Sunday, August 24, 2008

DẤU XƯA

Một tin vui. "Thời Báo Ấn Độ” (The Times of India) online ra ngày 22 tháng 8 có đăng tin về các di cảo của một tu viện được tìm thấy ở Moghalmari. Sáng nay (ngày 24 tháng 8), đọc "The Times of India" (báo giấy), thấy bài báo này được đăng lại. Nội dung bài báo như sau:




CALCUTTA: Mô đất cao 30 feet (khoảng 9,15 mét) trong một ngôi làng ở Bengal này, vốn đã sinh ra nhiều giả thuyết và truyền thuyết, tạo nên công trình khai quật, có thể coi là một trong những công trình khảo cổ vĩ đại nhất của Ấn Độ. Người ta tìm thấy nhiều di vật ghi dấu sự tồn tại của một tu viện có cấu trúc tinh xảo vùi trong đất đá cùng với thời gian.



Các nhà khảo cổ tin rằng, đây là một trong những tu viện được đề cập đến trong ký sự của Ngài Huyền Trang bây giờ mới được tìm thấy. Tu viện này được cho là có mặt vào thế kỷ thứ 7 - thời Ngài Huyền Trang, vị tu sĩ người Trung Quốc làm một cuộc hành trình dài 17 năm băng rừng lội suối sang tận Ấn Độ. Mô đất này được tìm thấy ở ngôi làng Moghalmari, cách Dantan, vùng đất phía tây của huyện Midnapore 5 ki lô mét.


Cuộc khai quật này do khoa khảo cổ học, trường đại học Calcutta thực hiện, với sự hỗ trợ kinh phí một phần từ Khoa khảo cổ học Ấn Độ. Ngài Huyền Trang đã viếng Bengal trong suốt thời đại vua Sasanka và mô tả chi tiết về thành phố cổ Tamralipta và một tu viện Ngài thấy ở đây. Thế nhưng những tài liệu sau này không đề cập đến các tu viện trong vùng này. Đây là vấn đề vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và là đề tài tạo nên sự quan tâm cho các nhà khảo cổ học. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ có cảm nhận rằng khu vực khai quật vùng Moghalmari cuối cùng sẽ lập kỷ lục về sự thật vấn đề này.


Một mô đất cao 30 feet, trong đó có một tu viện vùi mình trong nhiều thế kỷ qua, trở thành nguồn cho nhiều câu chuyện có tính truyền thuyết trong dân chúng ở đây. Các câu chuyện từ thời vua Sasanka đến trước thời vua Pala truyền nhau không dứt.

Cách đây vài năm, một đoàn chuyên gia thuộc khoa khảo cổ học trải qua vài tháng thăm dò ở Moghalmari như là một phần của dự án do Hội nghiên cứu khoa học và công nghiệp thực hiện. Các chuyên gia đào hầm thăm dò theo hướng cũ xuyên qua Dantan nhưng nửa chừng gặp phải một vật gì đó rất lớn cản đường.

Asok Datta, một thành viên trong đoàn chuyên gia của khoa khảo cổ nói “chúng tôi nhanh chóng chú ý đến mô đất mà người địa phương đã chỉ cho chúng tôi. Họ đưa cho chúng tôi coi hằng trăm vật thể và tượng đá nhỏ, vữa trang trí bề mặt và những mảnh sành nung họ đã thu thập được qua nhiều thế hệ. Những di vật quý họ đem làm vật trang trí trong nhà, thư viện, trường học và các công trình xây dựng khác trong làng.”
Thế là nhóm chuyên gia này đã chuẩn bị một báo cáo dự án rằng, rất có thể có một nền tu viện ở dưới mô đất này và gởi bản báo cáo ấy đến Khoa khảo cổ học Ấn Độ. Thế là Khoa chỉ đạo cho khai quật ngay.


Những cổ vật tìm thấy, những mảnh đất nung, gạch vỡ, gốm bể và nhiều thứ khác bị chôn vùi trong bùn đất. Qua những di vật thu thập được về những hoa văn trang trí trên tường, lớp vữa trang trí trên các mái vòm, các chuyên gia nói rằng đây là một trong những tu viên lớn nhất ở miền Đông Ấn Độ và chắc chắn tu viện này cũng thuộc vào hạng lớn ở Ấn Độ. Datta nói thêm rằng “đây quả thật là một điều thú vị là ở các tu viện khác, ngay cả những tu viện ở Gaya, những hoa văn bằng vữa chỉ có thể tìm thấy ở các điện thờ. Thế nhưng ở tu viện này, hoa văn vữa trang trí khắp toàn bộ tu viện. Không những thế, khi chúng tôi đào bới sườn hướng Đông của tu viện, chúng tôi tìm thấy một mạch nền có vữa trang trí dài 61 mét, có thể so sánh được với cái dài nhất nước rồi đó.”


Datta nói “Phần đã được khai quật của tu viện cho thấy các dãy phòng ở của chư Tăng nối liền nhau, hướng về sân chính nằm ở giữa. Thú vị nhất là khi chúng tôi tìm thấy khối đá chạm trổ nhiều tầng thờ Đức Phật thường được hiểu là Đức Phật trong tư thế ấn xúc địa. Chúng tôi cũng tìm thấy hai khối đá có hình tượng đầu người, có lẽ là tượng đầu Đức Phật, nhưng chúng tôi đợi sự phê chuẩn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm thấy nhiều mảnh sành cổ."



