Monday, August 4, 2014

Giàu có & hạnh phúc


Từ muôn thuở, con người vẫn luôn nuôi dưỡng khát vọng lớn nhất và chung nhất, đó là khát vọng hạnh phúc. Hạnh phúc là trạng thái tâm lý mãn nguyện, cảm giác đầy đủ và sung sướng khi nhu cầu được thỏa mãn. Đây là một khái niệm thuộc phạm trù ý niệm, gắn liền với nhân sinh quan nên mỗi cá nhân đều có tiêu chí riêng về hạnh phúc. Tuy nhiên, mẫu số chung của hạnh phúc là trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái, hài lòng và yên tâm.

Thông thường, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một người giàu có thường là người hạnh phúc, hay ít ra, họ dễ có cuộc sống hạnh phúc hơn người khác. Vì tin như thế, trong cuộc sống, chúng ta lao vào làm giàu và làm giàu không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy rằng, sự thật không hẳn như vậy.

Trong một nghiên cứu ở Mỹ, Easterbrook (2003) cho thấy rằng mặc dù với thu nhập cao hơn, các dịch vụ y tế tiện nghi hơn và giáo dục ngày càng tốt hơn so với những năm trước, người ta vẫn cảm thấy rằng họ kém hạnh phúc hơn trước. Như vậy, sự giàu có về của cải vật chất là yếu tố cần thiết để duy trì cuộc sống cho tất cả con người chúng ta, nhưng nó không đủ để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc. 

Người kỳ công nghiên cứu trong nhiều thập niên về lĩnh vực này là Easterlin. Trong một thời gian dài, từ năm 1974 đến năm 2003), Easterlin đã thực hiện 30 nghiên cứu thống kê ở 19 nước và đi đến kết luận rằng, khi những nhu cầu căn bản như ăn, mặc, ở và y tế được đáp ứng, sự giàu có không liên quan đến mức độ hạnh phúc trong cuộc sống. Kết quả các nghiên cứu này tưởng chừng khó tin đối với nhiều người trong chúng ta khi kết luận rằng sự giàu có không đảm bảo cho chủ nhân nó một đời sống hạnh phúc.

Một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết quả tương tự và cố gắng tìm nguyên nhân để lý giải tại sao người lắm tiền nhiều của lại không có hạnh phúc. Theo nghiên cứu của Argyle (1999), những người giàu thường có ham muốn giàu có hơn và chính lòng ham muốn ấy làm cho họ ít được hạnh phúc trọn vẹn và bền vững. Duesenberry (1949) làm một cuộc khảo sát, lấy ý kiến trong công chúng ở Mỹ vào thập niên 40 của thế kỷ 20, kết luận rằng những người có thu nhập cao có động cơ phải có thu nhập cao hơn nữa mới có thể làm cho những người thân trong gia đình hạnh phúc. Đồng thời, họ cũng có tâm lý bất an thường trực trong tâm, khi đồng hóa chính bản thân mình với của cải vật chất và bao phủ mình với những thứ hào nhoáng bên ngoài để tạo hình ảnh giàu có trong mắt người khác. 

Veblen (1967) thực hiện một nghiên cứu và kết luận rằng, người giàu có coi việc tiêu xài là một tiêu chí để xác định vị trí xã hội của mình. Vì sỉ diện, sự cạnh tranh trong mua sắm và chi xài của những người có thu nhập cao cũng tạo nên tâm lý không bình an cho những người dư ăn dư để này. Mấy thập niên sau, trong một thống kê của mình, Schor (1998) cho thấy rằng, hơn nửa dân số Mỹ, nơi số lượng người giàu có nhiều nhất thế giới, nói rằng họ không thể nào thỏa mãn được mọi thứ họ cần và họ cảm thấy không có hạnh phúc trọn vẹn vì cảm giác ‘chưa đủ’ này. 

Như vậy, với mớ của cải vật chất dù rất nhiều trong tay, người giàu vẫn không hạnh phúc. Trong khi người nghèo thiếu hạnh phúc vì các nhu cầu căn bản để duy trì sự sống chưa được thỏa mãn, người giàu, những tưởng họ hạnh phúc vì lắm tiền của, thì lại khổ vì lòng mong cầu không biết đủ. Chính lòng ham muốn làm cho con người khổ. Đây là ‘căn bệnh’ khó chữa và nếu để tâm lý này phát triển tự nhiên, nó sẽ không có giới hạn mà ta quen gọi là “lòng tham vô đáy”. Người bị tâm tham thúc bách không thể nào nếm được hương vị hạnh phúc thật sự dù sống trên cả núi vàng. 

Ham muốn của con người là muôn thuở và không bao giờ được thỏa mãn và chính tâm lý ‘không thỏa mãn’ làm con người cứ mãi khổ đau và bất an. Chỉ khi nào ý thức được hạnh phúc tỷ lệ nghịch với lòng ham muốn, con người mới biết cách tạo dựng hạnh phúc cho mình. Cuộc sống hạnh phúc thật sự không cần quá nhiều tiền bạc vật chất bên ngoài mà cần một đời sống tâm linh phong phú để biết tiết chế trong các ham muốn phàm tình. Đức Phật dạy, không thể tìm thấy hạnh phúc từ lợi dưỡng thế gian mà hạnh phúc ở ngay trong tâm mỗi con người. Ai sớm nhận ra điều này thì ngay lúc ấy, họ nắm giữ chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc đời mình. 

