Monday, June 30, 2008
TÌNH CẢM GIA ĐÌNH – TÀI SẢN VÔ GIÁ
Sunday, June 29, 2008
BẰNG KHEN
Đầu tháng này, học sinh bắt đầu nghỉ hè sau một năm “miệt mài cày và tụng kinh không gõ mõ”, nói theo cách nói của đứa cháu tôi. Gặp tôi, nó nhảy cẫng lên khoe là được “giải thoát, ít nhất một tháng và tha hồ về Nội chơi với bạn bè, bơi ở con kênh quê quen thuộc có dòng nước xanh mát quanh năm, không chán như học thuộc bài trong sách giáo khoa.” Con bé nói chuyện coi bộ cũng có khiếu văn và hài hước ra phết. Khi tôi hỏi đến kết quả học tập cuối năm, cháu tôi nói “được học sinh giỏi Cô à” rồi cháu rút tấm giấy khen trong kệ học tập miễn cưỡng đưa tôi, không tìm đâu ra một dấu hiệu vui mừng trên nét mặt cô bé. Tôi hỏi “học sinh giỏi mà con không vui sao?” Bé nói “bạn bè con đều như vậy cả” rồi cất tấm giấy khen vào lại vị trí cũ. Nó sẽ nằm đấy, lạnh lẽo và buồn tẻ, không biết khi nào cháu tôi mới chạm vào nó nữa. Trời đất ạ, cách cháu tôi cất giữ tấm bằng khen không bằng tôi cất giữ bài kiểm tra một tiết thời còn đi học nữa.
Tôi nhớ hồi đó, một bài kiểm tra được điểm cao kèm theo lời phê của Cô giáo là “có ý tưởng sâu sắc, cách hành văn mạch lạc…” đủ để tôi sung sướng đến nhiều tiếng đồng hồ và coi đi coi lại mấy lần trước khi cất cẩn thận vào tập đựng bài kiểm tra. Lâu lâu lại lấy ra coi lại, chiêm nghiệm với thành quả học tập của mình. Điều này là động cơ để tôi nỗ lực nhiều hơn trong học tập. Tôi còn nhớ, cuối năm lớp Một, lần đầu tiên trong đời tôi nhận phần thưởng và tấm giấy khen chứng nhận học sinh giỏi. Thú thật, đêm đó tôi sung sướng đến không ngủ được. Mất ngủ đối với một con bé 7 tuổi bà con ạ…đủ để thấy tôi sung sướng dường nào. Ngày hôm sau, tôi hì hục dán tấm bằng khen lên tường ở góc học tập của mình. Mỗi lần nhìn mảnh giấy khen, mỗi lần thêm nghị lực và có niềm vui trong học tập.
Còn cháu tôi? Cũng bằng khen loại giỏi như tôi thuở đó, mà sao cháu hờ hững quá, không có cái cảm xúc ngập tràn sung sướng như tôi thời ấy. Tôi nghĩ rằng, cách dạy cách học hiện nay không hề có chức năng làm chất xúc tác thúc đẩy người học nỗ lực vươn lên. Có lẽ hồi đó tôi là một trong hai học sinh đạt loại giỏi trong lớp nên tôi có cảm giác vui hơn so với cháu tôi khi nó cảm thấy “bạn bè con đều như vậy cả.” Tôi thiết nghĩ điểm số và khen thưởng không chỉ để đánh giá kết quả học của các em mà còn nên là động cơ thúc đẩy các em nỗ lực vươn lên. Cạnh tranh lành mạnh vốn vẫn được khuyến khích nhằm tạo môi trường cho các em so sánh mình với bạn bè để vươn lên đó chứ. Một khi hầu hết các bạn trong lớp đều đạt học sinh giỏi thì danh hiệu ấy chẳng có ý nghĩa gì nhiều với người đat được. Có lẽ vì thế nên cháu tôi thản nhiên, không tỏ ý vui mừng gì khi cầm trên tay bảng giấy khen này.
