Sunday, June 29, 2008

BẰNG KHEN


Đánh giá quá trình học tập, cho đến nay, vẫn được áp dụng qua hình thức thi cử. Vẫn biết thi cử, dưới bất kỳ hình thức nào, tự luận hay trắc nghiệm, cũng có nhiều mặt hạn chế bất cập của nó. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi có một hình thức đánh giá quá trình học tập một cách hiệu quả và khoa học hơn, người ta vẫn cứ phải áp dụng hình thức đánh giá cổ điển tồn tại từ lâu và vốn có nhiều khiếm khuyết này. Khi nào còn thi cử, áp lực còn đè nặng lên người học, người dạy và cả một hệ thống giáo dục nữa. Khi nào còn thi cử, điểm số và khen thưởng đồng hành cùng môi trường học đường như bóng với hình. Thế nhưng, cảm nhận về khen thưởng có lẽ cũng thay đổi theo thời gian.

Đầu tháng này, học sinh bắt đầu nghỉ hè sau một năm “miệt mài cày và tụng kinh không gõ mõ”, nói theo cách nói của đứa cháu tôi. Gặp tôi, nó nhảy cẫng lên khoe là được “giải thoát, ít nhất một tháng và tha hồ về Nội chơi với bạn bè, bơi ở con kênh quê quen thuộc có dòng nước xanh mát quanh năm, không chán như học thuộc bài trong sách giáo khoa.” Con bé nói chuyện coi bộ cũng có khiếu văn và hài hước ra phết. Khi tôi hỏi đến kết quả học tập cuối năm, cháu tôi nói “được học sinh giỏi Cô à” rồi cháu rút tấm giấy khen trong kệ học tập miễn cưỡng đưa tôi, không tìm đâu ra một dấu hiệu vui mừng trên nét mặt cô bé. Tôi hỏi “học sinh giỏi mà con không vui sao?” Bé nói “bạn bè con đều như vậy cả” rồi cất tấm giấy khen vào lại vị trí cũ. Nó sẽ nằm đấy, lạnh lẽo và buồn tẻ, không biết khi nào cháu tôi mới chạm vào nó nữa. Trời đất ạ, cách cháu tôi cất giữ tấm bằng khen không bằng tôi cất giữ bài kiểm tra một tiết thời còn đi học nữa.

Tôi nhớ hồi đó, một bài kiểm tra được điểm cao kèm theo lời phê của Cô giáo là “có ý tưởng sâu sắc, cách hành văn mạch lạc…” đủ để tôi sung sướng đến nhiều tiếng đồng hồ và coi đi coi lại mấy lần trước khi cất cẩn thận vào tập đựng bài kiểm tra. Lâu lâu lại lấy ra coi lại, chiêm nghiệm với thành quả học tập của mình. Điều này là động cơ để tôi nỗ lực nhiều hơn trong học tập. Tôi còn nhớ, cuối năm lớp Một, lần đầu tiên trong đời tôi nhận phần thưởng và tấm giấy khen chứng nhận học sinh giỏi. Thú thật, đêm đó tôi sung sướng đến không ngủ được. Mất ngủ đối với một con bé 7 tuổi bà con ạ…đủ để thấy tôi sung sướng dường nào. Ngày hôm sau, tôi hì hục dán tấm bằng khen lên tường ở góc học tập của mình. Mỗi lần nhìn mảnh giấy khen, mỗi lần thêm nghị lực và có niềm vui trong học tập.

