Sunday, March 29, 2009

Nếu cuộc sống là nước

Hôm nay đọc, thấy ý này hay hay, dịch lưu ở đây để 'gặm nhấm':
Nếu cuộc sống là nước, nghề nghiệp, tiền bạc và địa vị mà chúng ta nắm giữ trong xã hội là những chiếc tách. Những thứ này chỉ là công cụ để lưu giữ và duy trì cuộc sống, nhưng bản chất cuộc sống vẫn không thay đổi.
Nếu chúng ta quá chú tâm vào chiếc tách, chúng ta sẽ không còn thời gian để thưởng thức hương vị của nước bên trong.

Thursday, March 26, 2009

Cây sung già


Gần nơi tôi ở có một cổ thụ thuộc dòng họ nhà sung, tôi đặt tên cho nó là ‘cây sung già’. Cây sung già, già lắm. Chùm rễ phụ tua tủa trên thân như chòm râu ông già như là dấu hiệu chứng tỏ cây sung già đứng đó từ lâu lắm. Dù già đến thế, sung vẫn bền bỉ với nắng hè hầm hập, với bão bụi mù trời và với lạnh giá mùa đông. Tôi sống ở đây gần 10 năm rồi mà không thấy sung cao thêm hay thân cây to ra là bao, có lẽ bao sinh lực của cây sung già được thể hiện mà bao nhiều xung quanh dễ cảm nhận nhất là vào dịp cây thay lá mới mỗi độ xuân về. Tôi cũng thích quan sát cây trong khoảng thời gian này nhất.


Mới hai ngày trước, lá tự nhiên chuyển sang úa vàng. Toàn thân cây một màu xam xám, vàng vọt lổ chổ, như ông già bị đồi mồi ăn. Thế rồi qua ngày hôm sau, cây trút lá ồ ạt. Chỉ sau một ngày, toàn thân cây trơ cành xương xẩu. Sang ngày sau nữa, chồi non đâm ra tua tủa và chỉ cần một ngày thôi, toàn thân cây thay áo mới. Chồi non bụ bẫm, lá non còn màu đỏ nõn rung rinh mơn man trong gió mai, trông thanh bình lạ. Tôi cứ lấy làm ngạc nhiên sao chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi có bốn ngày, cây lấy đâu ra sinh lực dồi dào để thay cả một tấm áo mới như thế!
Bài học này từ cây sung già quen thuộc này, tôi học mãi không hết…


















Saturday, March 21, 2009

20090321

Hôm nay, một ngày tâm trí u ám, đầu óc mụ mị, ngu si chưa từng thấy...

Monday, March 16, 2009

Làm chủ

Làm chủ cái gì cũng là khó, làm chủ bản thân lại muôn vạn lần khó hơn!

Sunday, March 15, 2009

Vui buồn tám ngọn gió thế gian

Tác giả: Thubten Chodron
Dịch tiếng Việt: Liên Trí


Lui về những năm 1970, tôi nhớ đức Lama Zopa Rinpoche, với tâm đầy từ ái, dạy đi dạy lại tám ngọn gió thế gian. Tám điều con người thế gian quan tâm đó được trình bày ở đây theo từng đôi có tính tương quan nhau:

  • Cảm thấy vui khi có được tiền bạc của cải vật chất và ngược lại, buồn chán, thất vọng và giận dữ khi mất chúng hay không có chúng trong tay.
  • Cảm thấy vui khi người ta khen và tán thành mình, ví dụ khi ai đó nói “bạn giỏi thật, tuyệt vời thật” và cảm thấy lòng trĩu nặng buồn bã và chán nản khi có ai đó phê bình và không ủng hộ chúng ta, dù họ nói lên điều đó là sự thật!
  • Cảm thấy vui khi có được uy tín, thanh danh và tạo được hình ảnh đẹp trong mắt người khác và ngược lại, sẽ chán nản buồn rầu khi chúng nghe có điều tiếng xấu về mình.
  • Cảm thấy vui khi hưởng thụ lạc thú của thân như được ngắm một cảnh đẹp vừa mắt, nghe âm thanh êm dịu vừa tai, nghe được mùi ưa thích, nếm vị ngon và xúc chạm êm ái và ngược lại, cảm thấy không như ý, bực bội và chán chường với những gì không vừa ý mà mình gặp phải.