Trường đại học đã chuyển những vật thể này đến ông Bratindranath Mukherjee, một chuyên gia nghiên cứu cổ vật. Ông xác định niên đại ‘đáng tin cậy’ của những di vật này là vào thế kỷ thứ 7 và ông cũng đã giải mã chúng. Ông Mukherjee nói “những hiện vật này có niên đại vào thời hậu Gupta, khoảng cuối thế kỷ thứ 6 hoặc đầu thế kỷ thứ 7. Một số di khảo này có khắc dòng chữ “nếu không có tự hy sinh, không thể truyền bá chánh pháp.” Các nhà chuyên gia cho rằng, những hoa văn trang trí trên tu viện tương tự những cấu trúc Phật giáo vốn phổ biến vùng Tây Bắc Ấn.

Hội Châu Á đang xử lý tư liệu của cuộc khai quật này. Ông Ramkrishna Chatterjee, thư ký ấn hành của hội nói rằng, phần đầu tiên trong loạt xuất bản đã hoàn tất và sẽ công bố vào thứ Bảy khi đến viếng thăm tổng thống Pratibha Patil.

CHỦ NHẬT Ở CIE

CIE thường ngày thường tấp nập người và xe. Ngay cả dịp Hè, CIE chưa bao giờ yên ắng từ thứ Hai đến thứ Bảy. Duy chỉ có ngày Chủ nhật, CIE trở về với chính mình: ngôi tháp cao là trung tâm điểm của cả khu vực này trở nên sâu lắng và trầm tĩnh hơn. Cây xanh rì rào, gió mơn man, mây lơ lửng và trời xanh mượt. Tất cả làm cho CIE trở nên yên bình và lặng lẽ trong ngày nghỉ cuối tuần. Chủ nhật, một ngày vắng bóng người ở CIE.




Sunday, August 17, 2008

PHẢI CHĂNG?

Lâu lâu lắm rồi, hồi còn học cấp 3, có một lần ông thầy dạy văn kể cho lớp chúng tôi nghe một câu chuyện cười về tính cách hợp tác ‘tuyệt vời’ của người Việt ta. Đến bây giờ, sau hơn 20 năm trên dòng đời xuôi ngược, tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết câu chuyện nhưng có một kết luận đại loại như thế này mà tôi không bao giờ quên. “Một người Việt có thể đánh được ba người Mỹ nhưng ba người Việt thì lại....đánh thua một người Mỹ.”


Hồi đó nghe xong, chúng tôi cùng nhau cười nghiêng cười ngả, nhưng không để ý lắm. Dần dần trong cuộc sống, tôi thấy có nhiều "bằng chứng" chứng tỏ những kết luận vui ấy ngày càng trở nên...chính xác!Phải chăng đây là một tính cách của người Việt?

MỞ RỘNG TẤM LÒNG

Bệnh ung thư, căn bệnh thế kỷ quái ác đã không tha cho một ai. 'Nó' hiệu hữu ở người nào, y như rằng, tử thần sẽ đến gõ cửa người ấy. Vẫn biết rằng sanh, lão, bệnh, tử ai trong đời cũng trải qua, nhưng với bệnh khác, người ta vẫn tin tưởng và nuôi hy vọng "hết mưa, trời sẽ nắng" nhưng hy vọng này hầu như bị tắt lịm nơi người mang trong mình căn bệnh ung thư. Bệnh nhân ung thư nào cũng đáng thương cả, nhưng nếu bệnh nhân nhí mắc căn bệnh hiểm nghèo này, chúng ta càng cảm thấy đáng thương hơn nhiều. Cái tuổi thơ bé bỏng, ngây thơ thường được ví là "như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" ấy phải ngày đêm 'chiến đấu' với con bệnh đến mất ăn mất ngủ thật đáng thương tâm. Nếu có dịp chứng kiến một bệnh nhân nhí ung thư vật lộn với đớn đau, giành giật từng giây phút sống với tử thần, nhận thức, ý thức và tâm thức bạn sẽ thay đổi nhiều lắm. Tôi tin rằng bạn sẽ tự rút ra cho mình nhiều bài học giá trị trong cuộc sống và trân quý những gì mình có được trong cuộc sống để không hoài phí cuộc đời mình.


Rất nhiều người đã bày tỏ tâm đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ của mình đến các bệnh nhân nhí ung thu và gia đình bệnh nhân. Chương trình “Ước mơ của Thúy” được hình thành sau khi bệnh nhân ung thư Lê Thanh Thúy ra đi vào ngày 2 tháng 11 năm 2007. Chương trình hiện nay đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ. Đây là một điều đáng mừng vì trong cuộc sống còn nhiều người có tấm lòng lắm.
Bây giờ, có thêm chương trình “Nụ cười của Ben” vừa hình thành và đang đi vào hoạt động.


Xin giới thiệu cùng các bạn thông tin từ các trang web/blog của các chương trình hỗ trợ bệnh nhân nhi ung thư ở Việt Nam:

Ước mơ của Thúy

Hãy mở lòng sẻ chia, thông cảm, hãy giang rộng vòng tay thân ái qua những việc làm và cử chỉ thiết thực nhất, chúng ta sẽ góp phần làm vơi đi nỗi đau của các bé, tiếp lửa cho tinh thần các em vững chãi hơn để chống chỏi với căn bệnh hiểm nghèo này trong giai đoạn cuối cuộc đời. Hãy sưởi ấm lòng nhau với trái tim nhân hậu của những người cùng mang dòng máu Việt.

