Monday, August 4, 2008

CHUYỆN Ở NAINA DEVI


Thực trạng vấn đề:

Chuyện đau lòng xảy ra hôm qua ở ngôi đền Ấn giáo nổi tiếng Naina Devi, thuộc bang Himachal Pradesh, khu vực Bắc Ấn. Ngôi đền này thường thu hút đông đảo
người theo Ấn giáo về lễ bái, cầu nguyện nhất. Vào những ngày trong mùa lễ hội (kéo dài 9 ngày) của tháng Sawan (tháng thứ năm theo lịch Ấn Độ) này thì mỗi ngày có khoảng 50 ngàn lượt người viếng đền suốt ngày lẫn đêm. Ngày 3 tháng 8 năm 2008 này, do một sự cố là song chắn an toàn trên lối đi bị gãy ngã, một số người bị rơi xuống vực núi. Thế là đám đông tán loạn, hô lên là núi sạt lở, xô đẩy nhau ù té chạy, người này giẫm đạp lên người kia và kết quả đau thương là 150 sinh linh đã ra đi, trong đó có ít nhất 40 trẻ em và hơn 250 người bị thương nằm bệnh viện. Đây quả là một sự kiện đáng thương nơi đất nước đông dân này. Nếu thế giới không 'phẳng' và đầy đủ thông tin cập nhật như hiện nay, thật khó có thể tin được đây là sự thật.


Tại sao người ta lũ lượt đi Naina Devi?


Ngôi đền này được cho là một trong những ngôi đền linh thiêng thuộc khu vực Bắc Ấn, nằm gần rặng núi Shivalik. Theo truyền thuyết, vợ của thần Shiva là Sati tự nhảy vào đám lửa đang làm lễ cầu nguyện để thiêu thân khi cha của nàng là Daksha Prajapati lăng nhục chồng nàng là thần Shiva. Trong cơn đau buồn mất vợ, thần Shiva ôm xác nàng Sati chạy quanh nhảy múa điên cuồng trong cơn giận dữ và nuối tiếc. Thần Vishnu thấy vậy mới cắt thi thể của Sati thành 51 phần đem phân tán khắp nơi để Shiva không còn thấy hình hài Sati mà đỡ khổ đau hơn. Chỗ có ngôi đền Naina Devi là nơi được cho là có đôi mắt của nàng Sati. Naina là đôi mắt của Sati và Devi là đền thờ. Cả 51 nơi được tin là những chỗ có một phần thi thể của Sati đều trở nên linh thiêng và được lập đền thờ tương tự như vậy.


Tin vào thần linh và cầu nguyện là nét đặc biệt của người theo Ấn giáo

Người Ấn phần lớn theo truyền thống Ấn giáo, sống với niềm tin vào thần linh bên ngoài trong hầu hết các hoạt động hằng ngày của mình. Người Ấn giáo có niềm tin mãnh liệt vào các hình thức lễ nghi và cầu nguyện. Theo truyền thống của tôn giáo này, con người trở nên vô cùng bất lực trong thế giới mình đang sống. Mọi việc thành tựu, theo những người có truyền thống Ấn giáo là đều nhờ vào thần linh cả. Sống với bạn bè người Ấn, có lắm chuyện mê tín, ngây ngô đến buồn cười. Đơn giản như ngay đêm trước ngày thi, điện cúp, nó cầu nguyện trông cho có điện lại để ôn bài và nó sẽ ‘hậu tạ’ nếu lời cầu
nguyện nó được thành tựu. Một lát sau, điện có lại, thay vì tri ân mấy nhân viên nhà đèn và những người có trách nhiệm thì tụi nó nghĩ ngay đến việc ngày mai, ra khỏi phòng thi là đến một đền thờ gần nhất để lễ lạy ‘cám ơn’. Một ví dụ không kém buồn cười khác là một sự kiện diễn ra hằng năm, khi trời quá hạn hán, người ta chọn ra hai con bò, một con bò cái và một con bò đực, thuê một công viên rộng lớn, rồi dân làng gom góp tiền bạc lại tổ chức đám cưới linh đình cho đôi vợ chồng bò này để cầu mưa. Một thời gian sau, trời mưa, thế là họ tin lời cầu nguyện và tâm thành tín của họ có kết quả. Những việc nhỏ nhặt như mặc một bộ đồ mới cũng coi ngày và khi mặc bộ đồ mới đó, xuất hành hướng nào là ‘đại lợi’ trong suốt thời gian bộ quần áo ấy được sử dụng. Một việc khá phổ biến trong các cô gái Ấn là trong tuần, muốn cầu nguyện điều gì thì chọn một ngày trong tuần được tin rằng sẽ giúp cho lời cầu nguyện của mình thành tựu để ăn kiêng (ví như một cô gái muốn có chồng tốt trong tương lai thì ăn kiêng ngày thứ sáu, muốn thành công trong học vấn thì ăn kiêng ngày thứ hai và khi ăn kiêng, không được ăn cơm hay chapati quá một lần trong ngày và suốt ngày dành cho việc cầu nguyện).



