Friday, September 19, 2014

KHI NGƯỜI TA NÓI DỐI


Nói dối là một hiện tượng phổ biến


Một điều đáng nói là nhiều người lớn, với sự nói dối điêu luyện của mình trong suốt nhiều năm “kinh nghiệm” ở trường đời, đã dạy trẻ em nói dối theo kiểu “nói dối không có hại” (white lie) để làm hài lòng cảm xúc người khác, để người khác thêm sự tự tin theo kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học Gail Saltz. Ví dụ một người mẹ không ngần ngại nhắc con “khen dì út hôm nay mặc chiếc áo này đẹp đi con” để làm hài lòng người dì, để người dì cảm thấy tự tin hơn khi mặc chiếc áo ấy ra đường. Thường thì nói dối để tự bảo vệ mình và để che dấu lỗi lầm của chính mình dễ hơn nói dối để bảo vệ người khác như trong ví dụ vừa nêu. Tuy nhiên, khi trưởng thành, người nào cũng khá thành thạo trong việc nói dối để phục vụ các mục đích trên.

Con người thường nói dối những gì?
Trẻ em thường dối để tránh né hình phạt, điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì không ai trong chúng ta thích hình phạt cả. Thế nhưng, người lớn dối với nhiều mục đích khác, chung quy để họ tự tin ảo với những gì họ không thật có, để có thể tạo một vỏ bọc hoàn hảo trong mắt của họ và trong mắt mọi người, theo cách họ nghĩ và họ muốn. Robert Feldmen, một nhà tâm lý học dạy trường đại học  Massachusetts có đăng một bài viết trên  LiveScience, sau khi tiến hành nghiên cứu và đi đến kết luận rằng người muốn điều khiển cách nghĩ, cách nhận định của người khác về mình nên tạo dựng những tình tiết không thật về nhân thân và những việc về mình, liên quan đến mình. Nói cách khác, người ta dối vì muốn người khác nghĩ tốt, nể nang, khâm phục và dành cho mình một sự ngưỡng mộ mà thật sự, trên thực tế, mình không như thế. Theo suy nghĩ của người lớn, họ tự xây dựng một mẫu người lý tưởng và muốn mọi người nhìn mình trong hình tượng đó, nên tạo dựng những tình tiết để hợp lý hóa các chi tiết không thật.

Theo Feldmen, người ta dối để tạo ấn tượng với người khác, tạo sự chú ý của người khác , để được nhiều người chấp nhận, khen tặng, tôn vinh trong các mối quan hệ xã hội để đánh bóng bản ngã của mình. Khi cái ngã của họ bị đe dọa, vì cái họ muốn, họ tham nhiều hơn cái họ đang có, ngay lập tức, không thể nghĩ gì hơn, họ liền nói dối và dối một cách có hệ thống, có chủ đích, một kế hoạch dài hơi để tạo một vỏ bọc ảo quanh cái ngã của họ. Họ thường mà mắt người khác về nhân thân, địa vị xã hội, loại xe họ dùng, nơi họ sống và số tiền họ làm ra.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Basic and Applied Psychology, Feldman và các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành một nghiên cứu, nói chuyện với hai người trong vòng 10 phút, có ghi âm cuộc nói chuyện. Khi chưa phát hiện có máy ghi âm, hai người này cam đoan nói tất cả bằng sự thật. Thế nhưng khi kết thúc câu chuyện, họ mới biết cuộc nói chuyện của họ được thâu âm và khi nghe lại, họ chấp nhận có nhiều điều họ nói dối. Lặp đi lặp lại với nhiều đối tượng, nhóm nghiên cứu của Feldman ghi nhận có đến 60% số người nói dối và trung bình trong vòng 10 phút, họ nói 2,92 (gần ba) việc là không đúng sự thật.

