Monday, August 27, 2012

NGƯỢC DÒNG...


Nó choàng tỉnh trong tiếng xe cộ ồn ào và âm thanh rung bần bật như một cơn động đất nhẹ làm rung chuyển cả nền đất nó đang ngủ. Trời sáng bừng tự lúc nào. Nó uể oải trong dáng bộ biếng lười của một ngày chủ nhật không phải đi làm. Ừ, thì ngủ ráng tí cũng chẳng sao. Thế nhưng, nó không thể nào ngủ được. Toàn thân nặng nề, mí mắt mỏi nhừ. Nó mở mắt, lại nhắm; nhắm mỏi, rồi lại mở. Cứ thế, bao dòng hồi ức cứ tranh nhau ùa về trong đầu nó. Nó suy nghĩ viển vông. Ôi, thời gian! Ôi, cuộc đời! Ôi, con người! Ôi, nó!!!
Hai năm qua, cuộc đời nó đổi thay không thể tưởng tượng được. Nó không hề nghĩ nó đến nông nổi này trong ngày hôm nay. Đầu tóc ngắn củn cỡn trông chẳng giống ai, nó đưa tay vuốt hoài mà vẫn thấy là lạ như thể không phải nó thuộc về mình. Áo quần trên người, nó nhìn tới nhìn lui vẫn chưa quen mắt. Nằm đây, một mình trong căn phòng khiêm tốn chưa đầy 9 mét vuông trong một con hẻm cụt thế này, nó thấy trần nhà rộng thênh thang, rộng đến rợn người. Số là ở cùng với hai chị em bạn, nhưng hai chị em ấy đi thăm người bà con và ở lại từ tối qua. Nó thấy mình chỏng cheo giữa căn nhà nhỏ, bơ vơ giữa phố thị đông người và lẻ loi trên cõi đời này biết bao. Những ngày đi làm, nó cảm thấy đỡ trống trải hơn. Những ngày cuối tuần là lúc nó nhớ về sư phụ nhiều nhất.
Khi mới vào, nó học nghề rồi làm ở một xưởng dệt. Nó chăm chỉ như bao công nhân khác, suốt ngày chăm đầu trên giàn máy dệt. Thế nhưng, môi trường làm việc này không làm nó hài lòng lắm. Không một người thân để nó chia sẻ. Cùng thân phận làm công như nhau, thế mà nó vẫn bị ăn hiếp theo thói thường “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Dọn dẹp dụng cụ và quét chỗ làm cho đám thợ cũ vào cuối ngày như thể là nhiệm vụ của nó không bằng. Một lần, tức nước vỡ bờ, nó cãi lộn với đám thợ cũ và bị chủ đuổi việc. Tiền lương tháng đó, nó không nhận được đồng nào vì nó bị quy là kẻ gây rối và mất đoàn kết. Ngày đó, nó đi lang thang đến tận khuya mới về đến nhà trọ. Nó than thân cũng chẳng có ai để than! Có ai là người thân nó đâu, khi người ta có cha có mẹ, hay chí ít cũng biết gốc gác dòng họ bà con, còn sự hiện diện của nó trên cuộc đời này bí ẩn như một câu chuyện cổ tích có nhiều dị bản. Hồi còn ở chùa, khi hỏi về gốc gác của mình, sư phụ nó nói thế này, mấy bác Phật tử nói thế khác, mấy dì hàng xóm lại kể một câu chuyện khác nữa. Rối quá, nó không còn muốn biết vì sao nó có mặt ở chùa từ khi còn đỏ hỏn. Nó chỉ biết và chấp nhận cuộc sống hiện tại, bên người sư phụ già hiền lành chân chất, yêu thương nó hơn bất cứ người nào khác trên thế gian này. Nó chấp nhận cho đến cái ngày cách đây ba tháng, cái ngày định mệnh để rồi cuộc đời nó rẽ lối từ đây, trôi giạt từ một vùng quê miền Trung đến thành phố ngột ngạt này.
Giờ nó mới nhận ra rằng cuộc sống bên người sư phụ già ở quê mới an ổn và đẹp làm sao. Nó đã thất bại khi bỏ sư phụ ra đi, sau mười tám năm trời gắn bó. Tất cả lỗi là do nó thôi. Từ những năm học cấp 2, nó ao ước được tự do như các bạn cùng lớp, nhưng nó không dám trốn học đi chơi hay vào tiệm internet chit-chat như các bạn. Nó vẫn đến lớp đầy đủ, nhưng đầu óc nó cứ thả trong các cơn mơ mộng, tưởng tượng đủ điều, hình dung viễn cảnh đẹp đẽ, vẽ nên tương lai xán lạn nếu mình không phải là tiểu ở chùa. Những năm học cấp 3 cũng không khá hơn tí nào. Sau khi đậu tốt nghiệp cấp 3, nó tạm gác bút nghiên, theo lời sư phụ dạy, nó làm ra vẻ như chuyên tâm tu hành. Mặc dù sư phụ hướng dẫn con đường tu tập, thường xuyên động viên, nhưng nó cảm thấy môi trường này không còn dành cho nó nữa. Không còn đi học, sinh chán, nghĩ rằng cuộc đời bên ngoài cổng chùa hẳn thênh thang hơn. Tâm lý muốn vùng vẫy cho thỏa chí tang bồng của sức trẻ, nó xin phép sư phụ, giã từ ngôi chùa thân thương từng nuôi dưỡng nó bao năm tháng, chào sư phụ từng ấp ủ tâm hồn nó trong nếp sống thanh bần đạo đức, nó ra đi. Nó ra đi để thỏa mãn, nó ra đi để được tự do như bạn bè cùng lứa. Nó ra đi để nếm trải cuộc đời bên ngoài cổng chùa làng quen thuộc. Nó ra đi để quyết định tự xoay xở cuộc sống mình từ đây.
Ngày nó ra đi, sư phụ chỉ dặn dò “Có nhiều hướng đi. Con đủ khôn lớn để chọn hướng đi cho đời mình, sư phụ không can thiệp. Có điều cần nhớ, đi trong sương, tuy không ướt áo cũng thấm lạnh; đem rổ xuống sông đựng nước, đựng không được nước, vẫn ướt nang. Sư phụ mong con dù sống ở đâu làm gì cũng cần có đạo đức, vì con đã lớn lên từ một ngôi chùa. Cổng chùa luôn rộng mở. Sư phụ lúc nào cũng sẵn lòng. Khi nào con muốn quay về nơi đây, con không cần phải ngại.” Nó lạy tạ sư phụ trong nước mắt. Đêm đó, nó thấy quyến luyến với sư phụ và vạn vật quanh mình một cách lạ thường. Thế nhưng, nó phải ra đi. Mới nghe, tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng sự thật là vậy. Nó không thể giam thân trong chùa mà tâm rong chơi đủ các ngõ ngách ngoài phố chợ. Nó không thể lạm dụng tình thương yêu đùm bọc của sư phụ dành cho nó, một đứa con chào đời không phải trong sự mong đợi của mẹ cha, tệ hơn nữa, một đứa con vô thừa nhận. Nó phải ra đi cho thỏa mãn cái ‘tôi’ của nó. Một khi ngôi chùa làng không còn là bến bờ để neo đậu, nó chấp nhận ra đi, dù con đường trước mặt đầy chông gai và chẳng có gì hứa hẹn là sáng sủa hơn. Đêm đó, lần đầu tiên trong đời nó không ngủ được. Bao tâm trạng ngổn ngang thổn thức trong lòng. Dù gì, nó đã quyết là làm. Sáng hôm sau, nó giã từ sư phụ, tạm biệt mái chùa thân thương đã nuôi dưỡng chở che nó trong ngần ấy năm. Hàng chè tàu trên lối đi như níu bước chân quen thuộc của nó lại với người xưa cảnh cũ.
Theo một đứa bạn có người chị làm công nhân ở một công ty dệt may ở sài Gòn, nó bắt xe vào Nam. Sài Gòn lạ lẫm, nó không khỏi choáng dù thông tin về nơi này nó đã được tiếp cận nhiều qua các phương tiện truyền thông. Nhịp sống ở đây nhanh hơn nó tưởng. Mọi thứ đều đắt đỏ, nhất là với nó, một đứa vừa ra khỏi cổng chùa. Nó theo bạn vào học dệt. Công việc khá vất vả vì nó chưa từng quen. Tay bắt đầu chai rồi rớm máu rồi lại chai thêm một lần nữa như là một dự báo cho con đường đi đầy khó khăn đang trải ra trước mắt. Mấy ngày đầu, nó nhớ chùa, nhớ sư phụ đến quay quắt. Đêm nào nó cũng khóc, có khi khóc không vì một lý do cụ thể nào cả. Mà một đứa trẻ như nó, chưa bao giờ được gọi tiếng ‘cha mẹ’, có quá đủ lý do để khóc cho sự có mặt của mình trên cuộc đời này rồi. Nhưng cuộc đời đâu chỉ khóc mà được. Xa chùa, nó phải lao vào cuộc sống mưu sinh để quên đi nỗi nhớ sư phụ, quên đi nỗi cô đơn gặm nhấm nó hằng đêm, quên đi nỗi buồn của kẻ mồ côi nơi đất khách. Có lúc nó muốn chửi cả nhân gian này theo kiểu Chí Phèo vậy. Nó muốn hét vào những người làm cha làm mẹ vô trách nhiệm với hành động của bản thân để rồi có những đứa trẻ không bao giờ được chào đời, hoặc như nó, những đứa con không mong đợi của mẹ cha, để rồi giờ đây, trở thành người tứ cố vô thân giữa dòng đời đông nghẹt người thế này.
Nó nghĩ, nếu cha mẹ nào chưa sẵn sàng tâm lý để chào đón đứa con của mình thì tốt hơn đừng tạo nó ra mà tội. Bản thân nó chịu nhiều thiệt thòi nên nó luôn nghĩ về điều này. Giá như nó có thể tâm sự điều này với các bạn trẻ đang sống buông thả theo trào lưu ‘hiện đại’ thì trên đời này, sẽ bớt đi nhiều đứa trẻ vô tội phải chịu đựng sự què quặt về tâm lý như nó. Dù được sư phụ yêu thương, nó biết tâm lý nó phát triển không bình thường. So với các bạn cùng lứa tuổi, nó tự ái nhiều hơn, tự ti mặc cảm lúc nào cũng thường trực và những năm gần đây, tâm lý nổi loạn trong nó trỗi lên mạnh mẽ. Giã từ sư phụ, xa mái chùa quê, nó chấp nhận cuộc sống lang bạt một phần cũng từ tâm lý đó.
