Tác giả: Thubten Chodron
Dịch tiếng Việt: Liên Trí
Lui về những năm 1970, tôi nhớ đức Lama Zopa Rinpoche, với tâm đầy từ ái, dạy đi dạy lại tám ngọn gió thế gian. Tám điều con người thế gian quan tâm đó được trình bày ở đây theo từng đôi có tính tương quan nhau:
Cảm thấy vui khi có được tiền bạc của cải vật chất và ngược lại, buồn chán, thất vọng và giận dữ khi mất chúng hay không có chúng trong tay.- Cảm thấy vui khi người ta khen và tán thành mình, ví dụ khi ai đó nói “bạn giỏi thật, tuyệt vời thật” và cảm thấy lòng trĩu nặng buồn bã và chán nản khi có ai đó phê bình và không ủng hộ chúng ta, dù họ nói lên điều đó là sự thật!
- Cảm thấy vui khi có được uy tín, thanh danh và tạo được hình ảnh đẹp trong mắt người khác và ngược lại, sẽ chán nản buồn rầu khi chúng nghe có điều tiếng xấu về mình.
- Cảm thấy vui khi hưởng thụ lạc thú của thân như được ngắm một cảnh đẹp vừa mắt, nghe âm thanh êm dịu vừa tai, nghe được mùi ưa thích, nếm vị ngon và xúc chạm êm ái và ngược lại, cảm thấy không như ý, bực bội và chán chường với những gì không vừa ý mà mình gặp phải.
Chính tám ngọn gió thế gian này làm cho chúng ta bận rộn cả một đời. Hầu hết trong cuộc sống, ta cố gắng để đạt được bốn điều trước và tránh đi bốn điều kia.
Đức Lama Yeshe thường nói về sự vận hành của tâm thức con người, nó điên đảo thế nào. Khi chúng ta vui, “tôi nhận được một món quà, tôi cảm thấy vui quá!”; khi chúng ta buồn, “Tôi mất đi một món quà quý giá, tôi cảm thấy khổ đau vô cùng.” Có người đến nói với tôi, “bạn tuyệt vời quá, lòng tôi phơi phới.” Khi có người bảo “bạn mắc sai lầm rồi, lòng tôi chùng xuống nặng trĩu.” Dòng tâm thức cứ bồng bềnh lên xuống phụ thuộc vào con người và đối tượng bên ngoài và như thế, chúng ta quên mất cái nguồn thật sự đem lại hạnh phúc và khổ đau cho mình nằm ở đâu.
Chúng ta thử nhìn lại những biểu hiện trên bề mặt cuộc sống, cứ cho rằng tiền bạc và của cải vật chất, lời khen và tán thành, danh thơm và thỏa mãn các giác quan là hạnh phúc thật sự. Trong xô bồ hỗn độn, chúng ta tưởng rằng những thứ này sẽ đem lại cho mình cuộc sống an lạc lâu dài. Văn hóa tiêu thụ tạo cho chúng ta có ảo giác như thế nếu mình không có suy nghĩ thấu đáo. Thế nhưng, ở các nước giàu, con người sẽ thất vọng và nản lòng, bởi lẽ, họ cứ ngỡ rằng những thứ này sẽ đem đến cho họ một cuộc sống hạnh phúc thật sự, nhưng mà sự thật không phải thế. Ngược lại, chính những thứ này đem đến cho con người một chuỗi khổ đau như: sợ mất đi những gì đã có, ganh tỵ khi thấy người khác có nhiều hơn mình và cảm giác trống vắng ở trong tâm vì tâm lý bất an thường trực đe dọa.