Tuesday, August 19, 2014

GIÁO DỤC TIỂU HỌC Ở VIỆT NAM



Trước khi thành người trưởng thành, ai cũng trải qua tuổi thơ ấu thần tiên. Mỗi người chúng ta, mỗi khi có dịp hồi tưởng lại quá khứ, cả một chuỗi mộng nối đuôi nhau chạy dài ùa về trong ký ức với bao kỷ niệm đẹp. Đáng nhớ nhất và đẹp nhất trong những cái đẹp có lẽ là cái thời tuổi thơ tung tăng cắp sách đến trường. Cái tuổi thần tiên, hồn nhiên và thơ ngây ấy để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người. Càng nhớ nhiều về tuổi thơ của chính mình, chúng ta càng nên lưu tâm đến lứa tuổi măng non ấy nhiều hơn. Đấy là những mầm non của thế hệ, là mùa xuân của xã hội, đang nhuận tràn sự sống dâng đời. Hôm nay, với entry này, tôi dành cho các em một khung trời nho nhỏ với vài suy tư nho nhỏ.
Trẻ em, nhân tố quan trọng của giáo dục
Tất cả các nhà tâm lý học, xã hội học và giáo dục học đều chú trọng đến trẻ em, coi đó là đối tượng chính của giáo dục. John Dewey, một nhà giáo dục học vĩ đại của thế kỷ 20 chủ trương ‘trẻ em là trung tâm của giáo dục’. Những nhà tâm lý học, nhất là các nhà phân tâm học như Freud,  Jung và Adler đều cho rằng những hành vi cư xử của một đứa trẻ trong những thánh năm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến cách sống và ứng xử của con người sau này. Những công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học này cho thấy rằng ngay cả khi đứa bé không có ý thức về những gì mình đang làm, hoặc khi trưởng thành rồi, không còn nhớ đến những hành vi của mình hồi còn thơ bé ấy, thế mà chất liệu nuôi dưỡng những cử chỉ, hành vi ấy vẫn đi theo mình trong suốt chặng đường dài của cuộc đời và thể hiện qua cách đối nhân xử thế. 

Những gì con người học được từ tuổi ấu thơ thường được đúc kết thành một chuẩn mực sống có giá trị như một kim chỉ nam để hướng thuyền đời cứ thẳng lối mà đi. Ngồi nhìn lui lại quá khứ, có lẽ hầu hết chúng ta đều có kinh nghiệm đó. Mỗi người trong xã hội, dù ít dù nhiều, đều nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với lứa tuổi ấu thơ. 

Điều này được thể hiện trong dân gian khá rõ nét. Không phải ngẫu nhiên mẹ Mạnh Tử lại dời nhà nhiều lần và cuối cùng, khi dời nhà đến gần trường học Bà mới yên tâm. Có ai dám nói chuyện dời nhà ấy, cùng bao chuyện khác thể hiện sự quan tâm của một người mẹ đến môi trường giáo dục cho con như thế, lại không ảnh hưởng gì đến tính cách và sự nghiệp của Mạnh Tử sau này? Trong dân gian ta cũng có câu “con hư tại mẹ…” hơi oan cho người mẹ! nhưng có phần đúng đấy chứ! đối với một người, mẹ là người thầy đầu tiên, nên trách nhiệm của mẹ rất nặng nề. Nuôi dạy con tốt là hoàn thành thiên chức ấy mà, bằng không, sẽ bị ‘đổ lỗi’ là chuyện bình thường! Rồi lại có câu khuyên “dạy con từ thuở còn thơ…”, hay “măng không uốn, tre uốn không được”. Những lời răn nhắc như vậy cho thấy cha ông ta đã ý thức đặt trọng tâm giáo dục vào  trẻ em. Đúng vậy, chỉ trong lứa tuổi này, trẻ thật sự cần thiết cha mẹ, thầy cô và những người làm công tác đạo đức xã hội ‘dắt tay từng bước’. Nếu những người có trách nhiệm dìu dắt các em đi đúng hướng với những phương pháp đúng, sau này chắc chắn các em sẽ tự tin đi vào đời, xã hội sẽ đỡ vất vả đi nhiều. Điều này có lẽ đúng trên mọi phương diện: tích lũy tri thức cũng như trau giồi đạo đức.

Sự trưởng thành của một con người phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: di truyền và môi trường. Với người làm công tác giáo dục có tâm huyết , nỗ lực tạo ra một môi trường tốt tạo điều kiện thuận lợi nhất để đứa trẻ trưởng thành đúng mức là điều cần thiết, vì chúng ta chẳng làm được gì để yếu tố di truyền trở nên tốt hơn được. Thế nhưng, trên thực tế làm thế nào để đặt trẻ vào môi trường đào tạo tốt nhất còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị và xã hội. Tất cả những yếu tố này được thể hiện trong chương trình đào tạo.
2.             Tình hình thực tế ở Việt Nam

a)  Chương trình học: Chúng tôi xin lạm bàn một tí về chương trình giáo dục cho trẻ em cấp I ở Việt Nam. Nhìn vào thời khóa biểu một số trường Tiểu học tiêu chuẩn cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh chúng tôi thấy rằng chương trình học dường như “quá tải” đối với các em. Mỗi ngày, mỗi ngày qua, các em phải nhồi nhét một lượng thông tin quá nhiều, làm sao các em có thể “tiêu hóa” hết được, chưa “bội thực” đã là may! Do vậy, thông tin cung cấp thì nhiều, song lượng kiến thức các em tích lũy hẳn không được là bao!

