Wednesday, March 11, 2009

Lễ hội Holi


Thời điểm và ý nghĩa

Holi là một trong những lễ hội chính ở Ấn Độ. Lễ này nhằm vào ngày trăng tròn tháng Phalgun, thường nhằm vào tháng 3 dương lịch. Ở các vùng miền khác nhau, người ta tổ chức lễ Holi cũng mang tính đặc trưng theo truyền thống văn hóa, thế nhưng lễ hội này đều mang một sắc thái chung là lễ hội của sắc màu và nước chan hòa trong sự vui nhộn để đón chào mùa xuân tươi đẹp. Lễ hội này cũng có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người hãy khơi dậy thiện tâm của mình và đặt niềm tin rằng cái thiện bao giờ cũng chiến thắng hung ác. Khắp nơi trên đất nước Ấn Độ, cũng như ở các nước khác có người Ấn sinh sống, tinh thần lễ hội Holi không khác: quẹt bột màu đủ loại lên mặt, tạt nước nhau và chúc mừng trong niềm hoan hỷ qua tiếng reo hò, kèn trống và các điệu nhảy truyền thống.
Chuẩn bị


Trước khi diễn ra lễ hội vài ngày, chợ búa tấp nập hơn. Một mặt hàng được bày bán nhiều nhất mà ngày thường không thấy là bột màu vì đây là yếu tố chính tạo nên nét đặc trưng của lễ hội này. Một món hàng không thể thiếu trong các gian hàng khi lễ Holi đến gần là bong bóng đựng nước và súng xịt nước gọi là pichkaris. Để thu hút thị hiếu, pichkaris được bày bán với đủ kiểu dáng, đa dạng màu sắc và kích cỡ. Nhiều trẻ em có hẳn một bộ sưu tập pickaris qua các năm như là một sở thích. Nhiều món ăn đặc biệt như gujiya (bánh nướng ngọt), mathri (bánh nướng mặn), papri (món snack làm bằng bột mì chiên) và papads (một loại bánh giống bánh tráng, có nhiều gia vị như masala và tiêu, nướng) cũng được chuẩn bị rất công phu từ một hai ngày trước.


Mùa của màu sắc

Lễ hội này đánh dấu sự chuyển mình của đất trời và vạn vật khi mùa Đông đi, mùa Xuân đến. Mới ngày trước, trời còn lành lạnh, cây rụng lá nhiều phủ kín các lối đi. Đến ngày Holi, vạn vật thay áo mới thật nhanh. Cây đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở khoe sắc thắm hương nồng. Ở các vùng quê, đâu đâu ta cũng nhìn thấy những cánh đồng mustard vàng rực trải dài tít tắp hứa hẹn một mùa bội thu. Hương hoa phủ kín không gian trong sắc màu rực rỡ của nhiều loài hoa và cây cỏ. Người người vui tươi trong tiết Xuân sang.

Truyền thuyết

Các lễ hội truyền thống của Ấn Độ đều gắn liền với một hay nhiều truyền thuyết và lễ hội Holi cũng thế. Một huyền thoại phổ biến nhất được nhắc đến như là lịch sử của ngày lễ này được kể như sau:

Thời xưa, có một ông vua tên là Hiranyakashyap. Ông được thần Brahma ban cho một ân huệ là bất cứ ở đâu, trong nàh hay ngoài trời, trên mặt đất hay trên không trung, ông không bao giờ bị giết. Ông chinh phục được nhiều vương quốc khác. Từ đó, ông trở nên độc ác và ngạo mạn. Ông muốn tất cả thần dân trong vương quốc chỉ cung kính và lễ bái một mình ông thôi. Ai không làm theo ý ông muốn sẽ bị trừng trị đích đáng. Thế nhưng thật oái oăm, người làm ông thất vọng nhất lại là con trai ông tên là Prahlad. Prahlad cung kính lễ lạy thần Vishnu mà không lễ lạy nể phục cha mình.

Hiranyakashyap vô cùng từng tức giận con trai. Ông nhiều lần cố giết nó cho hả giận, nhưng mỗi lần như thế ông đều thất bại. Người ta tin rằng thần Vishnu đã che chở cho Prahlad khỏi chết. Lần cuối cùng, cùng với âm mưu của người em gái xảo quyệt nhà vua - nàng Holika - vua Hiaranyakashyap cùng em ráp tâm cách giết hoàng tử Prahlad. Nàng Hilika có một khả năng đặc biệt là vào lửa không bị cháy. Thế là vua ra lệnh cho nàng mang hoàng tử đi vào ngọn lửa đỏ đang hừng hực cháy. Tuy nhiên, nàng không ngờ rằng, đặc ân ấy chỉ đến với nàng khi đi vào lửa một mình thôi. Kết quả là nàng đã trả giá. Trong khi hoàng tử Prahlada vẫn vô sự giữa ngọn lửa hừng hực cháy nhờ vào lòng tin mãnh liệt và chân chánh của chàng, trong khi Holika bị thiêu cháy cho đến chết.


