết quả tốt nhất cho học sinh và dần được tích lũy đưa đến hiệu quả rất lớn. Sau mỗi lần thực hành thiền, các em được khuyến khích chia sẻ những hiểu biết cũng như những cảm nhận các em trải nghiệm được trong quá trình thực hành. Những học sinh ra trường rồi kể lại, những tiết thực hành tỉnh thức thường xuyên, ngắn ngủi ấy trở thành một phần tích cực trong quá trình phát triển của cá nhân. Để có thể tiếp cận được với thiền một cách cụ thể, thầy cô giáo cho học sinh thực tập yoga hay những vận động mang tính giáo dục để phát triển sự tỉnh thức về thân- tâm cũng như phối hợp, cân bằng và duy trì sức khỏe tốt.

Những lợi ích chính của chương trình giáo dục dựa trên nền tảng Đạo Phật là gì?

Chúng ta tin rằng cùng với sự phát triển về sự tự tin, tự trọng và các kỹ năng xã hội khác, thông qua sự quán sát nhận thức hằng ngày, trẻ em phát triển đáng kể về trách nhiệm và ý thức rõ về vị trí và sự đóng góp mang tính độc đáo của bản thân trong thế giới mình đang sống. Thông qua sự thực hành này, trẻ em hiểu cảm xúc và tình cảm của mình tốt hơn và tự tin hơn trong việc thể hiện các cảm xúc, tình cảm này một cách hiệu quả. Những nguyên tắc căn bản như lòng bao dung, chia sẻ, tập trung, và kiên nhẫn được dạy như là sự ứng dụng thực tế của Đạo Phật bên cạnh một chương trình giáo dục chất lượng tốt đặt trên nền tảng của chương trình chuẩn quốc gia. Các nghiên cứu giáo dục cho biết rằng, phần lớn các đặc điểm nhân cách và phản ứng tâm lý thường được hình thành ở trẻ em khi trẻ ở khoảng 7 tuổi; cách chúng học và liên hệ giữa mình và những người xung quanh trong những năm tiểu học có tính quyết định những hành vi ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành. Chúng tôi (giáo viên của trường) tin rằng phương pháp giáo dục này sẽ trang bị cho các em những kỹ năng sống căn bản cũng như một chương trình giáo dục tốt – giáo dục trí tuệ cũng như tri thức.

Liệu con em chúng ta có thể phù hợp với chương trình giáo dục chính thống sau khi rời trường tiểu học Dharma?

Cả hai phương diện kiến thức học đường và kỹ năng xã hội, các em có thể hòa nhập tốt vào các trường trung học cơ sở. Các em thường rất hăm hở, tự tin khi chuyển lên cấp trung học cơ sở với nhiều thử thách hơn và đa dạng hơn. Chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực từ Ban giám hiệu và giáo viên trường trung học cơ sở. Các thầy cô giáo mô tả các em từ trường tiểu học Dharma là những học sinh tự tin, sống tình cảm và có khả năng tập trung tốt. Một em học sinh cũ của trường phát biểu rằng “sự khác biệt căn bản giữa em và các bạn tại trường trung học cơ sở là em có khả năng thể hiện mình tốt hơn và hạnh phúc hơn khi định hình mình là ai”. Hầu hết các học sinh khi học xong chương trình tiểu học ở trường Dharma tiếp tục học trung học cơ sở ở các trường ngạch quốc gia, như trường Dorothy Stringer, Blatchington Mill và Varndean, mặc dù có một số tiếp tục với giáo dục tư thục và nhận được học bổng vào các trường đại học Brighton, trường nữ Brighton và Hove, Trường chuyên Lewes Old Grammar và trường đại học Shoreham.

Học sinh trường này có trở thành những người ăn chay không? Ăn chay có phải là điều nhà trường đưa vào như một phần của triết lý Đạo Phật không?
Các em có thể tùy ý, muốn thì chọn thức ăn chay cho bữa trưa do nhà trường cung cấp, tuy nhiên, chúng tôi cũng không chủ trương để các em và gia đình trở thành người ăn chay. Chúng tôi dạy các em tôn trọng và trân quý tất cả mọi thứ: con người, động vật và cả hành tinh này, và phải biết nghĩ đến lợi ích của tất cả mọi sinh vật, nhưng nhận thức rõ rằng, ăn chay là quyết định cá nhân của các phụ huynh và học sinh vậy.

Vậy còn nghi lễ (Puja) là gì?

Nghi lễ là từ dùng để chỉ cho những lễ hội và hình thức thể hiện sự mộ đạo trong nhiều truyền thống Đạo Phật. Khái niệm ‘Puja’ này xuất phát từ tiếng sanskrit, có nghĩa là ‘hoa’ và có lẽ nghi lễ được phát triển từ thói quen dâng hoa cúng Phật mỗi khi Ngài đến một nơi nào đó trên đường du hóa. Tại trường tiểu học Dharma, mỗi lớp đều có một nghi lễ ngắn gọn mỗi ngày và một nghi lễ được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng thứ Sáu hằng tuần. Cả trường và có mời cả phụ huynh, bà con và khách tham dự nghi lễ hằng tuần này. Nghi lễ hằng tuần của Đạo Phật tương tự như lễ chào cờ và thường là thầy hiệu trưởng Peter Murdock có bài nói chuyện về một đề tài nào đó liên quan đến tỉnh thức, rồi có một thời ngồi thiền ngắn và có khi thì tụng một bài gì đó. Đây cũng là dịp để học sinh trình bày những sản phẩm của mình. Cứ mỗi lớp luân phiên nhau đóng góp mỗi tuần, hoặc là đọc thơ hay các câu chuyện hay, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hoặc hát hay diễn văn nghệ. Khi học sinh vào trường và đến khi rời khỏi trường, mỗi em nhận được một đóa hoa, tượng trưng cho nghĩa gốc của từ nghi lễ trong Đạo Phật.

Để biết thêm chi tiết, xin mời các bạn ghé thăm trang nhà của trường Dharma tại địa chỉ: http://www.dharmaschool.co.uk
Theo Buddhist Channel