Thursday, December 25, 2014

LUYỆN THÂN, LUYỆN TÂM

(Hằng Như dịch từ "Body People Mind People" của Larry Rosenberg)
Một trong những vị thầy đầu tiên của tôi là Shivananda Saraswati. Khi tôi gặp vị đạo sư này lần đầu tiên, ngài đã 85 tuổi. Ngài đi lại bằng xe buýt nội thành Greyhound và tôi ấn tượng với cách di chuyển này, thế là tôi trở thành bạn đồng hành đi đây đó cùng ngài. Ngài vốn là một tu sĩ Kỳ na giáo. Ngài nói với tôi rằng các tu sĩ Kỳ na giáo là những học giả lỗi lạc luôn thực hành một pháp tu tỉnh giác gọi là pháp đi đến “chứng ngộ” nhưng các đạo sĩ này cũng không coi trọng việc săn sóc bản thân, coi cơ thể là gánh nặng và là một cản trở trên con đường giải thoát. 

Tuy nhiên, Shivananda nhận thấy những người bạn cùng tu với ngài cứ đau ốm liên miên, thiếu sinh lực. Thế rồi ngài tự rèn luyện các thế ngồi yoga, hít thở, chọn chế độ ăn uống phù hợp, thực hành pháp để chứng ngộ nhưng chủ yếu vẫn là chuyên chú thực hành thiền định.
Những gì tôi học được ở vị đạo sư này là chăm sóc thân thể như là một phần của quá trình thực hành pháp. Suốt trong các chuyến đi, tôi nghỉ đêm cùng phòng với ngài. Ngủ sớm hay trễ gì ngài cũng thức dậy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng, rồi ngài ngồi thiền ngay. Ngài không có biểu hiện gì cho thấy đã ngồi 3 hay 4 tiếng đồng hồ, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Rồi ngài đứng dậy, tắm rửa và lên kế hoạch cho những việc cần làm trong ngày. Ngài bảo tôi rằng nếu tôi để ý, tôi sẽ học được cách hiểu ra những nhu cầu của cơ thể và điều này, có thể giúp mình giảm đau đớn hơn khi về già. Ngài nói, cuộc sống không có gì là bảo đảm cả, nhưng điều này là có thể.
Ngài còn nói thêm rằng sự bừng sáng về tâm linh sâu sắc nhất đến với ngài sau tuổi 70. Ngài nói điều này xảy ra vì ngài vẫn còn sung mãn năng lượng nhờ luyện tập yoga và những điều thấp hèn nhỏ nhen đeo bám ngài thời còn trẻ đến thời gian này đã không còn nữa. Do vậy, thấy tôi đam mê thiền định, ngài khuyên tôi nên tập yoga song song với thiền định, vì ngài nhận ra không có sự phân chia nào giữa hai pháp này. Khi Shivananda trở lại Ấn Độ, tôi đã tham gia nhiều khóa thực tập yoga luyện thân, nhưng việc thực hành thiền định thì không thể chuyên chú sâu hơn được.
Sự đam mê thiền định cuối cùng đưa tôi đến với thiền Zen rồi sau đó là thiền minh sát. Tôi nhận thấy rằng các đạo sĩ theo phương pháp yoga chủ yếu là ‘người luyện thân’ trong khi đó, các thiền sư thực hành thiền minh sát là những ‘người luyện tâm’. Tôi nhận ra những hạn chế nếu phân chia đến mức cực đoan giữa hai cách thực tập này. Nếu cứ tham đắm vào việc trau chuốt những vẻ bề ngoài của thân thể như trẻ đẹp, năng lượng, sức khỏe, sự lôi cuốn hấp dẫn và để tâm ngợi khen cơ thể quá mức thì chúng ta thiếu trí tuệ. Chính vì vậy mà phương pháp luyện yoga ở phương tây đôi khi lệch lạc và trở nên xa lạ với phương pháp yoga truyền thống vốn là một phương pháp thực hành thiền định sâu sắc và toàn diện để đạt được giải thoát.
Khi tôi quay lại thực hành thiền minh sát. Pháp môn này rất chú trọng đến tỉnh giác về thân, phần lớn là làm yếu đi hoặc bỏ hẳn khuynh hướng đồng hóa mình với thân. 32 bộ phận của thân trở thành những đề mục quán chiếu, giống như một cẩm nang cổ xưa hướng dẫn phương pháp giải phẩu. Có khi gọi là “các đề mục quán chiếu về sự ô uế của thân”. Phương pháp thực hành này không phải để nhàm chán mà có tác dụng như chất giải độc để vô hiệu hóa hay cân bằng sự mê đắm quá mức và đồng hóa mình với thân thể. Hầu hết những người xuất gia thực tập phương pháp quán chiếu này, nhưng người cư sĩ tại gia cũng đạt được nhiều lợi ích nếu thực hành theo.