Một sự thật là một số người nói dối nhiều hơn những người khác, thế nhưng ai cũng đã từng nói dối, không lúc này thì lúc khác, không với đối tượng này thì với đối tượng khác, không việc này thì việc khác trong cuộc sống. Theo Feldmen, người hướng ngoại, coi trọng các mối quan hệ xã hội có khuynh hướng nói dối nhiều  hơn người hướng nội, ít chia sẻ và các nghiên cứu của ông đưa ra kết luận không có sự khác biệt giới tính trong việc nói dối.

Người ta có khuynh hướng nói dối với người thân quen nhiều hơn so với người lạ mặc dù trước sau gì, sự thật cũng được phanh phui vì những người quen mới có nhiều cơ hội tiếp cận sự thật, có dịp hiểu biết sự thật đằng sau cái ảo giả dối mà người kia tạo nên. Người nói dối quen miệng sẽ trở thành “nghiện” nói dối. Muốn tạo dựng một việc có vẻ như thật, họ cần một số tình tiết không thật và tiếp tục với những luận điệu không thật để che chắn sự thật. Cứ thế, họ trượt dài trên con đường nói dối, sống giả và hành xử gian trá.

Tại sao người ta nói dối?
Có nhiều lý do khác nhau để người ta nói dối, nhưng chung quy lại, những lý do này đều có chung một gốc: họ không có đủ khă năng chịu đựng những hậu quả tương ứng từ việc nói thật. Thiếu can đảm, không đủ kỹ năng để giải quyết vấn đề đang gặp phải và thiếu kỹ năng để xoay xở những tình huống không như ý nên người ta chọn cách tránh né tình huống ấy mà không đương đầu và nói dối là một cách tránh né như thế. Nếu là người quá tôn trọng sự thật và là người với niềm tin tôn giáo mạnh mẽ của họ rằng không được nói dối, họ còn biết “suy nghĩ lại”, nếu không, khuynh hướng thường gặp ở con người bình thường là nói dối. Nói dối sẽ cho họ cảm giác an toàn tạm thời khi họ không thể đối mặt với  những kết quả của sự thật và thiếu đi các giá trị của bản thân.

Theo M.Farouk Radwan, trong các mối quan hệ, nhiều người có ảo giác rằng nói dối để tự đưa mình lên, tự tạo cho mình những vẻ bề ngoài tốt đẹp sẽ có thể duy trì được mối quan hệ lâu dài và che đậy những vụng về, sai trái của bản thân. Sự thực, sự chân tình, yếu tố thiếu đi ở người nói dối và sống giả, là nhân tố quyết định tuổi thọ của mối quan hệ chứ không phải cái hào quang vật chất, địa vị bên ngoài. Hà huống gì, cái vật chất phù du ấy họ cũng không có, mà phải hư cấu để lừa phỉnh, dối gạt người khác, liệu để làm gì? Tôi đã từng gặp người như vậy và cũng nhẹ nhàng nhắc khéo nhiều lần rằng, các mối quan hệ đặt trên nền tảng vật chất thì không bền, mà các mối quan hệ bền thì không bao giờ dính đến vật chất để người ấy ý thức hơn mà đừng ngụy tạo cho mình một vỏ bọc nào cả.

Nhiều người biện hộ rằng nói dối mà không hại ai, lại làm cho mọi người dễ chấp nhận nhau hơn trong giao tiếp, thì tại sao lại không? Họ không biết rằng, động cơ nằm sâu trong tâm thức chỉ đạo não bộ hình thành sư nói dối có chủ đích này xoay quanh cái bản ngã của mình: khen đểu để làm hài lòng người khác, đãi bôi để không làm tổn thương người khác, đồng nghĩa với việc muốn người khác cảm tình với mình. Hơn nữa, nói dối một lần, hai lần quen miệng, não bộ cũng “quen” vẽ vời nhiều chi tiết hư cấu, và cứ thế, nhiều lần hơn với sự điêu luyện ngày càng nhiều. Tôi cũng đã chứng kiến người ta nói dối như là một thói quen… không thể bỏ.

