Saturday, October 31, 2015

LỄ HỘI HALLOWEEN

Hôm nay 31 tháng 10, ngày hội Halloween diễn ra sôi động ở Mỹ và nhiều nước. Nhiều ngày trước, các gia đình đã đưa các em đi đến các ruộng bí ngô để chọn mua bí về vẽ mặt ma quỷ lên đó, rồi mua các bộ quần áo đủ kiểu cho ngày lễ hội này. Từ tối qua, hầu hết trẻ em và thiếu niên trong đêm Halloween hóa trang với đủ kiểu áo ma quỷ và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat” - Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi. Người lớn cũng hưởng ứng mặc áo ma quỷ đi chơi với các em. Ngày 31 tháng 10 này, có nhà mở tiệc hóa trang, nhảy múa, ăn uống, khách cũng thường mặc áo quần ma quỷ.

Monday, October 26, 2015

THẦY TÔI

Gần đây, gặp vài việc khiến tôi liên tưởng đến cách học, cách thực hành làm các nghiên cứu nhỏ mà các thầy cô hướng dẫn khi mình còn đi học, không khỏi chạnh lòng khi thấy một số bạn sinh viên chỉ hướng đến mục đích học... để thi chứ không phải tích lũy tri thức và thuần thục các kỹ năng!
Hôm nay có duyên nghe clip Thầy Shyam B. Menon trả lời phỏng vấn với tư cách là Vice-Chancellor của trường Đại học Ambedkar do CECED films thực hiện vào tháng 5 năm 2015; tự nhiên thấy nhớ Ấn Độ, nhớ C.I.E., nhớ cách truyền cảm hứng về việc học và nghiên cứu của Thầy Menon.

Thầy Shyam Menon là Vice-chancellor đầu tiên của trường đại học Ambedkar, một ngôi trường mới thành lập cuối năm 2008. Khả năng và tâm huyết của Thầy đã được lãnh đạo tiểu bang, MHRD (Ministry of Human Resource Development: Bộ Phát triển nguồn nhân lực) và Hội đồng giáo viên của trường tin tưởng giao phó và Thầy đã không phụ niềm tin ấy. Bộ mặt trường Ambedkar ngày càng đổi mới dưới sự lèo lái của vị thuyền trưởng là Thầy Menon. Một giới thiệu ngắn về trường Ambedkar ở đây.
Hình cắt từ clip phỏng vấn 
Nhớ lại những ngày cùng chung sống và thảo luận nhiều vấn đề trong các giờ học tại C.I.E.; nay có cảm hứng post lại entry cũ viết từ tháng 2 năm 2009 như một sự chia sẻ về cách Thầy dạy và cách chúng tôi học thông qua câu chuyện tản mạn về Thầy Menon trong entry này:

Trong cuộc sống cũng như trong môi trường học đường, ngoài những người thân trong gia đình, mỗi chúng ta đều có thể chịu ảnh hưởng sâu sắc của một số người khác, do duyên này hay duyên khác. Nhiều lúc tôi nhận ra tôi học được một số nguyên tắc sống từ những người tôi quý mến thương yêu và có phần ngưỡng mộ. Tôi thấy mình may mắn khi được quen biết và tạo được mối quan hệ thân mật với một số người có nhiều cái hay trong tính cách. Hôm nay, trong entry này, tôi muốn viết vài điều về một người thầy có ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm của tôi trong mấy năm gần đây. Những dòng này tôi viết ra như là sự bày tỏ lòng cám ơn của tôi đối với Thầy. Tôi nghe bạn bè đồng nghiệp của Thầy gọi Thầy là bằng 'first name' là 'Shyam' rất thân mật, chúng tôi là học trò, gọi Thầy bằng 'surname' là 'Menon'. Thầy Shyam B. Menon, một người thầy mẫu mực, dễ thương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Saturday, October 24, 2015

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

 “Học để làm gì?” thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục, nhưng hầu hết người học ít quan tâm đến câu hỏi này. Để kịp nhắc người học biết định hướng cho mình mục đích của việc học, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo vào năm 1996 có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây được xem là bốn trụ cột của giáo dục theo quan điểm của UNESCO.