Sáng hôm sau, hai chị em bạn vẫn đi làm bình thường. Nó mất việc, nên đành lủi thủi ở nhà vậy. Nó lại hồi tưởng, suy nghĩ, buồn tủi và khóc. Gia tài nó chỉ có bấy nhiêu thôi. Qua trưa, nó lang thang, tìm chỗ trốn mình, vô tình nó đi vào một con hẻm. Nó cứ đi, bao ý tưởng trong tâm nó cứ đi mênh mang không định hướng. Nó giật mình khi nhận ra trước mặt mình có một quán cà phê. Nó không ngờ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ hun hút và cong queo tưởng như chẳng có gì hấp dẫn thế này lại có một quán cà phê với một không gian thoáng đãng đến không ngờ.
Quán đủ sang cho những doanh nhân tầm vừa vừa đến bàn thảo công việc, đủ tĩnh để những người cô đơn gặm nhấm nỗi buồn và đủ lãng mạn cho những đôi tình nhân hò hẹn. Quán khá đông khách. Nó nảy ý mình vào xin làm nhân viên ở quán này thử xem sao. Chần chừ hồi lâu, nó không dám bước vào. Nhưng nghĩ đến tương lai mình sao quá xám xịt, nó đánh bạo vào hỏi thử. Nhận được cái lắc đầu từ quầy tiếp tân, nó lủi thủi đi ra, bước chân não nề hơn. Từ ngày nó bị đuổi việc, hai chị em đứa bạn cứ an ủi và muốn xin cho nó vào làm ở xưởng dệt khác, nhưng nó nghĩ, ở đâu thì cũng ‘ma mới ăn hiếp ma cũ’ vậy thôi. Nó biết cuộc đời vốn phức tạp, nhưng sao khả năng chịu đựng bất công của nó kém cỏi quá. Nó quyết định đi tìm công việc khác với hy vọng ở nơi đó, ‘lính mới’ được đối xử ít tệ hơn.
Ngày thứ ba kể từ hôm mất việc, nó đi lang thang trên các con phố lớn nhỏ, coi có chỗ nào cần tuyển người làm không. Đi mỏi chân, nó lại ngồi nghỉ bên vệ đường, khi thì trò chuyện với chị bán thuốc lá dạo lúc thì nghe các em bán vé số kể chuyện nghề nghiệp làm ăn của chúng, có lúc lại quan sát mấy em đánh giày hay bán quần áo cũ trên các lối đi. Nhờ vậy, nó hiểu thêm trên đời này còn có nhiều mảnh đời bất hạnh hơn cả nó. Khi đang quẹo vào một con hẻm, trời bất chợt đổ mưa. Nó vội tìm chỗ nấp. Một quán bán nước giải khát cho nó đứng bên vỉa hè. Hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn, nước bắt đầu ngập lối đi. Dòng nước đen sì chảy thành dòng trước nhà. Con hẻm cụt hun hút trong trời mưa xám xịt. Nó nhìn con hẻm, thấy cuộc đời mình tối tăm không kém. Lời sư phụ cứ văng vẳng bên tai, “hãy canh chừng cái tâm”, “sống ở đâu làm gì cũng cần có đạo đức”. Và nhớ nhất là câu “cổng chùa luôn rộng mở. Sư phụ lúc nào cũng sẵn lòng. Khi nào con muốn quay về nơi đây, con không cần phải ngại”. Bao lần buồn khổ, nó lục danh bạ điện thoại, mấy lần định bấm máy gọi, nhưng rồi lại thôi. Không, nó không thể vin vào lời nói đầy thương yêu đó mà ỷ lại. Nó không muốn làm sư phụ bận tâm nữa. Nó quyết định tự mình đứng dậy và đi tiếp trong cuộc đời. Đợi tạnh mưa, nó đi tiếp.
Mấy ngày sau, nó vẫn cứ lê chân khắp phố phường, nhiều nơi treo bảng ‘cần nhân viên nữ’ đều là những quán cà phê đèn mờ, những nhà hàng quy mô nhỏ, tiệm massage. Nó không thích, đúng hơn là không dám bước chân vào làm nhân viên ở những nơi tranh tối tranh sáng thế này vì nó thấy những nơi đây không phù hợp với mình. Chắc mọi người sẽ nghĩ, nó làm chảnh, không có chuyên môn, bằng cấp, không gia đình người thân mà còn kén với chọn. Thế nhưng, hơn ai hết, nó hiểu nó không thể làm được ở những nơi như thế. Nhớ lời sư phụ dặn, nó biết mình không đủ ‘khỏe’ nên đơn giản là không dám ra ngoài e gặp ‘gió độc’ vậy thôi.
Đang dạo đi tìm việc, nó bỗng nhớ về sư phụ. Khi bước chân ra khỏi chùa, nó mới thấy hết những đắng cay của kiếp người như nó và trong những lúc thế này, nó nhớ về sư phụ nhiều. Khi còn ở với sư phụ, lúc nào nó cũng được nhắc nhở canh chừng cái tâm mình để kịp ngăn ngừa những tội ác và đỡ ân hận về sau. Thời gian qua, vật lộn với miếng ăn hằng ngày, nó có thì giờ đâu mà canh chừng cái tâm như hồi còn ở chùa. Cũng may là trong thời gian qua, nó cũng chẳng làm gì tội lỗi. Đến giờ, nó vẫn ăn chay như hồi ở chùa vì nó không biết ăn các món mặn. Đi làm về, nấu ăn rồi nhốt mình trong ngôi nhà thuê tồi tàn ngột ngạt ấy cùng hai chị em đứa bạn mà thôi. Nó thấy cuộc sống sao vô vị quá. Những tưởng đời nó sẽ khá hơn khi ra khỏi chùa, nào ngờ… Xa chùa, xa sư phụ, nó được một chút thanh thản vì không phải nợ cơm đàn na tín thí, không lạm dụng tình cảm của sư phụ khi thân trong chùa mà tâm không chuyên chú tu hành. Bao đêm nằm trong căn phòng chật chội này, nó nhớ chùa đến cồn cào, thương sư phụ nhiều lắm và mường tượng ở nơi miền quê thanh bình ấy, sư phụ giờ này đang làm gì.
Sau một tuần kiên trì đi khắp nơi gõ cửa tìm việc, nó vẫn chưa tìm được nơi nào chịu nhận. Đói và mệt xâm chiếm rồi lan dần khắp cơ thể, một thoáng nản lòng gợn lên trong tâm, mắt nó như hoa lên trong cái nắng vàng vọt cuối ngày như tia hy vọng le lói. Đường đã lên đèn. Đi đâu bây giờ? Vừa suy nghĩ vừa rẽ sang con đường ngang trước mặt, nó thấy cái bảng gì ở một tiệm giày. Nó bước lại gần với một chút hy vọng. “Tuyển công nhân”, nó vui mừng. Bao mệt mỏi tan biến. Nó bước vào trong hỏi thăm và được biết, một công ty sản xuất giày đang có nhu cầu tuyển thêm thợ. Nó được nhận vào làm ngay từ ngày sau đó và công việc của nó là cắt da giày theo mẫu. Sau khi được hướng dẫn, nó bắt tay vào công việc. Tuy sử dụng máy cắt, nó không phải vất vả lắm, nhưng công việc này cần chú ý nhiều mới điều khiển miếng da đi theo đúng mẫu để có được sản phẩm  sắc sảo. Vì chỗ làm mới này xa nhà ở, nó chuyển đến trú chung với hai chị ở miền Tây lên cùng làm chỗ với nó. Nơi đây, nó tìm thấy niềm vui trong công việc và dễ chịu hơn trong quan hệ tình người.
Bây giờ, công việc tương đối ổn định, mặc dù lương không cao. Nó cũng biết suy nghĩ xa hơn một chút và không còn trách cứ cha mẹ nữa. Nó tự nhủ, hãy nhìn đời bằng cặp mắt của ‘nửa ly nước có’ để có thể vươn lên trong cuộc sống. Dù không có công nuôi dưỡng, cha mẹ cũng có công sinh ra nó kia mà. Để làm được việc này, mẹ phải chịu bao điều tiếng, vượt qua búa rìu dư luận, hy sinh cuộc sống bản thân và quan trọng hơn là tránh được tội sát sanh để cho nó cơ hội chào đời và trải qua những điều mầu nhiệm của cuộc sống. Người ta nói rằng ông trời có đức hiếu sinh nên chẳng bao giờ lấy đi của ai tất cả. Dù sao, nó cũng còn chút duyên lành. Tuy không lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, nó may mắn được người sư phụ già khả kính chăm sóc chu đáo, nuôi dạy với tâm từ ái bao dung.
Hôm nay, bỗng dưng nó dậy sớm hơn mọi ngày. Chợt nghĩ nhớ về sư phụ, niềm tin tăng lên bội phần. Nằm lắng nghe tiếng lòng, lời sư phụ dạy nó năm nào còn văng vẳng trong ký ức “có nhiều hướng đi trong cuộc sống, miễn sao sống cho có đạo đức là được. Cánh cửa này mình không có duyên đi được thì chọn cánh cửa khác vậy”. Nó cảm thấy ấm lòng với lựa chọn của mình. Nó tự nhủ, trong cuộc sống, nó phải thể hiện một chút ‘thấm’ của ‘sương Pháp’ trong mười tám năm được nuôi dưỡng trong môi trường đạo đức, đứng trên đôi chân của mình và sống bằng sức lao động chính đáng mình bỏ ra. Nó bắt đầu tập yêu công việc của mình…
         Hằng Như 2010

