Saturday, August 23, 2014

THƯƠNG YÊU LÀ GÌ?



Hằng Như dịch từ bài “What love is?” của Ayya Khema

Hầu hết chúng ta đều sống với áp lực rằng cần phải tính toán thật kỹ về đời sống của mình. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lệch. Chúng ta sống với cảm xúc và những gì chúng ta suy nghĩ cũng dựa trên cơ sở của cảm xúc. Do đó, định hướng cho cảm xúc là điều quan trọng hơn rất nhiều.
Đức Phật dạy chúng ta cần nỗ lực thực hành bốn phương diện của tâm là một điển hình về định hướng cảm xúc một cách hướng thượng và tích cực. Bốn phương diện cần nỗ lực là: không để cho những tư tưởng không thiện lành phát sinh, với những tư tưởng không thiện lành đã có mặt, không tiếp tục nuôi dưỡng chúng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tâm niệm thiện lành sinh khởi và nuôi dưỡng, tưới tẩm những tâm niệm thiện lành đã có mặt trong ta.

Thêm vào đó, chúng ta cần định hướng cảm xúc thực hành và thành tựu bốn tâm vô thượng là thương yêu tất cả mọi người (từ), xót thương những mảnh đời đau khổ và tìm cách giúp người vơi khổ (bi), vui với niềm vui của người khác (hỷ) và giữ tâm trầm tĩnh không vướng kẹt vào những thăng trầm của cuộc sống (xả) để dần tập cho cảm xúc chúng ta chuyển vào các kênh tích cực, hướng thượng, đem lại nguồn sống bình an cho tâm, cho thân và kết quả tất nhiên là đem lại lợi ích cho những người xung quanh. Khi nào hoàn thiện được bốn tâm vô thượng này, chúng ta thiết lập được cảnh Niết bàn ngay tại ta bà, cực lạc trong trái tim ta.
Trong chúng ta ai cũng hiểu rằng trên đầu mình là bầu trời xanh, không phải cõi trời hay thiên đàng nào cả, mà thiên đàng hay địa ngục đều có đủ trong tâm của chính mình và ai ai cũng đều có thể dễ dàng cảm nhận được điều này. Do đó, không cần phải chứng đạt các mức độ thiền quán hay có được trí tuệ vô lậu, chỉ cần thực hành bốn tâm cao thượng trên, chúng ta có thể sống trong chân thật, yêu thương, bình an và vững chãi. Điều này sẽ góp phần làm cho chất lượng cuộc sống chúng ta khác đi rất nhiều.
Khi chúng ta khơi dậy tình thương yêu vốn sẵn có trong tâm mà không cần một lý do nào, mà đơn giản thương yêu là bản chất của con tim, chúng ta cảm thấy an tâm vô cùng. Nếu ta cho đi một tình yêu thương có điều kiện, đằng sau đó, nỗi lo tiếp nối niềm buồn. Ai trong chúng ta cũng hiểu rõ điều này. Không thể nào mua được sự an toàn, mặc dù rất nhiều người muốn, nếu có thể mua được, họ sẵn sàng bỏ tiền mua. Các công ty bảo hiểm có những sơ sở đồ sộ vì nhiều người nỗ lực mua sự an toàn cho mình. Dù đã mua bảo hiểm đủ loại, nhưng có chắc ta được an toàn không? Thế nhưng, khi chúng ta biết tạo ra một sự an tịnh bên trong, thông qua trái tim mình, ta cảm nhận chắc chắn rằng những phản ứng và cảm xúc của mình sẽ không gây hại cho mình hay ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của người khác. Với tâm an tịnh, nhiều nỗi sợ niềm lo tự nó rời xa ta.
Tâm từ (Metta) thường được dịch là lòng thương yêu, nhưng thật ra, từ “thương yêu” không thể nào chuyển tải hết nội dung của từ metta. Nói đến tình yêu thương, chúng ta nghĩ đến những tình tiết trong các câu chuyện cổ tích, trên phim ảnh chúng ta xem hằng ngày, nơi các bảng quảng cáo khổng lồ trên các tòa nhà trên đường phố ta đi qua, là tình cảm sâu đậm giữa đôi nam nữ đang yêu nhau…, tất cả đều không tồn tại lâu bền. Hầu hết mọi người trong suốt cuộc đời mình đều không thể nào hiểu nổi tình yêu, và xem đó như là một điều bí ẩn, rằng nó không đến như mình muốn. Khi không thỏa mãn trong tình yêu, ai cũng nghĩ rằng có thể lỗi tại mình, hoặc lỗi người kia, có khi lỗi đến từ cả hai phía, và rồi họ lại đi tìm kiếm và tạo dựng tình yêu mới. Sau lần thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm như thế, họ hiểu thêm ra nhiều điều, nhưng rất nhiều người vẫn cứ tiếp tục đi tìm tình yêu. Và đó là thứ tình yêu trong xã hội chúng ta.
