Friday, February 7, 2014

LÀM THẾ NÀO NẾU CON GANH TỴ

Tôi hứa sẽ tư vấn cho một phụ huynh có con ganh tỵ với em mình nhưng rồi chúng tôi chưa có thời gian để cùng ngồi lại và thảo luận về vấn đề này. Thế rồi tôi tự hứa với lòng khi nào rảnh, sẽ viết một entry ở đây để chia sẻ với vị phụ huynh nọ cũng như những người có trường hợp tương tự, may ra họ tìm được cách dàn hòa và ổn định lại mối quan hệ trong gia đình. Hôm nay tôi thực hiện lời hứa đó.
Hẳn là lẽ tự nhiên khi quan hệ gắn bó giữa các anh chị em ruột trong một gia đình rất gần gũi, khắng khít. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp anh chị em trong nhà, lúc nhỏ lại hiềm khích, ganh tỵ nhau. Điều này xảy ra ở cả những anh em hay chị em cùng giới tính hay khác giới tính. Cha mẹ trong những trường hợp này là người đau đầu nhiều nhất và ai cũng mong tìm một giải pháp hiệu quả để tình trạng bất hòa, căng thẳng vốn không đáng có giữa anh chị em ruột được chấm dứt để gia đình thật sự là một mái ấm cho tất cả.

Sự ganh tỵ ở bé được nhận thấy rõ nhất qua các tình huống:

Vị trí của bé trong gia đình: Đứa trẻ nào cũng muốn mình là trung tâm của gia đình, là nơi thu hút sự chú ý và là đối tượng quan trọng nhất, nếu không phải là duy nhất để cha mẹ thương yêu. Do vậy, các bé thường biểu hiện rõ tánh ganh tỵ khi có thêm em. Nguyên nhân các bé ganh tỵ với em mình bắt nguồn từ tình thương yêu ích kỷ của bé làm anh hay chị khi nghĩ rằng cha mẹ san sẻ tình thương yêu dành cho mình với thành viên mới của gia đình là em mình và suy nghĩ rằng cha mẹ thương chìu em hơn mình. Nhiều bé còn thể hiện thái độ ganh tỵ ngay cả khi nghĩ rằng, nếu mình có em! Không ít bé khi được hỏi đến thì trả lời rằng, không thích mẹ sanh em, vì nếu có em, cha mẹ sẽ không còn thương bé nhiều nữa. Tâm lý bị chia sẻ tình cảm với em làm cho bé bồn chồn, bất an và buồn bã.

Giới tính của bé: Có khi các bé ganh tỵ với anh/ chị em khác giới tính với mình. Bé trai một khi ganh tỵ thì nghĩ rằng, ba mẹ chỉ thương quý con gái thôi, vì con gái dễ thương, dễ gần gũi, còn con trai ít thể hiện tình cảm, nên ít nhận được tình thương yêu từ cha mẹ và các anh chị hơn. Trong khi đó, bé gái cũng có thể nghĩ như vậy, cho rằng cha mẹ và những người thân trong gia đình chỉ thương quý con trai thôi.

Chênh lệch tuổi giữa các con trong gia đình: Các nhà nghiên cứu tin rằng, khoảng cách tuổi giữa anh (chị) em trong nhà là yếu tố ảnh hưởng lớn đến mức độ ghen tị. Vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu, nhưng phần đông những người đã thực hiện nghiên cứu về mảng này đưa ra kết luận rằng, khoảng cách chênh lệch tuổi giữa các con trong gia đình từ 2 đến 4 năm thường tạo ra sự ghen tỵ mạnh mẽ nhất, trong khi vấn đề này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu khoảng cách tuổi giữa các trẻ dưới 18 tháng, hoặc lớn hơn 4 năm. Thế nhưng trên thực tế, không ít trường hợp các bé ganh tỵ với em khi bé lớn hơn nhiều tuổi, thậm chí hơn cả 10 tuổi. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ.

