Wednesday, September 17, 2014

TÂM NHƯ NGƯỜI THỢ VẼ


 “Tâm như người thợ vẽ, hay vẽ ra ngũ uẩn, và các pháp thế gian, tất cả do tâm sinh”. Thật đúng vậy, từ cái tâm thiên biến vạn hóa này mà cuộc sống của chúng ta vận hành. Giống như những con sóng nhấp nhô trên biển cả, tất cả những hoạt động của con người trong cuộc sống là một dòng chảy tâm thức không ngừng, chúng lướt qua và không thật sự để gì lại cho ta. Muôn vàn ý tưởng thoáng qua tâm trí, để rồi những gì chúng để lại chỉ là một mớ hỗn độn và không như ý trong tâm.


Thông thường chúng ta mơ hồ giả thuyết rằng, các pháp thật sự tồn tại. In trí như thế, ta sinh ra tâm chấp trước, hệ lụy, khổ đau. Thế nhưng, khi quan sát kỹ càng, tất cả những hiện tượng ở đời đều giống như chiếc cầu vồng, sống động và đầy màu sắc, nhưng không thật sự tồn tại. Khi nhìn một chiếc cầu vồng xuất hiện trên  bầu trời, chúng ta thấy nhiều màu sắc rất đẹp. Như vậy đấy, cầu vồng không phải là chiếc áo để chúng ta choàng vào người mình, hay khoác lên mình như một vật trang sức, đơn giản là nó xuất hiện do sự kết hợp của nhiều điều kiện, ngôn ngữ nhà Phật gọi là “duyên” . Ý tưởng trong tâm trí ta cũng xuất hiện theo cách tương tự như vậy. Nó không thật sự có; về bản chất, nó không hề hiện hữu. Do đó, không có một lý do nào có thể cho là hợp lý nếu để cho những ý tưởng này có năng lực thống trị chúng ta, cũng không có lý do nào để chúng ta tự nguyện giao nộp mình để trở thành nô lệ cho chúng. Nếu ý tưởng không “khởi động” thì thân, miệng cũng không nhận mệnh lệnh để thao tác gì cả.


Ta không có khả năng điều khiển, chi phối các sự việc diễn ra quanh ta, nhưng ta có thể nhận biết, kiểm soát và nếu sự thực hành của mình thuần thục ở mức cao hơn, ta có thể điều khiển những gì đang diễn ra trong ta từ nguồn tâm luôn biến chuyển trong từng sát na. Không ích gì buồn phiền với thái độ sống của người, chẳng lợi gì khi suy nghĩ, chạnh lòng với những điều bất như ý đến với ta; thế nhưng thật sự hữu ích nếu ta biết làm chủ dòng cảm xúc của chính mình qua sự thẩm sát cẩn trọng và toàn diện những diễn biến của tâm thức.


Cả niết bàn lẫn luân hồi đều do tâm tạo ra. Năng lực vô song của tâm được diễn tả qua hai câu kinh Pháp cú 1 và 2 rằng: tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác và từ đây, niết bàn lẫn địa ngục đều do tâm mà ra. Đúng vậy, ngoài ý tưởng, không có gì khác. Một khi chúng ta nhận ra ý tưởng sinh khởi tùy duyên, tâm không còn năng lực để lừa phỉnh chúng ta nữa. Thế nhưng, khi nào chúng ta còn mê muội chấp nhận các ý tưởng là thật có, thật quyền thì chúng sẽ tiếp tục gây khổ cho chúng ta một cách nhẫn tâm không hề thương tiếc, như chúng đã từng làm trong vô số kiếp sống trong quá khứ, như chúng đã từng làm trong chuỗi ngày ta còn mê muội. Muốn kiểm soát tâm, chúng ta cần phải thận trọng, thường xuyên quán sát tất cả những hành động về thân, miệng, ý của mình.  


Để cắt đứt sự bám víu của tâm, điều quan trọng là chúng ta hiểu được tất cả những biểu hiện ta thấy trong cuộc sống là không thật có, giống như sự xuất hiện của sóng nước trên đường nhựa là do ảo giác. Những hình tướng đẹp đẽ không đem lại lợi ích gì cho tâm, những hình sắc xấu cũng chẳng gây nên tai hại nào cả. Hiểu được sự vận hành của tâm thức, ta có thể cắt lìa sóng hy vọng và sợ hãi, lôi cuốn và ghê tởm, lo lắng và mất mát để giữ tâm bình thản khi hiểu rằng tất cả những hiện tượng không gì khác hơn là sự phản chiếu của tâm con người. Tâm là biến chuyển, bản chất nó là vậy, ta mong gì hơn? Khi nhận ra rằng có và không cũng chỉ là một, sự thay đổi là sự thật không thể đổi thay trong thế giới luôn thay đổi này, cuộc sống trở nên đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn và ta tự giải thoát mình khỏi những giới hạn trong thế giới khái niệm.

Hơn ai hết, ta hiểu giá trị và tiềm năng của chính mình qua thân phận một con người. Bao nhiêu sinh vật sống trên trái đất này có ý niệm rằng, khó làm sao khi được làm thân người. Được bao nhiêu trong số được làm người ấy hiểu được làm được thân người phải khó khăn lắm mà biết nghĩ đến việc tận dụng cơ hội được làm người này để thực hành pháp? Bao nhiêu người trong số biết thực hành pháp là người thật sự thực hành chánh  pháp? Bao nhiêu người trong số thật sự thực hành chánh pháp ấy có thể tiếp tục khi đã bắt đầu? Bao nhiêu người trong số người tiếp tục hành pháp ấy có thể đi đến đích cuối cùng? Thật ra, số người có thể đạt đến cứu cánh tối hậu ấy, so với số người còn lại, quả là quá ít ỏi, như vài vì sao lác đác trên bầu trời ta thấy lúc bình minh.


Khi nào chúng ta không nhận ra giá trị thật của kiếp sống con người, chúng ta sẽ hoài phí cuộc đời mình vào những hoạt động và những trò tiêu khiển vô bổ, vào những ngày chơi không biết mỏi và đêm ngủ không biết mệt; cứ liên miên như vậy không còn biết đến thời gian. Khi cuộc sống sắp đến hồi kết thúc, nhìn lại, chúng ta đã được gì trong cuộc sống. Thế nhưng, một khi thật sự thấy được cơ hội duy nhất mà cuộc sống con người đem lại cho mình, chúng ta ắt sẽ biết cách dồn hết năng lực có được vào việc làm chính đáng là ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày. Lâu nay, có thể vì vô minh che lấp, ta đã hoang phí quỹ thời gian của mình vào những việc không đáng làm, để rồi tiêu phí năng lượng vào những lo lắng, mất mát, sợ lo, giận hờn, buồn tủi… Hãy để dòng đời cuốn trôi tất cả những thứ không nên giữ lại ấy cho tâm ta thoáng đãng như nó thuở uyên nguyên. 


Một khi nhận ra vấn đề, bất cứ khi nào cũng không phải là trễ để bắt đầu nghiêm túc!