Chính tám ngọn gió thế gian này làm cho chúng ta bận rộn cả một đời. Hầu hết trong cuộc sống, ta cố gắng để đạt được bốn điều trước và tránh đi bốn điều kia.

Đức Lama Yeshe thường nói về sự vận hành của tâm thức con người, nó điên đảo thế nào. Khi chúng ta vui, “tôi nhận được một món quà, tôi cảm thấy vui quá!”; khi chúng ta buồn, “Tôi mất đi một món quà quý giá, tôi cảm thấy khổ đau vô cùng.” Có người đến nói với tôi, “bạn tuyệt vời quá, lòng tôi phơi phới.” Khi có người bảo “bạn mắc sai lầm rồi, lòng tôi chùng xuống nặng trĩu.” Dòng tâm thức cứ bồng bềnh lên xuống phụ thuộc vào con người và đối tượng bên ngoài và như thế, chúng ta quên mất cái nguồn thật sự đem lại hạnh phúc và khổ đau cho mình nằm ở đâu.
Chúng ta thử nhìn lại những biểu hiện trên bề mặt cuộc sống, cứ cho rằng tiền bạc và của cải vật chất, lời khen và tán thành, danh thơm và thỏa mãn các giác quan là hạnh phúc thật sự. Trong xô bồ hỗn độn, chúng ta tưởng rằng những thứ này sẽ đem lại cho mình cuộc sống an lạc lâu dài. Văn hóa tiêu thụ tạo cho chúng ta có ảo giác như thế nếu mình không có suy nghĩ thấu đáo. Thế nhưng, ở các nước giàu, con người sẽ thất vọng và nản lòng, bởi lẽ, họ cứ ngỡ rằng những thứ này sẽ đem đến cho họ một cuộc sống hạnh phúc thật sự, nhưng mà sự thật không phải thế. Ngược lại, chính những thứ này đem đến cho con người một chuỗi khổ đau như: sợ mất đi những gì đã có, ganh tỵ khi thấy người khác có nhiều hơn mình và cảm giác trống vắng ở trong tâm vì tâm lý bất an thường trực đe dọa.

Wednesday, March 11, 2009

Lễ hội Holi


Thời điểm và ý nghĩa

Holi là một trong những lễ hội chính ở Ấn Độ. Lễ này nhằm vào ngày trăng tròn tháng Phalgun, thường nhằm vào tháng 3 dương lịch. Ở các vùng miền khác nhau, người ta tổ chức lễ Holi cũng mang tính đặc trưng theo truyền thống văn hóa, thế nhưng lễ hội này đều mang một sắc thái chung là lễ hội của sắc màu và nước chan hòa trong sự vui nhộn để đón chào mùa xuân tươi đẹp. Lễ hội này cũng có ý nghĩa nhắc nhở mỗi người hãy khơi dậy thiện tâm của mình và đặt niềm tin rằng cái thiện bao giờ cũng chiến thắng hung ác. Khắp nơi trên đất nước Ấn Độ, cũng như ở các nước khác có người Ấn sinh sống, tinh thần lễ hội Holi không khác: quẹt bột màu đủ loại lên mặt, tạt nước nhau và chúc mừng trong niềm hoan hỷ qua tiếng reo hò, kèn trống và các điệu nhảy truyền thống.
Chuẩn bị