Saturday, August 16, 2008

LỄ ANH EM (Raksha Bandhan)

Hôm nay, ngày 16 tháng 8, nhằm ngày 16 tháng 7 âm lịch, là ngày lễ Raksha Bandhan. Đây là “Lễ Anh Em” theo truyền thống của theo người theo đạo Hindu. Trong tiếng Hindi, Raksha Bandhan có nghĩa là ‘sợi dây bảo hộ’. Lễ này được tổ chức giữa anh chị em trong gia đình, vào ngày trăng tròn tháng Shraavana (tháng thứ 10 theo lịch Hindu).


Dù không biết cách tính ngày tháng theo lịch Hindu, ai đang ở trên đất Ấn, nhất là ở khu vực Bắc Ấn, đều có thể cảm nhận được không khí của ngày lễ hội này. Khi nào thấy ở chợ, người ta bày bán các loại dây gọi là Rakhi và các quầy bán bánh ngọt và quà tặng đông đúc khách và xôm tụ hẳn lên, thì biết vài ba hôm nữa sẽ đến ngày lễ, vì đây là những món làm nên ngày lễ anh em này. Theo truyền thống, đến ngày lễ này, các cô gái đi chọn mua dây rakhi, đủ màu sắc và kiểu dáng khác nhau, các cậu con trai thì lo mua sắm bánh ngọt và quà tặng. Người em gái đến anh trai và buộc sợi dây rakhi vào cổ tay phải của người anh như thắt vào tay anh sợi dây yêu thương, người anh trao quà cho em gái với lời hứa là luôn bảo hộ, che chở, thương yêu và quan tâm đến em. Chị gái cũng thắt dây rakhi vào tay em trai, nhưng trong trường hợp em trai thì chị gái không những thắt dây mà còn cho quà với lời hứa thương yêu, đùm bọc và che chở cho nhau và người em cũng hứa như vậy. Anh chị em đút bánh ngọt cho nhau để thể hiện tình thương yêu và quan tâm nhau giữa những người anh chị em với nhau. Lễ Raksha Bandhan không chỉ thực hiện giữa các anh chị em ruột mà anh chị em bà con cũng làm tương tự. Ngay cả anh chị em kết nghĩa hay bạn bè quý mến nhau người ta cũng làm lễ buộc dây trao quà và hứa hẹn chăm sóc quan tâm nhau trong ngày lễ này.


Có nhiều truyền thuyết nói về lịch sử của ngày lễ Raksha Bandhan này, có truyền thuyết xuất phát từ đạo Hindu, có truyền thuyết liên quan đến các vua đạo Hồi, nhưng ý nghĩa giống nhau là trong ngày này, người em gái đến người anh trai hoặc/và em trai để buộc vào tay người anh/em sợi dây thân ái và anh em trao quà nhau (dây rakhi thì phái nữ buộc vào tay phải của phái nam nhưng quà thì anh /chị trao cho em) để bày tỏ tình cảm thiêng liêng cao quý giữa những người quyến thuộc trong gia đình.


Trong cuộc hành trình có tên là ‘cuộc sống’ này, càng lớn lên, con người càng ra khỏi vòng tay ấm êm của cha mẹ, anh chị em rồi để hòa nhập vào xã hội. Quy luật tự nhiên và điều kiện xã hội xô đẩy những người anh chị em ra xa nhau mà nhường tình cảm lại cho những người thân ‘hơn’ của mình gồm có vợ chồng và con cái. Ai rồi cũng chăm chút, quan tâm đến gia đình nhỏ bé mình tạo dựng mà mình là chủ hơn là gia đình xưa trong đó mình là một thành viên. Do đó, ngày Raksha Bandhan, "Lễ Anh Em” có một ý nghĩa và tính nhân văn rất lớn trong xã hội của Hindu nói riêng và Ấn Độ nói chung. Trong ngày này, những người anh em dù ở xa vẫn tìm về nhau và trao nhau sợi dây thân ái, món quà tình thương. Nhiều người đã lớn tuổi, ở xa nhau, vẫn không quên truyền thống thiêng liêng cao quý này. Họ vượt đường xa chỉ để có mặt bên nhau trong giây lát, trân trọng dành cho nhau những tình cảm thật nồng ấm, trao nhau sợi dây món quà, nhắc nhau tình huyết thống anh em, thật đáng quý và cảm động.




Raksha Bandhan, một lễ hội văn hóa thật ý nghĩa, đáng giữ gìn và phát huy để tạo sợi dây liên kết giữa những người anh chị em trong gia đình và cả với những người thân ngoài huyết thống như anh chị em kết nghĩa và bạn bè thân.

Wednesday, August 6, 2008

ƠN NGHĨA SINH THÀNH



Có rất nhiều tác phẩm văn học đủ loại, nhất là các bài hát về mẹ nhưng công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ không thể nào gói gọn trong một bài hát hay một bài thơ. Thế nhưng cũng có bài hát gợi cho cảm xúc dâng trào hơn những bài hát khác. Với tôi, bài hát “Ơn nghĩa sinh thành” của Dương Thiệu Tước có một giá trị đặc biệt hơn. Nếu mang ơn mẹ mà không nói về cha là một thiếu sót rất lớn. Nay xin mượn bài hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" của Dương Thiệu Tước để tự nhắc nhở mình về đạo làm người, đạo làm con. Lời bài hát thật chân thành, da diết làm sao! Tôi đã nghe hàng trăm lần bài hát này và mỗi lần nghe, nó đã cho tôi cảm xúc dâng tràn khi nghĩ về công ơn sâu dày của cha mẹ.