Thật ra, tình yêu đúng nghĩa là tính chất của con tim. Con tim chỉ để yêu thương, ngoài ra, nó không có chức năng gì khác. Nếu chúng ta ý thức rằng, tất cả đều chứa đựng yêu thương bên trong mỗi người, và rằng chúng ta có thể nuôi dưỡng tình yêu thương ấy ngày càng lớn thêm lên, hẳn chúng ta đã chú ý đến nó nhiều hơn rồi. Ở tất cả những xã hội tiến bộ, có những tổ chức chuyên đào tạo trí óc, cho con người mở rộng sự hiểu biết từ 3 tuổi đến trọn đời. Thế nhưng chúng ta không hề có một tổ chức nào giúp con người phát triển con tim cho nó biết yêu thương, do đó, chúng ta cần phải tự làm lấy việc này cho chính mình.
Hầu hết mọi người đều mong chờ vào hoặc phụ thuộc với một người nào đó để mong được yêu thương. Thế nhưng, loại tình yêu ấy bị lo sợ bao vây,  mà lo sợ là một phần của tâm sân hận. Tâm lý sân hận xuất hiện khi người đặc biệt ấy mất đi, hoặc bước ra khỏi cuộc đời mình, hoặc thay lòng đổi dạ không còn thương yêu như trước nữa… – nói cách khác, chúng ta lo sợ tình yêu ấy có thể chết đi, vì chúng ta tin tưởng rằng tình thương yêu ấy gắn chặt vào duy nhất nơi con người đặc biệt ấy. Trên hành tinh này có hơn sáu tỷ người, tin tình yêu chỉ ngưng đọng ở một người quả là một điều ngớ ngẩn. Hầu hết mọi người nghĩ rằng khả năng yêu thương phụ thuộc vào chỉ một người và đó là người phải ở bên cạnh chúng ta. Điều này tạo ra tâm lý lo sợ tình yêu ấy sẽ mất đi khi người ấy không còn bên ta nữa. Và tình yêu bị lo sợ bao vây thì không phải là tình yêu thuần chất. Chúng ta tạo ra một sự lệ thuộc vào một con người nào đó, lệ thuộc vào tâm tư tình cảm của người ấy. Không hề có sự tự do nào cả, yêu thương mà cũng không có tự do.
Nếu chúng ta nhận ra một cách rõ ràng rằng tình yêu thương là một phẩm chất mà tất cả mọi người đều có, chúng ta có thể bắt đầu phát triển khả năng yêu thương. Tất cả những kỹ năng, muốn thuần thục, đều cần phải tập luyện. Chúng ta cũng có thể tập luyện yêu thương và dần dần có được kỹ năng này. Yêu thương đích thực không phải là tìm một người xứng đáng nhận tình yêu thương để ta thương, hoặc kiểm tra xem mọi người có thật sự dễ thương hay không. Nếu chúng ta kiểm chứng lại mình một cách chân thành, chúng ta sẽ nhận ra rằng bản thân mình cũng không phải hoàn toàn dễ thương, vậy thì tại sao chúng ta lại mong người khác hoàn toàn dễ thương? Không cần phải quan tâm đến phẩm chất của người khác, cũng không cần biết người ấy có muốn được yêu thương hay không, hay có thương lại chúng ta hay không, hoặc họ có cần thương hay không.
Tất cả mọi người đều cần tình thương. Bởi vì chúng ta biết rõ lỗi lầm của chính mình, thế rồi có ai đó yêu thương chúng ta, chúng ta nghĩ rằng: ồ, tuyệt quá, người này yêu thương mình và không biết gì về tất cả những lỗi lầm, vụng về của mình. Chúng ta đi tìm một người nào đó yêu thương mình để mong họ chấp nhận con người của mình là như vậy đó. Nếu không thể tìm được một ai, chúng ta cảm thấy thất vọng. Chúng ta trở nên chán nản hoặc tìm những lối thoát. Đây là những cách sai lầm vậy.
Trên con đường thực hành tâm linh, không có gì để được, và mọi thứ đều phải từ bỏ. Rõ ràng là, điều đầu tiên cần từ bỏ là tâm lý cố gắng để “có được” tình yêu thương, và thay vào đó là hãy cho đi. Đây là bí quyết của con đường thực hành tâm linh. Ta phải cho đi một cách trọn vẹn, toàn tâm. Những gì chúng ta cho đi, nếu chỉ một nửa mà không toàn tâm, thì những gì ta nhận lại cũng chỉ một nửa ấy mà thôi. Làm thế nào để chúng ta có thể cho đi? Bằng cách không giữ gì lại cho mình. Bằng cách không muốn gì cho mình. Nếu muốn được yêu thương, chúng ta ngồi đó mà trông chờ vào một hệ thống cung cấp, hỗ trợ cho mình và mình chỉ việc nhận mà thôi. Nếu muốn yêu thương, chúng ta hướng đến sự trưởng thành về sự thực hành tâm linh của mình.
