Saturday, August 16, 2008

LỄ ANH EM (Raksha Bandhan)

Hôm nay, ngày 16 tháng 8, nhằm ngày 16 tháng 7 âm lịch, là ngày lễ Raksha Bandhan. Đây là “Lễ Anh Em” theo truyền thống của theo người theo đạo Hindu. Trong tiếng Hindi, Raksha Bandhan có nghĩa là ‘sợi dây bảo hộ’. Lễ này được tổ chức giữa anh chị em trong gia đình, vào ngày trăng tròn tháng Shraavana (tháng thứ 10 theo lịch Hindu).


Dù không biết cách tính ngày tháng theo lịch Hindu, ai đang ở trên đất Ấn, nhất là ở khu vực Bắc Ấn, đều có thể cảm nhận được không khí của ngày lễ hội này. Khi nào thấy ở chợ, người ta bày bán các loại dây gọi là Rakhi và các quầy bán bánh ngọt và quà tặng đông đúc khách và xôm tụ hẳn lên, thì biết vài ba hôm nữa sẽ đến ngày lễ, vì đây là những món làm nên ngày lễ anh em này. Theo truyền thống, đến ngày lễ này, các cô gái đi chọn mua dây rakhi, đủ màu sắc và kiểu dáng khác nhau, các cậu con trai thì lo mua sắm bánh ngọt và quà tặng. Người em gái đến anh trai và buộc sợi dây rakhi vào cổ tay phải của người anh như thắt vào tay anh sợi dây yêu thương, người anh trao quà cho em gái với lời hứa là luôn bảo hộ, che chở, thương yêu và quan tâm đến em. Chị gái cũng thắt dây rakhi vào tay em trai, nhưng trong trường hợp em trai thì chị gái không những thắt dây mà còn cho quà với lời hứa thương yêu, đùm bọc và che chở cho nhau và người em cũng hứa như vậy. Anh chị em đút bánh ngọt cho nhau để thể hiện tình thương yêu và quan tâm nhau giữa những người anh chị em với nhau. Lễ Raksha Bandhan không chỉ thực hiện giữa các anh chị em ruột mà anh chị em bà con cũng làm tương tự. Ngay cả anh chị em kết nghĩa hay bạn bè quý mến nhau người ta cũng làm lễ buộc dây trao quà và hứa hẹn chăm sóc quan tâm nhau trong ngày lễ này.


Có nhiều truyền thuyết nói về lịch sử của ngày lễ Raksha Bandhan này, có truyền thuyết xuất phát từ đạo Hindu, có truyền thuyết liên quan đến các vua đạo Hồi, nhưng ý nghĩa giống nhau là trong ngày này, người em gái đến người anh trai hoặc/và em trai để buộc vào tay người anh/em sợi dây thân ái và anh em trao quà nhau (dây rakhi thì phái nữ buộc vào tay phải của phái nam nhưng quà thì anh /chị trao cho em) để bày tỏ tình cảm thiêng liêng cao quý giữa những người quyến thuộc trong gia đình.


Trong cuộc hành trình có tên là ‘cuộc sống’ này, càng lớn lên, con người càng ra khỏi vòng tay ấm êm của cha mẹ, anh chị em rồi để hòa nhập vào xã hội. Quy luật tự nhiên và điều kiện xã hội xô đẩy những người anh chị em ra xa nhau mà nhường tình cảm lại cho những người thân ‘hơn’ của mình gồm có vợ chồng và con cái. Ai rồi cũng chăm chút, quan tâm đến gia đình nhỏ bé mình tạo dựng mà mình là chủ hơn là gia đình xưa trong đó mình là một thành viên. Do đó, ngày Raksha Bandhan, "Lễ Anh Em” có một ý nghĩa và tính nhân văn rất lớn trong xã hội của Hindu nói riêng và Ấn Độ nói chung. Trong ngày này, những người anh em dù ở xa vẫn tìm về nhau và trao nhau sợi dây thân ái, món quà tình thương. Nhiều người đã lớn tuổi, ở xa nhau, vẫn không quên truyền thống thiêng liêng cao quý này. Họ vượt đường xa chỉ để có mặt bên nhau trong giây lát, trân trọng dành cho nhau những tình cảm thật nồng ấm, trao nhau sợi dây món quà, nhắc nhau tình huyết thống anh em, thật đáng quý và cảm động.




Raksha Bandhan, một lễ hội văn hóa thật ý nghĩa, đáng giữ gìn và phát huy để tạo sợi dây liên kết giữa những người anh chị em trong gia đình và cả với những người thân ngoài huyết thống như anh chị em kết nghĩa và bạn bè thân.