Thường ngày tôi quá bận rộn với đời sống riêng của mình và đôi khi không để ý nhiều đến những gì xảy ra xung quanh, nhưng khúc hát "Ơn Nghĩa Sinh Thành" đã rung động trái tim tôi và làm tôi bồi hồi nhớ về ngày xưa. Bài học vỡ lòng đầu tiên tôi học từ mẹ trong câu ca dao Mẹ vẫn thường hát ru em ngày xưa là:

"Ơn cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."

Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, có hiểu gì đâu. Thế là tôi hỏi núi Thái Sơn cao cỡ nào, mẹ lại diễn tả là "nó cao lắm, cao hơn ngọn núi ở gần nhà Ngoại nhiều lần, cao đến nỗi lẫn vào trong mây mà con không thể nào thấy đỉnh của nó được. Công cha to lớn vô kể hơn cả ngọn Thái Sơn kia." Tôi lại hỏi ngọn Thái Sơn ở đâu, mẹ lại kiên nhẫn giải thích là nó ở xa, xa lắm. Tôi hỏi Mẹ có bao giờ mẹ đến đó chưa thì mẹ bảo, khi nào con lớn, mẹ sẽ dắt con đến đó. Tôi hỏi đi mấy ngày mấy đêm thì đến, mẹ tôi thêm lần nữa kiên nhẫn với câu hỏi của tôi và nói, chừng nào mẹ con mình đi thì biết mất bao lâu để đến núi Thái Sơn. Rồi mẹ giải thích tiếp, tình mẹ thì dạt dào như dòng nước đầu nguồn, không bao giờ khô cạn. Và mẹ kết luận bài học vỡ lòng đầu tiên làm người - làm con phải hiếu đạo, phải biết sống tốt, chân thật, phát huy truyền thống gia đình, không làm xấu hổ cha mẹ, thương yêu anh chị em, có lòng nhân từ với mọi người xung quanh. Lớn lên, tôi được ôn đi ôn lại câu ca dao này ở nhiều phương diện khác nhau và tôi hiểu được nhiều tầng nghĩa nhờ vào kinh nghiệm bản thân và sự trưởng thành dần của tâm thức. Khái niệm làm sao cho ‘tròn chữ hiếu’ cho thuận ‘đạo (làm) con’ cũng thay đổi theo sự trưởng thành của con trong cuộc sống. Cho đến bây giờ và nhiều năm tháng sau nữa, tôi cũng chỉ phấn đấu làm trọn bài học vỡ lòng mẹ dạy thuở xưa mà thôi.


Dương Thiệu Tước cũng sử dụng bài ca dao này tạo nên chủ đề chính trong bài nhạc khá nổi tiếng của ông. Nhân mùa Vu Lan, mùa nhớ về công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, khi nghe lại ca khúc này và chắc hẳn mỗi người có một cảm nhận rất riêng vì ai cũng có một kho tàng kỷ niệm riêng với hai đấng sinh thành của đời mình.

Ơn Nghĩa Sinh Thành
Dương Thiệu Tước

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Em ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng.

Công đức sinh thành
Người hỡi đừng quên
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra.

Người ơi, làm người ở trên đời
Nhớ công người sinh dưỡng
Đó mới là hiền nhân.
Vì đâu, anh nên người tài ba
Hãy nhớ công sinh thành
Vì ai, mà có ta?

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...

Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước
Trong nguồn chảy ra...

Tuesday, August 5, 2008

ĐẠO ĐỨC SUY ĐỒI



Càng ngày tôi càng thấy đạo đức gia đình và xã hội đang tuột dốc đến mức đau lòng và đã đến ngưỡng báo động đỏ trong xã hội. Báo chí gần đây đưa tin nhiều trường hợp thật rùng rợn. Từ ngoài đường vào đến trong nhà, những hành vi xấu ác ngày càng nhiều trong cuộc sống quanh ta.

Lấy cớ, dàn trận giả để cướp của, giết người để chiếm đoạt tài sản, hăm dọa, tống tiền, dằn mặt bằng băng nhóm xã hội đen...diễn ra hầu như hằng ngày từ phố thị nhộn nhịp đến làng quê hiền lành. Nào là thấy người bị tai nạn giao thông nằm bất tỉnh trên đường mà vẫn vô tâm điềm nhiên đi qua cũng không còn lạ. Thấy sự cố nào trên đường thì người vây quanh lại nhìn nhiều hơn người xả thân lao vào đưa người nạn đi cấp cứu không còn là ngoại lệ. Trên sân bóng, khi có người bị chấn thương, đội bạn còn biết đá bóng ra ngoài để nhân viên y tế vào sân săn sóc vết thương cho cầu thủ bị chấn thương. Chúng ta biết đánh giá đó là cử chỉ đẹp của tinh thần thể thao trên sân cỏ, mà sao nỡ "vô tình đi lướt qua nhau" khi đồng loại ta đang gặp nạn như vậy? Rồi hiếp dâm, ấu dâm ngay cả với người hàng xóm của mình ngày càng phổ biến hơn. Những con người thiếu trái tim và cơ thể họ toàn là máu lạnh mới có thể hành xử dã man và vô tâm đến như vậy.