Những đề mục quán chiếu khác tương tự như vậy đều có tác dụng là giúp người thực hành thấy được thân là một hợp thể gồm các yếu tố đất, nước, lửa và gió, quán sát về cái chết, về các đề mục về chết và sự phân rã của cơ thể sau đó. Người thực hành dùng pháp quán chiếu, hình dung ra, hoặc có thể, thực hành trực tiếp với một xác chết. Có lần tôi đã từng cùng với một vị thầy của mình trải qua trọn một đêm với một cái xác đang phân rã. Ngồi đó, quán sát cẩn thận với tâm tỉnh giác, những gì khởi lên trong tâm tôi và những điều tôi nói lại với thầy tôi về các phản ứng đó thật là hữu ích. Lúc đầu tôi cũng sợ, nhưng chỉ một thoáng sau, tôi không còn sợ nữa. Mọi việc trở nên quá rõ ràng, tôi đang nhìn số phận của chính thân tôi trong xác chết ấy.
Nhiều bài kinh Đức Phật dạy bao gồm quán sát về tuổi già, bệnh đau và chết. Điểm căn bản trong các bài kinh này là cần quán chiếu một sự thật rằng, thân này rồi sẽ già, chúng ta không thể trẻ mãi; thân thể này rồi có lúc phải bệnh, không ai có thể khỏe mạnh hoài được và cơ thể này rồi cũng đến lúc phải chết. Chắc chắn điểm đến của mỗi chúng ta là cái chết, không ai thoát khỏi được định luật này. Những pháp quán chiếu như vậy là lời nhắc nhở giúp chúng ta có thái độ sống cân bằng nếu chúng ta tự hào và say đắm vào tuổi trẻ mình đang có. Chúng ta đã từng làm nhiều việc ngớ ngẩn chỉ vì thái độ tự hào và đắm đuối như thế. Nhiều hành động xấu ác có thể dễ dàng khởi lên chỉ vì không biết mối liên kết với cái thân của mình.
Đôi lúc vì những chuyện chúng ta làm khi còn trẻ mà phải trả giả giá cho cả một đời người. Chúng ta chôn thân vào trong nhà tù hay có một quyết định tai hại nào đó mà không thể nào cứu vãn được. Bệnh hoạn cũng thế. Đôi khi ta sa đà trong cái hão huyền và đam mê làm cho mình tổn giảm sức khỏe. Mong mọi chuyện tốt đẹp. Bất luận ta đưa vào cơ thể nào là rau an toàn và thuốc bổ sung năng lượng, chúng ta vẫn cứ đau ốm triền miên. Những phương pháp quán sát này giúp chúng ta nhìn lại thân thể mình. Những cách như thế không làm cho chúng ta chùng lòng mà ngược lại giúp ta phấn chấn hơn.
Đơn giản ta chỉ thấy rằng, đây là thân, không phải đây là ‘thân của tôi’ hay ‘tôi chính là thân thể này’. Đức Phật đã dạy nhiều giáo lý và phương cách thực hành để giúp ta làm yếu đi và nhổ tận gốc những cách đồng hóa cái ta như vậy vì chính nó tạo cho chúng ta nhiều khổ đau không cần thiết. Nếu bạn thực hành hatha yoga hay các hình thức luyện thân khác, hãy khắc ghi trong tâm trí về những lời dạy trên để tự bảo vệ không đánh mất mình trong cơ thể quyến rũ đang thời kỳ sung mãn sức khỏe, năng lượng dồi dào và vẻ bề ngoài lôi cuốn hấp dẫn.
Người thầy đầu tiên của tôi là J. Krishnamurti luôn kiên trì đi bộ, tập yoga mỗi ngày, rất cẩn thận khi chọn chế độ ăn uống phù hợp và lẽ hiển nhiên là ngài thực hành duy trì tỉnh thức cả một đời. Ngài đưa ra hình tượng tuyệt vời để giúp chúng tôi giữ cân bằng trong cuộc sống. Ngài nói rằng, theo cách vi tế, bạn không phải là thân của mình. Ta có thân cũng giống như viên tướng kỵ binh có con ngựa. Nếu chúng ta xông trận với một con ngựa, tốt nhất ta nên chọn con ngựa khỏe mạnh. Bạn không phải là con ngựa nhưng con ngựa ở đây rất là quan trọng. Cuộc đời mình phụ thuộc vào nó.”