Trước khi diễn ra lễ hội vài ngày, chợ búa tấp nập hơn. Một mặt hàng được bày bán nhiều nhất mà ngày thường không thấy là bột màu vì đây là yếu tố chính tạo nên nét đặc trưng của lễ hội này. Một món hàng không thể thiếu trong các gian hàng khi lễ Holi đến gần là bong bóng đựng nước và súng xịt nước gọi là pichkaris. Để thu hút thị hiếu, pichkaris được bày bán với đủ kiểu dáng, đa dạng màu sắc và kích cỡ. Nhiều trẻ em có hẳn một bộ sưu tập pickaris qua các năm như là một sở thích. Nhiều món ăn đặc biệt như gujiya (bánh nướng ngọt), mathri (bánh nướng mặn), papri (món snack làm bằng bột mì chiên) và papads (một loại bánh giống bánh tráng, có nhiều gia vị như masala và tiêu, nướng) cũng được chuẩn bị rất công phu từ một hai ngày trước.


Mùa của màu sắc

Lễ hội này đánh dấu sự chuyển mình của đất trời và vạn vật khi mùa Đông đi, mùa Xuân đến. Mới ngày trước, trời còn lành lạnh, cây rụng lá nhiều phủ kín các lối đi. Đến ngày Holi, vạn vật thay áo mới thật nhanh. Cây đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở khoe sắc thắm hương nồng. Ở các vùng quê, đâu đâu ta cũng nhìn thấy những cánh đồng mustard vàng rực trải dài tít tắp hứa hẹn một mùa bội thu. Hương hoa phủ kín không gian trong sắc màu rực rỡ của nhiều loài hoa và cây cỏ. Người người vui tươi trong tiết Xuân sang.

Truyền thuyết

Các lễ hội truyền thống của Ấn Độ đều gắn liền với một hay nhiều truyền thuyết và lễ hội Holi cũng thế. Một huyền thoại phổ biến nhất được nhắc đến như là lịch sử của ngày lễ này được kể như sau:

Thời xưa, có một ông vua tên là Hiranyakashyap. Ông được thần Brahma ban cho một ân huệ là bất cứ ở đâu, trong nàh hay ngoài trời, trên mặt đất hay trên không trung, ông không bao giờ bị giết. Ông chinh phục được nhiều vương quốc khác. Từ đó, ông trở nên độc ác và ngạo mạn. Ông muốn tất cả thần dân trong vương quốc chỉ cung kính và lễ bái một mình ông thôi. Ai không làm theo ý ông muốn sẽ bị trừng trị đích đáng. Thế nhưng thật oái oăm, người làm ông thất vọng nhất lại là con trai ông tên là Prahlad. Prahlad cung kính lễ lạy thần Vishnu mà không lễ lạy nể phục cha mình.

Hiranyakashyap vô cùng từng tức giận con trai. Ông nhiều lần cố giết nó cho hả giận, nhưng mỗi lần như thế ông đều thất bại. Người ta tin rằng thần Vishnu đã che chở cho Prahlad khỏi chết. Lần cuối cùng, cùng với âm mưu của người em gái xảo quyệt nhà vua - nàng Holika - vua Hiaranyakashyap cùng em ráp tâm cách giết hoàng tử Prahlad. Nàng Hilika có một khả năng đặc biệt là vào lửa không bị cháy. Thế là vua ra lệnh cho nàng mang hoàng tử đi vào ngọn lửa đỏ đang hừng hực cháy. Tuy nhiên, nàng không ngờ rằng, đặc ân ấy chỉ đến với nàng khi đi vào lửa một mình thôi. Kết quả là nàng đã trả giá. Trong khi hoàng tử Prahlada vẫn vô sự giữa ngọn lửa hừng hực cháy nhờ vào lòng tin mãnh liệt và chân chánh của chàng, trong khi Holika bị thiêu cháy cho đến chết.


Như vậy, từ ‘Holi’ trong lễ hội này bắt nguồn từ chữ Holikā, tên người phụ nữ hung ác đã oan mạng vì tâm địa xấu xa của mình. Lễ hội này đánh dấu sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác như là một sự nhắc nhở cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Lễ hội này còn tôn vinh lòng thành tín. Theo như huyền thoại miêu tả, bất kỳ ai dù mạnh tới đâu cũng không thể hãm hại được người có lòng mộ đạo chân thành. Và, ai dám hành hạ người mộ đạo sẽ bị trừng phạt đích đáng và cái giá phải trả là chết thảm trong ngọn lửa.