Sunday, August 26, 2012

HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN

Hạnh phúc có khi đơn giản chỉ có vậy...

TÂM TỪ


Cuộc đời này đầy dẫy khổ đau. Khi biết suy nghĩ, ai cũng thấu hiểu điều này qua kinh nghiệm thực tế của bản thân. Không khổ ở phương diện này thì khổ ở phương diện khác, không khổ lúc này thì khổ khi khác. Cảm nhận cái khổ quanh ta và trong thân và tâm ta, nếu chịu khó suy ngẫm một tí, ta sẽ thấy, khổ không còn là vấn đề cá nhân nữa, mà là một trải nghiệm mang tính cộng đồng. Khổ đến với tất cả mọi người và rộng hơn nữa, mọi chúng sanh có tình thức. Nói cách khác, khổ là một phần của sự sống. Khi nào còn sống trong vòng phong tỏa của vô minh, con người còn tạo khổ đau cho mình và cho người.
Khi ý thức được rằng, vô minh là ‘tài sản’ chung của những người chưa giác ngộ, ta có sự đồng cảm và thông cảm với những người chịu đựng khổ đau do chính mình gây ra, hay chấp nhận gánh chịu khổ đau, dù chẳng muốn tí nào, từ sự vụng về của người khác. Biết đâu, và chắc chắn là vậy, vào một thời điểm nào đó, họ lại trở thành nạn nhân từ sự vô minh của chúng ta. Do vậy, ý thức rõ ràng được tính chất chung của khổ đau, khi ta biết thương cảm cho nỗi khổ của mình, cũng đồng nghĩa với thương cảm nỗi khổ đau của người khác. Đây là nguồn gốc của tâm từ.
Thế nhưng, thử hỏi, nếu tâm từ bắt nguồn từ sự ý thức được nỗi khổ niềm đau, vậy tại sao khổ đau phủ khắp nhân gian và ai cũng hiểu điều này, mà tâm từ dường như hiếm hoi quá vậy?  Vấn đề là van tâm chúng ta thường đóng nên không thể cảm nhận khổ đau, dù van tim vẫn mở đóng đều đặn cho máu trong người lưu thông và trao đổi. Do van tâm đóng chặt, ta tránh xa khổ đau và trở nên phòng thủ với khổ đau của chính mình cũng như của người khác, thay vì rộng mở để đón nhận, để nhận diện rõ ràng và để chuyển hóa khổ đau. Với việc cài then đóng chặt cửa tâm nhằm ngăn ngừa và phòng thủ khổ đau, ta cũng chặn nguồn tâm từ của mình không cho lưu xuất.
Chúng ta không nhất thiết trở thành một bậc thánh mới có thể trải tâm từ đến người khác. Thật ra, tâm từ là sự đáp lại mang tính tự nhiên của tâm rộng mở. Thế nhưng, khi nào chúng ta còn tránh xa, chối từ hay kháng cự lại sự thật hiển nhiên, chân lý  mang tính khách quan của cuộc sống, suối nguồn từ bi sẽ khép kín cửa. Khi chúng ta chối từ không dám nhìn nhận những trải nghiệm khổ đau, chúng ta xa rời chơn tâm uyên nguyên để bám víu vào sự giả tạm, dối trá, ma mị và rối rắm hơn. Khi ấy, ngay cả từ bi với chính mình, ta cũng không thể làm được, mong gì trải tâm từ đến người khác.
Tâm từ có tính chất như hạnh phúc, hình ảnh hơn một tí, như sương rơi, hay như nguồn phát sáng nào đó. Sương không thể nhỏ giọt trên cây lá mà bản thân nó không được tẩm ướt. Như bất cứ nguồn sáng nào, muốn chiếu sáng vật khác thì bản thân nó phải tỏa sáng soi rọi chính mình. Do vậy, người nào chưa biết thương mình thì không thể thương người khác. Ai đó cho rằng mình chỉ lo cho người khác, hy sinh vì hạnh phúc của người khác  mà mình chìm trong khổ đau thì đó chỉ là một cách ngụy biện mà thôi.
Hãy mở van tâm cho suối nguồn từ bi lưu xuất để thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn!