Bước vào ngưỡng cửa gia đình lại càng tồi tệ hơn. Độc ác với người thân của mình đáng sợ hơn nhiều. Vợ giết chồng ngoại tình vì ghen tuông, chồng vì bê tha cờ bạc rượu chè giết vợ rồi chặt xác vợ thành nhiều khúc ném ở các nơi khác nhau để phi tang là chuyện có thật. Ngày càng nhiều hiện tượng các anh cứ bỏ bê ‘cơm nhà’, quên trách nhiệm gia đình mà đi ăn bánh ăn phở ngoài đường rồi biện hộ đại loại như “đàn ông đôi khi cũng khó giữ được con tim ngay thẳng trước phái yếu.” Còn các cô cùng đòi ‘bình đẳng giới’ mà những cuộc tình công sở đi cùng với thời cơm hộp cơ quan xuất hiện đầy dẫy cũng vì “chồng em thiếu cảm thông và chia sẻ trong công việc”. Khi tình dục trở thành một thứ ‘hàng hóa phi vật thể’ và ai cũng có thể cho mình có quyền 'sử dụng' thì ngàn lẻ một lý do cho những hành vi đi lệch chuẩn mực đạo đức xã hội trong các mối quan hệ gia đình, nhất là quan hệ vợ chồng. Giành giật tài sản thừa kế, người thân 'thanh toán' lẫn nhau, nghi kỵ, ích kỷ, tính toán chi li với anh chị em đến từng cọng rau trở thành chuyện thường ngày. Mối gắn kết thiêng liêng giữa những thân trong gia đình ngày càng mất ý nghĩa với sự sa đọa về đạo đức làm người.

Hôm nay, trên báo Thanh niên on-line có đăng tin, bi kịch xảy ra trong một gia đình ở Quảng Ngãi. Một người đã đánh người em ruột mình khi thấy người này ở trong bếp nhà mình. Người em này bưng chén cơm nguội nhưng không có thức ăn sang bếp nhà anh tìm chút đồ ăn để ăn miếng cơm nguội lót lòng mà bị người anh nghi là ăn trộm.

Bạo hành không dừng lại ở đó, ông lại đánh tiếp một người em khác vỡ ruột, đánh người mẹ già 82 tuổi (hình từ Thanh niên on-line) gãy tay phải bó bột và rách mí mắt khâu 5 mũi. Ông lại tiếp tục đánh đứa cháu và thế là bốn người phải nhập viện vì bị đánh chém trọng thương. Một người đã trả hiếu với mẹ mình như vậy đó, thật đau lòng với hành động đầy thú tính và dã man của một con người. Người mẹ già một đời tần tảo cực khổ sinh thành dưỡng dục đứa con bất hiếu vô nghì thổn thức trong nước mắt "Nào ngờ những giọt máu đứt ruột đẻ ra giờ lại đánh, chém với nhau. Người mẹ nào chẳng đau lòng. Đã hơn 80 tuổi đầu chưa từng thấy con đánh mẹ đến bầm mắt, gãy tay rồi làm em mình đứt ruột như vầy".

Con người một khi đã ác thì có thể ác hơn cầm thú. Có mấy loài cầm thú ăn thịt đồng loại mình vì chuyện tình cảm hay vì miếng ăn tồi tàn như vậy? Ý thức, suy nghĩ, lương tâm của những con người này mất thật rồi sao? những con người tốt xung quanh họ không đủ để đánh thức những đầu óc đã hóa đá và con tim chai sạn nơi những con người vô nhân tính này nữa rồi. Các ngôi nhà thờ chỉ còn là tập hợp của tường thành và cột trụ vút lên trời có lối kiến trúc lạ đủ để làm dấu cho người đi đường không hơn không kém. Các ngôi chùa ngân chuông sớm tối cũng chỉ là dấu hiệu báo giờ và chỉ có tác dụng đánh thức con người sau giấc ngủ dài sinh học của một đêm mà tiếng chuông ấy không thể thấu vào tâm can lay động nhân tính ẩn trong tận đáy sâu nơi con người họ. Buồn thay!

Monday, August 4, 2008

CHUYỆN Ở NAINA DEVI


Thực trạng vấn đề:

Chuyện đau lòng xảy ra hôm qua ở ngôi đền Ấn giáo nổi tiếng Naina Devi, thuộc bang Himachal Pradesh, khu vực Bắc Ấn. Ngôi đền này thường thu hút đông đảo
người theo Ấn giáo về lễ bái, cầu nguyện nhất. Vào những ngày trong mùa lễ hội (kéo dài 9 ngày) của tháng Sawan (tháng thứ năm theo lịch Ấn Độ) này thì mỗi ngày có khoảng 50 ngàn lượt người viếng đền suốt ngày lẫn đêm. Ngày 3 tháng 8 năm 2008 này, do một sự cố là song chắn an toàn trên lối đi bị gãy ngã, một số người bị rơi xuống vực núi. Thế là đám đông tán loạn, hô lên là núi sạt lở, xô đẩy nhau ù té chạy, người này giẫm đạp lên người kia và kết quả đau thương là 150 sinh linh đã ra đi, trong đó có ít nhất 40 trẻ em và hơn 250 người bị thương nằm bệnh viện. Đây quả là một sự kiện đáng thương nơi đất nước đông dân này. Nếu thế giới không 'phẳng' và đầy đủ thông tin cập nhật như hiện nay, thật khó có thể tin được đây là sự thật.