Theo truyền thuyết này, người Ấn tổ chức lễ Holi trong hai ngày. Trước ngày lễ chính, người ta tổ chức lễ Holika Danhan, tức là Tiểu Holi (nhằm vào ngày 14 âm lịch). Đêm trước ngày lễ chính, người ta đốt những đống lửa rác khổng lồ với mong ước tống khứ đi những dơ bẩn, rác rưởi và xấu ác trong mỗi con người mình. Nhiều nơi thuộc khu vực Bắc Ấn, người ta làm hình nộm của Holika rồi sau đó đem đốt trong ngọn lửa lớn với ý nghĩa tương tự. Họ nhảy múa tưng từng đúng nghĩa là ngày hội. Khi đốt hình nộm xong, họ gom tro tàn, coi đây là linh thiêng và đem quẹt lên trên trán để mong mình được bảo hộ không bị ma quỷ quấy phá.


Quẹt màu tung nước




Phần bôi quẹt màu cho nhau và tung nước vào nhau là phần chính của lễ hội Holi. Nhiều người ở quê xa xôi, chạy xe hàng trăm cây số đến nhà bà con, chỉ để quẹt màu và tung nước nhau, chúc mừng nhau rồi trở về lại. Tất cả cửa tiệm hàng quán lớn nhỏ đều đóng cửa và mọi người đều dành thời gian cho gia đình và người thân. Ngay cả những người chạy xe lôi (rishaw) cũng nghỉ chạy trong ngày lễ này. Tất cả nhảy múa, ca hát, quẹt màu, tung nước và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, rạng rỡ như mùa Xuân.



Lớn nhỏ, già trẻ gì cũng quẹt màu và chúc nhau trong lễ Holi. Theo truyền thống, trong ngày lễ Holi, người ta dùng các màu tự nhiên chiết từ các loại cây cỏ. Người ta tin rằng trong tiết giao mùa này con người dễ bị bệnh nên các loại cây cỏ có tác dụng trị bệnh này sẽ giúp chúng ta tăng sức đề kháng. Thế nhưng, ngày nay, số người dùng bột cây lá tự nhiên ngày càng ít vì cần phải kỳ công chuẩn bị và các loại cây lá có tác dụng chữa bệnh ngày càng hiếm dần. Thế là bột màu hóa chất lấn át sản phẩm dân dã vốn vẫn được ưa chuộng trong dân chúng và ngày nay, người ta hầu như chỉ dùng bột màu bán sẵn ở các quầy hàng.

Có lẽ, thú vui nhất của trẻ nhỏ trong ngày lễ này là dùng súng xịt nước bắn nước màu vào nhau và bắn cả vào người đi đường. Trẻ em thì tha hồ mà bơm nước, xịt nước hay quăng bong bóng nước vào người qua lại. Thế là ai ra đường ngày này đều được "chúc mừng" đến thấm ướt và dơ dáy như thế. Thanh thiếu niên thì pha màu vào các xô nước rồi tạt vào nhau. Chúng chơi quá đà như thế với người thân quen, còn đối với người lạ, chúng cũng chỉ "nhẹ nhàng" với những bóng bóng nước màu mà thôi. Đây là một nét đặc biệt không thể thiếu của lễ hội này.

Người ngoại quốc cảm thấy khó chịu khi đi ra ngoài trong ngày lễ này với cảm giác dơ ướt vì trẻ con xịt nước màu và ném bong bóng nước, thế nhưng người bản xứ cảm thấy vui mừng vì đây là một nét văn hóa của họ với niềm tin họ sẽ được may mắn và toại nguyện. Tung nước quẹt màu thường kết thúc khoảng 2 giờ chiều, khi mọi người đã thấm mệt. Thời gian còn lại trong ngày, họ ăn uống, nghe nhạc, vui chơi tùy thích.