Chao ôi, cháu tôi mới học lớp 4 thôi đã thấy việc học là ‘cày’ và là ‘tụng kinh không gõ mõ’ nghe sao mà thê lương quá! Không ai chối cãi truyền thống Việt Nam mình là học thuộc lòng. Thế nhưng, hiện nay, chương trình cải cách, sách giáo khoa cải cách rồi mà. Hàng tỷ đồng tiền của dân của nước đổ vào đó với hy vọng xây dựng một chương trình học trên nền tảng người học kiến lập tri thức cho bản thân dưới sự hỗ trợ và tổ chức của giáo viên, mà sao vẫn phải ‘cày’, phải ‘tụng kinh’ khổ sở thế này? Sách cải cách đó, chương trình mới đây, nhưng than ôi người có trách nhiệm vẫn ‘cũ’ thì mong gì có bước chuyển mình ‘mới’? Thầy cô giáo tiếp tục sử dụng phương pháp dạy cổ điển rót kiến thức vào đầu học trò thì đâu cũng vào đó thôi. Thêm vào đó, với sự hỗ trợ của hệ thống internet liên thông toàn cầu, con người khắp hành tinh có một kho tư liệu khổng lồ và từ đó, có thể hội tụ, trao đổi thông tin một cách dễ dàng, học thuộc lòng chỉ nên trả về cho quá khứ.
Hồi trước, kết quả học tập còn truyền cảm hứng cho người học để cố gắng hơn trong học tập, ngày nay, bọn trẻ thờ ơ, thản nhiên với những con số 9, 10 và hờ hững với tấm bằng khen ‘giỏi’ mà chúng đạt được. Hè về, cháu tôi mừng vì được ‘giải thoát’ khỏi áp lực sách vở ít nhất là một tháng để về quê Nội chơi đùa với chúng bạn, tắm suối làng kênh quê bốn mùa tươi mát chứ không khô khan như những con số không biết nói và những bài thuộc lòng nằm yên trong sách giáo khoa…Một đứa bé 10 tuổi có nhận xét vậy về hệ thống giáo dục của mình như thế thì người lớn chúng ta nên suy nghĩ thế nào đây?
Có thể nói không quá rằng, nền giáo dục của chúng ta, so với thế giới thì quá tụt hậu rồi mà so với chính mình cùng lạc hậu hơn giai đoạn trước. Thời ấy, tôi còn biết vui mừng với tấm giấy khen ‘học sinh giỏi’ để rồi nỗ lực học tốt hơn trong khi cháu tôi tỏ thái độ thờ ơ, thản nhiên và hờ hững với tấm giấy khen ‘học sinh giỏi’. Hiện tượng khen thưởng ồ ạt do hiệu ứng của 'bệnh thành tích' hẳn không đủ sức lửa để truyền cho học sinh một niềm đam mê trong học tập. Đây chính là nỗi đau cho những ai quan tâm đến nền giáo dục hiện tại của Việt Nam.
NGÀY CHỦ NHẬT
Chim ríu rít, líu lo...dường như chúng nó cũng đang có 'hội thảo' gì thì phải. Chúng chỉ 'trao đổi' hài hòa với giọng lảnh lót, chứ không gây lộn om sòm như mỗi sớm tinh sương thường ngày. Tiếc một nỗi, chúng ẩn mình sau tàng cây neem tỏa rộng nên không thể nhìn thấy, chỉ có nghe thôi.
Lá cây cũng biết thi nhau làm duyên trước ống kính...
Hoa lá thản nhiên trong nắng Hè.
Cái nắng của mùa Hè không làm giảm vẻ đẹp của thiên nhiên!
Saturday, June 28, 2008
Bill Gates
Bill Gates last day:
Friday, June 27, 2008
SILK ROAD
Silk road 02: Thousand Kilometers Beyond The Yellow River
Silk road 03: The Art Gallery in the Desert
Silk road 04 : The Dark Castle
Silk road 05: In Search of the Kingdom of Lou-Lan
Silk road 06: Across The Taklamakan Desert
Silk road 07: Khotan-Oasis of Silk and Jade
Silk road 08: A Heat Wave Called Turfan
Silk road 09: Through the Tian Shan Mountains by Rail
Silk road 10: Journey Into Music:South Through the Tian Shan Mo
Silk road 11: Where Horses Fly Like the Wind
Silk road 12: Two Roads to the Pamirs
Wednesday, June 25, 2008
NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (BÀI 4)
Tôi tin rằng, cuối cùng vấn đề về phương pháp giáo dục quy vào thứ tự phát triển về năng lực và sở thích của đứa trẻ. Khả năng nắm được quy luật trình bày và xử lý tài liệu học tập tiềm ẩn trong bản chất của đứa trẻ. Vì lẽ đó, những lời phát biểu sau đây của tôi vô cùng quan trọng để xác định tinh thần của một nền giáo cần được thực hiện:
Tôi tin rằng trong quá trình phát triển bản chất của đứa trẻ, năng động quan trọng hơn thụ động; sự bộc lộ đến trước, cảm nhận có ý thức đến sau; cơ bắp phát triển trước các giác quan; có các hoạt động đi đứng rồi mới có cảm giác có ý thức. Tôi tin rằng, ý thức, căn bản là sự vận động hay bản năng. Tôi cũng tin rằng, các trạng thái ý thức có khuynh hướng có mặt trong mọi hành động.