Tại sao người ta lũ lượt đi Naina Devi?


Ngôi đền này được cho là một trong những ngôi đền linh thiêng thuộc khu vực Bắc Ấn, nằm gần rặng núi Shivalik. Theo truyền thuyết, vợ của thần Shiva là Sati tự nhảy vào đám lửa đang làm lễ cầu nguyện để thiêu thân khi cha của nàng là Daksha Prajapati lăng nhục chồng nàng là thần Shiva. Trong cơn đau buồn mất vợ, thần Shiva ôm xác nàng Sati chạy quanh nhảy múa điên cuồng trong cơn giận dữ và nuối tiếc. Thần Vishnu thấy vậy mới cắt thi thể của Sati thành 51 phần đem phân tán khắp nơi để Shiva không còn thấy hình hài Sati mà đỡ khổ đau hơn. Chỗ có ngôi đền Naina Devi là nơi được cho là có đôi mắt của nàng Sati. Naina là đôi mắt của Sati và Devi là đền thờ. Cả 51 nơi được tin là những chỗ có một phần thi thể của Sati đều trở nên linh thiêng và được lập đền thờ tương tự như vậy.


Tin vào thần linh và cầu nguyện là nét đặc biệt của người theo Ấn giáo

Người Ấn phần lớn theo truyền thống Ấn giáo, sống với niềm tin vào thần linh bên ngoài trong hầu hết các hoạt động hằng ngày của mình. Người Ấn giáo có niềm tin mãnh liệt vào các hình thức lễ nghi và cầu nguyện. Theo truyền thống của tôn giáo này, con người trở nên vô cùng bất lực trong thế giới mình đang sống. Mọi việc thành tựu, theo những người có truyền thống Ấn giáo là đều nhờ vào thần linh cả. Sống với bạn bè người Ấn, có lắm chuyện mê tín, ngây ngô đến buồn cười. Đơn giản như ngay đêm trước ngày thi, điện cúp, nó cầu nguyện trông cho có điện lại để ôn bài và nó sẽ ‘hậu tạ’ nếu lời cầu
nguyện nó được thành tựu. Một lát sau, điện có lại, thay vì tri ân mấy nhân viên nhà đèn và những người có trách nhiệm thì tụi nó nghĩ ngay đến việc ngày mai, ra khỏi phòng thi là đến một đền thờ gần nhất để lễ lạy ‘cám ơn’. Một ví dụ không kém buồn cười khác là một sự kiện diễn ra hằng năm, khi trời quá hạn hán, người ta chọn ra hai con bò, một con bò cái và một con bò đực, thuê một công viên rộng lớn, rồi dân làng gom góp tiền bạc lại tổ chức đám cưới linh đình cho đôi vợ chồng bò này để cầu mưa. Một thời gian sau, trời mưa, thế là họ tin lời cầu nguyện và tâm thành tín của họ có kết quả. Những việc nhỏ nhặt như mặc một bộ đồ mới cũng coi ngày và khi mặc bộ đồ mới đó, xuất hành hướng nào là ‘đại lợi’ trong suốt thời gian bộ quần áo ấy được sử dụng. Một việc khá phổ biến trong các cô gái Ấn là trong tuần, muốn cầu nguyện điều gì thì chọn một ngày trong tuần được tin rằng sẽ giúp cho lời cầu nguyện của mình thành tựu để ăn kiêng (ví như một cô gái muốn có chồng tốt trong tương lai thì ăn kiêng ngày thứ sáu, muốn thành công trong học vấn thì ăn kiêng ngày thứ hai và khi ăn kiêng, không được ăn cơm hay chapati quá một lần trong ngày và suốt ngày dành cho việc cầu nguyện).



Chao ôi, viết về niềm tin và cầu nguyện của người theo Ấn giáo, chắc còn rất nhiều điều cần nói, nhưng không phải ở đây. Trong phạm vi bài viết này, tôi không lạm bàn về niềm tin tôn giáo. Mỗi một tôn giáo đều có niềm tin, tùy vào nhân sinh quan và vụ trụ quan của người sáng lập ra tôn giáo đó. Tôi không có ý so sánh niềm tin giữa các tôn giáo, nhưng thấy thật vô lý khi cứ nhắm mắt tin vào uy quyền của thân linh. Một nơi, theo truyền thuyết là có chứa đôi mắt của Sati, vợ thần Shiva, mà dựng nên một quần thể đền đồ sộ rồi thay nhau lũ lượt đến đó mà lạy lục cầu xin. Có lẽ tôi không thuộc truyền thống tôn giáo này nên thấy nực cười và vô lý không thể chấp nhận được. Có lẽ họ sợ thần Shiva - thần hủy diệt - sẽ nổi giận nếu không ‘hậu hỹ’ với vợ Ngài à? Nếu họ quy cho mọi hành vi hoạt động của họ, ngay cả vấn đề lớn nhất của đời người là sống và chết, đều do thần linh sắp xếp và thưởng phạt tùy vào mức độ niềm tin và cầu nguyện lễ bái mà họ thể hiện đối với các vị thần, thì thử hỏi có công bằng không khi họ đem lòng thành tín như vậy, leo đến đỉnh núi kia để cầu nguyện, lễ bái, cả ông bà già và trẻ em thế đó, mà sao thần linh ‘bất công’ nỡ phạt họ hay sao mà cho họ chết vậy? Hẳn đây là vấn đề khó trả lời với những ai thuần túy sống giao phó vận mạng của mình cho thần linh.