Lễ hội Holi,đối với người Ấn, là một lễ hội vui nhộn, đầy âm thanh và màu sắc được choàng trong tấm áo mới mùa Xuân của đất trời. Thế nhưng, hầu hết người nước ngoài thấy đây là lễ hội kỳ quặc và dơ dáy, bụi bặm. Người không quen được với văn hóa lễ hội này chỉ còn biết nhốt kỹ mình trong phòng ít nhất là sau 2 giờ chiều ngày trăng tròn tháng Phalgun.

Một số hình ảnh trong lễ hội Holi tại ký túc xá CIE:
(Một số sinh viên không có điều kiện về với gia đình trong ngày lễ Holi thì ở lại và cùng chơi với nhau, cũng quẹt màu, tung nước, vui đùa và dành nhau những lời chúc tốt đẹp nhất)














Bận rộn!

Thường thì ngày thứ Hai viết vài dòng, có khi chỉ một từ cho mục "mỗi tuần một từ", vậy mà tuần này, gần hết ngày thứ Ba rồi mà vẫn chưa có 'từ đầu tuần'. Bận rộn quá. Thôi thì tuần này chiêm nghiệm từ "bận rộn" để may ra rút kinh nghiệm mà tổ chức, sắp xếp lại công việc và thời gian của mình cho hợp lý mới được...

Monday, March 9, 2009

Sử dụng internet an toàn (dành cho thiếu niên)


Các em thân mến,

Internet là một phương tiện để trao đổi, học hỏi, tìm kiếm dữ liệu học tập vốn trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với chúng ta. Thế nhưng, tất cả mọi thứ thông tin đều có thể tìm được trên phương tiện này. Chúng ta, người sử dụng internet, cần phải có cách tiếp cận và chọn lọc thông tin để tận dụng được các ứng dụng trên thế giới ảo này mà vẫn ‘bình an vô sự’. Sau đây là vài điều căn bản nhất mà các em nhỏ cần ghi nhớ khi sử dụng internet:

1. Không bao giờ cung cấp những thông tin về bản thân của mình như tên, địa chỉ, số điện thoại, tên trường học với người lạ mình gặp trên internet nếu không tư vấn ý kiến cha mẹ hay thầy cô giáo.

2. Không bao giờ cho người khác biết mật mã của mình dù đó là bạn thân.

3. Không bao giờ tiết lộ với người mình gặp trên internet rằng mình đang ở đâu và mình sẽ làm gì vào một thời điểm nhất định tại một địa điểm nào đó nếu không có ý kiến quyết định của cha mẹ hay thầy cô.

4. Không bao giờ gởi ảnh của mình cho người lạ trên internet.

5. Chọn tên trong địa chỉ điện thư khác với tên thật của mình khi sử dụng với người lạ trên internet.

6. Báo với cha mẹ hoặc thầy cô trước khi vào phòng ‘chat’.

7. Đừng bao giờ đồng ý gặp mặt trực tiếp người mà mình chỉ gặp và nói chuyện trên internet. Nếu có người muốn gặp trực tiếp mình, nên báo cho cha mẹ hoặc thầy cô biết.

8. Nếu nhận được hình ảnh gởi qua internet mà tạo cho mình cảm giác bất an, hãy báo cho gia đình hoặc nhà trường ngay lập tức.

9. Nếu người nào đó nói chuyện khêu gợi tình cảm hay dùng lời lẽ không lành mạnh trên internet thì lập tức không được nói chuyện với người ấy nữa. Hãy báo với gia đình hoặc nhà trường biết chuyện này.

10. Nếu vì vô ý mà mở nhằm (hoặccửa sổ này tự xuất hiện) hình ảnh khoả thân hay khiêu dâm, hãy đóng các cửa sổ ấy và báo cho người lớn ngay lập tức.

11. Chỉ nên vào các trang mạng phù hợp với lứa tuổi của mình với sự gợi ý và giám sát của cha mẹ và thầy cô.

12. Đừng bao giờ đọc hay trả lời điện thư của người lạ.