Tôi tin rằng nếu bỏ qua nguyên tắc này, chúng ta sẽ bỏ phí một phần lớn thời gian và công sức trong việc tổ chức học tập ở trường. Nếu không có nguyên tắc nền tảng này, đứa trẻ sẽ bị biến thành người học thụ động, học với thái độ chỉ biết tiếp nhận một chiều. Những cách học như vậy không cho phép bản chất của đứa trẻ phát huy để khám phá quy luật. Điều này đưa đến kết quả là năng lực của đứa trẻ bị hao mòn và phí phạm.
Tôi tin rằng những ý tưởng (quá trình tư duy và lý luận) cũng là kết quả của hành động và chuyển giao để thực hiện mục đích là kiểm soát hành động tốt hơn. Cái mà chúng ta gọi là lý trí chính là thuận theo quy luật một cách có trật tự hoặc hành động có hiệu quả. Để phát triển khả năng lý luận, năng lực phán đoán khi xử lý một vấn đề mà không cần đến sự chọn lọc và sắp xếp thông qua hành động là một sai lầm trong phương pháp học tập mà chúng ta đang áp dụng. Thế là chúng ta tùy tiện trao cho đứa trẻ những biểu tượng trên cơ sở ý niệm độc đoán của mình. Biểu tượng là cần thiết để có phát triển tri thức, nhưng chúng chỉ có tác dụng như là công cụ để tiết kiệm sinh lực. Tự bản thân chúng chỉ là một mớ vô nghĩa và những ý niệm độc đoán do sự áp đặt từ bên ngoài.
Tôi tin rằng hình ảnh là công cụ rất hiệu quả trong công tác giảng dạy. Những gì còn lưu lại nơi đứa trẻ sau khi học một môn nào đó chính là những hình ảnh đứa trẻ hình thành được qua những gì đã học.
Tôi tin rằng, nếu sử dụng chín phần mười năng lượng hiện tại mà chúng ta đang dốc vào để bắt đứa trẻ học những điều gì đó nhằm hướng dẫn đứa trẻ tự xây dựng những hình ảnh thích hợp thì công việc giảng dạy sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.
Hiện nay, chúng ta dồn quá nhiều thời gian và sự quan tâm vào vấn đề chuẩn bị và trình bày bài giảng. Tôi tin rằng , thay vì làm như vậy, chúng ta hãy chú tâm đến việc rèn luyện cho đứa trẻ khả năng tưởng tượng và qua đó, đứa trẻ không ngừng hình thành và phát triển cho mình những hình ảnh chuẩn xác và sống động về các môn học qua kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân. Đây hẳn là cách làm khôn ngoan hơn và công việc sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Tôi tin rằng, sở thích là những dấu hiệu cho thấy năng lực đang lớn mạnh. Tôi tin rằng đó là những tiềm năng bắt đầu khởi sắc. Theo dõi, quan sát thường xuyên và thận trọng những sở thích là việc vô cùng quan trọng của một nhà giáo dục.
Tôi tin rằng, sở thích của đứa trẻ là biểu hiện dự báo mức độ phát triển của chúng. Một khi chúng ta quan sát và theo dõi những sở thích này, chúng ta hiểu được đứa trẻ có khả năng phát triển đến đâu. Tôi tin rằng, trên cơ sở này, chúng ta có thể tiên đoán được giai đoạn phát triển tiếp theo của đứa trẻ.