Friday, October 23, 2015

Sunday, October 18, 2015

HIẾN TẶNG TRONG PHẬT GIÁO

Khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo

Hiến tặng, cách nói khác của sự cho đi, là một nghĩa cử cao đẹp con người thường thể hiện với nhau trong cuộc sống. Đó là cách chúng ta cho người khác những gì có thể với lòng chân thành và trân trọng, kèm theo thông điệp ta muốn trao gởi đến người nhận. Thường thì sự cho đi ấy sẽ góp phần hỗ trợ và bổ sung những gì người khác đang cần để giúp họ vượt qua khó khăn, bức bách, cấp thiết trong cuộc sống về vật chất, đồng thời đem lại cảm giác ấm áp và được quan tâm về tinh thần. Cùng một khái niệm “cho”, song tùy theo đối tượng nhận, trường hợp hay hoàn cảnh mà nghĩa của từ này có những tên gọi khác nhau như cho, biếu, tặng, cúng dường, bố thí.. Trong khi “hiến tặng” hay “cho” theo cách hiểu thông thường của nhiều người là sự chia sẻ vật chất, thì trong nhà Phật, nghĩa của từ này rộng hơn nhiều, bao gồm không chỉ bố thí vật chất, mà còn bố thí Phật pháp, bố thí sự không sợ hãi, cũng như góp phần đem lại sự bình an và hạnh phúc cho người và cho môi trường sống ta đang có mặt. Hiện thân của từ bi và trí tuệ, Phật giáo mang sứ mệnh của một tôn giáo vị tha, đem lại bao lợi ích thiết thực cho cuộc đời qua nghĩa cử “hiến tặng”. Vì lẽ đó, khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo cũng bao quát nhiều phương diện trong cuộc sống và ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Bài viết này là một gợi mở về các cách hiến tặng trong Phật giáo thông qua sự thực hành các kỹ năng, đem lại lợi ích thiết thực cho mình và cho người.

Monday, October 12, 2015

10 CÁCH TẠO PHƯỚC LÀNH


                                                                        Mahinda Wijesinghe
                                                                              Liên Trí dịch
Làm thế nào để tạo phước? Có 10 cách sau đây để tạo phước cho mình:
 1. Bố thí
2. Giữ giới
3. Thực hành thiền
4. Tôn trọng người
5. Phát tâm giúp người
6. Hồi hướng phước lành
7. Hoan hỷ với phước lành của người khác
 8. Giảng giải giáo pháp
9. Nghe pháp
 10. Chuyển tà kiến thành chánh kiến

 1. BỐ THÍ (dāna)

Đây là cách tạo phước lành căn bản nhất. Bố thí vật chất là những việc làm như cho cơm người đói, cho thuốc người đau… Bố thí được đức Phật tán thán vì đây là đức hạnh nền tảng và vì chính bố thí giúp người thực hành pháp này giảm đi tâm tham ái – tên thủ phạm xây dựng ngôi nhà khổ đau, vì Ngài gọi tham ái là tâm nhiễm ô.

Sunday, October 11, 2015

VẪN NÊN ĐỌC SÁCH GIẤY, BỚT XÀI ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH….

Tại các sảnh đợi máy bay ở các phi trường, tôi thấy có những người lặng lẽ ngồi đợi với cuốn sách giấy trên tay, mắt chăm vào từng trang sách, hoặc cầm bút đánh vào các ô chữ sudoku trên tờ báo, tôi biết chắc… đó không phải là người Việt! Quả thật, khi tôi có dịp lại gần thì thấy sách viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, nên họ có thể là người phương Tây, có thể người Nhật, hoặc người từ một xứ nào khác…. Nếu tôi thấy một nhóm nhí nhố soạn đồ ăn ra dùng, nói cười huyên thuyên, thoải mái chốn công cộng… như thể nhà mình, trên 80% khả năng nhóm đó là nhóm người Việt! Còn những người thuộc độ tuổi thanh niên đến trung niên, người nào cũng lo việc riêng của mình, không quan tâm đến người bên cạnh làm gì, chỉ chăm vào màn hình chiếc điện thoại thông minh – tài sản bất ly thân của mỗi người – lên facebook đọc tin, gởi tin nhắn hoặc chơi các trò chơi, tôi tin chắc 100% họ là người Đông Nam Á, trong đó có lớp trẻ người Việt chúng ta (tôi đoán và tự kiểm chứng nhiều lần và lần nào tôi cũng đúng!).