Tin gì?


Dưới cái nhìn của Phật giáo thì vấn đề này không có gì khó hiểu cả. Chỉ vì thiếu chánh niệm, nhận định sai và lầm nguyên nhân gây ra tai nạn mà lẽ ra, chỉ có một số ít người xấu số bị thương hoặc tình huống xấu nhất là chết vì gãy song chắn an toàn trên lối đi, thì nay, số người mất mạng lên đến hàng trăm và số người bị thương sống trong đau khổ còn nhiều hơn. Một khi con người phó thác cuộc đời mình cho thần linh, họ không thấy được sức mạnh, giá trị và nỗ lực của bản thân. Do đó, những người này sẽ không đặt tầm quan trọng của việc trau giồi nội lực để khi gặp tình huống, họ không có đủ khôn ngoan và bình tĩnh để xử lý vấn đề một cách sáng suốt và hiệu quả nhất.


Niềm tin là cần thiết, nhưng tin vào thần linh như một đấng tối cao ban ơn giá họa thì không phù hợp tí nào. Tất nhiên trên mặt triết lý, Ấn giáo nào cũng có nhiều điểm hay và giúp cho người theo đạo thăng hoa về đạo đức và tâm linh, tuy nhiên, mức độ cảm nhận và thực hành của người theo đạo, tôn giáo ấy sẽ trở thành mê tín hay chánh tín. Với cái nhìn của Đức Phật và những người học đạo chân chánh, cầu nguyện lễ bái và tin vào quyền năng tuyệt đối của thần linh là mê tín. Ngài dạy chúng ta cần có niềm tin, nhưng đó là niềm tin vào Đức Phật, bậc toàn giác có khả năng tự phát huy nội lực của mình để chứng thành đạo quả giải thoát. Đó là niềm tin vào giáo pháp của Đức Phật, có công năng như một ngọn đuốc soi đường cho những ai noi theo gương Ngài để phát huy nội lực của mình. Đó là niềm tin vào chư đệ tử của Ngài, những người có thể trực tiếp hướng dẫn chúng ta đi trên con đường Ngài và chư Phật quá khứ đã đi qua. Đó là niềm tin vào chính khả năng mình có thể nỗ lực, tiến hóa và hoàn thiện mình nếu mình biết phát huy nội lực đúng cách và liên tục. So với niềm tin vào thân linh của Ấn giáo, tôi thấy mình quá nhiều phước duyên khi gặp được giáo lý Đức Phật dạy mình cần có niềm tin vào chính mình. Tôi càng vững tin hơn vào giáo pháp của Ngài và tự nhắc mình phát huy khả năng và hoàn thiện bản thân nhiều hơn để đáp lại thâm ân tôi đã may mắn gặp được nguồn chánh pháp trong đời này.

Sunday, August 3, 2008

Nhật ký viết muộn của cháu tôi...



Kết thúc năm học lớp 5, con bé cháu tôi, một trong những học sinh xuất sắc của lớp, được chọn đi tham quan cùng với bạn bè và thầy cô giáo trong trường. Tối về, Bé on-line kể chuyện tôi nghe, trông hào hứng và đầy sinh khí...Thế là tôi bảo Bé viết lại những gì mình cảm xúc hoặc kể lại chuyến đi của mình bằng cách đặt bút viết ra. Thế là con bé đồng ý, nhưng rồi không thực hiện vì 'bận'...chơi! Con Bé nói chỉ có Hè mới không phải học nhiều (dù vẫn phải học) nên tranh thủ bận...chơi. Nếu bài cô giáo 'bắt' làm thì phải làm ngay, còn bài 'tự do' thế này, xin khất lại, vì con lo giải bài tập học Hè! Thế là mãi đến nay, tôi nhắc lại, nó mới ngồi lại 15 phút để ngoáy vội vàng mấy chữ gọi là 'hồi ký'. Tôi muốn tập cho cháu co thói quen ghi lai cảm xúc hay viết gì đó từ những việc nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của mình, nhưng kể ra không dễ tí nào! Một học sinh xuất sắc mà học nhiều quá cũng...nhàm chán học vậy sao, tôi tự nghĩ. Áp lực học hành ở trường đã choán hết thời gian rồi và lấy đi cảm hứng tự nhiên của đứa trẻ mất.

Trong vòng 15 phút, con bé ngoáy được một đoạn văn có ý khá hay với nhiều câu tả cảnh sinh động, so sánh cụ thể mà sinh động cũng như diễn tả cảm xúc rất chân thật, cấu trúc đoạn và câu mạch lạc. Viết được như thế thì đâu phải là tệ, ấy thế mà không có hứng thú viết những gì nếu đó không phải là...bài cô giáo cho! có đáng lo không nếu trẻ em thiếu hứng thú trong học tập?

Friday, August 1, 2008

Thực trạng đạo đức học sinh sinh viên

Hơn bao giờ hết, giáo dục đạo đức cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm nhiều hơn, vì lợi ích của bản thân con em mình và của xã hội. Khi vấn đề suy thoái đạo đức biểu hiện ngày càng nhiều và mức độ ngày càng trầm trọng hơn ở gia đình,trường học và nơi công cộng, mối nguy hiểm có thể không lường được nếu cả một thế hệ đang "đổ dốc" như vậy. Khi đời sống kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, càng lao đến phía trước với tốc độ chóng mặt, khi thế giới ngày càng phẳng hơn và không gian địa lý thu hẹp hơn với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, nhất là qua hệ thống liên mạng toàn cầu, đạo đức và truyền thống văn hóa cần phải cắm sâu hơn trong tâm thức và cách sống để không phải chao đảo, mất thăng bằng trên đường vươn mình ra biển lớn.



