Monday, December 15, 2014

SỢ YÊN LẶNG

                                                    Nguyên tác: Thích  Nhất Hạnh
                                                   Dịch: Hằng Như 
Trong khi chúng ta có thể sẵn sàng liên hệ với những người khác nhiều hơn mà lại bỏ đi sự liên hệ giữa thân và tâm của mình? Một vị thiền sư đã nghĩ như vậy và đưa ra bài thực hành thở chánh niệm như là một giải pháp cho vấn đề này vậy. Đó là thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tôi có cảm giác rằng nhiều người trong chúng ta sợ sự yên lặng. Ta luôn lấy một cái gì đó lấp vào khoảng trống để tránh đi sự yên lặng, như những con chữ, âm nhạc, ti vi hoặc ý tưởng nào đó. Nếu sự yên lặng và không gian có vai trò rất quan trọng đối với hạnh phúc của mình, tại sao chúng ta không dành cho nó một vị trí xứng đáng trong đời sống của mình?
Trong số những người học trò theo tôi học pháp đã lâu, có một người kể rằng, cô ta có người chồng rất tử tế, một người biết lắng nghe, không nhiều chuyện, nhưng ở nhà anh ấy luôn cần mở đài phát thanh hoặc mở ti vi, và anh thích đặt một tờ báo trước mặt trong lúc ăn điểm tâm.
Tôi biết có một người phụ nữ nọ có cô con gái thích đến trung tâm thiền gần đó để ngồi thiền và cô con gái thường khuyến khích mẹ mình hãy thử đến đó thực hành thiền đi. Con gái nói “dễ lắm mẹ ơi.  Mẹ không phải ngồi trên nền nhà đâu, có ghế cho mẹ ngồi mà. Mẹ không cần phải làm điều gì cả. Chúng ta chỉ cần ngồi yên lặng thôi”. Rất chân thực, người phụ nữ đáp “mẹ nghĩ mẹ sợ nhất là ngồi yên lặng đó con ạ”.
Chúng ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh ta có nhiều người. Chúng ta cùng cô đơn với nhau. Có một khoảng trống không ở bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta không hề cảm thấy thoải mái với cái khoảng không ấy, do đó, chúng ta cố gắng tìm cách lấp đầy khoảng không hoặc đưa cái khoảng không đó đi đâu ra khỏi con người  mình. Khoa học kỹ thuật hỗ trợ chúng ta nhiều thiết bị để “kết nối cùng nhau”.  Ngày nay, chúng ta luôn “kết nối” nhưng vẫn tiếp tục cảm thấy cô đơn. Chúng ta kiểm hộp thư điện tử và lướt trên các trang mạng xã hội nhiều lần trong ngày. Chúng ta gởi điện thư hoặc tin nhắn hết cái này đến cái khác. Chúng ta muốn chia sẻ. Chúng ta muốn nhận sự chia sẻ. Chúng ta khiến cho mình bận rộn suốt ngày để nỗ lực tạo nên sự kết nối.
Chúng ta sợ điều gì? Có thể chúng ta cảm thấy trống rỗng bên trong, một cảm giác của sự cô lập, của nỗi buồn xâm chiếm, của sự chộn rộn bất an. Chúng ta cũng có thể cảm thấy như bị ruồng bỏ và không được yêu thương. Chúng ta có thể cảm thấy thiếu đi cái gì đó quan trọng với mình. Một số cảm giác đã cũ kỹ những vẫn cứ đeo bám ta, ngấm ngầm trong mọi hành động và suy nghĩ của mình. Có rất nhiều yếu tố tác động làm cho ta quên lãng mà không ý thức những cảm giác chúng ta đang cảm nhận. Thế nhưng khi có sự yên lặng, tất cả những cảm giác này hiện diện một cách rõ ràng hơn.
Thực tập: sự nuôi dưỡng
Khi cảm thấy cô đơn hay căng thẳng lo lắng, hầu hết chúng ta có thói quen là tìm kiếm một cái gì đó để khỏa lấp đi, điều này dẫn đến một số việc làm không tốt, như ăn vặt món gì đó trong khi ta không đói, cứ dạo bâng quơ trên internet không mục đích cụ thể nào, lấy xe chạy lòng vòng ngoài đường hoặc đọc một cuốn sách nào đó không định hướng. Hít thở có ý thức là một cách hay để nuôi dưỡng thân và tâm trong chánh niệm. Sau một hoặc hai hơi thở chánh niệm, có thể bạn giảm đi sự mong muốn lấp đầy khoảng rỗng không trong người mình hoặc làm gì đó để lãng quên đi. Thân và tâm ta trở về lại với nhau và cả hai đều được tưới tẩm, nuôi dưỡng bằng hơi thở chánh niệm. Cứ hít thở trong chánh niệm, dần dần hơi thở trở nên nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn và điều này giúp cho những căng thẳng của cơ thể dần lắng dịu xuống.
Trở về với hơi thở có ý thức sẽ giúp bạn có được sự nghỉ dưỡng. Điều này cũng giúp cho chánh niệm của mình vững chãi hơn, do đó, khi muốn nhìn vào sự lo lắng hay những cảm xúc của mình, bạn cần có sự tĩnh lặng và tập trung mới có thể nhìn thấu được.
Sự thực hành thiền có hướng dẫn đã được ứng dụng từ thời đức Phật. Bạn có thể theo bài thực hành sau đây khi bạn ngồi hoặc đi. Khi thực hành ở tư thế ngồi, điều quan trọng là bạn chọn tư tế ngồi nào dễ chịu, giữ cho cột sống thẳng và thoải mái. Bạn có thể ngồi trên một cái đệm, bắt tréo chân lại, hoặc ngồi trên ghế để chân chạm xuống sàn nhà. Với hơi thở vào đầu tiên, hãy tự nhẩm dòng đầu tiên trong bài thực tập dưới đây, với hơi thở ra thì nhẩm dòng thứ hai. Với những hơi thở tiếp theo, chỉ cần nhẩm những từ chính thôi.
Hít vào, tôi biết tôi đang hít vào
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra
(Vào. Ra.)
Hít vào, tôi biết tôi đang thở sâu
Thở ra, tôi biết tôi đang thở chậm
(Sâu. Chậm.)
Hít vào, tôi ý thức toàn thân
Thở ra, tôi an tịnh toàn thân
(Ý thức. An tịnh.)
Hít vào, tôi mỉm cười
Thở ra, tôi buông thư
(Mỉm cười. Buông thư.)
Hít vào, tôi an trú trong hiện tại
Thở ra, tôi cảm nhận hiện tại tuyệt với.
(Hiện tại. Tuyệt vời.)
Được trích từ cuốn  Silence: The Power of Quiet in a World Full of Noise (Yên lặng: sức mạnh của tĩnh lặng trong thế giới đầy huyên náo) của HT Nhất Hạnh. Cuốn sách sẽ được xuất bản vào tháng 1 năm 2015.