Sunday, July 6, 2008

NÊN SỐNG CHÂN THẬT


Chân thật trong cuộc sống luôn luôn là điều tốt, từ trước đến nay, chân thật luôn được trân trọng và tôn vinh. Ngay cả với người chưa từng biết sống chân thật là gì, họ vẫn luôn miệng ngợi khen đức tính này. Tưởng chừng nghịch lý phải không các bạn? Đó là sự thật. Vì sao? người không chân thật, không lúc này thì lúc khác, họ phải nếm vị đắng cay vì nhiều người xung quanh không đặt nơi họ một niềm tin và chính họ cũng thấy người sống chân thật có uy tín thế nào. Thế nhưng, họ không thể làm gì khác dù phải chịu đau đớn và cay đắng vì không dễ một ngày một buổi, họ có thể trở thành người chân thật.


Chân thật là một đức tính mà con người cần phải phấn đấu một đời để duy trì và phát huy. Có một điều người chân thật được đáp đền xứng đáng với sự nỗ lực liên tục của họ là có được tâm thanh thản bình yên. Tất nhiên sẽ có lúc bạn phải chịu sự thiệt thòi vì chân thật. Thế nhưng, lúc đó, nếu nghĩ đến tâm bình yên như là một quả ngọt của lối sống chân thật, tâm bạn sẽ đủ mạnh để không còn chấp nhặt những điều nhỏ bé, tầm thường đó nữa và thản nhiên bước qua. Lối sống chân thật chỉ cho quả ngọt khi chín muồi. Ai nóng lòng vội hái quả xanh thì không đủ kiên nhẫn để đợi đến khi nếm được hương thơm vị ngọt của quả chín. Chính vì vậy, nhiều người hiểu được giá trị của chân thật trên lý thuyết, nhưng rồi họ bị cuốn trong dòng sống tạm bợ và phù phiếm, bằng lòng với cái lợi chóng vánh trước mắt mà càng ngày càng xa chân tâm của mình, thật đáng tiếc.



Người sống không chân thật thường có biểu hiện bênh vực mình khi có lỗi. “Vụng múa chê đất lệch; hát dở chê micro rè” có thể được dùng để chỉ tính cách của người thiếu chân thật. Đối với bất cứ chuyện gì, họ luôn tìm cách biện minh cho mình bằng cách đổ lỗi cho khách quan. Những người ấy thường không dám nhìn nhận sự thật mà luôn bào chữa cho những sai lầm của mình. Có những trường hợp, trong tâm người ta đang bênh vực chính mình, không nhìn nhận lỗi nhưng không biểu hiện ra bên ngoài. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người hay cãi khi giận dữ. Nếu là người chân thật, họ sẽ nhận ra mình đang bị sân và tìm cách vượt qua. Người không chân thật sẽ không bao giờ nhận ra điều đó mà luôn đổ lỗi cho người khác (cho rằng vì người ta ngang bướng, người ta xúc phạm nên mình nổi giận…). Người luôn biện minh cho mình là người không chân thật. Người như vậy không thể rèn luyện lâu dài và làm việc lớn được. Người không chân thật không dám nhìn sự thật, không dám nhận lỗi của mình, và rõ ràng là không thể nào kiểm soát được tâm mình và lại càng không thể tăng trưởng về đạo đức.


Người thiếu chân thật thì không thể thiện lành vì tâm chân thật và tâm thiện thường đi đôi với nhau để làm cho ai sở hữu chúng trở nên đẹp và có giá trị. Chân-thiện-mỹ luôn có giá trị trong mọi lúc mọi nơi. Người nói dối là người không nói đúng sự thật. Nếu người nói thật, việc xảy ra như thế nào, họ trình bày như thế ấy và luôn cảm thấy tâm thanh thản, thì ngược lại, người nói dối phải tác ý, phải khởi tâm, dựng chuyện cho hợp lý và cố ghi nhớ để lần khác không nói sai đi. Chính vì vậy, tâm của họ rất mệt mỏi. Đó cũng là lý do khiến tâm không bình an được. Người thiếu chân thật luôn sống trong điên đảo vọng tưởng vì phải luôn động niệm để đặt điều, khởi ý và tưởng tượng để thêu dệt câu chuyện theo chủ đích của mình nhằm bảo vệ và che giấu cái xấu ác của bản thân. Như vậy, con đường phấn đấu của người ấy không bền.


Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, người đã đấu tranh xoá bỏ được chế độ nô lệ ở Mỹ từng nói một câu rất chí lý “Ta có thể lừa dối một người nào đó suốt đời, ta có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, nhưng ta không thể lừa dối mọi người mãi mãi”. Một vị Tổng thống mà hiểu được như vậy và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình là điều rất quý. Sở dĩ ông nói như vậy vì ông quan niệm rằng, chân lý có sức mạnh, sự thật có sức mạnh. Các bạn ạ, cuối cùng chân lý tự nó khẳng định giá trị của mình và sự giả dối bao giờ cũng bị phanh phui, cây kim trong bọc sớm chầy gì cũng thò đầu ra thôi. Vì vậy, cái hay nhất của con người là sống trên đời biết làm việc lớn thì đừng suy nghĩ thiếu chân thật và làm điều gian dối. Dẫu rằng cuộc đời này chưa hoàn hảo nhưng chúng ta, mỗi người nên góp một bàn tay xây dựng thế giới cộng sinh của mình tốt hơn bằng hành động thiết thực của chính bản thân mình: hãy sống chân thật với mình và với những người xung quanh.


Những ai càng trân trọng nhân vị của mình, người ấy càng ý thức trong việc giữ tâm ý mình thành thật. Người có suy nghĩ và tự trọng luôn biết giữ hình ảnh của mình bằng cách sống chân thật, nhất là khi họ sống trong môi trường tập thể, nơi 'tiếng lành đồn xa' thì tiếng dữ cũng không lý do gì mà không phát tán khắp bốn phương. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự thật có sức mạnh rất lạ kỳ. Dù bị che đậy, cuối cùng sự thật cũng vẫn là sự thật. Nếu vì một chút lợi danh nào đó mà dối trá, vì một chút sỉ diện mà đậy che, vì một chút tự tôn mà lươn lẹo thì uổng lắm! Một khi bị người đời phanh phui ra ánh sáng, uy tín của họ sẽ không còn nữa. Vì vậy, tốt nhất là nên sống đời chân thật.

Đã là con người ai cũng có những vụng về, vấp ngã và tội lỗi; điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta cần làm gì để không hổ thẹn với lương tâm và với những người xung quanh. Cách sống chân thật hay giả dối được nuôi dưỡng tùy thuộc vào thái độ của bạn sau mỗi lần vấp ngã như thế đấy!