Thử thách của chúng ta là trong khi ghi nhận, tôn trọng, chăm sóc cái thân, giữ cho nó khỏe mạnh mà  vẫn không tạo cái ngã trên điều kiện đó. Có một cách tập yoga mà mình vẫn có thể giữ được giá trị tâm linh của mình. Trong mỗi tư thế, chúng ta chú tâm tuyệt đối để thực hiện nghiêm túc, đó là cách giữ giá trị tâm linh. Khi thực hành thiền quán, một mặt chúng ta cần phải quán sát, trong khả năng có thể, để thâm nhập vào thân và phát triển tuệ quán sâu sắc và mạnh mẽ, để thấy rõ bản chất vô thường và không thật có của thân, để cảm nhận được tất cả năng lượng và sinh lực dồi dào đang được giải phóng; mặt khác, chúng ta lại biết quá ít về cách làm thế để chăm sóc cái thân này. Có lẽ sự tổn giảm về sức khỏe, năng lượng và sinh lực cùng với tuổi già có thể hạn chế được phần nào nếu chúng ta sử dụng tỉnh giác để học cách cảm nhận nhu cầu cơ thể về thức ăn, nước uống, nghỉ ngơi và di chuyển.
Tôi nhận thấy trong khóa thực tập thiền quán của mình, nền tảng về sự luyện tập yoga giúp tôi là vô giá. Tỉnh giác giúp bạn thấy được tính chất vô thường không bền vững của thân thì cũng có tác dụng giúp bạn thấy được những gì mình đang ăn là độc hay không vậy. Đạo sư Shivananda Saraswati cũng thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thức ăn. Nên nhớ rằng, nếu bạn là người thực hành thiền, tâm bạn làm việc liên tục. Nhiều yếu tố có thể hỗ trợ tâm minh mẫn và tỉnh táo. Một trong những yếu tố đó là chế độ ăn uống phù hợp. Có một số thức ăn có khuynh hướng làm cho mình bị kích động nhiều hơn, bồn chồn hơn trong khi đó, một số thức ăn khác làm cho ta cảm thấy nặng nề và lừ đừ buồn ngủ. Thức ăn nào có thể giúp cho tâm trở nên nhẹ nhàng, an tịnh và có năng lượng thì đó chính là những yếu tố hỗ trợ cho một người thực hành thiền. Chỉ cần để tâm một chút, chúng ta có thể biết thức ăn nào, liều lượng bao nhiêu là tốt cho quá trình thực hành thiền.
Bạn chắc hẳn biết chúng ta có thể làm được điều này. Mỗi người đều có tâm và thân. Do đó chúng ta cần chăm sóc cái thân này và dùng nó như một phương tiện để thực hành pháp. Liệu chúng ta có thể tập yoga (hay bất kỳ một phương pháp luyện thân nào) tương tự như rèn luyện trí tuệ trong quá trình thực hành thiền quán không? Như thế, luyện tâm yoga có thể giúp ta có nhiều sức khỏe và sinh lực hơn và cho phép chúng ta có thể ngồi thiền một cách thoải mái và dễ chịu trong thời gian dài hơn.
Một kinh nghiệm đặc biệt trong quá trình thực hành thiền cũng như hướng dẫn tu tập của tôi là tôi thực tập vini yoga, một phương pháp yoga nhấn mạnh đến ý thức liên tục về hơi thở và các vận động có điều kiện của cơ thể trong mọi tư thế. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho việc thực tập quán cảm thọ của tôi, làm cho quá trình thực tập thiền tỉnh thức hơi thở đạt được nhanh hơn. Đây là phương tiện cho người thực hành thiền trong giai đoạn quán niệm hơi thở, nhất là với những người có các thói quen không tốt trong quá trình tập thở vì tâm thường xao lãng. Nếu chú tâm tỉnh giác đến các tư thế, ví dụ như tư thế thiền hành chẳng hạn, thì phương pháp tập trung ý thức về hơi thở và các chuyển động cơ thể không chỉ hỗ trợ cho thiền định mà chính bản thân nó đã là thiền rồi. Có lần một người hỏi Kapleau Roshi, một người Mỹ nổi tiếng hướng dẫn thiền Zen và đồng thời cũng là người luyện tập yoga rằng, “liệu có mâu thuẫn gì giữa việc thực hành thiền Zen và luyện tập yoga của ông không?” Và Kapleau Roshi đáp rằng “tôi chỉ luyện yoga trong tinh thần của thiền Zen.”
Như vậy đó. Khi tôi luyện yoga cũng là lúc tôi thực tập thiền quán.