Sunday, July 6, 2008

Ở TUỔI 18, CON CÁI NGHĨ GÌ KHI HÀNH ĐỘNG?


Đợt thi đại học đầu tiên năm 2008 (ngày 4 và 5 tháng 7) vừa khép lại, các 'sĩ tử' tiếp tục chuẩn bị cho các kỳ thi tiếp. Hầu hết thí sinh nào cũng dự thi ít nhất hai trường để tận dụng cơ hội bước vào cánh cửa đại học để rồi tự xác định hướng đi cho mình. Mọi nỗ lực của con cái nhằm thể hiện cái gọi là 'biết ơn cha mẹ' qua cách làm 'đẹp mặt gia đình' theo truyền thống văn hóa Á Đông của người Việt. Có em tận dụng dự thi thêm vào trường cao đẳng để xác định con đường 'bước ra khỏi nhà' hòa nhập vào môi trường xã hội ở lứa tuổi 18.


Ở tuổi 18, bao đứa con ngoan làm vui lòng cha mẹ bằng kết quả học tập của mình, bằng đức hạnh bản thân, bằng tinh thần vượt khó, bằng chia sẻ khó khăn của gia đình; nói chung, bằng cả tấm lòng của một người con. Ấy thế, đây đó vẫn còn nhiều đứa con, ở tuổi 18, làm đau lòng cha mẹ và sỉ nhục gia đình một cách đáng tiếc.


Đọc câu chuyện một bà mẹ gác lại công việc làm ăn, đưa con gái từ Gia Lai lên Đà Lạt thi từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7, và rồi con bà 'mất tích' trước cổng trường thi, lòng tôi nặng trĩu. Câu chuyện thế này.


Lúc 5h30 sáng ngày 4/7 bà đưa con đến điểm thi, nhưng tới cổng trường thì cô con gái bà kêu đau bụng, bảo mẹ về nhà trọ lấy dầu gió và thuốc. Khi trở lại, người mẹ không thấy con gái nữa. Bà nghĩ con đã vào thi nên đi về nhà trọ. Trưa, không thấy con về, bà nghĩ là cô ở lại để chiều thi tiếp. Đến tối, bà chạy tới ĐH Đà Lạt tìm nhưng không thấy con. Sau khi kiểm tra, một cán bộ trong Hội đồng thi của cho biết con bà không dự thi ngày 4/7. Lúc này bà mới đi trình báo công an phường.


Ngày sau (ngày 5 tháng 7), sau khi tìm kiếm và kiểm tra thông tin, người ta được biết cô gái này đã bỏ thi để đi với bạn trai.


Đọc mẩu tin này mà tôi thấy nhói lòng, thương cho người mẹ quá và giận đứa con gái vô ơn và dối trá. Nó đối xử tệ bạc ngay đến mẹ mình, người mang nặng đẻ đau, ẵm bồng chăm chút từ tấm bé. Đến 18 tuổi đầu, người mẹ tội nghiệp ấy còn đưa con đi thi và theo con đến tận trường thi. Thế mà đứa con vô nghì ấy còn có thể dối gạt mẹ nó. Vậy ai trên đời này nó có thể sống tốt đây?! Tôi hình dung ra hình ảnh người mẹ tất tưởi chạy về nhà trọ lấy thuốc và dầu gió khi nghe con đau bụng ngay trước giờ thi, rồi một ngày dài chờ đợi, trông mong khi nghĩ con đang ở phòng thi, vắt óc để làm bài. Rồi người mẹ ấy hoảng hốt, thất thần khi đến trường tìm con mà không thấy... Ôi! tấm lòng người mẹ và sự vô ơn của đứa con...



Có những đứa con thiếu nghĩ thường hành động ngu xuẩn làm cho cha mẹ quằn quại trong khổ đau, còn nó thì luôn đòi hỏi 'nước chảy xuống'. Có những đứa con ỷ lại là dù mình thế nào đi nữa, cha mẹ cũng chấp nhận mình vì tình thương của cha mẹ là 'cho đi không đòi lại bao giờ'. Chúng nào có biết rằng, 'nước chảy xuống' đấy, nhưng khổ quá rồi thì nước mắt cũng chảy xuống sau khi đã quá nhiều lần nén cho nước mắt chảy vào trong. Nhiều đứa trẻ, đến tuổi 18 rồi đó, đã viết nên trang sử đời mình quá nhiều vết nhơ với những chiến tích hễ nhắc đến ai cũng phải rùng người. Những cái tạm gọi là 'được' cũng chỉ vài nét chấm phá đơn điệu trên cái nền dày đặc những lỗi lầm, mỏi mắt dõi tìm may ra mới thấy. Thật ngao ngán! Rồi đây, cuộc đời những con người ấy rồi sẽ ra sao? họ có suy nghĩ gì về bản thân và cha mẹ họ? họ sẽ làm gì khi mang thân phận một kiếp người?