Chao ôi, viết về niềm tin và cầu nguyện của người theo Ấn giáo, chắc còn rất nhiều điều cần nói, nhưng không phải ở đây. Trong phạm vi bài viết này, tôi không lạm bàn về niềm tin tôn giáo. Mỗi một tôn giáo đều có niềm tin, tùy vào nhân sinh quan và vụ trụ quan của người sáng lập ra tôn giáo đó. Tôi không có ý so sánh niềm tin giữa các tôn giáo, nhưng thấy thật vô lý khi cứ nhắm mắt tin vào uy quyền của thân linh. Một nơi, theo truyền thuyết là có chứa đôi mắt của Sati, vợ thần Shiva, mà dựng nên một quần thể đền đồ sộ rồi thay nhau lũ lượt đến đó mà lạy lục cầu xin. Có lẽ tôi không thuộc truyền thống tôn giáo này nên thấy nực cười và vô lý không thể chấp nhận được. Có lẽ họ sợ thần Shiva - thần hủy diệt - sẽ nổi giận nếu không ‘hậu hỹ’ với vợ Ngài à? Nếu họ quy cho mọi hành vi hoạt động của họ, ngay cả vấn đề lớn nhất của đời người là sống và chết, đều do thần linh sắp xếp và thưởng phạt tùy vào mức độ niềm tin và cầu nguyện lễ bái mà họ thể hiện đối với các vị thần, thì thử hỏi có công bằng không khi họ đem lòng thành tín như vậy, leo đến đỉnh núi kia để cầu nguyện, lễ bái, cả ông bà già và trẻ em thế đó, mà sao thần linh ‘bất công’ nỡ phạt họ hay sao mà cho họ chết vậy? Hẳn đây là vấn đề khó trả lời với những ai thuần túy sống giao phó vận mạng của mình cho thần linh.

Tin gì?


Dưới cái nhìn của Phật giáo thì vấn đề này không có gì khó hiểu cả. Chỉ vì thiếu chánh niệm, nhận định sai và lầm nguyên nhân gây ra tai nạn mà lẽ ra, chỉ có một số ít người xấu số bị thương hoặc tình huống xấu nhất là chết vì gãy song chắn an toàn trên lối đi, thì nay, số người mất mạng lên đến hàng trăm và số người bị thương sống trong đau khổ còn nhiều hơn. Một khi con người phó thác cuộc đời mình cho thần linh, họ không thấy được sức mạnh, giá trị và nỗ lực của bản thân. Do đó, những người này sẽ không đặt tầm quan trọng của việc trau giồi nội lực để khi gặp tình huống, họ không có đủ khôn ngoan và bình tĩnh để xử lý vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả nhất.


Niềm tin là cần thiết, nhưng tin vào thần linh như một đấng tối cao ban ơn giá họa thì không phù hợp tí nào. Tất nhiên trên mặt triết lý, Ấn giáo nào cũng có nhiều điểm hay và giúp cho người theo đạo thăng hoa về đạo đức và tâm linh, tuy nhiên, mức độ cảm nhận và thực hành của người theo đạo, tôn giáo ấy sẽ trở thành mê tín hay chánh tín. Với cái nhìn của Đức Phật và những người học đạo chân chánh, cầu nguyện lễ bái và tin vào quyền năng tuyệt đối của thần linh là mê tín. Ngài dạy chúng ta cần có niềm tin, nhưng đó là niềm tin vào Đức Phật, bậc toàn giác có khả năng tự phát huy nội lực của mình để chứng thành đạo quả giải thoát. Đó là niềm tin vào giáo pháp của Đức Phật, có công năng như một ngọn đuốc soi đường cho những ai noi theo gương Ngài để phát huy nội lực của mình. Đó là niềm tin vào chư đệ tử của Ngài, những người có thể trực tiếp hướng dẫn chúng ta đi trên con đường Ngài và chư Phật quá khứ đã đi qua. Đó là niềm tin vào chính khả năng mình có thể nỗ lực, tiến hóa và hoàn thiện mình nếu mình biết phát huy nội lực đúng cách và liên tục. So với niềm tin vào thân linh của Ấn giáo, tôi thấy mình quá nhiều phước duyên khi gặp được giáo lý Đức Phật dạy mình cần có niềm tin vào chính mình. Tôi càng vững tin hơn vào giáo pháp của Ngài và tự nhắc mình phát huy khả năng và hoàn thiện bản thân nhiều hơn để đáp lại thâm ân tôi đã may mắn gặp được nguồn chánh pháp trong đời này.