Sunday, June 1, 2008

NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (Bài 3)

Bài 3: CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC


Dịch từ THE SUBJECT-MATTER OF EDUCATION của John Dewey, đăng trên School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80


Tôi tin rằng đời sống xã hội của đứa trẻ là nền tảng cho, hoặc liên quan mật thiết đến, toàn bộ quá trình đào tạo và phát triển. Đời sống xã hội đưa đến sự hài hòa vô thức và nền tảng cho tất cả những nỗ lực và thành tựu của bản thân đứa trẻ.


Tôi tin rằng chương trình đào tạo ở trường tạo nên sự khác biệt với sự hài hòa nguyên sơ vô thức của đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn.

Tôi tin rằng chúng ta đã xâm phạm bản chất hồn nhiên của đứa trẻ và điều này đưa những kết quả tốt đẹp nhất về luân lý đạo đức vào tình trạng khó khăn khi bắt đứa trẻ đột nhiên học một số lượng lớn các môn học như đọc, viết, địa lý, v.v chẳng có liên hệ gì đến đời sống xã hội.


Do đó, tôi tin rằng, trọng tâm đích thực liên quan đến chương trình đào tạo ở trường không phải là các môn khoa học, văn chương, lịch sử hay địa lý mà chính là các hoạt động xã hội của đứa trẻ.


Tôi tin rằng giáo dục không đồng nhất với nghiên cứu khoa học, hay cái gọi là nghiên cứu tự nhiên, vì tự nhiên không còn là một thực thể trọn vẹn nếu tách nó ra khỏi các hoạt động của con người. Tự nhiên, tự thân nó bao gồm các vật thể đa dạng tồn tại trong không gian và thời gian, nếu chúng ta cố gắng lấy nó làm trung tâm của giáo dục thì chúng ta không thể nào đưa ra một nguyên tắc tập trung mà chỉ có thể là một nguyên tắc phân tán.


Tôi tin rằng văn học dùng để diễn tả và giải thích những kinh nghiệm xã hội; do đó văn học phải đi theo sau chứ không thể đi trước các kinh nghiệm này. Vì vậy, văn học không thể là nền tảng của giáo dục dù rằng văn học có thể thâu tóm sự hợp nhất.


Tôi tin tưởng một lần nữa rằng lịch sử có giá trị giáo dục chỉ khi nào nó phản ánh các giai đoạn trong quá trình phát triển đời sống xã hội. Nó bắt buộc phải chịu sự chi phối của đời sống xã hội. Nếu tách riêng lịch sử ra, nó bị quăng trở về trong quá khứ xa xôi của dĩ vãng, nó sẽ không còn sinh động và không sử dụng được. Nếu lịch sử được coi là môn học ghi chép lại đời sống xã hội và phát triển của con người, môn học này trở nên vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi tin rằng, điều này không thể thực hiện được nếu đứa trẻ không trực tiếp thâm nhập vào cuộc sống xã hội.


Trên cơ sở này, tôi tin tưởng rằng, nền tảng của giáo dục cần được đặt trên năng lực làm việc của đứa trẻ và những yếu tố tương tự có tính kiến tạo nói chung vì chính những yếu tố này duy trì được nền văn minh.


Tôi tin rằng cách duy nhất để thực hiện được điều này là làm cho đứa trẻ ý thức được di sản xã hội nó đang thừa hưởng để nó có thể thực hiện các hoạt động nền tảng, các hoạt động có tác dụng kiến tạo một nền văn minh.


Do đó, tôi tin rằng các hoạt động có ý nghĩa và mang tính xây dựng là nền tảng trong mối tương quan này.


Tôi tin rằng cần đưa các môn học như nữ công gia chánh, cách làm vườn, v.v., vào chương trình học ở trường.


Tôi tin rằng học sinh không thể học một cách thoải mái và nhẹ nhàng các môn chuyên ngành vốn có nội dung quá tải được đưa vòa chương trình để bổ sung kiến thức cho hoàn thiện. Tôi tin rằng, tốt hơn các môn học này nên trình bày theo loại, những mô thức nền tảng của hoạt động xã hội. Một ước mơ có thể thực hiện được là đứa trẻ học các môn học chính quy trong nhà trường thông qua các hoạt động.


Tôi tin rằng nghiên cứu khoa học có ý nghĩa giáo dục khi đưa ra những thông tin và quy trình có thể áp dụng được vào trong đời sống xã hội.


Tôi tin rằng một trong những khó khăn lớn nhất trong việc dạy môn khoa học hiện nay là việc trình bày thông tin thuần túy khách quan, như thể đó là một loại kinh nghiệm mới mẻ mà đứa trẻ cần bổ sung vào vốn kinh nghiệm sẵn có của mình. Thật ra, khoa học có giá trị vì nó đưa đến khả năng giải thích và kiểm tra những kinh nghiệm trước đó. Vì vậy, khoa học cần đưa vào chương trình như là một môn học không nhằm mục đích giới thiệu các chủ đề mới, mà là để đưa ra những yếu tố liên quan đến các kinh nghiệm trước đó và có công dụng như là những công cụ để điều chỉnh kinh nghiệm một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.


Tôi tin rằng hiện tại chúng ta mất đi qua nhiều giá trị của các môn văn học và ngôn ngữ vì chúng ta đã loại bỏ đi yếu tố xã hội trong các môn học này. Ngôn ngữ trình bày trong các cuốn sách sư phạm đơn giản là chỉ để diễn đạt tư tưởng. Thật ra ngôn ngữ vốn có chức năng là một công cụ luận lý, nhưng trước và trên hết, về căn bản, ngôn ngữ là một công cụ xã hội. Ngôn ngữ là phương tiện dùng để giao tiếp. Thông qua ngôn ngữ, một cá nhân có thể chia sẻ tư tưởng và cảm xúc của mình với những người khác. Một khi ngôn ngữ được dùng chỉ để tiếp nhận thông tin hay là một phương tiện để trình bày những gì mình đã học, nó sẽ mất đi động cơ và mục đích xã hội.


Do đó, tôi tin rằng, trong một chương trình học lý tưởng, không có một chuỗi các môn học nối đuôi nhau. Nếu giáo dục chính là cuộc sống, thì bản thân cuộc sống, ngay từ điểm khởi đầu, tự nó đã có yếu tố khoa học, yếu tố nghệ thuật và văn hóa cũng như yếu tố truyền thông giao tiếp. Vì thế, không nên quy định rạch ròi một số môn học như đọc, viết cho cấp học này và rồi lên cấp học cao hơn, lại học các môn đọc, văn học và khoa học. Sự tiến bộ không phải ở chỗ học hết môn học này đến môn học khác mà là có được những quan điểm mới mẻ, niềm đam mê sáng tạo mới và có thêm kinh nghiệm.


Cuối cùng, tôi tin rằng giáo dục phải được hiểu là một quá trình tái lập kinh nghiệm liên tục; nơi ấy, quy trình giáo dục và mục đích giáo dục phải đồng nhất là một.


Tôi tin rằng thiết lập bất kỳ một mục đích nào khác ngoài giáo dục, khi hướng đến mục tiêu và tiêu chuẩn để thành tựu mục đích này, quá trình giáo dục bị băng hoại và mất đi nhiều ý nghĩa. Điều này khiến chúng ta có khuynh hướng dựa vào các tác động giả tạo bên ngoài khi cư xử với đứa trẻ.

Bài 4: Bản chất của phương pháp giáo dục (sẽ post tiếp)