Friday, August 24, 2012

KHỞI TÂM TỪ


Remember that you don’t have to like or admire someone to feel compassion for that person. All you have to do is wish for that person to be happy.

- Thanissaro Bhikkhu, "Head & Heart Together"
Nên nhớ rằng chúng ta không nhất thiết phải thích hay ngưỡng mộ một ai đó mới có thể khởi tâm từ đến họ. Điều chúng ta cần làm là mong ước người ấy được hạnh phúc.
Tỳ kheo Thanissaro trong bài “Sự hòa hợp giữa khối óc và con tim”
                                                                           Hằng Như dịch

Thursday, August 23, 2012

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH!


Your time is limited, so don't waste it living someone else's life. Don't be trapped by dogma - which is living with the results of other people's thinking. Don't let the noise of other's opinions drown out your own inner voice. And most important, have the courage to follow your heart and intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary. (Steve Jobs)
Thời gian của các bạn là có hạn, vì thế đứng lãng phí để sống một cuộc sống của người khác. Ðừng giam nhốt mình trong những tín điều nào đó, sống như vậy là sống bằng suy nghĩ của những người khác. Ðừng để sự ồn ào từ quan điểm của người khác lấn át đi tiếng lòng sâu thẳm của chính bản thân mình. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo tiếng gọi của con tim và trực giác của bạn. Chúng biết rõ bạn thật sự muốn trở thành người thế nào. Những thứ khác đều là thứ yếu. (Hằng Như dịch)

VỌNG...


Ở đời, với tâm vọng tưởng theo kiểu “con cá trong lờ đỏ lơ con mắt, con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô”, chúng ta thường quên đi những gì chúng ta đã có và đang có, mà chỉ nghĩ tới những gì chúng ta không có và chưa có. Chúng ta cũng có xu hướng quên đi những lợi ích lâu dài mà chỉ nghĩ tới những cái lợi trước mắt vì nó thỏa mãn được cảm xúc giác quan. Phải biết suy xét lắm mới vượt qua những cám dỗ nhẹ nhàng êm ái của cảm xúc.
Chính tâm vọng tưởng ấy là những vật không đáng giá của người này chính là những vật mong ước của người kia. Có khi vật từng được xem là quý giá lúc này trở thành đồ phế thải vào lúc khác. Đời là như vậy! Do đó, đừng thắc mắc gì cả và không có gì là vô lý, vì vô lý với người này lại là có lý với người khác. Thế nhưng, hãy lường đến quy luật tâm lý nhàm, lờn khi cảm xúc mới mẻ ngày nào trở thành tẻ nhạt nếu nó cứ lặp đi lặp lại theo thời gian. Rốt cuộc, một bài học chung cho tất cả sau tất cả những cuộc đua tìm cầu cái mới là tâm lý thất vọng. Thế mới biết vọng cầu là nhân của khổ đau và đứng núi này trông núi nọ kéo theo nhiều bất an trong cuộc sống.
Hạnh phúc sẽ đến, nếu chúng ta biết ghi nhận dòng sống trong hiện tại và cảm nhận những an lạc tràn trề chúng ta đang có, thay vì chỉ nghĩ đến mộng ước muốn cơi nới có thêm, hoặc ham muốn viển vông thay đổi cái gì đó mới lạ  cho khác với hiện tại. 

Hãy tận hưởng và trân quý những gì chúng ta đang có, nhất là những con người chúng ta có duyên gặp gỡ, kết thân trong đời này như bạn bè, thân quyến đang có mặt chung quanh ta.
Hãy sống với hiện tại, bình an đích thực sẽ có mặt.


Wednesday, August 22, 2012

QUỲNH NỞ


Đêm qua, hai đóa quỳnh nở. Ngắm quỳnh nở trên cây tự nhiên và có hồn hơn, nhưng đêm qua thì không thể, vì trời mưa lớn, nên đành cắt đem vào nhà thưởng thức.






