Tuesday, September 2, 2014

LÝ TRÍ VÀ CẢM TÍNH


Trong mọi hoạt động, quyết định của mình, con người đều vận dụng hai phương diện: lý trí và tình cảm. Khi cần tìm giải pháp cho một vấn đề, người ta cần đến lý trí, trong khi đó, tình cảm là sự thấu cảm, thông cảm, quan tâm, chăm sóc, tạo sợi dây liên kết giữa con người với nhau. Ví như một người thầy thuốc, dùng lý trí để chữa trị và dùng tình cảm để chăm sóc bệnh nhân.

Lại như các quan tòa, khi xem xét các tình tiết sự việc, cần sử dụng lý trí, nhưng khi định tội để tuyên án, cần xét đến các phương diện nhân thân của người ấy, hoàn cảnh thực tế và nhất là thái độ của người ấy trước tòa là biểu hiện lòng nhân đạo của mình đối với người phạm tội. Đây là lúc người quan tòa sử dụng tình cảm để rồi tội được tuyên dựa trên cơ sở xem xét cả lý và tình vậy. Phương diện lý trí nếu thể hiện hợp lý được xem là “tài” và tình cảm nếu biểu hiện phù hợp được xem là “đức” của một con người và khi giải quyết vấn đề, nếu căn cứ và sử dụng hợp lý cả hai phương diện này gọi là “thấu tình đạt lý”. Trong cuộc sống xã hội, chúng ta cần lắm sự thể hiện hợp lý và cân bằng giữa hai phương diện này để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và đầy tình người.

 http://img2.news.zing.vn/2012/07/03/4-song.jpg

Nói đến suy nghĩ, người ta thường nghĩ đến chức năng đặc trưng của khối óc (lý trí). Tuy nhiên, cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề phản tác dụng nhất – thay vì tháo gỡ vấn đề thì làm cho vấn đề rối thêm lên – là suy nghĩ và giải quyết vấn đề bằng con tim đầy cảm tính. Suy nghĩ cảm tính là khi chúng ta để tình cảm dẫn dắt suy nghĩ của mình, thay vì căn cứ vào các sự kiện thích hợp để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề và định hướng cuộc sống. Đó là lúc chúng ta sử dụng cảm giác để lý luận, khiến cảm tính trở thành yếu tố quan trọng khi đưa ra những quyết định thay vì lý trí. Để cảm tính len vào chiếm vị trí ưu thế trong quyết định của mình có lẽ là một đặc điểm của người Việt chúng ta vốn chịu nhiều ảnh hưởng trong cách nghĩ của con người thuộc nền văn hóa lúa nước, hễ “thích là làm”. 

Lúc nhỏ, thường chúng ta thích, thương và quý cô giáo nào đẹp hơn là cô giáo dạy giỏi. Ngay cả khi trưởng thành, ta dễ dàng chấp nhận người làm ta hài lòng với những “tài lẻ” hơn là kỹ năng chuyên môn. Từ đây, thật chua chát khi hiện thực xã hội ngày càng khẳng định tuyên bố “bằng lòng hơn bằng cấp” là đúng! Trong cuộc sống, hầu hết mọi người sẽ dùng nhiều cảm quan hơn khi tuyển chọn nhân viên, mướn một người làm vườn hay việc hệ trọng hơn như chọn bạn đời. 

Không chỉ người phương Đông nặng cảm tính trong quyết định, mà cả người phương Tây cũng xử sự theo cách như thế. Người ta dùng cảm tính làm cơ sở để quyết định ngay cả việc liên quan đến chính trị. Ví dụ vào ngày 9 tháng 9 năm 2004,  sau khi Florida bị một cơn bão tàn phá, nhân lúc Tổng Thống George W. Bush cùng nhiều người phân phát những túi nước và nước đá cho đoàn người xếp hàng chờ đợi trong dòng xe cộ nối dài. Khi hỏi về cảm nghĩ của họ trước cử chỉ ấy của tổng thống, một người trả lời, “Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được túi nước đá từ tổng thống. Không thể tin được chính tay tổng thống nước Mỹ đã phát cho tôi một túi nước đá. Tôi sẽ dành cho ông ấy một lá phiếu trong kỳ bầu cử sắp tới.” Một hành động đơn giản đã gây ấn tượng nơi người đàn ông, và khiến ông ta vững tin trong sự lựa chọn của mình.  Suy nghĩ cảm tính là thế đấy: “nếu ông ta có thể đưa cho tôi một túi nước đá, tôi sẽ bầu ông ta vào vị trí cao nhất và quyền lực nhất của đất nước.” Tại sao chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn cao hơn trên cơ sở của lý trí để đưa ra quyết định, thay vì dựa vào một ấn tượng chỉ lưu lại trong giây lát chỉ vì “tôi thích”? Đây là lối lý luận theo cảm tính và có thể gây ra nhiều trở ngại và có khi để lại hậu quả nghiêm trọng không thể sửa được. 