Như vậy, từ ‘Holi’ trong lễ hội này bắt nguồn từ chữ Holikā, tên người phụ nữ hung ác đã oan mạng vì tâm địa xấu xa của mình. Lễ hội này đánh dấu sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác như là một sự nhắc nhở cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Lễ hội này còn tôn vinh lòng thành tín. Theo như huyền thoại miêu tả, bất kỳ ai dù mạnh tới đâu cũng không thể hãm hại được người có lòng mộ đạo chân thành. Và, ai dám hành hạ người mộ đạo sẽ bị trừng phạt đích đáng và cái giá phải trả là chết thảm trong ngọn lửa.

Theo truyền thuyết này, người Ấn tổ chức lễ Holi trong hai ngày. Trước ngày lễ chính, người ta tổ chức lễ Holika Danhan, tức là Tiểu Holi (nhằm vào ngày 14 âm lịch). Đêm trước ngày lễ chính, người ta đốt những đống lửa rác khổng lồ với mong ước tống khứ đi những dơ bẩn, rác rưởi và xấu ác trong mỗi con người mình. Nhiều nơi thuộc khu vực Bắc Ấn, người ta làm hình nộm của Holika rồi sau đó đem đốt trong ngọn lửa lớn với ý nghĩa tương tự. Họ nhảy múa tưng từng đúng nghĩa là ngày hội. Khi đốt hình nộm xong, họ gom tro tàn, coi đây là linh thiêng và đem quẹt lên trên trán để mong mình được bảo hộ không bị ma quỷ quấy phá.


Quẹt màu tung nước




Phần bôi quẹt màu cho nhau và tung nước vào nhau là phần chính của lễ hội Holi. Nhiều người ở quê xa xôi, chạy xe hàng trăm cây số đến nhà bà con, chỉ để quẹt màu và tung nước nhau, chúc mừng nhau rồi trở về lại. Tất cả cửa tiệm hàng quán lớn nhỏ đều đóng cửa và mọi người đều dành thời gian cho gia đình và người thân. Ngay cả những người chạy xe lôi (rishaw) cũng nghỉ chạy trong ngày lễ này. Tất cả nhảy múa, ca hát, quẹt màu, tung nước và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, rạng rỡ như mùa Xuân.



Lớn nhỏ, già trẻ gì cũng quẹt màu và chúc nhau trong lễ Holi. Theo truyền thống, trong ngày lễ Holi, người ta dùng các màu tự nhiên chiết từ các loại cây cỏ. Người ta tin rằng trong tiết giao mùa này con người dễ bị bệnh nên các loại cây cỏ có tác dụng trị bệnh này sẽ giúp chúng ta tăng sức đề kháng. Thế nhưng, ngày nay, số người dùng bột cây lá tự nhiên ngày càng ít vì cần phải kỳ công chuẩn bị và các loại cây lá có tác dụng chữa bệnh ngày càng hiếm dần. Thế là bột màu hóa chất lấn át sản phẩm dân dã vốn vẫn được ưa chuộng trong dân chúng và ngày nay, người ta hầu như chỉ dùng bột màu bán sẵn ở các quầy hàng.

Có lẽ, thú vui nhất của trẻ nhỏ trong ngày lễ này là dùng súng xịt nước bắn nước màu vào nhau và bắn cả vào người đi đường. Trẻ em thì tha hồ mà bơm nước, xịt nước hay quăng bong bóng nước vào người qua lại. Thế là ai ra đường ngày này đều được "chúc mừng" đến thấm ướt và dơ dáy như thế. Thanh thiếu niên thì pha màu vào các xô nước rồi tạt vào nhau. Chúng chơi quá đà như thế với người thân quen, còn đối với người lạ, chúng cũng chỉ "nhẹ nhàng" với những bóng bóng nước màu mà thôi. Đây là một nét đặc biệt không thể thiếu của lễ hội này.

Người ngoại quốc cảm thấy khó chịu khi đi ra ngoài trong ngày lễ này với cảm giác dơ ướt vì trẻ con xịt nước màu và ném bong bóng nước, thế nhưng người bản xứ cảm thấy vui mừng vì đây là một nét văn hóa của họ với niềm tin họ sẽ được may mắn và toại nguyện. Tung nước quẹt màu thường kết thúc khoảng 2 giờ chiều, khi mọi người đã thấm mệt. Thời gian còn lại trong ngày, họ ăn uống, nghe nhạc, vui chơi tùy thích.

Lễ hội Holi,đối với người Ấn, là một lễ hội vui nhộn, đầy âm thanh và màu sắc được choàng trong tấm áo mới mùa Xuân của đất trời. Thế nhưng, hầu hết người nước ngoài thấy đây là lễ hội kỳ quặc và dơ dáy, bụi bặm. Người không quen được với văn hóa lễ hội này chỉ còn biết nhốt kỹ mình trong phòng ít nhất là sau 2 giờ chiều ngày trăng tròn tháng Phalgun.

Một số hình ảnh trong lễ hội Holi tại ký túc xá CIE:
(Một số sinh viên không có điều kiện về với gia đình trong ngày lễ Holi thì ở lại và cùng chơi với nhau, cũng quẹt màu, tung nước, vui đùa và dành nhau những lời chúc tốt đẹp nhất)