Wednesday, August 27, 2014

Nương tựa trong hiện tại

(Hằng Như dịch từ “A Refuge Into Being” của Martine Batchelor)

Vấn đề được đặt ra là, khi hành thiền, có nhất thiết phải chú tâm vào một đề mục đặc biệt nào không?Điều  này không phải nhất thiết như vậy, nhưng làm được như vậy thường xuyên thì rất hữu ích.Khi chúng ta thực hành thiền trên một đề mục đặc biệt nào đó, như hơi thở chẳng hạn, đề mục ấy sẽ giúp chúng ta phát triển sự tập trung, sự tập trung sẽ hỗ trợ chúng ta tăng trưởng sự an tịnh và thông thoáng trong tâm. Nhưng chúng ta phải cẩn thận, không nên tập trung trong phạm vi hạn hẹp chỉ trên đối tượng đó mà thôi, vì như thế sẽ làm cho sự thực tập của mình bị hạn chế đi. Chúng ta nên chú tâm vào đề mục đã chọn là chính, nhưng cần phải mở rộng phạm vi chú ý. Ví dụ, khi chúng ta theo dõi hơi thở, chúng ta cũng cho phép mình ý thức những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh mình. Hãy ý thức về những âm thanh, ý tưởng, cảm thọ và tình cảm mà không thiên trọng, không chấp giữ hay phản đối bất kỳ yếu tố nào trong số đó.

 Khi chúng ta thiền định mà không tập trung trên một đối tượng cụ thể nào, nghĩa là chúng ta đang chánh niệm trên tất cả trong giây phút hiện tại, mà tâm không bám chặt vào đối tượng  nào. Đơn giản là chúng ta ghi nhận tất cả những gì khởi lên, ở thế giới bên ngoài ta cũng như bên trong tâm mình, với sự ý thức không phân biệt. Thực tập về sự  mở rộng phạm vi chánh niệm có thể giúp tâm chúng ta trở nên bình an và thông thoáng hơn. Thế nhưng, chúng ta cần cẩn thận, nếu không, sẽ rơi vào trạng thái mơ mơ màng màng. Chúng ta vẫn phải tỉnh táo, an tịnh và có mặt trong hiện tại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tận tâm, tận  lực và có niềm tin vào sự thực hành và niềm tin vào bản chất giác ngộ trong giây phút hiện tại.

Chúng ta cũng cẩn thận để không đồng hóa thiền định với sự tập trung. Điều này cần thiết để phát triển khả năng quán sát của mình nữa. Nhìn thấy rõ ràng bản chất vô thường và duyên sinh của thực tại là đặc tính của tâm. Bất luận là chúng ta có chú tâm vào một đối tượng cụ thể hay không, để phát triển kỹ năng quán sát, chúng ta cần nhìn sâu quán kỹ bản chất của từng hiện tượng trong lãnh vực chú tâm của mình. Bất luận đó là hơi thở, hay âm thanh hay một ý tưởng, mỗi một hiện tượng cần được thấy là đang tồn tại trong duyên sinh và thường xuyên biến đổi. Điều cần thiết là chúng ta phát triển hai yếu tố là tập trung và quán sát, vốn luôn đi đôi với nhau này, trong sự hài hòa. Sự tập trung sẽ đưa đến ổn định, an ổn và thông thoáng; quán sát sẽ đưa đến nhạy bén, năng động, sáng suốt và rõ ràng. Kết hợp hai yếu tố này lại, chúng có thể giúp chúng ta chánh niệm trong sáng tạo, một khả năng giúp tâm có khả năng quán chiếu ở mọi phương diện trong đời sống hằng ngày. Bằng cách này, thiền định trở nên vừa là nơi nương tựa vừa là phương pháp hành trì: một nơi nương tựa trong sự hiện hữu và một phương pháp hành trì trong khi làm việc.

Trong truyền thống thiền Hàn quốc, có một phương pháp thiền định là thường xuyên dùng câu hỏi “Cái gì đây?” để phát triển đồng thời cả sự tập trung và kỹ năng quán sát vấn đề. Khi chúng ta thực hành thiền bằng cách ngồi hay đi, nếu thường xuyên hỏi câu “Cái gì đây?” lặp đi lặp lại, chúng ta sẽ phát triển khả năng tập trung bởi vì nó đưa chúng ta đến trạng thái chánh niệm tối đa trong hiện tại.  Ngay khi chúng ta ý thức được mình đang bị các sự kiện trong quá khứ quấy nhiễu, các việc hiện tại khiến ta lo lắng,  hay những ước mơ ở tương lai làm động lòng, ta hãy hỏi “Cái gì đây?” Bằng cách này,  sức mạnh của việc đặt câu hỏi có thể làm vô hiệu hóa sự quấy nhiễu ấy.

Chúng ta không tụng suông câu hỏi này như một thần chú, nhưng cần lắng tâm khi hỏi. Đây không phải là một sự cố gắng thuộc về phương diện phân tích hoặc tri thức. (Chúng ta cần phải cẩn thận để không đặt câu hỏi chỉ với cái đầu mà là với toàn thân; có khi có những vấn đề cần hỏi liên quan đến cái bụng cũng có). Chúng ta không cần hỏi một vấn đề gì cụ thể và cũng không cần câu trả lời cụ thể. Chúng ta chỉ cần hỏi một cách có quán chiếu, có trải nghiệm, rộng mở với tất cả những gì hiện hữu trong hiện tại, với phương diện nào thấy có vấn đề và chưa rõ ràng của cuộc sống và đặt mình vào trong đó. Chúng ta hỏi bởi vì chúng ta thật sự không biết về điều ấy.

Ví như thiền định hơi thở, chính hơi thở là đề mục chính để chú tâm, nhưng vấn đề là đòi hỏi người hành thiền chánh niệm ở phạm vi rộng hơn. Loại thiền định như vậy giúp chúng ta tập trung và vững chãi, đồng thời tâm cũng thoáng rộng và cởi mở hơn. Cách này giúp chúng ta trở nên linh động và sáng tạo bằng cách buông xả sự chấp giữ và ngưng đọng. Tâm chúng ta sẽ rộng mở trí tuệ và chan chứa từ bi với chính bản thân mình và vạn vật xung quanh trong mọi phương diện của cuộc sống một cách không ngờ.

Martine Batchelor, tác giả cuốn “Thiền trong cuộc sống”, từng là một tu sĩ hành thiền  ở Hàn Quốc trong 10 năm. Cô dạy thiền trên khắp thế giới.