Chúng ta thường quyết định dựa vào tình cảm hơn là lý trí, lý luận và sự kiện. Chúng ta thường tưởng và ngỡ rằng quyết định của mình dựa trên lý luận và sự hợp lý, nhưng điều này chẳng mấy khi đúng. Hành động theo cảm tính là làm theo sự chỉ đạo của cảm xúc: thích hay không thích, chứ không quan tâm nhiều đến tính logic, hợp lý của vấn đề. Lợi dụng tâm lý sống thiên nặng về cảm tính, nghe là tin, không cần đúng sai của số đông, nhiều người ác ý, thâm độc và mưu mô đã biết khai thác thế mạnh tâm lý đám đông theo kiểu “folk psychology” của quần chúng để xuyên tạc, để vu khống, để dìm hàng kẻ khác nhằm phục vụ cho mưu đồ toan tính của họ. Ngay cả những người nhân danh hiền nhân, đạo đức, tự nhận mình, hay chí ít cũng tạo ra một cái persona để người khác hiểu mình có tầm, có cỡ mà vẫn quyết định và hành động theo cảm tính, bất chấp chân lý, không quan tâm sự thật, chẳng nghĩ gì đến nhân quả cả.

Trong khung cảnh ở xã hội ta, chân lý chưa trở thành một đức hạnh trong sinh hoạt tư tưởng cũng như sống thực. Tôi nói vậy là nhân danh sự trải nghiệm cuộc sống thực tế đầy sống động và lắm tái tê của bản thân tôi cũng như tri thức của mình trong hơn hai phần ba đời người (nếu quy ước nôm na 60 tuổi là một đời) với những gì đã chạm, gặp, thấy … đến phát ngấy (chán)!

Ừ thì cũng phải thôi. Chả trách gì, con người là vậy! Hạch hạnh nhân, trung tâm điều khiển cảm xúc trong não chúng ta cũng như của loài vật, đã ra đời nhiều triệu năm trước so với phần tác động suy nghĩ và lý trí – tức là vỏ não của con người mà! Vì thế, cơ sở sinh học sẽ giải thích vì sao khi chúng ta sợ hãi hay ngạc nhiên, chúng ta không nói được nên lời. Tình cảm mạnh hơn và đã lấn át và khống chế các trung tâm nhận thức ngôn ngữ của não, nên khi quá ngưỡng, lý trí bị đóng băng tạm thời và chỉ có cảm tính tăng tốc mà thôi.

Chính vì phận sự của lý trí bị cảm tính “cướp diễn đàn” nên con người bình thường vẫn phải gánh chịu khổ đau do chính mình gây ra dù trên cơ sở lý luận, chúng ta hiểu, thậm chí hiểu rõ mối tương quan nhân quả của vấn đề. Biết là một việc, làm là một việc hoàn toàn khác, vì khi thực hành, ý chí, nghị lực, bản lĩnh là những điều kiện cần thiết để thực thi thì ta lại không phát huy. Lý do? Buông xuôi theo bản năng là chìu theo cái tánh hoang dã, rừng rú của mình; còn một khi lý trí huy động ý chí, nghị lực và bản lĩnh thì tạo nên một xung lực gây đau đớn, không dễ chịu cho chúng ta. 

Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã rất đúng (một trong vài thứ ông đã đúng bên cạnh nhiều cái chưa đúng trong chủ trương học thuyết của ông), khi nói rằng chúng ta có động lực bẩm sinh là thích tránh xa sự đau đớn và hướng đến sự hưởng thụ. Chúng ta không muốn huy động ý chí, nghị lực và bản lĩnh, một phần vì chúng ta muốn tránh sự đau đớn, vất vả hay khó khăn của công việc để chìu theo tánh ý một cách bản năng vì chúng cho ta cảm giác thoải mái, sung sướng, thỏa mãn và hưởng thụ. Ăn thoải mái dễ dàng hơn ăn kiêng và nằm dài ngủ nướng sướng hơn là vận động tập thể dục. Hút thuốc cũng dễ hơn là từ bỏ nó. Nhậu nhẹt và những hành vi buông thả khác dù sao cũng dễ dàng hơn là đối mặt với khó khăn khi kềm chế, chuyển hóa tâm với những cám dỗ trong đời sống hiện đại. Rõ ràng, chúng ta biết cái gì tốt hơn,  nhưng ta không khôn ngoan hơn nên không thể làm theo cái tốt, luôn có những quyết định sai lầm và  do đó, hiệu quả không tốt hơn hoặc có vấn đề.

Nghệ thuật sống tốt, sống bình an là đừng để cảm tính “lấn sân” lý trí khi quyết định vấn đề. Hãy huy động các yếu tố ý chí, nghị lực, bản lĩnh, lòng kiên nhẫn và biết nhìn sâu trong mối tương quan nhân quả và lực tác động đa chiều của các điều kiện bên ngoài để biết, quản lý, điều khiển và làm chủ cảm xúc trong cuộc sống của mình. Chánh niệm tỉnh giác trong thiền định của Phật giáo sẽ giúp chúng ta nhiều trong quá trình này. Chỉ khi nào bắt tay vào thực hành, ta mới thấy được giữa “cái biết” (tri) với “cái làm” (hành) nó “trật rơ” thế nào và cũng chỉ qua thực hành, chúng ta mới biết cách cần điều chỉnh gì và điều chỉnh ra sao để cuộc sống có chất nhất và trọn vẹn nhất trong thời gian ghé trạm cuộc đời!