Bài viết sau của Phúc Điền phản ánh thực tại này:


Thực trạng đạo đức HSSV: Đáng ngại từ mầm non đến ĐH!

Học sinh (HS) mầm non biết chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi “nhạy cảm” quan hệ nam nữ trong phim ảnh. HS tiểu học xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp. HS trung học vô lễ với thầy cô, sửa điểm trong sổ liên lạc, đánh nhau xé áo quần. Sinh viên (SV) mua điểm, sao chép luận văn, đồ án…
Thực trạng đạo đức HS-SV một lần nữa được xới lên tại hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức HS-SV do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 18 và 19-7 tại Đồng Nai.
Những câu chuyện từ hội thảo lần này không dừng lại ở chuyện dạy và học đạo đức trong nhà trường, mà là những biểu hiện đáng lo ngại trong lối sống của cả một thế hệ thanh thiếu niên.
GS-TS Vũ Dũng, viện trưởng Viện Tâm lý học, cho rằng việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức hiện nay dã đến mức đáng lo ngại với những hành vi vi phạm bạo lực trong nhà trường, đe dọa hành hung thầy cô giáo, quay cóp bài, mua điểm, cờ bạc, nghiện rượu… Ngoài ra, thanh thiếu niên còn có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ…
36% SV từng đi mua hoặc xin điểm
TS Phạm Thị Kim Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dẫn ra kết quả một cuộc điều tra, khảo sát của thanh tra Bộ GD- ĐT với 1.827 SV tại 12 cơ sở giáo dục cho thấy: 89% SV từng sử dụng tài liệu trong phòng thi, 85% từng quay cóp, 42% sao chép luận văn, đồ án, 36% từng xin hoặc mua điểm…
Một dẫn chứng khác từ kết quả khảo sát hành vi đạo đức của HS các trường THPT huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho thấy: số HS có các hành vi trốn học, gian lận thi cử, đánh nhau, uống rượu bia, trộm cắp vặt, xin đểu, vô lễ với thầy cô... ở huyện này cứ năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng đánh nhau ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có dùng cả hung khí (dao, kiếm, côn).
Th.S Tống Thị Hồng, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai, nêu lên một thực tế tìm hiểu từ 140 trường ở Đồng Nai cho thấy: ở bậc mầm non, một số HS có những hành vi chửi thề, nói tục, bắt chước các hành vi quan hệ nam nữ trong phim ảnh (chưa ý thức). HS tiểu học không chào hỏi người lớn, nối dối, xé bài vở trước mặt thầy cô khi bị điểm thấp, chạy xe lạng lách ngoài đường. HS THCS vô lễ với giáo viên (GV), sửa điểm trong sổ liên lạc, mạo chữ ký cha mẹ xin nghỉ học đi chơi…
Ở đâu hình mẫu lý tưởng cho tuổi học trò?
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng những phẩm chất xấu ở HS-SV là kết quả sự giáo dục yếu kém ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, không chú ý đến hành vi ứng xử thực tế. Chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS.
Còn theo TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình giáo dục đạo đức xuyên suốt từ giáo dục lễ giáo bậc mầm non, đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học, có đầy đủ tất cả những bài học về các giá trị đạo đức. Nhưng hệ thống lại không thấy rõ phẩm chất nào là trọng tâm, chỗ nào cần nhấn mạnh… Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng GV hiện chỉ lo truyền thụ kiến thức, HS toàn điểm 9,10 nhưng quan hệ thầy trò nhợt nhạt. Về nhà, cha mẹ bận lo công việc, trẻ không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.
TS Phạm Thị Kim Anh cho rằng lứa tuổi học trò là tuổi ước mơ và sống vì lý tưởng. Nhưng hiện nay, họ không có một mẫu người lý tưởng. Chính vì thế, những mối tình sét đánh, những nhân vật ăn chơi sành điệu, những sát thủ tàn bạo... trên phim ảnh đã thành thần tượng của biết bao cô cậu học trò.
Giáo dục đạo đức: đừng cao xa
Phương pháp giáo dục đạo đức theo kiểu “tầm chương trích cú” không còn phù hợp, cần phải đưa HS-SV vào các xử lý tình huống thực tế. Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đặt vấn đề cần thay đổi cách đánh giá HS thay cách đánh giá đơn thuần bằng điểm số. Bộ GD-ĐT nên có qui định khi đánh giá HS hàng năm, GV phải ghi rõ những mặt mạnh, yếu, mặt nào cần rèn luyện, những biểu hiện sai lệch để HS cố gắng trong năm sau. Với HS THPT cần đưa ra những tiêu chí định hướng cho HS rèn luyện cũng như những điều cần nhận xét như: năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, sở trường, cá tính, ý thức tập thể, chuyên cần, thái độ với mọi người…
Th.S Phạm Thị Hòa, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, kiến nghị: chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông cần phải có những thay đổi quyết liệt hơn nữa. Cần dạy cho HS những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống đúng đắn.
PHÚC ĐIỀN