Tuesday, October 6, 2015

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT

Niềm tin trong đạo Phật” là đề tài vô cùng quen thuộc, thế nhưng, đề tài này vẫn luôn là nguồn cảm xúc dạt dào cho người học Phật và tu Phật. Bàn về “Niềm tin trong đạo Phật” thú vị ở chỗ, thường thì khi nói đến niềm tin, nhiều người nghĩ ngay đến mê tín, tín ngưỡng, sùng tín, cuồng tín vào một đấng linh thiêng bên ngoài thiên về cảm tính mà không có dự phần của lý trí. Thường thì trong các tôn giáo, đức tin và lý trí thường không cùng tồn tại: khi có lý trí thì không có đức tin, khi có đức tin thì lý trí lùi bước. Trong khi đó, đạo Phật được biết đến là tôn giáo của lý trí; “chỉ có trí tuệ là sự nghiệp” là phương châm của người học Phật, vậy niềm tin trong đạo Phật là niềm tin gì? Liệu niềm tin ấy có đi ngược lại với lý trí không? niềm tin và lý trí cùng đồng hành trong đạo Phật không?  Tôi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc trên qua bài viết này.
Khi tìm hiểu về một đề tài không mới này, tôi vẫn ngạc nhiên đến thú vị với quan điểm đậm chất nhân văn của đức Phật về niềm tin khi Ngài chủ trương niềm tin phải đặt trên nền tảng của lý trí, “đến để mà thấy” (Trung bộ kinh số 7: Kinh ví dụ tấm vải; số 38: Đại kinh đoạn tận ái), chứ không phải đến để mà tin. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn về vấn đề niềm tin trong giáo pháp của đức Phật được thể hiện qua kinh điển như là một quan điểm sống của đức Phật và tăng đoàn thời Phật chứ không phải bàn đến niềm tin trong tín ngưỡng Phật giáo khi hòa nhập cùng văn hóa bản địa trên con đường du nhập và phát triển của đạo Phật qua nhiều vùng miền văn hóa xã hội khác nhau.

Saturday, October 3, 2015

NGƯỜI TIN MÌNH CÓ THỂ...

Nếu bạc nhược bạn nghĩ mình bị đánh,
Bạn đã thua khi chưa ai đánh mình.
Nếu nghĩ rằng mình thiếu đi can đảm,
Thì làm gì có can đảm bạn ơi!
Mong chiến thắng mà nghĩ mình không thể,
Thì phần thua chắc chắn sẽ về ta.
Nghĩ thất bại, sớm muộn gì cũng bại,
Bởi thành công từ ý chí con người.
Thành-bại, thắng-thua, được-mất cuộc đời,
Tất cả đều nằm trong suy nghĩ mà thôi.
Nếu bạn nghĩ mình là vượt trội,
Bạn sẽ biết cách trở thành người như thế.
Nếu bạn luôn vươn tới tầm cao,
Điều trước tiên, cần nhìn lại bản thân,
Và tin tưởng vào những gì ta có,
Rồi vững vàng tay với đến thành công.

Trận chiến cuộc đời nhiều thử thách cam go,
Không phải thắng luôn thuộc về kẻ mạnh,
Kẻ nhanh hơn cũng chưa chắc có phần,
Nhưng sớm muộn gì phần thắng cũng sẽ về,
Với người có niềm tin, rằng “TÔI CÓ THỂ”!
 (Liên Trí dịch)

Nguyên tác: who think he can
If you think you are beaten, you are
If you think you dare not, you don't,
If you like to win, but you think you can't
It is almost certain you won't.
If you think you'll lose, you've lost
For out of the world we find,
Success begins with a fellow's will
It's all in the state of mind.
If you think you are outclassed, you are
You've got to think high to rise,
You've got to be sure of yourself before
You can ever win a prize.
Life's battles don't always go
To the stronger or faster man,
But soon or late the man who wins
Is the man WHO THINKS HE CAN! 

Thursday, October 1, 2015

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: “Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa trẻ nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào”.
Watson là nhà tâm lý học hành vi, nên ông đặt tầm quan trọng đặc biệt đến sự sửa đổi hành vi ở một con người. Ông xem giáo dục như một công cụ có thể nhào nặn con người theo ý muốn của mình. Quan niệm này có phần cực đoạn và sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di truyền, của những năng hướng tự nhiên, vốn quan trọng không kém giáo dục. Thế nhưng, quan điểm của ông có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ...”; vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?