Robert Feldmen cùng nhóm đồng sự nghiên cứu trên 2000 cá thể về hiện tượng nói dối đã đi đến kết luận:
·       Nói dối khi nói chuyện điện thoại phổ biến hơn khi chạm mặt nói chuyện. (Hèn gì, muốn tìm hiểu vấn đề, đến tận nơi, nhìn tận mặt, nhìn thẳng vào mắt đối phương trực tiếp nói chuyện, sẽ biết ra nhiều sự thật sau phần nổi của tảng băng chìm)
·       10% nói dối để cường điệu sự thật gây chú ý, trong khi đó, 60% nói dối có chủ đích để đạt được mục đích cá nhân.
·       70% người nói dối tiếp tục nói dối ở những lần sau với  mức độ tinh vi hơn và điêu luyện  hơn.

Với kết quả nghiên cứu này, ta biết nói dối khi đã trở thành thường xuyên thì không dễ bỏ. Vẫn biết nó làm tổn thương và gãy đổ trong các mối quan hệ, nhưng người nói dối vẫn tiếp tục nói dối. Đối với những ai nói dối chưa trở thành một thói quen thì hãy tự răn nhắc mình, trang bị cho mình những kỹ năng đối đầu với thử thách và giải quyết khó khăn của cuộc sống hơn là những cuộc chạy trốn vô bổ của nói dối.

Với người có thói quen nói dối, ta không tin, nhưng cũng không nên phản ứng mạnh mẽ làm gì. Dung thứ cho đến khi nào không thể bao dung thì rời xa họ…

Thay lời kết…
Chân thật bao giờ cũng có giá trị nhất định, dù rằng đạo đức xã hội có thăng trầm cỡ nào. Đừng sợ mình bị thua thiệt  khi sống thật mới đủ can đảm sống thật và chấp nhận cái đểu giả ở đời. Tôi rất tâm đắc bài thơ “Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán, trong đó có những câu nhắc chung cho tất cả: “Con ơi trước khi nhắm mắt ; Cha con dặn con suốt đời; Phải làm một người chân thật.”

Cái thật nhất tất nhiên là cái lành nhất và không ai có thể chối cãi đó là cái đẹp nhất. Do đó, người ta thường nói chân-thiện-mỹ. Tuy ba mà một, tuy một mà ba, vì chỉ cần CHÂN thôi thì đời đủ THIỆN và MỸ rồi!

Tôi không dám nói mình chưa hề nói dối, nhưng để nói dối trở thành một thói quen hoặc nói với chủ đích lạc dẫn người khác để hiểu tốt hơn về mình, tạo uy tín ảo, phô trương đểu thì tôi không hề cso và nhắc mình, dù đánh đổi bằng mạng sống của mình cũng không bao giờ chấp nhận. Tôi biết chắc cái mớ vật chất, nếu có, cũng không làm nên giá trị con người, mà chính nhân cách, trong đó có chân thật, là cái con người cần trong cuộc sống. Không lý thuyết, không khuôn mẫu, không bắt chước ai để nói cho ra vẻ, để cố tạo cho mình một vầng hào quang ảo với trí tưởng tượng phong phú của mình là điều người tử tế nào cũng trân trọng. Đây là một sự thật, một sự thật muôn đời, chỉ cần sống đơn giản, không màu mè, dù các chuẩn giá trị khác có nghiêng ngả theo thời cuộc, nhưng đó chỉ có tính giai đoạn mà thôi. Chân thật có giá trị muôn đời!

Cứ vậy, tự tin mà sống cho đơn giản và chân thật.

Giá trị của sự thật thì vĩnh cửu. Sức mạnh của sự đơn sơ và chân thật rất thầm lặng đến nổi không phải ai ai cũng có khả năng để nhận ra được, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội mà có quá nhiều người yêu chuộng bề ngoài. 

Như thế đó, sự đơn sơ và chân thật đi luôn với nhau. Trái tim và ánh mắt của trẻ thơ dạy cho chúng ta biết sự đơn sơ chân thật ấy.