CỐT LÕI VẤN ĐỀ


Thich Nhat Hanh
Hằng Như dịch
Hòa thượng Nhất Hạnh trả lời ba câu hỏi về cảm xúc:
Câu hỏi 1: Vì quá ham muốn thành công, con phải chịu khổ đau. Bất cứ những gì con làm, con đều cảm thấy không đủ. Làm thế nào để con có được sự bình an cho chính mình?
Chất lượng của việc ta làm phụ thuộc vào sự có mặt đích thực của chính mình. Giả sử ta mong muốn đem hạnh phúc đến cho người khác để người ấy được hạnh phúc. Đó là một điều tốt. Thế nhưng nếu ta không có hạnh phúc, ta không thể đem hạnh phúc cho người khác được. Muốn đem lại hạnh phúc cho người, trước tiên tự bản thân ta phải có hạnh phúc. Có một sự liên kết giữa những gì ta làm và những gì ta có.  Nếu tự thân ta không có được điều đó thì không thể nào ta có thể đem điều đó cho người khác được. Nếu ta không biết ta đang đi trên con đường đúng hay sai, thì làm sao ta có hạnh phúc được. Điều này là tất nhiên như vậy rồi. Nếu ta không biết mình đang làm gì, chắc chắn ta sẽ khổ thôi. Nhận ra con đường mình đi và thấy biết được con đường đúng là điều quan trọng.
Hạnh phúc nghĩa là chúng ta nhận thấy lúc nào mình cũng đang đi trên con đường đúng. Chúng ta không cần đi đến cuối con đường mới có hạnh phúc. Con đường đúng chỉ cho các phương cách sống cụ thể trong từng phút giây trong cuộc sống. Trong Đạo Phật, chúng ta nói về con đường thánh tám nhánh: thấy biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, hành động chân chánh, nuôi mạng chân chánh, siêng năng chân chánh, ghi nhớ chân chánh và thiền định chân chánh. Chúng ta có thể thực hành tám nhánh của con đường thánh này trong từng phút giây trong đời sống hằng ngày. Làm được như vậy, không những bản thân ta có hạnh phúc mà những người xung quanh mình cũng có hạnh phúc. Nếu chúng ta thực hành con đường này, chúng ta trở nên hài lòng, tươi mát và đầy lòng thương yêu.
Hãy nhìn cái cây ở sân trước nhà. Cái cây dường như không làm gì cả. Nó chỉ đứng đó, đầy sức sống, và duyên dáng, vậy là có ích cho người khác rồi. Đây là sự mầu nhiệm của sự tồn tại. Nếu cái cây không phải là một cái cây trọn vẹn, tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối. Thế nhưng nếu cái cây thật sự là một cái cây, nó đem đến niềm tin và hy vọng. Đó là lý do tại sao khi chúng ta chỉ cần là chính mình, chúng ta đã hành động rồi.  Hành động trên cơ sở của không hành động; hành động là hiện hữu.
Câu hỏi 2: Con bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt. Con ít khi ở một mình. Vậy thì nơi nào con có thể tìm được thời gian và không gian để thực hành yên lặng?
Yên lặng là một trạng thái đến từ nội tâm, chứ không phải từ bên ngoài. Yên lặng, không có nghĩa là không nói không làm gì cả; mà yên lặng có nghĩa là chúng ta không bị quấy nhiễu từ bên trong. Nếu chúng ta thật sự yên lặng, bất luận trong môi trường nào, chúng ta cũng cảm nhận được sự an lạc trong yên lặng. Có những lúc mình tưởng chừng đang yên lặng và tất cả chung quanh đang yên lặng, nhưng các cuộc đối thoại vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ ở trong đầu. Đó không phải là yên lặng. Thực tập là tìm thấy sự yên lặng trong mọi hoạt động mà mình tham gia.
Hãy thay đổi cách nghĩ cách nhìn của mình. Chúng ta nhận ra rằng yên lặng đến từ nội tâm chứ không phải từ việc không nói chuyện. Ngồi xuống để ăn một bữa trưa có lẽ là cơ hội để chúng ta cảm nhận sự yên lặng. Mặc dù người khác đang nói chuyện, chúng ta vẫn có thể giữ được sự yên lặng bên trong. Đức Phật sống giữa hàng ngàn chúng đệ tử vây quanh. Thế nhưng, Ngài đi, đứng, ngồi và ăn giữa hội chúng tăng ni như vậy mà vẫn luôn an trú trong yên lặng. Đức Phật nói rõ ràng rằng, giữ sự vắng lặng, lặng thinh không có nghĩa rằng chúng ta phải vào rừng. Chúng ta có thể sống giữa tăng chúng, có thể đi vào chợ mà vẫn giữ cho mình được sự yên lặng và an tịnh. Sống một mình không có nghĩa là không có ai bên cạnh.
Sống một mình có nghĩa là chúng ta vững chãi ngay trong lúc này, ngay tại ở đây để có thể ý thức rõ ràng những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Chúng ta có thể dùng tâm chánh niệm để ý thức được từng cảm giác, từng ý tưởng khởi lên trong tâm. Chúng ta cần tỉnh thức những gì đang xảy ra xung quanh ta, nhưng hãy luôn là mình chứ đừng đánh mất mình. Đó là định nghĩa về sự thực hành tịch lặng lý tưởng: đừng nắm bắt những gì đã qua trong quá khứ hay rượt đuổi tương lai, mà hãy luôn trong hiện tại, đem tâm về với thân, ý thức được những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Đây là sự an tịnh đúng nghĩa.
Câu hỏi 3: Con cứ lo sợ một ngày nào đó, mẹ con hay một người thân nào đó của con mất đi. Làm thế nào để con chuyển hóa nỗi lo sợ này?
Chúng ta có thể nhìn sâu vào mẹ mình không phải ở đâu xa mà ngay ở đây. Cha và mẹ chúng ta hiện hữu  đầy đủ trong mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta. Chúng ta mang cha mẹ mình vào trong tương lai. Tôi thường nói chuyện với cha mẹ tôi, tổ tiên tôi vốn hiện hữu trong tôi. Tôi biết rằng tôi là sự tiếp nối của ông bà cha mẹ tôi. Nhận thức theo cách này, tôi biết rằng ngay cả khi thân thể mẹ tôi tan hoại, mẹ tôi vẫn tiếp tục tồn tại trong tôi, đặc biệt là năng lượng mẹ đã tạo ra ở các phương diện ý tưởng, lời nói và hành động. Trong Đạo Phật, chúng ta gọi đó là nghiệp lực. Nghiệp là hành động, hành động của thân thể, của ý tưởng và của lời nói.
Nếu chúng ta nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy có sự tiếp nối của mẹ mình bên trong và bên ngoài bản thân mình. Mỗi ý tưởng, lời nói và hành động của mẹ bây giờ được tiếp tục với sự có mặt và ngay cả với sự không có mặt của hình hài mẹ. Chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào mẹ. Mẹ không được xác định bằng thân thể của mẹ. Nhận thức được như vậy là điều quan trọng. Đây là điều kỳ diệu của thiền Phật giáo – với sự thực hành quán sát sâu sắc, chúng ta có thể chạm đến bản chất thật của chính mình, sự không sanh không diệt của cha, của mẹ, của con chúng ta và của tất cả những gì trong ta và quanh ta.  Chỉ có nhận thức như vậy mới có thể giảm đi và loại trừ nỗi lo sợ mà thôi.
Trích từ “Answers from the Heart” (Đáp từ trái tim), 2009 của Hòa thượng Nhất Hạnh.

Tuesday, August 21, 2012

DẠY HỌC LÀ TRỒNG CÂY CHĂM VƯỜN (kỳ 1)


