Wednesday, June 25, 2008

NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (BÀI 4)

Bài 4: BẢN CHẤT CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

Tôi tin rằng, cuối cùng vấn đề về phương pháp giáo dục quy vào thứ tự phát triển về năng lực và sở thích của đứa trẻ. Khả năng nắm được quy luật trình bày và xử lý tài liệu học tập tiềm ẩn trong bản chất của đứa trẻ. Vì lẽ đó, những lời phát biểu sau đây của tôi vô cùng quan trọng để xác định tinh thần của một nền giáo cần được thực hiện:

Tôi tin rằng trong quá trình phát triển bản chất của đứa trẻ, năng động quan trọng hơn thụ động; sự bộc lộ đến trước, cảm nhận có ý thức đến sau; cơ bắp phát triển trước các giác quan; có các hoạt động đi đứng rồi mới có cảm giác có ý thức. Tôi tin rằng, ý thức, căn bản là sự vận động hay bản năng. Tôi cũng tin rằng, các trạng thái ý thức có khuynh hướng có mặt trong mọi hành động.

Tôi tin rằng nếu bỏ qua nguyên tắc này, chúng ta sẽ bỏ phí một phần lớn thời gian và công sức trong việc tổ chức học tập ở trường. Nếu không có nguyên tắc nền tảng này, đứa trẻ sẽ bị biến thành người học thụ động, học với thái độ chỉ biết tiếp nhận một chiều. Những cách học như vậy không cho phép bản chất của đứa trẻ phát huy để khám phá quy luật. Điều này đưa đến kết quả là năng lực của đứa trẻ bị hao mòn và phí phạm.

Tôi tin rằng những ý tưởng (quá trình tư duy và lý luận) cũng là kết quả của hành động và chuyển giao để thực hiện mục đích là kiểm soát hành động tốt hơn. Cái mà chúng ta gọi là lý trí chính là thuận theo quy luật một cách có trật tự hoặc hành động có hiệu quả. Để phát triển khả năng lý luận, năng lực phán đoán khi xử lý một vấn đề mà không cần đến sự chọn lọc và sắp xếp thông qua hành động là một sai lầm trong phương pháp học tập mà chúng ta đang áp dụng. Thế là chúng ta tùy tiện trao cho đứa trẻ những biểu tượng trên cơ sở ý niệm độc đoán của mình. Biểu tượng là cần thiết để có phát triển tri thức, nhưng chúng chỉ có tác dụng như là công cụ để tiết kiệm sinh lực. Tự bản thân chúng chỉ là một mớ vô nghĩa và những ý niệm độc đoán do sự áp đặt từ bên ngoài.

Tôi tin rằng hình ảnh là công cụ rất hiệu quả trong công tác giảng dạy. Những gì còn lưu lại nơi đứa trẻ sau khi học một môn nào đó chính là những hình ảnh đứa trẻ hình thành được qua những gì đã học.

Tôi tin rằng, nếu sử dụng chín phần mười năng lượng hiện tại mà chúng ta đang dốc vào để bắt đứa trẻ học những điều gì đó nhằm hướng dẫn đứa trẻ tự xây dựng những hình ảnh thích hợp thì công việc giảng dạy sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.

Hiện nay, chúng ta dồn quá nhiều thời gian và sự quan tâm vào vấn đề chuẩn bị và trình bày bài giảng. Tôi tin rằng , thay vì làm như vậy, chúng ta hãy chú tâm đến việc rèn luyện cho đứa trẻ khả năng tưởng tượng và qua đó, đứa trẻ không ngừng hình thành và phát triển cho mình những hình ảnh chuẩn xác và sống động về các môn học qua kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân. Đây hẳn là cách làm khôn ngoan hơn và công việc sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Tôi tin rằng, sở thích là những dấu hiệu cho thấy năng lực đang lớn mạnh. Tôi tin rằng đó là những tiềm năng bắt đầu khởi sắc. Theo dõi, quan sát thường xuyên và thận trọng những sở thích là việc vô cùng quan trọng của một nhà giáo dục.
Tôi tin rằng, sở thích của đứa trẻ là biểu hiện dự báo mức độ phát triển của chúng. Một khi chúng ta quan sát và theo dõi những sở thích này, chúng ta hiểu được đứa trẻ có khả năng phát triển đến đâu. Tôi tin rằng, trên cơ sở này, chúng ta có thể tiên đoán được giai đoạn phát triển tiếp theo của đứa trẻ.

Tôi tin rằng, chỉ khi nào quan sát sở thích của đứa trẻ liên tục trong sự đồng cảm, người lớn mới có thể thâm nhập vào đời sống trẻ thơ và hiểu được đứa trẻ sẵn sàng học những gì và tài liệu giảng dạy nào sẽ đáp ứng được sự đón chờ của đứa trẻ để quá trình học đem lại hiệu quả nhiều nhất.

Tôi tin rằng không nên chìu theo cũng không nên kềm chế những sở thích. Nếu chúng ta kềm chế sở thích, chúng ta đã biến một đứa trẻ thành người lớn mất rồi. Như vậy, chúng ta đã hạn chế sự phát triển trí tuệ, đam mê và nhạy bén, kìm hãm sự sáng tạo và giết chết sở thích. Chìu theo sở thích là chúng ta đã thay thế cái tạm thời bằng cái thường hằng bất biến. Sở thích luôn là một dấu hiệu chứa đựng năng lực tiềm ẩn, điều quan trọng là hãy khám phá năng lực ấy. Nếu chìu theo sở thích thì không thể nào thâm nhập sâu hơn để khám phá những gì nằm dưới lớp bề mặt của biểu hiện ấy. Kết quả là sở thích đam mê chân thật phải nhường lối cho tính thất thường và ngẫu hứng.

Tôi tin rằng, tình cảm là phản ứng của hành động. Tôi cũng tin rằng, cố gắng đánh động hay khơi dậy những cảm xúc không tương ứng với hoạt động là thể hiện của một tinh thần yếu đuối và bệnh hoạn.

Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể giữ lại những thói quen về hành động và ý tưởng gắn liền với các phạm trù chân-thiện-mỹ, cảm xúc, tự nó sẽ thăng hoa.
Tôi tin rằng, bên cạnh sự thiếu sinh khí và tẻ nhạt, hình thức và sáo mòn, không có điều gì xấu ác đe dọa nền giáo dục của chúng ta bằng chủ nghĩa đa cảm. Tôi tin rằng, chính chủ nghĩa đa cảm này là hậu quả tất yếu của sự nỗ lực tách rời cảm xúc ra khỏi hành động.

Bài 5: Nhà trường và tiến bộ xã hội (sẽ post tiếp)