Trên quan điểm này, người dân xứ Bhutan, một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống Phật giáo, thay vì coi GNP (tổng thu nhập quốc gia) là tiêu chí, đã đánh giá sự phát triển của đất nước này bằng một tiêu chí khác là GNH (tổng hạnh phúc quốc gia). Người Bhutan quan niệm rằng một đất nước phát triển là một nước mà người dân có được hạnh phúc. Ý niệm này đã có mặt trên đất nước Bhutan nhỏ bé từ nhiều thế kỷ trước, nhưng phát triển nó thành khái niệm ‘tổng hạnh phúc quốc gia’ là sáng kiến của vua Jigme Singye Wangchuck vào năm 1972. 

Khái niệm ‘hạnh phúc’ này được thẩm định trên các yếu tố khách quan và chủ quan, căn cứ trên bốn lãnh vực gồm (i) sự phát triển kinh tế xã hội, (ii) kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, (iii) tôn trọng tất cả các sinh vật, bảo vệ và sống thân thiện với môi trường và (iv) tổ chức quản lý xã hội để đảm bảo sức khoẻ và tuổi thọ cá nhân. Chỉ khi nào có sự phát triển cân đối hài hòa bốn yếu tố này trong cuộc sống, con người mới có được hạnh phúc thật sự và bền vững. Như vậy, sự phát triển kinh tế xã hội, với người dân Bhutan, chỉ là một trong bốn tiêu chí của một cuộc sống hạnh phúc.

Thấm nhuần triết lý Phật giáo trong nếp nghĩ và cách sống của mình, người Bhutan đã có ý thức rất rõ việc bảo vệ và phát triển đất nước nhỏ bé xinh đẹp của họ theo một tiêu chí toàn diện, đa phương bao gồm nhiều phương diện trong cuộc sống chứ không chỉ phát triển kinh tế. Do đó, mặc dù người dân Bhutan còn nghèo về vật chất, họ hài lòng với một cuộc sống mà quan niệm hạnh phúc không chỉ đo lường bằng kinh tế. Mặc dù khổ đau luôn tồn tại ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau như là một phần của cuộc sống, người dân Bhutan tìm hạnh phúc trong cuộc sống hài hòa giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa kinh tế, xã hội và văn hóa tâm linh. 

Ở phạm vi cá nhân, mỗi người đều có thể kiến tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc trên cơ sở bốn tiêu chí nêu trên của người Bhutan. Từ kết quả nghiên cứu và thực tế ở đất nước Bhutan, chúng ta có thể nói rằng, khi tâm con người hướng ngoại với tham vọng chinh phục, hạnh phúc xa vời tầm tay dù giàu có. Ngược lại, khi biết hướng vào nội tâm, lấy đời sống tâm linh làm nền tảng để điều chỉnh những ham muốn của mình, biết hài lòng với những gì họ đang có và nối nhịp cầu hài hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên cũng như môi trường văn hóa xã hội, họ có thể tạo dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Giáo lý Phật giáo về nhân quả, duyên sinh và vô thường đã giúp chúng ta hiểu rằng, để có được hạnh phúc thật sự, con người cần phải quay về với bản tâm của mình để có sự bình an nội tại và đặt mình trong mối tương duyên với tất cả các sự vật hiện tượng bên ngoài.

Khái niệm hạnh phúc của người Bhutan giúp chúng ta suy nghĩ lại rằng, khi người ta đồng hóa hạnh phúc với của cải vật chất và cố công đi tìm thứ hạnh phúc ấy thì oái oăm thay, càng tìm kiếm, hạnh phúc càng xa vời. Nhiều người giàu có, nếu chịu khó suy nghĩ, trong những thăng trầm của cuộc đời, sẽ thấm thía nỗi đau nhân thế và cảm nhận sâu sắc những bất hạnh của người giàu. Có khi tự nghiệm bản thân cùng những mối quan hệ xã hội xung quanh, người trong cuộc cũng có thể nhận ra sự khổ đau và bất hạnh lồ lộ ngay khi vầng hào quang của tiền bạc danh vọng vẫn còn đang tỏa sáng. 

Cuộc sống hiện tại đang thay đổi quá nhanh, xu hướng chuộng vật chất như là một trào lưu đang tạo ra những hiểm họa khôn lường mà toàn xã hội đã và đang lên tiếng báo động. Với con người, kinh tế và văn hóa đều cần thiết như hai cánh của một con chim. Chim muốn bay xa và an toàn thì cần cả hai cánh, người muốn hoàn thiện và hạnh phúc không chỉ phát triển kinh tế mà cần phát triển văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh. Mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm như một kiến trúc sư của chính cuộc đời mình để trọn quyền quyết định hạnh phúc hay khổ đau cho bản thân. Người Bhutan đã biết sống theo triết lý Đạo Phật để được hạnh phúc, dù họ chưa giàu có về kinh tế. Tại sao chúng ta lại không áp dụng tinh thần Đạo Phật để cuộc sống thêm ý nghĩa và thanh thoát hơn?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Argyle, M. (1999). Causes and correlates of happiness. In D. Kahneman, E. Diener & N. Schwarz (eds). Well-Being: The foundations of hedonic psychology. New York: Russell Sage.
Duesenberry, J. (1949). Income, Savings, and the Theory of Human Behavior. Cambridge, MA: Harvard University Press.
Easterbrook, G. (2003). The Progress paradox: How life gets better while people feel worse. New York: Random House.
Easterlin, R. A. (1974). Does economic growth improve the human lot? Some empirical evidence. In P. A. David & M. W. Reder, eds., Nations and households in economic growth. New York: Academic Press.
Easterlin, R. A. (2003). Explaining happiness. Proceedings of the National Academy of Sciences100(19), 11176–83.
Schor, J. (1998). The Overspent american: why we want what we don’t need. New York: Basic Books.
Veblen, T. (1967). The Theory of the leisure class. New York: Viking Penguin.