Không thích người khác là điều quá dễ dàng. Ai cũng có thể làm điều này và biện minh cho việc mình làm, bởi vì, tất nhiên con người không phải luôn sáng suốt và thường là con người không làm theo cách họ muốn người khác làm cho mình. Không thích sẽ tạo nên những khe rãnh trong tâm, và những cảm xúc ngày càng dễ rơi vào các khe rãnh này làm cho chúng hằn sâu hơn. Khi ấy, chúng ta không chỉ ghét người khác, mà còn ghét chính bản thân mình. Nếu người nào biết thích hay yêu chính mình, người ấy cũng dễ dàng thương người khác hơn, và đây là lý do tại sao trong thiền tâm từ, chúng ta thường bắt đầu thực hành bằng cách trải tâm từ vào đối tượng là chính mình. Đây không phải là tự kỷ trung tâm. Nếu chúng ta không thích mình bởi vì chúng ta khiếm khuyết hay có lỗi lầm, chúng ta sẽ truyền sự không thích này đến người khác và theo đó mà soi xét họ. Chúng ta có mặt trên cuộc đời này không phải để dò xét và phán quyết. Trên hết, chúng ta không có đủ tư cách để làm việc đó. Đây là một công việc dễ gây mích lòng, không công bằng và chỉ làm cho người khác phiền lòng mà thôi.
Nhiều người thường cảm thấy đây là cách cần thiết để bảo hộ họ. Thế nhưng, chúng ta cần gì để bảo hộ mình đây? Chúng ta cần bảo hộ thân thể để không bị tổn thương. Liệu chúng ta có cần bảo hộ mình đối với tình thương yêu không? Chúng ta cùng chung sống trên hành tinh này trong cùng một thời đại, cùng hít thở chung một bầu không khí. Tất cả chúng ta đều có chân tay, suy nghĩ và tình cảm. Ý tưởng rằng ta tách rời những chúng sanh khác là một ảo giác. Nếu thực hành thiền định tinh cần, đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn ảo giác tách rời này nữa.
Thiền định giúp hành giả có thể thấy tất cả mọi phương diện của một vấn đề. Có một nguồn sống và chúng ta là một phần của nguồn sống ấy. Chúng ta lo sợ gì? Chúng ta lo sợ phải yêu thương chính mình, lo sợ phải yêu thương nguồn sống của mình, lo sợ phải yêu thương người khác bởi vì chúng ta hiểu những vụng về thiếu sót của bản thân mình. Dẫu biết rằng chúng ta làm những việc chưa đúng, rằng chúng ta không hạnh phúc hoặc có những tư tưởng không lành mạnh, không lý do gì cản trở không cho chúng ta yêu thương. Một người mẹ yêu thương con thì khi chúng dại khờ hay không làm hài lòng, mẹ cũng một lòng thương yêu con mình. Những đứa con khờ khạo có thể có hằng trăm ý tưởng không tốt mỗi ngày và gây gổ với nhau suốt. Chúng ta cũng có những cảm xúc như thế, nhưng có điều ta không biểu lộ ra mà thôi.
Do vậy, với đứa con gây nhiều phiền toái, người người mẹ vẫn có thể yêu thương, thì tại sao chúng ta lại không thể yêu thương chính mình? Yêu thương một người nào đó và biết về người ấy là hai việc khác nhau. Yêu là sự sưởi ấm của con tim, sự liên kết, sự bảo hộ, quan tâm, chăm sóc, ôm ấp vỗ về; tất cả những điều này đến từ sự chấp nhận và hiểu biết người đó. Thực hành điều này, chúng ta sẽ yêu thương người khác dễ dàng hơn. Họ cũng không hoàn toàn dễ thương, cũng như chúng ta còn nhiều vụng về, và họ cũng có nhiều ý tưởng chưa tốt. Nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng ta không cần phải dò xét và phán quyết. Khi nhận ra rằng, chúng ta có thể thật sự yêu thương mình, chúng ta cảm thấy vô cùng thoải mái. Chúng ta không cần phải luôn luôn gồng mình hay giả vờ, hoặc nỗ lực để trở thành một ai đó. Chúng ta chỉ nên là chính mình. Thật là tuyệt khi được là chính mình, mà không phải gồng để trở thành “một ai đó”. Tình yêu thương có thể làm được điều này. Cùng một cách thế như vậy khi chúng ta liên hệ đến người khác, chúng ta hãy để cho họ chính là con người của họ và cứ thế, trải lòng yêu thương đến họ. Tất cả chúng ta đều có cơ hội để thực tập điều này hằng ngày. Đây là một kỹ năng, cũng giống như bao kỹ năng khác.