Năm học mới vừa bắt đầu, tôi muốn chia sẻ vài ý tưởng liên quan đến việc cải cách dạy và học ở nước ta. Từ kết quả nghiên cứu về những ảnh hưởng văn hóa xã hội đến quá trình dạy và học tại các trường tiểu học ở Việt Nam mà bản thân tôi thực hiện cách đây vài năm, tôi biết còn lâu và lâu lắm, nền giáo dục nước ta mới được cải thiện. Thế nhưng, đây đó trong số giáo viên tôi tiếp xúc trong quá trình làm nghiên cứu này, những ý tưởng tích cực và đổi mới đặt trọng tâm vào người học vẫn được nuôi dưỡng và thể hiện ở một số ít giáo viên trong quá trình đứng lớp. Hy vọng trong một tương lai không xa, những ý tưởng này không còn là những đốm lửa le lói mà được nhân rộng để trở thành một định hướng giáo dục chủ đạo ở các trường phổ thông Việt Nam. Thật ra, quá trình đổi mới giáo dục đang được thực hiện từ nhiều năm nay là theo định hướng của học thuyết xây dựng kiến thức (constructivism) do nhà giáo dục Vygotsky chủ trương. Tuy nhiên, mọi nỗ lực có thể trong thời gian qua cũng chỉ dừng lại ở chỗ đổi mới cái vỏ mà thôi. Những nhà giáo dục mang sứ mệnh “cải cách” ấy đang rơi vào tình thế không nắm vững nguyên lý hoạt động của học thuyết này.  Entry này, tôi chia sẻ vài ý về vai trò của người thầy trên quan điểm của học thuyết xây dựng kiến thức (constructivism).
Nền văn hóa nông nghiệp ăn sâu vào trong cách nhìn, cách nghĩ của người Việt Nam từ bao đời nay. Cách suy nghĩ mộc mạc, chân chất nhưng rất tinh tế, khoa học và biện chứng ấy thật độc đáo góp phần làm phong phú nền văn hóa truyền thống dân tộc. Những lối so sánh, ví von với những hình ảnh rất mộc mạc, dân dã, quê hương được tìm thấy trong nhiều tình huống. Dùng hình ảnh ‘chăm vườn’ hay ‘gieo hạt’ để chỉ cho công việc của những người làm công tác dạy học theo phương pháp xây dựng kiến thức là một điển hình. Biểu tượng  ‘trồng người’ hay ‘người gieo hạt’ dùng để chỉ thầy cô giáo đã trở nên quen thuộc từ lâu. Chúng ta có xu hướng dùng từ “trường mầm non” thay cho “trường mẫu giáo”, gọi “lớp mầm, lớp chồi, lớp lá” nghe hình tượng và sinh động hơn là lớp bé, lớp nhỡ, lớp lớn như trước đây thường gọi.  Sự thay đổi này chứng tỏ chúng ta đang hướng đến một chương trình giáo dục năng động, đặt trọng tâm vào sự sáng tạo của người học. Do đó, hơn bao giờ hết, để đáp ứng chương trình giáo dục mới, vai trò người giáo viên là ‘người gieo hạt’ cần được phát huy để định hướng và đào tạo ra những thế hệ học sinh biết tư duy, sáng tạo, năng động và làm chủ việc học của mình.
Một khi người giáo viên thấy vai trò của mình là một người gieo hạt chăm vườn, người ấy sẽ tận tụy với học sinh, như người làm vườn ngày đêm cần mẫn với công việc của mình. Trước mắt thầy cô, những học sinh bé nhỏ là những bông hoa xinh tươi, lung linh trong nắng ban mai với những giọt sương trong suốt còn đọng lại qua ánh mắt thơ ngây trong sáng của các em. Trong khu vườn lớp học này, có nhiều bông hoa của chung một loài nhưng rồi mỗi hoa một vẻ, như trình độ các em nào có hoàn toàn giống nhau đâu. Trong vườn, lại có những loài hoa khả năng thích nghi kém hơn, nên người làm vườn phải chăm kỹ hơn một tí; cũng như những em bé mới chuyển trường từ nơi khác về còn ngỡ ngàng e sợ, giáo viên cần quan tâm hơn một tí để các em hòa nhập dễ dàng với các bạn cùng lớp, cùng trường. Có những cây hoa dễ dàng ra hoa kết trái, nhưng có những cây hoa thật khó có được hoa trái sum suê; như có em học dễ dàng có em lại gặp khó khăn không ít. Thế nhưng dù có khác nhau nho nhỏ, tất cả những bông hoa trong khu vườn xinh xắn này lúc nào cũng hài hòa, vui vẻ trong sự hòa nhập với thiên nhiên trời đất và công việc của người làm vườn – giáo viên là người chăm sóc khu vườn, bón phân tưới nước phù hợp với nhu cầu của cây, đáp ứng đúng thời gian, đúng liều lượng cũng như giữ ánh sáng và độ ẩm vừa phải để cây trong vườn tươi mát mà không phải chết khô hay úng nước và như thế, cả khu vườn này ngày càng xanh tốt hơn.
Chăm sóc vườn cần có phương pháp, dạy học cũng như thế. Phương pháp dạy học mới đòi hỏi người giáo viên tự phản chiếu lại cách nhận thức của mình về bản chất của học sinh. Trước đây, với truyền thống dạy học cổ điển, giáo viên nghĩ rằng tất cả học sinh đều có một cách học như nhau, cần một lượng kiến thức như nhau và cần được đối xử như nhau, như thế là công bằng. Một người làm vườn không lão luyện cũng chỉ nghĩ như vậy mà thôi. Thế nhưng nếu chúng ta nói chuyện với người làm vườn giàu kinh nghiệm, chúng ta sẽ tìm thấy một sự thật lý thú đến ngạc nhiên khi người làm vườn bảo rằng trong khu vườn của ông, các cây có nhu cầu dinh dưỡng cũng như nhu cầu ánh sáng, độ ẩm khác nhau về thời gian cũng như liều lượng và ông chăm sóc tùy theo nhu cầu của chúng. Dây leo cần giàn, dây bò dưới đất cần không gian rộng để trải lá, cây tán nhỏ trồng dày, cây tán lớn trồng thưa vì cần không gian lớn để vươn vai tỏa cành phủ lá, vv. Trẻ em cũng như những cây trong khu vườn kia, có những nhu cầu khác nhau để học và phát triển.
Một khi người giáo viên nhận thấy có sự khác nhau trong nhu cầu giữa các học sinh trong lớp, người ấy sẽ thay đổi nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình dạy. Nếu người giáo viên có thể làm được như vậy, tất nhiên sẽ đưa đến những thay đổi rất thú vị. Như vậy, với cách dạy và học theo phương pháp mới, thiết lập quan hệ để trao đổi, thảo luận trong tình thân mật giữa thầy cô và học sinh cũng như giữa các em học sinh với nhau cần được chú trọng. Với những giáo viên như vậy, họ luôn tự đặt ra câu hỏi như: ‘với trách nhiệm một người giáo viên, liệu ta làm gì để các em học tốt?’ Câu hỏi này luôn đeo đuổi người giáo viên và là động cơ để người giáo viên nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu cho từng em học sinh. Ví như người làm vườn tìm đọc những cuốn sách viết về kỹ thuật chăm sóc cây và tham khảo ý kiến các chuyên gia, người giáo viên cũng làm công việc tương tự trong quá trình đứng lớp. Đọc sách tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để tiến bộ là điều giáo viên luôn coi trọng.
Lớp học là một vườn hoa. Trước khi gieo hạt, người làm vườn chuẩn bị đất, cũng như vậy, người giáo viên cần có những bước chuẩn bị cho lớp học của mình. Người làm vườn làm sạch cỏ, xới đất, lên luống và chuẩn bị đất sẵn sàng cho vụ mùa mới. Người giáo viên cũng có những bước chuẩn bị tương tự. Ngày giáo viên nhận danh sách học sinh vào lớp mình là ngày giáo viên có trong tay những hạt giống. Những buổi gặp gỡ làm quen và chuẩn bị cho công tác khai giảng là những ngày hạt mầm đang được ươm và đến ngày khai trường, những mầm non xanh xanh bắt đầu nhô ra khỏi vỏ hạt, đâm xuyên qua mô đất vươn mình trên mặt đất rồi đấy.
Người làm vườn chuyên nghiệp có đầy đủ dụng cụ để làm vườn như cuốc, xẻng, cào cỏ, găng tay, vv; người giáo viên cũng có những dụng cụ để chăm sóc lớp học của mình, đó là giáo án, sổ đánh giá, cặp đựng hồ sơ, sổ tay cá nhân, sổ chủ nhiệm, vv. Thức ăn người giáo viên cung cấp cho vườn cây lớp học của mình là là những bài học trên lớp và những hoạt động lý thú trong và ngoài lớp cùng với tình thương yêu và chăm sóc dành cho các em. Ví như những cây trong vườn cần phân, nước và ánh sáng cũng như độ ẩm khác nhau, các em học sinh cũng thế. Do đó, không thể nào bắt buộc các em làm cùng một loại bài tập như nhau vì các em có nhu cầu được chăm sóc theo nhiều cách khác nhau. Trách nhiệm của người giáo viên là tìm hiểu mỗi em cần đến giáo viên ở phương diện nào và người giáo viên định hướng rõ ràng, cần hóa thân làm chỗ nương tựa vững chắc cho các em trong quá trình học ở lớp ra sao. (còn nữa)

Sunday, August 19, 2012

GỤC NGÃ...


Có một cái cây từng bị sét đánh trúng nhiều lần, mưa bão liên miên, nhưng nó cũng không thể nào bị quật ngã. Thế mà cuối cùng, cây chết đứng vì cuộc tấn công của một đám sâu bọ. Những con sâu nhỏ bé ăn luồn từ bộ rễ, miệt mài tấn công ngày đêm, làm mất đi sức sống của cây. Sét không thể đánh ngã cây, mưa to gió lớn cũng không hề làm cây lay chuyển, vậy mà mấy con sâu nhỏ xíu lại có thể khiến cây đổ gục, chỉ vì nó tấn công liên tục suốt nhiều ngày đêm…

Một việc nhỏ cho ta bài học lớn... 

Thầy R.D. Mehta ra đi...


Hôm nay, nhận được tin buồn từ Hội cựu sinh viên CIE (Central Institute of Education), Delhi, lòng chạnh buồn trước sự ra đi của Thầy R.D. Mehta. Thầy là người dạy môn Toán thống kê hay nhất của CIE… Nhớ hồi mình mới sang, ở Việt Nam mình chưa học Toán thống kê, hơi bỡ ngỡ với môn học mới này, Thầy là người tận tình hướng dẫn mình như một người bạn. Nhờ vậy, mình học môn này rất tốt. Sau đó, Thầy tin tưởng  giao cho mình kèm mấy em học khóa sau ở cùng ký túc xá. 

Thầy đối với sinh viên như một nhà giáo mẫu mực về chuyên môn và phong cách đứng lớp; có khi như một người cha, rất thương yêu, chăm chút từng li từng tí; có lúc như một người bạn thân tình và gần gũi.

Bao kỷ niệm về Thầy ùa về trong ký ức...
Mong Thầy sớm sanh về cõi lành…

Dear friends

We are shocked and deeply saddened to inform you about the sudden and irreparable loss of our senior colleague/teacher Prof. R. D. Mehta last evening.

The CIE Alumni Association greatly values Prof.Mehta’s contribution to CIE’s evolution as an institution of teacher education in India. His specialised knowledge and commitment towards  the learners inspired all.

The Cremation will take place on 19th Aug. ( Sunday ) at 10 AM at the Cremation Ground, near DDA Office, Mangla Puri (near Dwarka Flyover),Delhi.