Còn cháu tôi? Cũng bằng khen loại giỏi như tôi thuở đó, mà sao cháu hờ hững quá, không có cái cảm xúc ngập tràn sung sướng như tôi thời ấy. Tôi nghĩ rằng, cách dạy cách học hiện nay không hề có chức năng làm chất xúc tác thúc đẩy người học nỗ lực vươn lên. Có lẽ hồi đó tôi là một trong hai học sinh đạt loại giỏi trong lớp nên tôi có cảm giác vui hơn so với cháu tôi khi nó cảm thấy “bạn bè con đều như vậy cả.” Tôi thiết nghĩ điểm số và khen thưởng không chỉ để đánh giá kết quả học của các em mà còn nên là động cơ thúc đẩy các em nỗ lực vươn lên. Cạnh tranh lành mạnh vốn vẫn được khuyến khích nhằm tạo môi trường cho các em so sánh mình với bạn bè để vươn lên đó chứ. Một khi hầu hết các bạn trong lớp đều đạt học sinh giỏi thì danh hiệu ấy chẳng có ý nghĩa gì nhiều với người đat được. Có lẽ vì thế nên cháu tôi thản nhiên, không tỏ ý vui mừng gì khi cầm trên tay bảng giấy khen này.
Phân loại kết quả học tập không chỉ để cho thầy cô ghi điểm thành tích với cấp trên, không chỉ đánh giá kết quả học tập của các em ít thực nhiều ảo mà quan trọng hơn , sự đánh giá này phải là động lực để các em nhìn lại quá trình phấn đấu của mình và nỗ lực vươn lên. Sự đánh giá còn giúp cho thầy cô giáo biết được hiệu quả của phương pháp giảng dạy đang áp dụng để kịp thời điều chỉnh trong thời gian tới.

Chao ôi, cháu tôi mới học lớp 4 thôi đã thấy việc học là ‘cày’ và là ‘tụng kinh không gõ mõ’ nghe sao mà thê lương quá! Không ai chối cãi truyền thống Việt Nam mình là học thuộc lòng. Thế nhưng, hiện nay, chương trình cải cách, sách giáo khoa cải cách rồi mà. Hàng tỷ đồng tiền của dân của nước đổ vào đó với hy vọng xây dựng một chương trình học trên nền tảng người học kiến lập tri thức cho bản thân dưới sự hỗ trợ và tổ chức của giáo viên, mà sao vẫn phải ‘cày’, phải ‘tụng kinh’ khổ sở thế này? Sách cải cách đó, chương trình mới đây, nhưng than ôi người có trách nhiệm vẫn ‘cũ’ thì mong gì có bước chuyển mình ‘mới’? Thầy cô giáo tiếp tục sử dụng phương pháp dạy cổ điển rót kiến thức vào đầu học trò thì đâu cũng vào đó thôi. Thêm vào đó, với sự hỗ trợ của hệ thống internet liên thông toàn cầu, con người khắp hành tinh có một kho tư liệu khổng lồ và từ đó, có thể hội tụ, trao đổi thông tin một cách dễ dàng, học thuộc lòng chỉ nên trả về cho quá khứ.

Hồi trước, kết quả học tập còn truyền cảm hứng cho người học để cố gắng hơn trong học tập, ngày nay, bọn trẻ thờ ơ, thản nhiên với những con số 9, 10 và hờ hững với tấm bằng khen ‘giỏi’ mà chúng đạt được. Hè về, cháu tôi mừng vì được ‘giải thoát’ khỏi áp lực sách vở ít nhất là một tháng để về quê Nội chơi đùa với chúng bạn, tắm suối làng kênh quê bốn mùa tươi mát chứ không khô khan như những con số không biết nói và những bài thuộc lòng nằm yên trong sách giáo khoa…Một đứa bé 10 tuổi có nhận xét vậy về hệ thống giáo dục của mình như thế thì người lớn chúng ta nên suy nghĩ thế nào đây?

Có thể nói không quá rằng, nền giáo dục của chúng ta, so với thế giới thì quá tụt hậu rồi mà so với chính mình cùng lạc hậu hơn giai đoạn trước. Thời ấy, tôi còn biết vui mừng với tấm giấy khen ‘học sinh giỏi’ để rồi nỗ lực học tốt hơn trong khi cháu tôi tỏ thái độ thờ ơ, thản nhiên và hờ hững với tấm giấy khen ‘học sinh giỏi’. Hiện tượng khen thưởng ồ ạt do hiệu ứng của 'bệnh thành tích' hẳn không đủ sức lửa để truyền cho học sinh một niềm đam mê trong học tập. Đây chính là nỗi đau cho những ai quan tâm đến nền giáo dục hiện tại của Việt Nam.