Lời khuyên dành cho cha mẹ

Cha mẹ cần hiểu rằng ganh tỵ là một trạng thái tâm lý, xuất hiện bất cứ ở người nào, không lúc này thì cũng khi khác. Nên nhớ, đó là một trạng thái, hơn là một cái nhãn mác gắn cố định vào người nào đó, lại càng không nên gắn vào bất cứ đứa con thân yêu nào của mình. Chúng ta không hề có đứa con ganh tỵ nào cả. Nhìn từ góc độ này, lòng ta nhẹ hẫng và tin tưởng rằng, với sự nỗ lực có phương pháp, vấn đề sẽ được sắp xếp ổn thỏa. Từ những biểu hiện của con trong lúc ganh tỵ, cha mẹ cố gắng hiểu nhu cầu hiện tại của con là gì. Con đang ganh cái gì, nó đang cần thứ đó. Quan trọng hơn là cha mẹ tìm hiểu động cơ nào mà bé có biểu hiện ganh tỵ và hãy khéo léo giúp bé vượt qua chướng ngại tâm lý này.

Cha mẹ không nên so sánh các con với nhau. Mỗi con người đều độc đáo, không ai giống ai và các bé cũng vậy. Mọi sự so sánh đều không công bằng và khập khiễng. Cha mẹ so sánh các con là một điều cần tránh, vì nếu làm như thế, các con càng ganh tỵ nhiều hơn thôi. Cha mẹ nên theo dõi các con để kịp thời phát hiện những năng khiếu và thiên hướng của mỗi bé để để tạo điệu kiện cho các bé phát triển tối đa năng khiếu của chúng hơn là so sánh giữa các bé. Cha mẹ cũng kịp thời can thiệp, giải thích sự độc đáo của mỗi con người để các con không so sánh với nhau về khả năng, năng khiếu và các đặc điểm chỉ có ở đứa này mà không có ở (những) đứa khác dù chúng cùng được sinh ra từ một cha một mẹ.

Đối xử công bằng không có nghĩa là chia phần bằng nhau: cha mẹ nghĩ đến việc đối xử với con cái sao cho công bằng và thường thì cha mẹ nghĩ, chia đều là giải pháp tốt nhất. Thế nhưng, trên thực tế, con cái cần được đối xử theo nhu cầu của mỗi đứa vốn rất khác nhau tùy vào sự khác biệt, độc đáo của mỗi đứa con. Do đó, khi tất cả các con đều thỏa mãn với cách của cha mẹ đối xử với mình thì sẽ không nghĩ rằng cha mẹ bất công, thiên vị. Hãy chú ý đến các năng khiếu đặc biệt của mỗi đứa con để kịp thời tạo điều kiện cho bé phát triển năng khiếu càng sớm càng tốt. Điều này cũng tạo cho bé có cảm giác được quan tâm nhiều hơn và tâm lý ích kỷ, ganh tỵ sẽ ít có cơ hội phát triển hơn. Quan tâm đến thiên hướng bẩm sinh và năng khiếu đặc biệt của con là chất xúc tác để bé tự tin, tự trọng ở bé và các tâm lý tích cực này sẽ át đi những tâm lý tiêu cực như ích kỷ, ganh tỵ.

Không cho phép bé bạo hành với anh /chị hoặc em: khi chưa tự ý thức để làm chủ mình, trẻ em lắm khi giận vô cớ. Hãy để bé giận! Thế nhưng có một điều đáng lưu ý là để bé trút cơn giận lên anh chị em bằng cách đánh, quát mắng, gây gổ là điều không thể chấp nhận được. Cha mẹ nên bình tĩnh, giải thích cho bé biết, thật vô lý, bất công và hình ảnh của mình không đẹp chút nào khi đem sự phiền giận trong lòng mình trút đổ lên người thân.

