Tác giả: Elmira Alieva
Dịch tiếng Việt: Hằng Như
Một vùng rộng lớn ở Trung Á, trải dài từ biển Caspi đến miền trung Trung Quốc, là một trong những góc khuất đầy huyền bí và mời gọi trên thế giới. Đó là một vùng lãnh thổ rộng lớn thường được biết với tên “Con đường tơ lụa”, một hệ thống giao thông thương mại nối liền giữa Đông và Tây đã thu hút giới thương nhân đem lại nhiều lợi ích cho vùng này. Con đường tơ lụa ảnh hưởng đến lịch sử thế giới và tạo nên nhiều di sản văn hóa. Hiện đang có cuộc trưng bày tại viện bảo tàng Hermitage một bộ sưu tập lớn có tên gọi “Những hang động vạn Phật: các đội viễn chinh Nga trên con đường tơ lụa.”
Viện bảo tàng Hermitage dành nhiều năm chuẩn bị cho cuộc triển lãm cùng với khoa di cảo Đông phương của viện khoa học Nga. Cuộc triển lãm này bao gồm 330 di vật do người Nga tìm thấy ở East Turkistan trong suốt các cuộc viễn chinh từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.
Cô Deshpande nói thêm, “East Turkistan là tên mà những nhà thám hiểm người Nga dùng để gọi huyện Duy Ngô Nhĩ (Uygur) vùng Tân Cương của Trung Quốc ngày nay. Vào thế kỷ 19, vùng này, cùng với tất cả sa mạc, ốc đảo và nền văn hóa lạ chưa được biết đến đã lôi cuốn những người viễn chinh Châu Âu.”
Cuộc triển lãm tạo điều kiện cho du khách tham quan các báu vật nghệ thuật trong suốt một ngàn năm lịch sử từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ 14, bao gồm nghệ thuật điêu khắc, các mảnh tranh tường, tranh khắc gỗ, các tư liệu của những đoàn viễn chinh, tranh ảnh, bản đồ cũng như các di cảo quý. Mặc dù bộ sưu tập quý giá của con đường tơ lụa đã được hình thành ở viện bảo tàng Hermitage từ những năm 1930, nhiều di vật được đưa ra trưng bày lần đầu tiên và một số được phục chế toàn bộ.
Tượng Đức Phật hai đầu từ thế kỷ thứ 14
Cô ấy còn cho biết, “nhiều di vật độc đáo, như những di vật ở động Đôn Hoàng (Dunhuang ) và Turfan (Thổ Lỗ phiên), có tượng Đức Phật hai đầu nổi tiếng, bản di cảo cổ khắc trên gỗ 13 loại chữ viết và 14 ngôn ngữ, tranh tường, màu nước và có dấu vết của bản sao các tranh cổ được thể hiện qua các nhà họa sĩ viễn chinh.” Trong số các cổ vật đặc biệt được trưng bày, di cảo Tangut từ thành phố lụi tàn của Khara-Khoto, các di cảo từ thư viện khổng lồ của tu viện Đôn Hoàng được khám phá vào đầu thế kỷ 20 là những điển hình.
Đầu tượng Bồ tát được tìm thấy ở động Đôn Hoàng, Trung Quốc và có niên đại vào thế kỷ thứ 8.
Cô Deshpande nói, cuộc triển lãm kết hợp những nét nghệ thuật Trung Quốc như gam màu sáng và sử dụng vị trí hình tượng thực trong không gian cùng với văn hóa truyền thống Trung Á. “Nền tảng chung cho tất cả các di vật là Phật giáo. Người dân vùng Trung Á chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong nhiều thế kỷ và những ảnh hưởng này thể hiện rất rõ qua văn hóa. Một điều rõ ràng là người ở Trung Á có nhiều nguồn gốc khác nhau, họ nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau và có những nét văn hoá đặc trưng khác nhau. Thế nhưng tất cả họ đều liên kết với nhau trong một cái chung rộng lớn và đa dạng đó là văn hóa Phật giáo.”
Bộ sưu tập“Những hang động vạn Phật: các cuộc viễn chinh Nga trên con đường tơ lụa” được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia Hermitage đến ngày 5 tháng 4 năm 2009.