The Kriya (Prayer Meeting) will be  held on 20th  Aug. (Monday) from 3PM to 4PM at the Society Compound, Vasundhara Apartment, Sector-6, Opposite Indian Oil Petrol Pump, Dwarka. 

Let us collate some moments in his remembrance and keep his memories alive in us.

With prayers for all


CIE Alumni Association

Saturday, August 18, 2012

ĐỂ CÓ TINH THẦN THOẢI MÁI

Tinh thần thoải mái là yếu tố cần thiết quyết định chất lượng cuộc sống. Các nhà tâm lý học thực hiện nhiều nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, một tinh thần thoải mái, một tâm lý bình an, tự tại là một trong những điều kiện tiên quyết tuổi thọ con người. Nói cách khác, mức độ an tịnh của tâm tỷ lệ thuận với chất lượng sống và thời lượng sống của mỗi cá nhân. Bây giờ, vấn đề là làm thế nào để tâm an tịnh nếu chúng ta không phải là người xuất gia chuyên tu mà còn phải đi giữa cuộc đời, tham gia nhiều công tác xã hội để duy trì cuộc sống với những thúc bách của cơm áo gạo tiền.

Các nhà tâm lý học thực hiện nhiều nghiên cứu ở quy mô lớn nhỏ khác nhau, ví dụ nhóm nghiên cứu của giáo sư Anita E. Kelly, trường đại học Notre Dame, Áo kết luận rằng người chân thật có sức khỏe tốt hơn, tinh thần an tịnh hơn và sống bình an hơn so với người dối trá. Trong thực tế, ta thấy những nhà lãnh đạo giỏi cũng rất trân trọng sự chân thật và họ cũng đã thể hiện đức tính cao quý nào qua cuộc sống của mình, như Mahatma Gandhi.

Dân dã hơn, cha mẹ nào cũng nhắc con cái sống đời chân thật. Tôi con nhớ, chân thật là điều Cha tôi đã nhắc nhở tôi khi tôi xa mái ấm gia đình bước vào môi trường sống mới. Mãi đến sau này tôi mới hiểu hết lời Cha dạy. Trước khi giã từ Cha Mẹ, tôi thưa Cha tôi cho tôi vài lời dạy căn bản để tôi tự tin ra đi khỏi vòng tay của Cha Mẹ mà không mất phương hướng sống. Khi ấy, Cha tôi chỉ nói đơn giản “con làm gì thì làm, tối đến, con có được một giấc ngủ ngon là được. Hãy nhớ rằng trung thực là thần dược để giúp con có được giấc ngủ ngon.” Đó là hành trang tôi mang vào đời để luôn nhắc mình cố gắng thực hiện.


Trung thực là thượng sách
Vậy trung thực là gì? Thomas Jefferson nói rằng “trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ”. Theo tự điển, trung thực là khong có lường gạt, thành thật, chân thật, đáng tin cậy, toàn tâm toàn ý. Trung thực là chính trực ở phương diện cá nhân. Spencer Johnson nói rằng “chính trực là nói thật với chính mình; trung thực là nói thật với người khác.”

Sống trung thực, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ thực hiện. Để thực hiện được sự trung thực, chúng ta cần có bản lĩnh sống để chấp nhận và chịu đựng những hậu quả có thể làm cho mình bị thua thiệt người khác nếu nhìn trên bề mặt của hiện tượng. Người trung thực có thể bị số đông phản đối, cô lập, ganh tỵ, ghét bỏ, thù oán và xúc phạm. Mới nghe qua, nhiều người ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật. Cứ sống toàn tâm toàn ý cho sự trung thật, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ thái độ đối xử của những người xung quanh. Thế nhưng, không vì những cái chướng ngại tạm thời, ngắn hạn này mà chúng ta không dám sống trung thực. Sống trung thực sẽ đưa đến những kết quả lâu dài đủ để làm động cơ cho chúng ta dám chọn trung thực làm lý tưởng sống, dù bị thiệt thòi nếu nhìn gần. Có thể kể ra một số kết quả lâu bền của cách sống trung thực:
1. Được tôn trọng
2.Thành thật
3. Cởi mở
4. Có uy tín
5.Có niềm tin vào đời sống đạo đức và các điều thiện lành
6. Tâm hồn an tịnh
7. Tự tin
8. Có trách nhiệm
9. Được khen ngợi
10. Có trí tuệ sáng suốt

Chính trung thực làm cho chúng ta không còn lo lắng và sợ hãi. Không có trung thực, cá nhân ấy sẽ không có sự tiến bộ hoặc phát triển khả năng hiểu biết về con người và cuộc sống. Điều này đúng trong mọi trường hợp, kể cả khi đối mặt với người khác hay đối diện với những khiếm khuyết vụng về của chính mình. Trung thực giúp chúng ta dám nhận lãnh trách nhiệm về những gì mình đã làm, dù kết quả có thế nào đi nữa. Trung thực giúp chúng ta có thể giải trình việc mình làm một cách tự tin và nhất quán, vì chân lý chỉ có một mà thôi.

Có nhiều tình huống mà chúng ta phải đấu tranh tư tưởng, cân nhắc nhiều lắm mới giữ được tính trung thực. Thế nhưng, người biết nhìn xa trông rộng sẽ không nản lòng chùn bước để giữ tâm chánh trực với người và không bị những cám dỗ của cuộc đời lung lạc. Trung thực, ta sẽ ngẩng cao đầu mà không cần tránh né, bao biện dưới bất kỳ hình thức nào cả. Người trung thực là người biết bảo vệ danh dự của mình một cách chính đáng. Hãy nhớ lời nhắn nhủ của đại thi hào William Shakespeare rằng “trung thực là chính sách tối thượng. Nếu tôi đánh mất danh dự của mình, tôi đã đánh mất chính bản thân mình.” (Honesty is the best policy. If I lose mine honour, I lose myself.)

Người trung thực, toàn tâm toàn ý cảm thấy hài lòng với những gì mình sống. Nhờ vậy, tâm họ an tịnh và thảnh thơi. Với tâm nhẹ nhàng, bình bặng và trong suốt, người trung thực đi vào giấc ngủ dễ dàng và sâu. Hai câu chuyện dưới đây sẽ là minh họa sinh động cho những gì tôi vừa trình bày:
Câu chuyện thứ nhất:

Số kẹo sô cô la cô bé sở hữu (hình minh họa)
Hai đứa bé hàng xóm, một trai một gái vẫn thường chơi thân với nhau. Một hôm, cậu bé muốn đổi số bi đủ màu sắc và kích cỡ mình có được để lấy số kẹo sô cô la mà cô bé đang có. Cậu bỏ mở lời, thế là cô bé đồng ý. Cậu bé nhanh tay giấu đi viên bi lớn và đẹp nhất trước khi giao bi cho cô bé, trong khi đó, cô bé trao cho cậu tất cả số kẹo mình có như đã hứa.


Bi của cậu bé (hình minh họa)
Đêm đó, cô bé có một giấc ngủ say và bình an.
Còn cậu bé trằn trọc không ngủ được vì cứ băn khoăn lo nghĩ “liệu cô bạn có giấu đi viên kẹo nào giống như mình đã giấu đi viên bi đẹp nhất không nhỉ?”

Câu chuyện thứ hai:
Đây là câu chuyện hoàn toàn thật từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Một lần nọ, trường chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập UNO (ngày 24 tháng 10).

Nhiều sinh viên nước ngoài tham dự sự kiện này. Ngày hôm đó, mọi người tham dự đều nhận được một gói quà lưu niệm và một đóa hoa hồng. Khi buổi lễ vừa tan, tôi tranh thủ chụp vài kiểu hình lưu niệm một sự kiện như vậy được tổ chức ở đây. Mọi người vẫn chưa rời chỗ. Tôi để túi xách, gói quà và đóa hoa hồng màu nhung thật đẹp vừa nhận được trên bàn ngay tại vị trí tôi đã ngồi, rồi đứng ra giữa lối đi để chụp hình khán đài chính.

