Wednesday, March 4, 2009

Để sống hạnh phúc hơn (1)

Hãy nhận ra rằng hạnh phúc lâu dài không phụ thuộc vào sự thành công theo nghĩa thông thường. Nói đến một con người thành công, hầu hết chúng ta ai cũng nghĩ đến một con người có địa vị cao trong xã hội, giàu sang và có đầy đủ những tiện nghi vật chất đời thường. Sở dĩ ai cũng phấn đấu để có được cuộc sống thành công ở đời, theo khái niệm thành công riêng của mỗi người vì họ ngỡ rằng, khi có được thành công, họ sẽ có hạnh phúc. Nếu cuộc đời này ổn định, thành công với những gì vừa kể ở trên, đủ để đem đến hạnh phúc cho con người. Thế nhưng, vì bản chất không ổn định của cuộc sống, một điều không phải ai cũng nhận ra là thành công không đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc lâu bền.

Trong chúng ta, ai cũng hiểu rằng điều con người tha thiết có được là hạnh phúc chứ không phải thành công. Thành công theo nghĩa thông thường, chỉ để tăng cái tôi giữa mọi người, là cách để khẳng định mình với cộng đồng mà thôi. Theo tôi, cái thành công ấy chỉ có giá trị bề ngoài, để cho thiên hạ nhìn vào mà ‘ngỡ’ rằng mình đang hạnh phúc hay ít ra, mình muốn thể hiện ‘có vẻ’ như mình đang có cuộc sống mãn nguyện. Thế nhưng, đằng sau cái mãn nguyện bề ngoài, giả tạm và có tính khẳng định mình với mọi người ấy, biết bao là áp lực. Có những lúc trống rỗng và vô vị. Tôi từng nghe những người thành đạt nói rằng, ngay trên đỉnh cao của thành công và quyền lực, họ vẫn không có được hạnh phúc lâu bền vì nhiều lý do, trong đó, nổi bật nhất là nỗi lo sợ rằng họ không trụ vững trên đỉnh cao thành công. Rõ ràng điều làm họ không có được hạnh phúc trọn vẹn, hay hạnh phúc luôn bị đe dọa rình rập vì tính không ổn định của cuộc sống.

Cuộc sống vốn sinh động, luôn đổi thay dường như không theo một quy luật hay chu kỳ nào cụ thể nào cả. Chúng ta hầu như ai cũng biết đặc tính này của cuộc sống nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đơn giản chỉ vì chúng ta không muốn thấy cuộc sống diễn ra trái với ý muốn của mình. Chấp nhận thành công hiển nhiên là dễ dàng chứ chấp nhận thất bại thì khó lắm, khó đến mức những tưởng những chuyện như vậy chỉ có thể xảy ra đối với người khác chứ không thể là mình. Mình không thể thất bại, không thể bệnh đau, không thể gặp rủi ro, không thể và không thể… Chính thái độ không chấp nhận đó làm cho chúng ta kém hạnh phúc chứ không phải bản thân sự việc. Do đó, muốn có được hạnh phúc, ta học cách chấp nhận những thất bại, rủi ro, bất hạnh như bao con người xung quanh ta vẫn thường gặp phải. Trên cuộc đời này, cơ may và vận rủi chia đều cho tất cả mọi người. Hơn thua nhau là cách chúng ta đón nhận và phản ứng thế nào với những may rủi ấy mà thôi. May rủi bằng cách này hay cách khác, đều có tác dụng nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành hơn nếu mình biết cách đón nhận chúng đúng cách. Cùng trong một hoàn cảnh, có người vươn lên, lấy hoàn cảnh làm bệ phóng để đi tiếp mà không chấp nhận số phận, có kẻ gục ngã không gượng dậy nổi.

Như vậy, muốn có được hạnh phúc, chúng ta cần chấp nhận sự đổi thay như là một đặc tính của cuộc đời và tự điều chỉnh mình để thích nghi với hoàn cảnh đang vận hành và đổi thay không một phút giây ngừng nghỉ. Muốn làm được việc này, ta cần có khả năng làm chủ cảm xúc để không chao đảo trước những biến động của cuộc sống, nhất là những thay đổi mà mình không hề mong muốn. Có làm chủ được cảm xúc và giữ tâm thăng bằng, khách quan với chính mình, chúng ta mới có khả năng thích ứng nhanh với môi trường bên ngoài. Mức độ thành công trong quá trình thích nghi với cuộc sống xã hội quy định mức độ hạnh phúc ở mỗi con người.
(còn nữa)