Sunday, July 13, 2008

NGƯỜI TRÍ THỨC



Cuối tuần, lướt web đọc tin, thấy GS Tuấn, trên blog http://tuanvannguyen.blogspot.com/ có định nghĩa về người trí thức thật đơn giản và chuẩn xác rằng “người trí thức là người sáng tạo ra tri thức mới”. Thấy tâm đắc, tiện tay tôi gõ tiếp vài dòng.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho là những người có bằng cấp cao là người trí thức. Quan niệm như vậy coi ra chưa thật chính xác. Thật ra, theo định nghĩa của GS Tuấn trên, người có bằng cấp hay học vị chưa hẳn là người trí thức nếu người ấy chưa sáng tạo ra tri thức mới. Ngược lại, những người, dù chưa từng qua huấn luyện đào tạo trường lớp khoa bảng nào cả, nhưng sáng tạo ra tri thức mới, có thể coi đó là ‘người trí thức’. Sở dĩ xã hội thường đồng hóa ‘người có bằng cấp’ với ‘người trí thức’ vì trong khóa đào tạo cho người làm công tác nghiên cứu, người học được hướng dẫn phương pháp tiếp cận và khám phá tri thức mới một cách bài bản nhất và người học đòi hỏi phải biết áp dụng lý thuyết đã học và thực tế để tìm ra cái mới. Một nghiên cứu sinh đúng nghĩa phải là người có năng lực, sáng tạo ra tri thức mới để đóng góp trong lãnh vực nghiên cứu và ứng dụng. Vì lẽ đó, người học trên đại học thường có cái ‘danh’ là ‘người trí thức’ theo cách hiểu thông thường.

‘Sáng tạo’ là cống hiến một tri thức mới góp phần làm phong phú kho tàng tri thức nhân loại mà có thể suốt một đời mình không ngừng sử dụng. Đặt ra một khái niệm mới hoặc đem lại một ứng dụng mới cho các khái niệm cũ cũng có thể cho là sáng tạo. Chính sáng tạo mà con người luôn có đam mê trong nghiên cứu và học hỏi trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống. Khám phá ra cái mới tạo nên sự phấn khích cho người làm công tác nghiên cứu để họ cảm thấy công sức họ bỏ ra không uống phí mà được đáp đền xứng đáng. Có góc nhìn mới đối một vấn đề tưởng chừng ‘xưa như trái đất’ có thể đem lại điều thú vị và bổ ích cho bản thân người đó và cho mọi người. Sáng tạo ra tri thức mới đem lại niềm vui và động cơ cho người học và nghiên cứu càng nỗ lực nhiều hơn và chỉ có bản thân người ‘khám phá’ mới hiểu đầy đủ nhất điều này có giá trị và ý nghĩa như thế nào. Về mặt chủ quan, người học và nghiên cứu tự đáng giá mình qua tri thức sáng tạo của bản thân mình hơn là chờ đợi khi hoàn thành khóa học, sự nỗ lực của mình được người khác công nhận qua tấm văn bằng.

Bằng cấp chỉ là một sự ghi nhận khách quan quá trình nỗ lực của một cá nhân nào đó trong một giai đoạn nhất định mà kết quả là tốt nghiệp khóa học hay hoàn thành một công trình nghiên cứu. Cầm văn bằng trên tay, người sở hữu nó có ‘nghiễm nhiên’ trở thành người trí thức không? Chưa hẳn!nếu không có một sáng tạo tri thức nào trong công trình nghiên cứu ấy, dù có cái ‘danh’ là bằng này cấp nọ, cái ‘thực’ của một người trí thức hãy còn xa lắm. Nếu chỉ biết tiếp cận tài liệu, xào qua, nấu lại, lắp tới, ghép lui những cái người ta đã tìm ra và thiên hạ dùng đã cũ mèm mà cho là ‘sản phẩm nghiên cứu’ của mình thì kẹt quá.

Cách đây vài hôm, qua trao đổi với một người bạn đang làm nghiên cứu, tôi hiểu thêm về mối liên hệ giữa tri thức và người trí thức. Cô bạn chia sẻ, giáo sự hướng dẫn cô nói rằng, là một nghiên cứu sinh phải làm được ba điều. Thứ nhất: sáng tạo ra tri thức mới, tìm ra những điều chưa từng được công bố trong lãnh vực mình nghiên cứu. Thứ hai: biết nhìn ở góc độ riêng của mình và có sự đánh giá mới mẻ về một vấn đề cũ vốn đã được nhiều người nghiên cứu rồi. Cuối cùng, biết tiếp cận, khai thác và xử lý hiệu quả nguồn tài liệu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình. Chưa làm được ba điều này, khoan hãy nghĩ đến chuyện hoàn thành khóa học, có được văn bằng học vị và đứng vào hàng ngũ trí thức.

Người trí thức thực sự là người được đào tạo khoa bảng và có năng lực xứng tầm với học vị và văn bằng họ có được. Những người có năng lực, có khả năng sáng tạo ra tri thức mới sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội. Những đóng góp về mặt tri thức của họ qua công trình nghiên cứu đã hoàn thành là điều hiển nhiên rồi. Cái quý giá hơn và lợi ích lâu dài bền vững hơn là khả năng tư duy, cảm nhận tinh tế và năng lực khám phá tri thức mới tiềm tàng của những người trí thức được hiển lộ dần qua quá trình xúc sự trong cuộc sống, qua yêu cầu của công việc và tính chất vấn đề cần xử lý. Trong khóa học, họ đã được đào tạo để có được phương pháp khám phá tri thức hiệu quả nhất. Điều đáng trân trọng ở người trí thức là phương pháp và khả năng khám phá chứ không chỉ công trình nghiên cứu, lại càng không phải văn bằng học vị dẫu rằng văn bằng có giá trị về mặt pháp lý.

Trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, chúng ta hãy học tập cách nhìn nhận vấn đề, phương pháp tiếp cận và khám phá cuộc sống của người trí thức. Tuy chưa và có thể không bao giờ mình trở thành người trí thức, nhưng biết đi theo con đường họ đi qua, ắt mình cũng có được niềm vui và đam mê trong học tập và khám phá cái mới, dù chỉ là nho nhỏ, trong cuộc sống không ngừng trôi này.