Đóa hồng tôi nhận được có màu giống đóa hoa này
Khi trở lại, tôi thấy đóa hồng màu nhạt đang nằm bên cạnh túi xách của tôi. Điều này dễ dàng nhận ra vì đóa hồng của tôi tươi hơn và màu thắm và sẫm hơn, còn đóa hồng này màu nhạt, hơi héo một tí, lại bị dập gãy hai cánh.

Đóa hồng của cô bạn tôi có màu thế này và kém tươi giống vậy
Đưa mắt nhanh qua chỗ cô bạn đang ngồi bên cạnh, đóa hồng của tôi lúc nãy giờ đang nằm ở đấy. Tôi giữ tâm bình thường, còn cô bạn thì có vẻ bối rối, dù cô ấy cười nói, cố làm ra vẻ tự nhiên, nhưng sự bất an hiện ra trong ánh mắt và giọng nói. Đêm đó, tôi ngủ một giấc ngon lành.
Những ngày sau, một, hai, rồi ba lần chạm mặt (vì cùng ở chung ký túc xá), cô ấy vẫn cúi mặt, bối rối và tránh ánh mắt tôi.
Tôi thấy cô ta thật tội nghiệp.

Bài học rút ra từ hai câu chuyện
• Khi con người ta không hài lòng với những gì mình đang có, họ sẽ khó có thể chọn cho mình cách sống trung thực.
• Khi đã không trung thực, tâm luôn bất an và khổ sở.
• Khi ta có thể trọn vẹn trải lòng chân thành trong các mối quan hệ, những việc cần làm, ta đã làm, và ta sống bình an!

Trên thực tế, lòng trung thực của chúng ta bị thử thách nhiều và phức tạp với nhiều sắc màu của cuộc sống chứ không chỉ là viên bi đẹp hay đóa hoa hồng tươi hơn. Thật bản lĩnh và kiên quyết, biết nói “không” trong một số tình huống và chịu thiệt thòi, thua kém và mất mát trong một số tình huống khác mới có thể sống trung thực. Hãy chọn cho mình cách sống để đêm về ta có giấc ngủ ngon mà không phải trằn trọc điều gì, ngày mới đến ta bình an tự tại.

Chúc mọi người biết cách vượt qua cám dỗ của nội tâm và ngoại cảnh để dám sống thật. Có như thế, ta mới có thể nhận được tấm lòng chân thật từ người khác.

Thursday, August 16, 2012

10 ĐIỀU NÊN NHỚ

 Sáng nay, vừa mở mắt ra, ý niệm đầu tiên xuất hiện trong đầu mình là tự nhắc “hãy đối xử với người theo cách ta muốn được mọi người đối xử với ta”. Cứ thế, mỗi ngày mới đến, cụ thể hơn là đứng trước mỗi một tình huống cần phải giải quyết, tôi tự nhắc mình một hoặc nhiều trong số 10 điều cần ghi nhớ dưới đây:

1: Mỗi ngày ta hãy khen tặng, dành những lời có ý nghĩa cho những người tốt.

2: Hãy đối xử với mọi người theo cách ta muốn được mọi người đối xử với ta.

3: Phải biết can đảm, đừng bao giờ lừa gạt ai, đừng tự dối lòng mình, hãy học cách lắng nghe.

4: Đừng làm mất hy vọng, nên nhớ người ta sống nhờ vào hy vọng.

5: Đừng hành động khi ta đang bực tức, giận dữ.

6: Hãy cẩn thận với những người mà họ không còn gì để mất.

7: Khi gặp tình huống khó khăn ta hãy hành động như không hề bị thất bại.

8: Hãy tiếc những điều chưa làm được, đừng tiếc những điều đã làm xong.

9: Đừng tập thói quen trì hoãn công việc, hãy làm những gì cần làm, làm đúng lúc mà phải dứt khoát.

10: Hãy tập yêu thương tất cả mọi người, dù đó là kẻ thù của ta, phải biết im lặng đúng chỗ và phải học tha thứ.

Tình cảm và lý trí


Bỗng nhiên hôm nay, tôi chợt nhớ lại một câu trích của Reinhold Niebuhr rằng “God, grant me the serenity to accept the things I cannot change, the courage to change the things I can, and the wisdom to know the difference.” (Lạy chúa, xin cho con đủ trầm tĩnh để chấp nhận những điều không thể thay đổi, đủ dũng khí để thay đổi những điều có thể thay đổi và có đủ trí tuệ để biết được sự khác biệt giữa hai điều này). Tôi rất tâm đắc với câu này và luôn nhắc mình để có quyết định dứt khoát trong những tình huống cần thiết. Một điều quan trọng không kém với tính dứt khoát là sau khi đã dứt khoát quyết định thì hậu quả thế nào, cũng can đảm chấp nhận, không biện hộ, không quy kết trách nhiệm cho ai, không chạy trốn thực tế.
Con người sống và hành xử dưới sự chi phối và điều tiết của tình cảm và lý trí. Tình cảm là nguồn năng lượng thúc đẩy con người hành động, trong khi đó, lý trí định hướng, điều chỉnh cho nguồn năng lượng này hướng về mục đích và hoàn thành mục tiêu của mình. Tùy vào “tỷ lệ” lý trí và tình cảm mà chúng ta đặt vào trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động sẽ quyết định hiệu quả, hậu quả của quá trình tác ý ấy. Chính vì vậy, kết quả ấy cũng rất đa dạng phong phú. Ví như từ một số màu cơ bản nhất định, người ta phối thành rất nhiều màu khác nhau. Tuy nhiều là vậy, nhưng nguyên tắc cơ bản chung nhất là tình cảm có sức mạnh vươn lên, còn lý trí có công năng dẫn đường. Người nào sống thiên về tình cảm sẽ có sức mạnh làm được nhiều thứ tưởng chừng không thể, và họ sẵn sàng hy sinh cho người mình thương mình yêu. Tuy nhiên, nếu không có lý trí dẫn đường, sức mạnh của tình cảm cuối cùng cũng đưa chính chủ nhân nó đến nơi nguy hiểm. Chính vì vậy, câu trích trên có vai trò quan trọng trong việc dùng lý trí can thiệp và định hướng cho con đường đi của tình cảm.
Đủ trầm tĩnh để chấp nhận những gì có thể có nghĩa là nhường cho tình cảm một vị thế nhất định trong tinh thần hài hòa, bao dung. Thế nhưng, đừng để tình cảm bản năng “thừa thắng xông lên” mà rơi vào “vùng mù” để rồi sống và hành xử chỉ nhằm thỏa mãn cảm xúc giác quan mà không còn nghĩ đến giá trị, nhân cách, sỉ diện, danh dự của bản thân. Đến lúc năng lượng của tình cảm cứ xông xáo thì lý trí cần phải phát huy chức năng định hướng của nó. Đủ dũng khí để thay đổi những gì có thể là cách để kịp thời điều chỉnh, định hướng lối đi của mình sao cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là có mong sao ta có đủ trí tuệ để hiểu rõ điều gì mình có thể chấp nhận được với sự kham nhẫn trong trầm tĩnh và điều gì mình cần và có thể thay đổi với dũng khí, can đảm của lý trí.
Hãy để lý trí dẫn đường cho con tim vốn có sức mạnh mà mù lòa!

Wednesday, August 15, 2012

CHĂM VƯỜN TRỞ LẠI


Sau một thời gian dài, blog http://hangnhu.blogspot.com/ bị lỗi không truy cập được, không view được. Một phần do bận rộn với những việc khác, blog tạm đóng băng và đóng cửa trong ngần ấy thời gian dài. Nay, đủ duyên, Hằng Như trở lại chăm vườn ở id: http://hang-nhu.blogspot.com/. Một số entry cũ được import trong thời gian khá lâu trước đó, nay export lại trên trang mới này. Số entry còn lại, bị mất hết. Đành chịu vậy.
Xin hân hạnh chào đón quý vị có duyên ghé thăm trang blog này.
Kính chúc an lành.
Trân trọng,
Hằng Như