13. Hãy công khai báo cho cha mẹ hoặc thầy cô biết mình đang truy cập hay coi gì trên internet.

14. Hãy cẩn thận khi có ai cho mình cái gì miễn phí trên internet.

15. Đừng liều lĩnh làm điều gì trên mạng internet nếu trong thực tế cuộc sống, với một việc như vậy, mình cân nhắc rồi mới quyết định làm hay không làm.

Các em ạ, đọc các điều trên, các em có cảm giác mất tự do, gò bó với những điều ‘không’, ‘đừng’, ‘hãy’…Uh, có một tí mất tự do đó, nhưng chỉ có như thế, các em mới không rước họa vào thân khi đi vào rừng thông tin quá phong phú này. Khi chưa đủ lớn để biết tiếp cận thông tin một cách an toàn, các em cần được cha mẹ và thầy cô giáo hỗ trợ, nhắc nhở. Một thời gian sau, khi đủ trưởng thành, các em sẽ tự biết ‘không’ , ‘đừng’ và ‘hãy’ làm gì mà cha mẹ hay thầy cô không cần can thiệp vào nữa. Làm điều này tự giác là các em đã bắt đầu trưởng thành rồi đó!

Thursday, March 5, 2009

Vạn Phật


Tác giả: Elmira Alieva

Dịch tiếng Việt: Hằng Như


Một vùng rộng lớn ở Trung Á, trải dài từ biển Caspi đến miền trung Trung Quốc, là một trong những góc khuất đầy huyền bí và mời gọi trên thế giới. Đó là một vùng lãnh thổ rộng lớn thường được biết với tên “Con đường tơ lụa”, một hệ thống giao thông thương mại nối liền giữa Đông và Tây đã thu hút giới thương nhân đem lại nhiều lợi ích cho vùng này. Con đường tơ lụa ảnh hưởng đến lịch sử thế giới và tạo nên nhiều di sản văn hóa. Hiện đang có cuộc trưng bày tại viện bảo tàng Hermitage một bộ sưu tập lớn có tên gọi “Những hang động vạn Phật: các đội viễn chinh Nga trên con đường tơ lụa.”

Kim Cương Hợi Mẫu (Vajravarahi), một công trình nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ thứ 12 được trưng bày trong cuộc triển lãm “Những hang động vạn Phật: các đội viễn chinh Nga trên con đường tơ lụa” tại viện bảo tàng Hermitage.

Cô Olga Deshpande, một nghiên cứu sinh và là người phụ trách viện bảo tàng Hermitage nói rằng “chúng tôi gọi cuộc triển lãm này với tên như vậy vì trung tâm điểm của Phật giáo Phát triển, từ ‘vạn Phật’có ý nghĩa triết học và phương diện tu tập Phật giáo, dùng để chỉ một số lượng lớn chư Phật. Ý niệm này được thể hiện trong nghệ thuật Trung Á. Rất nhiều chùa trong các hang động được sơn vẽ vô số Phật là biểu hiện của văn hóa phương đông. Do đó, “Những hang động vạn Phật” là một tên gọi ẩn dụ, cô giải thích thêm.

Viện bảo tàng Hermitage dành nhiều năm chuẩn bị cho cuộc triển lãm cùng với khoa di cảo Đông phương của viện khoa học Nga. Cuộc triển lãm này bao gồm 330 di vật do người Nga tìm thấy ở East Turkistan trong suốt các cuộc viễn chinh từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.

Cô Deshpande nói thêm, “East Turkistan là tên mà những nhà thám hiểm người Nga dùng để gọi huyện Duy Ngô Nhĩ (Uygur) vùng Tân Cương của Trung Quốc ngày nay. Vào thế kỷ 19, vùng này, cùng với tất cả sa mạc, ốc đảo và nền văn hóa lạ chưa được biết đến đã lôi cuốn những người viễn chinh Châu Âu.”

