Hôm nay, sắp xếp một số file
trong máy, tình cờ gặp bài dịch này, mình dịch từ lâu lắm, mà chưa chia sẻ ở
đây. Hồi mới dịch xong, mình có gởi chia sẻ với một người bạn nhờ đọc lại
bản dịch. Sau khi đọc và chỉnh sửa một vài chỗ cho sáng ý, bạn mình ghi comment
rằng “Trong các sự chia sẻ, chia sẻ bài
viết này, chia sẻ lời dịch này, chia sẻ những ý tưởng này, chia sẻ dòng ý thức
này, chia sẻ dòng tỉnh thức này làm mình hài lòng hơn hết!” Nay đọc lại dòng comment này,
mình quyết định share bài này trên blog. Bài viết dài, nên mình chia ra thành
nhiều entry cho dễ đọc.
Trân trọng,
Hằng Như
Một Tuần Khoa Học Yên Lặng
Thanh lặng tâm và giải thoát cái tôi
(Dịch
từ “A Week of Silence
Quieting the Mind and Liberating the Self”)
của Daniel Siegel, bác sĩ tâm thần học.
(Bài đăng trong Tạp chí Psychotherapy
Networker, số 6, tập 30, năm 2006)
Từ Los Angeles, tôi bay đến Boston để tham dự khóa tu một
tuần, và tôi cảm thấy hơi lo. Trong bảy ngày tới đây, tôi sẽ ngồi trong yên
lặng giữa 100 nhà khoa học khác tại Hội thực hành thiền quán ở Barre,
Massachusetts. Khóa thực tập này do Viện Tâm
và Cuộc sống, - một tổ chức chuyên tiến hành các công trình nghiên cứu khoa
học về tỉnh thức và tâm từ - tài trợ. Đây là một sự kiện độc đáo, vì chưa bao
giờ có 100 nhà khoa học quy tụ về và cùng nhau ngồi trong yên lặng suốt một
tuần để học “thiền tỉnh thức.” thư thế này. Hầu hết họ là những người chuyên
nghiên cứu về bộ não.
Tôi biết rằng dạy thiền tỉnh thức cho mọi người có tác
dụng giúp cho thân tâm họ khỏe mạnh. Tại trung tâm Thiền tỉnh thức trường đại
học California tại Los Angeles, chúng tôi mới tiến hành một nghiên cứu thí điểm
tám tuần. Nghiên cứu này cho thấy rằng, dạy thiền cho những người có các chứng
bệnh liên quan đến di truyền như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở cả
người lớn và trẻ vị thành niên, có thể giảm mức độ phân tán tinh thần và hành
động theo bản năng một cách đáng kể.
Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có nền tảng gì về thiền cả. Tâm
tôi luôn bận rộn, chạy rông ít nhất là trên mười trục quay và ai cũng biết tôi
không phải là người ít nói.
Tôi nói với một người bạn về khóa thực tập yên lặng sắp
tới, thì anh ta bảo rằng, với anh, nói chuyện với mọi người là mạch sống, và
giao tiếp với người, qua lời nói, biểu cảm của ánh mắt, gần gũi trò chuyện, làm
cho cuộc sống của anh có ý nghĩa. Tôi nói, tôi cũng vậy thôi. Làm thế nào có
thể ngồi hoàn toàn yên lặng trong nhiều lần ngồi lâu, suốt một tuần như thế, mà
không giao tiếp với bất cứ ai bằng ngôn ngữ cũng như phi ngôn ngữ (đã được thỏa
thuận) như vậy? Tại sao tôi lại làm như vậy? Tôi tự hỏi, liệu rút lui có còn
kịp không?
Các nhà khoa học ngồi yên
Tôi không chuẩn bị gì nhiều, ngoại trừ đem theo đồ lạnh
và giày vì lúc này ở New England, nơi tổ chức sự kiện này, đang là mùa đông,
tiết trời rất lạnh. Có người khuyên tôi, điều tốt nhất trong khâu chuẩn bị là
thu xếp tất cả công việc nhà và việc công sở đâu vào đó, để trong khóa tu yên
lặng, tôi sẽ không cảm thấy còn nhiều việc trong thế giới đời thường thúc bách mình
phải gọi điện thoại, trả lời điện thư hay thư. Là một chuyên gia tâm thần học
thích nghiên cứu về bộ não và các mối quan hệ của nó, tôi không khỏi thắc mắc
rằng điều gì sẽ xảy ra với các vùng xử lý ngôn ngữ ở bán cầu não trái của tôi
khi chúng trở nên yên lặng trong suốt
thời gian thiền định? Chúng ta thấy biết và suy nghĩ về thế giới dưới dạng các
mô hình thực tại khái niệm (models of conceptual reality) thông qua các khối
thông tin bằng chữ và số được truyền đạt đến chúng ta. Các mô hình thực tại khái niệm đó là một phần
hoạt động của toàn bộ bộ não có chức năng tiếp nhận và đánh giá thông tin qua
các giác quan một cách có trật tự.
