Biết đứa cháu ngày mai lên đường đi thi đại học, từ phương xa, tôi gọi điện về thăm, động viên cháu vài lời. Thế mới biết cả nhà đang xúm xít lo cho cháu: Mẹ chuẩn bị hành lý để mai đưa cháu đi, Ba nhắc nhở Mẹ đem theo thuốc cảm và những vật dụng cần thiết, em thì ríu rít bên chị lo ngày mai Mẹ và chị đi xa mấy ngày, bé sẽ nhớ nhiều lắm, dù bên cạnh có Ba, rồi chúc chị làm bài thi tốt…
Qua điện thoại, tôi nghe lao xao tiếng nói cả nhà vọng vào ống nghe, dù tôi đang nói chuyện với đứa cháu chuẩn bị “lên đường xung trận”. Cháu nói cảm thấy rất tự tin và vui khi có Mẹ đưa đi thi. Tôi thắc mắc “Mẹ đi làm nhà nước, sao nghỉ được nhiều ngày vậy?” Bé trả lời, giọng đầy yêu thương pha lẫn xúc động “Mẹ để dành phép cả một năm đó Cô ạ. Có hôm Mẹ không khỏe, Mẹ cũng không dám xin nghỉ phép, để dành dịp này xin nghỉ để đưa con đi thi đó.” Sau khi chúc cháu, tôi nói chuyện với chị tôi. Chị nói “vẫn biết Bé dạn dĩ, có thể đi cùng với bạn bè, nhưng đưa con đi thi để ủng hộ tinh thần cho Bé ở bước đầu chuẩn bị vào đời cũng là niềm vui của người làm Mẹ mà.”
Tôi quý cách chị tôi chăm nom các cháu. Chị thương yêu, chăm sóc con nhưng vẫn tập cho các cháu có bản lĩnh trong cuộc sống mà không thiếu chất liệu thương yêu và gần gũi. Qua cách nói của cháu tôi, tôi hiểu cháu đã đủ lớn để cảm nhận được tấm lòng của Mẹ dành cho cháu. Lời chị tôi tâm sự cho tôi hiểu được tấm lòng của người Mẹ dành cho đứa con yêu của mình trong giai đoạn quan trọng này của Bé. Cuộc đời Bé rẽ ngoặc từ đây. Nếu đậu đại học, một con đường tiến thân mở ra trước mặt. Nếu rớt đại học, nhiều con đường khác sẽ mở ra và ai cũng phải chọn cho mình một con đường để đi. Rồi đây, bằng cách này hay cách khác, cháu tôi sẽ bước vào đời. Thế nhưng, ‘đậu’ lần đầu tiên trong kỳ thi tuyển đại học đồng nghĩa với thành công đầu đời cho một con người. Trong thành công này, tình cảm gia đình hẳn đã góp phần chắp cánh cho cháu bay vào tương lai. Nếu không ‘đậu’ cũng có thể hiểu là thất bại thì tình cảm gia đình sẽ là nơi trú ẩn bình yên nhất cho những cảm xúc của cháu để giúp cháu vượt qua khó khăn đầu đời này. Trong mọi cảnh huống, tình cảm gia đình vẫn là nhựa sống cho những đứa con còn ngỡ ngàng trong những bước chân đầu tiên đi vào đời.
Chị tôi với lương tháng gần một triệu rưỡi chắc hẳn không có tiền của để lại cho con cái. Song, có một điều tôi tin rằng là chị đã để lại cho con cái chị một gia tài vô giá mà không phải cha mẹ nào, gia đình nào cũng có đủ điều kiện để thiết lập và duy trì: đó là tình thương yêu, chăm sóc và quan tâm giữa những người thân trong gia đình. Tôi hy vọng cháu tôi, cũng như nhiều trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhận được món quà vô giá này từ cha mẹ và biết sử dụng món quà này hợp lý trong cuộc sống của mình. Một điều cần lưu ý cho các bậc phụ huynh là, muốn con bạn nên người, hãy dành cho chúng nửa số tiền và gấp đôi thời gian cần thiết. Điều này thật khó thực hiện trong cuộc sống hiện nay, nhất là ở các gia đình kinh doanh và trong môi trường thành phố. Tuy nhiên, các bạn ạ, một phần lớn cuộc sống các bạn sống CHO con cái thì hãy dành những gì CON CÁI THẬT SỰ CẦN hơn là những gì CHÚNG TA NGHĨ CON CÁI CẦN.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thế giới ngày càng phẳng hơn và con người sớm rời khỏi gia đình hòa nhập vào xã hội. Thế nhưng, tôi nghĩ, khi đứa trẻ sống xa gia đình, tình cảm của người thân là một thứ tài sản thiêng liêng nhất con người có thể mang theo suốt cuộc hành trình trong cuộc sống. Gia đình là bệ phóng để các em tự tin và vững bước vào đời. Mai sau, trên đường đời muôn vạn nẻo, tôi tin rằng tình cảm gắn kết của gia đình là hành trang quý báu để cháu tôi có thể định hướng trong cuộc sống của mình. Chất liệu tình thương gia đình ấy sẽ nhuận chảy trong người con được yêu thương tạo thành một lớp áo bảo hộ tinh thần cho con cái có thêm sức đề kháng với những nguy hiểm, thác loạn của cuộc sống hiện tại. Tôi tin vậy và có lẽ chị tôi cũng tin như thế khi đặt tình thương yêu, nhắn gởi và hy vọng ở đứa con của mình.