Cuộc triển lãm tạo điều kiện cho du khách tham quan các báu vật nghệ thuật trong suốt một ngàn năm lịch sử từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ 14, bao gồm nghệ thuật điêu khắc, các mảnh tranh tường, tranh khắc gỗ, các tư liệu của những đoàn viễn chinh, tranh ảnh, bản đồ cũng như các di cảo quý. Mặc dù bộ sưu tập quý giá của con đường tơ lụa đã được hình thành ở viện bảo tàng Hermitage từ những năm 1930, nhiều di vật được đưa ra trưng bày lần đầu tiên và một số được phục chế toàn bộ.

Tượng Đức Phật hai đầu từ thế kỷ thứ 14

Cô ấy còn cho biết, “nhiều di vật độc đáo, như những di vật ở động Đôn Hoàng (Dunhuang ) và Turfan (Thổ Lỗ phiên), có tượng Đức Phật hai đầu nổi tiếng, bản di cảo cổ khắc trên gỗ 13 loại chữ viết và 14 ngôn ngữ, tranh tường, màu nước và có dấu vết của bản sao các tranh cổ được thể hiện qua các nhà họa sĩ viễn chinh.” Trong số các cổ vật đặc biệt được trưng bày, di cảo Tangut từ thành phố lụi tàn của Khara-Khoto, các di cảo từ thư viện khổng lồ của tu viện Đôn Hoàng được khám phá vào đầu thế kỷ 20 là những điển hình.

Đầu tượng Bồ tát được tìm thấy ở động Đôn Hoàng, Trung Quốc và có niên đại vào thế kỷ thứ 8.

Cô Deshpande nói, cuộc triển lãm kết hợp những nét nghệ thuật Trung Quốc như gam màu sáng và sử dụng vị trí hình tượng thực trong không gian cùng với văn hóa truyền thống Trung Á. “Nền tảng chung cho tất cả các di vật là Phật giáo. Người dân vùng Trung Á chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong nhiều thế kỷ và những ảnh hưởng này thể hiện rất rõ qua văn hóa. Một điều rõ ràng là người ở Trung Á có nhiều nguồn gốc khác nhau, họ nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau và có những nét văn hoá đặc trưng khác nhau. Thế nhưng tất cả họ đều liên kết với nhau trong một cái chung rộng lớn và đa dạng đó là văn hóa Phật giáo.”


Bộ sưu tập“Những hang động vạn Phật: các cuộc viễn chinh Nga trên con đường tơ lụa” được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia Hermitage đến ngày 5 tháng 4 năm 2009.


Nguồn: http://www.buddhistartnews.com/ban07/?p=3441#more-3441

Wednesday, March 4, 2009

Bhutan huyền bí

Tượng bồ tát Quan Âm bốn tay, (niên đại 1700-1900), bằng gỗ, mạ vàng.

Ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) biểu trưng của Phật giáo Kim Cương thừa ở Bhutan.

Mạn đà la



Để sống hạnh phúc hơn (1)

Hãy nhận ra rằng hạnh phúc lâu dài không phụ thuộc vào sự thành công theo nghĩa thông thường. Nói đến một con người thành công, hầu hết chúng ta ai cũng nghĩ đến một con người có địa vị cao trong xã hội, giàu sang và có đầy đủ những tiện nghi vật chất đời thường. Sở dĩ ai cũng phấn đấu để có được cuộc sống thành công ở đời, theo khái niệm thành công riêng của mỗi người vì họ ngỡ rằng, khi có được thành công, họ sẽ có hạnh phúc. Nếu cuộc đời này ổn định, thành công với những gì vừa kể ở trên, đủ để đem đến hạnh phúc cho con người. Thế nhưng, vì bản chất không ổn định của cuộc sống, một điều không phải ai cũng nhận ra là thành công không đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc lâu bền.