Chương trình nặng nề như thế, một số phụ huynh lại ái ngại cho sức khỏe của con em mình, nhất là một số em có thể lực không được khỏe lắm. Nhìn chiếc cặp nằng oằn trên lưng các em, thế là lo. Về phần các em, học ở trường nhiều, bài tập về nhà không ít, thế là không có thời gian để chơi! Với các em ở lứa tuổi tiểu học, chơi – nói chung hoạt động tay chân –  là hoạt động chính của các em. Thế mà các em không còn thời gian để chơi, ở nhà cũng như ở trường.

 Một chương trình học như thế vô tình làm mất tinh thần ham học ở tuổi trẻ. Các em học chỉ vì để được thầy cô giáo, ba mẹ khen, bạn bè trọng nể…chứ không phải học với động cơ thích học. Nếu làm một cuộc điều tra, khảo sát, thống kê thực tế, chúng tôi tin rằng tỷ lệ các em đến trường với động cơ thích học, ngay cả khi ngồi vào lớp học hoặc ở góc học tập tại nhà, thì hiếm lắm! Các em sẽ ít tìm thấy, thậm chí không hứng thú trong học tập thì làm sao các em học hiệu quả được chứ!

b)  Sách giáo khoa của NXB giáo dục: về nội dung, sách giáo khoa hiện hành khá phong phú, tuy nhiên lượng thông tin quá nhiều, những tưởng hơn cả nhu cầu! Một số khái niệm trừu tượng lại đưa vào chương trình học ở các lớp nhỏ thì có lẽ không hợp lý lắm. Thực ra, ở lứa tuổi các em từ lớp ba trở xuống, theo như nhà tâm lý học Jean Piaget nghiên cứu, chỉ có khả năng nắm bắt các khái niệm cụ thể, còn khả năng tư duy trừu tượng phát triển dần dần cùng với thời gian. Do đó, thật khó cho cả thầy cô lẫn học sinh để có thể dạy và học các khái niệm quá trừu tượng, khó hiểu so với lứa tuổi các em, nhất là ở các môn có tính cách giáo dục đạo đức xã hội, đạo đức công dân…tần số xuất hiện của các từ trừu tượng nhiều hơn. Về hình thức, sách giáo khoa cấp tiểu học có quá ít hình ảnh minh họa, điều này ảnh hưởng không ít đến việc gây hứng thú, chú ý hay thói quen đọc sách ở các em. Chúng ta thử hỏi tại sao các em thích đọc truyện tranh hơn là đọc sách giáo khoa? Hình ảnh minh họa sẽ thu hút các em nhiều lần hơn và kết quả học tập cũng có hiệu quả hơn nếu những điều các em học được cụ thể hóa dưới một hình thức nào đó.

c)  Đồ dùng dạy học: nhìn chung, đồ dùng dạy học còn quá thiếu thốn ở các trường phổ thông. Các em, nhất là học sinh cấp Tiểu học, sẽ hiểu nhanh, nhớ lâu khi thầy cô giáo sử dụng đồ dùng dạy học để minh họa vấn đề. Đây là phương pháp ‘học qua thực nghiệm’ của John Dewey. Một khi sử dụng đồ dùng dạy học, học sinh sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức với bạn bè và thầy cô giáo qua tiếp xúc thực tế. Điều này tập cho các em tính tự tin trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này. Nếu ở các lớp dưới, các em không được hướng dẫn tìm vị trí một nước nào đó chẳng hạn, trên bản đồ thế giới – bản đồ phẳng cũng như quả địa cầu – thì nhiều năm sau các em vẫn phải lúng túng khi cần xác định một vị trí nào đó trên bản đồ!

Tuy nhiên, những hạn chế trên tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chủ quan cũng như khách quan trong mối liên hệ trùng trùng duyên khởi. Có thể nói phần lớn tùy  vào điều kiện kinh tế. Kể ra, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục quả là không nhiều, làm sao chúng ta có được sách giáo khoa có nhiều hình ảnh minh họa? làm sao chúng ta có đầy đủ đồ dùng dạy học trang bị cho các trường, nhất là các trường ở vùng sâu vùng xa?

d)  Giáo dục đạo đức : giáo dục đạo đức vẫn được coi trọng trong chương trình giáo dục cấp Tiểu học qua một số môn đạo đức, giáo dục công dân… Có điều những bài đạo đức ấy dường như quá xa vời với tầm hiểu biết so với tuổi đời của các em. Do đó, các em khó có thể áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày.  Các em tiếp thu và tiến bộ về đạo đức chủ yếu qua giáo dục gia đình và qua những gì thầy cô giáo trực tiếp thể hiện (thân giáo). Thầy cô giáo tâm huyết luôn ý thức gởi gắm nội dung giáo dục đạo đức qua các bài giảng. Tuy nhiên, chương trình quá nặng, thế là không muốn “cháy giáo án” mà đành bỏ qua những cơ hội nhắc nhở hoặc cần lồng giáo dục đạo đức vào trong bài giảng ấy. 

Một số gia đình có tôn giáo muốn các tổ chức tôn giáo bù vào chỗ hổng này để hoàn thiện giáo dục cho con em mình. Thiên chúa giáo làm công tác này khá tốt. Riêng về Đạo Phật chúng ta, giáo dục đạo đức cho lớp trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Dù rằng chúng ta có tổ chức nam nữ cư sĩ Phật tử, những khóa tu mùa hè…, nhưng nhìn chung hoạt động chỉ mang tính phong trào hình thức và tự phát một cách không đồng bộ và yếu ớt. Tổ chức giáo dục cho các em oanh vũ chưa được vẫn chưa được đi vào nề nếp và chưa có định hướng giáo dục rõ ràng.

Đây là nỗi lo chung cho những người con Phật có tâm huyết.

(Tham khảo thêm bài “Giáo dục đạo đức” trên blog này như là một gợi ý để tìm ra giải pháp hợp lý nhất cho vấn đề “giáo dục đạo đức” con em mình)