Không thiên vị bênh vực con: đây là một kỹ năng dạy con mà không phải cha mẹ nào cũng thành công. Nhiều khi cha mẹ muốn nổi cáu lên vì con cứ cảm thấy mình bị thiệt thòi và ít được thương yêu và quan tâm bằng các anh chị em của mình, trong khi cha mẹ cứ thấy rằng mình rất công bằng. Một điều cha mẹ có thể không để tâm, nhưng không kém quan trọng, là khi các con bắt đầu tranh cãi hay xung đột thì thường là không có sự chứng kiến của cha mẹ. Đến khi cha mẹ biết chuyện và bắt đầu can thiệp, câu chuyện đã đến mức căng thẳng rồi. Vì không hiểu ngọn ngành, cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe từ cả đôi bên, tích hợp vấn đề rồi tìm cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Cha mẹ nên nhớ một điều, hạn chế đến mức tối đa, nếu có thể thì đừng dùng hình phạt với con cái khi chúng mắc phải sai lầm, nhất là khi xung đột xảy ra giữa các anh chị em. Đứa bé khi nhận hình phạt nào đó thường khởi tâm giận hờn, oán trách và cảm thấy mình không được cha mẹ đối xử công bằng. Trong những lúc như thế, cảm giác ganh tỵ trong bé càng tăng. Khi bị hành phạt, đứa bé càng ghét anh chị em mình nhiều hơn. Cách tốt nhất lúc này là cha mẹ hãy tình bình, dùng lời nói thích hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và cách bé dễ tiếp thu để phân tích vấn đề, cho bé cơ hội tự nhìn lại và đánh giá mình một cách khách quan và trung thực để rút ra bài học trong cư xử với anh chị em, cha mẹ cũng như với những người khác.

Quan tâm đến con ngay cả khi chúng hòa thuận nhau: vẫn biết cha mẹ nào cũng tất bật với cơm áo gạo tiền cho gia đình, quan hôn tang tế ngoài xã hội, không còn nhiều thời gian và năng lượng để tâm để mắt đến con cái trong những lúc chúng thuận hòa với nhau, mà chỉ khi nào có sự xung đột thì cha mẹ mới để tâm và can thiệp. Các nhà tâm lý học cho rằng, khi cha mẹ để tâm đến các con ngay cả khi chúng hòa thuận nhau là điều cần thiết để khen ngợi, khuyến khích trẻ nuôi dưỡng những đặc tính tốt. Khen con cũng lựa lời, thời điểm thích hợp và điều cần lưu ý là khen tất cả đồng đều để con thấy rõ được lòng cha mẹ dành cho các con là như nhau.

Một ‘mẹo’ nhỏ dành cho cha mẹ nữa là hãy dành thời gian riêng cho từng đứa con trong từng thời điểm thích hợp. Nếu cha mẹ khéo léo làm được việc này, các bé sẽ cảm thấy ấm áp, gần gũi và sẽ không bao giờ ganh tỵ với các anh chị em của mình. Hãy công khai và thể hiện một cách rõ ràng quan điểm, tình cảm của mình để không tạo sự hiểu lầm giữa các con.

Nên xác định giới hạn rõ ràng giữa các con. Cha mẹ nên hướng dẫn các con biết cách tôn trọng nhau. Đứa lớn không được chọc ghẹo em mình và em út không được làm phiền anh chị. Những góc riêng tư, đồ dùng cá nhân, nơi ngủ chốn học của mỗi bé cần được tôn trọng, không nên xâm phạm nếu chưa được sự cho phép của chủ nhân.

Về phía trẻ em, chúng ta hãy lắng nghe các em nói nguyên nhân để các em khởi tâm ganh tỵ với anh chị em của mình. Giáo sư Amy Halberstadt, trường đại học Bắc Carolina, thực hiện nghiên cứu trên nhóm trẻ em lớp 5 và lớp 6, các em trả lời rằng, nguyên nhân để các em sanh lòng ganh tỵ với anh chị em mình là:

• Nếu anh chị em nào đó nhận được quà từ cha mẹ mà những đứa con khác thì không.

• Nếu cha mẹ bênh vực một đứa nào đó khi các con gây gổ nhau.

• Nếu cha mẹ dành nhiều thời gian cho đứa con này hơn so với đứa khác.

• Cha mẹ chú ý đến một đứa con nào đó vì nó thông minh lanh lợi hay có khiếu đặc biệt nào đó.

Với một số ý chia sẻ trên, hy vọng các bậc phụ huynh (trong đó có chị Th., người có con gái đang ganh tỵ với em mình) sẽ tìm thấy những gợi ý này giải pháp thích hợp để hòa giải, điều tiết các mối quan hệ trong gia đình mình.

Chúc các bậc phụ huynh thành công với những đứa con thường biểu hiện tâm lý ganh tỵ, ích kỷ. Chúc mọi người có mái ấm hạnh phúc, an vui, luôn đầy ắp tiếng cười và chứa chan ánh mắt đồng cảm, thông cảm và cộng cảm trong tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.