Nhưng tôi lại nghĩ đến thơ – thơ là một hình thức sử dụng
ngôn ngữ khác, có thể hạn chế quá trình
tổ chức các kinh nghiệm ở dạng thô trong khu vực nhận thức của bán cầu não trái
một cách nghiêm ngặt, từ trên xuống. Thơ ca, giống như yên lặng, tạo nên một
sự cân bằng mới giữa trí nhớ và giây phút hiện tại. Chúng ta nhìn với đôi mắt
mới qua lăng kính thi ca; với sự tỏa sáng của ngôn ngữ, một kỳ quan mới, vốn bị
lớp màn của ngôn ngữ thường ngày che phủ lâu nay, được hiện ra.. Ngôn ngữ
thường ngày của chúng ta có thể là ngục tù, giam cầm chúng ta trong ngục tối
của sự dư thừa, làm vẩn đục các giác quan, làm yếu đi sức tập trung của mình.
Bằng cách thể hiện sự mơ hồ, cách sử dụng ngôn ngữ khác thường, sắp xếp các yếu
tố của thực tại nhận thức lại với nhau theo cách kết hợp mới và gợi hình, nhà
thơ và các thi phẩm đem lại cho chúng ta những khả năng cảm nhận cuộc sống mới
mẻ và khác thường.
Có lẽ yên lặng trong tuần này sẽ cho tôi kinh nghiệm
tương tự như vậy.
Ngày thứ nhất
Tôi đến Hội thực tập thiền quán, nơi chúng tôi sẽ cùng nhau
trải qua một tuần lễ. Sau bữa ăn tối nhẹ, đi dạo, vệ sinh hằng ngày, và khi kết
thúc bài nói chuyện mở đầu, chúng tôi sẵn sàng thực tập yên lặng. Mục đích là lặng
vào thực tại chủ quan của chính tâm mình. Với vài hướng dẫn của người hướng
thiền ở trung tâm, chúng tôi chìm sâu vào trong dòng nước của biển nội tâm.
Hình thức thiền tỉnh thức mà chúng tôi đang học tuần này xuất phát từ cách thực
hành thiền tuệ của Phật giáo từ 2500 năm trước, thường được hiểu là ‘thấy rõ.’
Vào ngày thứ nhất, chúng tôi học cách ngồi trong thiền
đường với những hướng dẫn ngắn gọn chỉ là “hãy quán sát hơi thở.” Khả năng tập
trung này là bước đầu tiên để thực tập tỉnh thức. Khi sự chú tâm của mình đi
lang thang ngoài hơi thở, chúng tôi được hướng dẫn là cứ nhẹ nhàng đem sự chú
tâm về với hơi thở. Chỉ vậy thôi. Cứ làm đi làm lại điều này như vậy. Tôi cảm
thấy an lòng. Để xem thử nó khó như thế nào?
Thế nhưng đến cuối ngày thực tập năng lực tập trung của
ngày thứ nhất, niềm tin của tôi rõ ràng lao dốc đến tận đáy. Tôi tưởng tôi làm
được cái mà những người hướng dẫn gọi là ‘chú ý tốt,’ nhưng thật ra, tâm tôi
chẳng chịu đi theo lời hướng dẫn là ‘chỉ chú tâm vào hơi thở’ và nó cứ lặp đi
lặp lại như thế. Cứ sau một vài giây, dường như tôi không thể duy trì được sự
tập trung trong một hơi thở mà không xen các suy nghĩ khác vào, chẳng khác nào
một chú chó chạy theo hình chữ chi (ngoằn ngoèo) trên đường, dừng lại ngửi chỗ
này chỗ kia do mùi hương dọc đường đi quyến rũ.
Các vị hướng dẫn bảo chúng tôi rằng rong chơi không ngừng
là hiện tượng tự nhiên của tâm, và các vị ấy đề nghị rằng trong mỗi lúc, chúng
tôi thử tập trung vào nửa hơi thở mà thôi: thở vô, xong, rồi đến thở ra. Thực
tập như vầy có khá hơn một tí, nhưng rồi tâm tôi vẫn cứ tiếp tục rong chơi trên
mọi nẻo. Theo người hướng dẫn, hiện tượng này đôi khi được gọi là “hiện tượng tán
tâm,” - tức là ý tưởng này nảy sinh kéo
theo các ý tưởng khác nảy sinh. ‘Giải pháp’ cho vấn đề khó xử này, một khi
chúng ta nhận thức rằng tâm chúng ta đã bị các ý tưởng tản mác chiếm cứ, là nhẹ
nhàng tập trung trở lại hơi thở; cứ kiên trì làm như vậy, cứ làm, và làm, rồi
tiếp tục làm như vậy, với tôi, dường như ít nhất cũng hàng ngàn lần, trong suốt
một thời ngồi thiền 45 phút.