Trong chúng ta, ai cũng hiểu rằng điều con người tha thiết có được là hạnh phúc chứ không phải thành công. Thành công theo nghĩa thông thường, chỉ để tăng cái tôi giữa mọi người, là cách để khẳng định mình với cộng đồng mà thôi. Theo tôi, cái thành công ấy chỉ có giá trị bề ngoài, để cho thiên hạ nhìn vào mà ‘ngỡ’ rằng mình đang hạnh phúc hay ít ra, mình muốn thể hiện ‘có vẻ’ như mình đang có cuộc sống mãn nguyện. Thế nhưng, đằng sau cái mãn nguyện bề ngoài, giả tạm và có tính khẳng định mình với mọi người ấy, biết bao là áp lực. Có những lúc trống rỗng và vô vị. Tôi từng nghe những người thành đạt nói rằng, ngay trên đỉnh cao của thành công và quyền lực, họ vẫn không có được hạnh phúc lâu bền vì nhiều lý do, trong đó, nổi bật nhất là nỗi lo sợ rằng họ không trụ vững trên đỉnh cao thành công. Rõ ràng điều làm họ không có được hạnh phúc trọn vẹn, hay hạnh phúc luôn bị đe dọa rình rập vì tính không ổn định của cuộc sống.

Cuộc sống vốn sinh động, luôn đổi thay dường như không theo một quy luật hay chu kỳ nào cụ thể nào cả. Chúng ta hầu như ai cũng biết đặc tính này của cuộc sống nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đơn giản chỉ vì chúng ta không muốn thấy cuộc sống diễn ra trái với ý muốn của mình. Chấp nhận thành công hiển nhiên là dễ dàng chứ chấp nhận thất bại thì khó lắm, khó đến mức những tưởng những chuyện như vậy chỉ có thể xảy ra đối với người khác chứ không thể là mình. Mình không thể thất bại, không thể bệnh đau, không thể gặp rủi ro, không thể và không thể… Chính thái độ không chấp nhận đó làm cho chúng ta kém hạnh phúc chứ không phải bản thân sự việc. Do đó, muốn có được hạnh phúc, ta học cách chấp nhận những thất bại, rủi ro, bất hạnh như bao con người xung quanh ta vẫn thường gặp phải. Trên cuộc đời này, cơ may và vận rủi chia đều cho tất cả mọi người. Hơn thua nhau là cách chúng ta đón nhận và phản ứng thế nào với những may rủi ấy mà thôi. May rủi bằng cách này hay cách khác, đều có tác dụng nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành hơn nếu mình biết cách đón nhận chúng đúng cách. Cùng trong một hoàn cảnh, có người vươn lên, lấy hoàn cảnh làm bệ phóng để đi tiếp mà không chấp nhận số phận, có kẻ gục ngã không gượng dậy nổi.

Như vậy, muốn có được hạnh phúc, chúng ta cần chấp nhận sự đổi thay như là một đặc tính của cuộc đời và tự điều chỉnh mình để thích nghi với hoàn cảnh đang vận hành và đổi thay không một phút giây ngừng nghỉ. Muốn làm được việc này, ta cần có khả năng làm chủ cảm xúc để không chao đảo trước những biến động của cuộc sống, nhất là những thay đổi mà mình không hề mong muốn. Có làm chủ được cảm xúc và giữ tâm thăng bằng, khách quan với chính mình, chúng ta mới có khả năng thích ứng nhanh với môi trường bên ngoài. Mức độ thành công trong quá trình thích nghi với cuộc sống xã hội quy định mức độ hạnh phúc ở mỗi con người.
(còn nữa)

Monday, March 2, 2009

Thiếu!

Ở đời, cái cảm giác 'thiếu' làm cho con người phải khổ...

Sunday, March 1, 2009

Một niềm tin

Hôm nay, một niềm vui nhỏ chen trong niềm tin đang được nuôi lớn bởi nhiều bàn tay, nhiều khối óc và bao con tim...




Đêm mồng 5 âm lịch, trăng hãy còn non; song trăng sẽ tròn đầy và sáng vằng vặc vào ngày rằm và 16.


(Hình vừa mới chụp trên sân thượng ký túc xá CIE)


Giữ vững niềm tin, chung tay góp sức đồng lòng, việc chung rồi sẽ thành tựu! Mong thay!