Sau thời ngồi thiền, chúng tôi đi thiền trong vòng nửa
tiếng đến một tiếng. Trong khi đi, chúng tôi chú tâm vào cảm giác của bàn chân
và phần dưới ống chân trong từng bước đi. Khi nhận ra tâm mình giong ruổi khỏi
cảm nhận ở các bước đi, chúng tôi lại đem sự chú tâm trở về với bước chân. Cũng
một vấn đề: tâm tôi có cái tâm riêng của nó và nó đi đâu tùy thích, chứ không
phải đi đến nơi nào ‘tôi’ muốn nó đến.
Những lời hướng dẫn càng rộng hơn khi trọn ngày thứ nhất trôi
qua. Chúng tôi nhận thấy rằng tập trung vào hơi thở sẽ phát triển bước đầu tiên
của tỉnh thức. Đây là yếu tố nhằm hướng đến sự duy trì chú ý. Học cách tập
trung vào sự chú ý, chúng ta có thể ngăn chặn dòng tư tưởng khó điều khiển vốn
tuôn chảy không ngừng, đó là các khái niệm bao gồm các hoạt động của tâm thức. Và
cách tập trung vào sự chú ý cũng giúp chúng ta tiếp xúc với các cảm thọ mà mình
đang thật sự trải nghiệm. Cảm thọ là cửa ngõ đưa chúng ta đến với kinh nghiệm
trực tiếp. Khi chúng ta có thể ‘chỉ’ thấy thôi, hay ngửi, nếm, xúc chạm và nghe
thôi – năm giác quan đầu tiên của mình – là lúc chúng ta tiến vào địa hạt hiện
hữu trong hiện tại, một địa hạt xa rời với tất cả những gì bận rộn trong tâm,
vì tôi chỉ ngồi, và chỉ đi, và ngồi, rồi lại đi. Dường như kỹ năng tiếp xúc với
cảm thọ giúp chúng ta có khả năng cảm
nhận mà không cần đến sự can thiệp của tư duy.
Ngày thứ nhất trôi qua vừa trống trải vừa căng thẳng. Yên
lặng và không giao tiếp với người khác khiến tôi gần như nổi khùng. Tôi có xu
hướng muốn liên hệ, nhưng ‘bị cấm’ nên không được liên hệ với bất cứ ai, bằng
lời hay cử chỉ điệu bộ, bằng ánh mắt hay nét mặt biểu lộ sự giao tiếp. Đây là
quy tắc để ngăn chặn chúng tôi không được giao tiếp nhau bằng bất cứ cách nào,
và tôi cảm thấy một phần nào đó trong não tôi bị đau đớn khi làm ngơ không giao
tiếp với nhiều người đang có mặt tại đây. Tôi bắt đầu tự nói với mình, không
chỉ nói thầm trong đầu, mà nói lớn ra. Thậm chí tôi còn tự kể cho tôi nghe
những câu chuyện vui rồi phá lên cười. Thế rồi tôi tự nói với mình ‘suỵt!’ khi
sực nhớ ra quy tắc giữ yên lặng cao quý: không giao tiếp với bất cứ ai. Vậy thì
với bản thân mình thì sao?
Trong khi thực tập, tôi cố gắng nhớ lại những gì tôi tự
nói với mình trước khi điều này bắt đầu là “hãy xem mỗi hơi thở là một cuộc
phiêu lưu.” Bây giờ, tôi nói với chính mình rằng “mỗi nửa hơi thở là một cuộc
phiêu lưu.” Nhưng tôi đang dùng ngôn từ để nói điều này, và có khi những từ này
trở thành kẻ thù, tức là những khái niệm tán tâm đã kéo tôi ra khỏi cảm thọ
trực tiếp. Tôi bị sập bẫy rồi! Tôi cảm thấy bối rối. Tôi đang cảm nhận cảm thọ
trực tiếp, tôi cảm nhận hoặc tôi suy nghĩ, nhưng tôi vẫn không từ bỏ những đối
thoại có tính khái niệm, căn cứ trên ngôn từ đang diễn ra trong đầu. Các ngôn
từ này tổng kết lại những gì tôi đang làm, như đang đi, đang ăn một quả táo
thay vì cứ để cho tôi đang làm việc ấy. Như có người tường thuật nào đó trong
người mình mà tôi không thể nào bỏ được. “Tiếp tục đi, cố gắng là chỉ uống sữa
đậu nành thôi.” S-Ữ-A Đ-Ậ-U N-À-N-H, tôi đã đọc trên phim hoạt họa. Mấy con chữ
nhảy múa trước mắt tôi như thể một người bạn lưu lạc lâu năm mới tìm lại được. Tôi
thấy những con chữ này cũng hiếu động trong đầu khi tôi thực hành thời khóa
ngồi và đi. Điều này làm cho tôi có cảm giác rằng tôi không phải “đang hành
thiền trong tỉnh thức.” Có thể tâm trí tôi quá duy lý, chứa đầy các ý tưởng và
câu hỏi, ngôn từ và quan niệm.
(còn nữa)