Tôi tin rằng, chỉ khi nào quan sát sở thích của đứa trẻ liên tục trong sự đồng cảm, người lớn mới có thể thâm nhập vào đời sống trẻ thơ và hiểu được đứa trẻ sẵn sàng học những gì và tài liệu giảng dạy nào sẽ đáp ứng được sự đón chờ của đứa trẻ để quá trình học đem lại hiệu quả nhiều nhất.
Tôi tin rằng không nên chìu theo cũng không nên kềm chế những sở thích. Nếu chúng ta kềm chế sở thích, chúng ta đã biến một đứa trẻ thành người lớn mất rồi. Như vậy, chúng ta đã hạn chế sự phát triển trí tuệ, đam mê và nhạy bén, kìm hãm sự sáng tạo và giết chết sở thích. Chìu theo sở thích là chúng ta đã thay thế cái tạm thời bằng cái thường hằng bất biến. Sở thích luôn là một dấu hiệu chứa đựng năng lực tiềm ẩn, điều quan trọng là hãy khám phá năng lực ấy. Nếu chìu theo sở thích thì không thể nào thâm nhập sâu hơn để khám phá những gì nằm dưới lớp bề mặt của biểu hiện ấy. Kết quả là sở thích đam mê chân thật phải nhường lối cho tính thất thường và ngẫu hứng.
Tôi tin rằng, tình cảm là phản ứng của hành động. Tôi cũng tin rằng, cố gắng đánh động hay khơi dậy những cảm xúc không tương ứng với hoạt động là thể hiện của một tinh thần yếu đuối và bệnh hoạn.
Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể giữ lại những thói quen về hành động và ý tưởng gắn liền với các phạm trù chân-thiện-mỹ, cảm xúc, tự nó sẽ thăng hoa.
Tôi tin rằng, bên cạnh sự thiếu sinh khí và tẻ nhạt, hình thức và sáo mòn, không có điều gì xấu ác đe dọa nền giáo dục của chúng ta bằng chủ nghĩa đa cảm. Tôi tin rằng, chính chủ nghĩa đa cảm này là hậu quả tất yếu của sự nỗ lực tách rời cảm xúc ra khỏi hành động.
Bài 5: Nhà trường và tiến bộ xã hội (sẽ post tiếp)
Saturday, June 21, 2008
VIẾT TRÊN CÁT - VIẾT TRÊN ĐÁ
Họ lại đi tiếp và đến được một ốc đảo với hồ nước lớn, người bạn lúc trước bị đánh vì vội vàng uống nước và tắm rửa nên bị trượt chân ngã và đang chìm dần. Người bạn kia vội nhảy xuống và cứu anh ta lên. Khi mọi sự đã qua đi anh ta liền khắc một dòng chữ lên một phiến đá: HÔM NAY NGƯỜI BẠN THÂN NHẤT ĐÃ CỨU TÔI.
Người bạn kia thật sự ngạc nhiên và hỏi anh ta: Tại sao khi tớ đánh cậu, cậu viết lên cát, còn bây giờ cậu lại khắc lên phiến đá. Người bạn kia mỉm cười và nói: "Khi một người bạn làm ta đau, hãy viết lên cát để ngọn gió của sự tha thứ thổi qua mang nó đi cùng, còn khi một người bạn mang điều tốt lành đến với ta, ta hãy khắc nó lên đá như khắc thành kỷ niệm trong tim vậy, không cơn gió nào có thể thổi qua và xoá đi được."
HÃY TẬP GHI TRÊN CÁT NHỮNG KHI MÌNH BỊ TỔN THƯƠNG VÀ HÃY TẠC TRÊN ĐÁ NHỮNG LÚC MÌNH MANG ƠN.
Người ta nói rằng cần một phút để xem ai là người đặc biệt; một giờ để quý mến; một ngày để yêu thương nhưng hết một đời đâu dễ đã quên.
Hãy gởi những dòng này đến những người bạn không thể nào quên. Dòng tin nhắn nhỏ này là lời nhắc cho họ nhớ rằng bạn sẽ không bao giờ quên họ. Đừng quý NHỮNG GÌ bạn có được mà hãy trân quý NHỮNG NGƯỜI bạn may mắn có được trong cuộc đời. Nếu chúng ta đủ kiên nhẫn để chế ngự một niệm sân hận, chúng ta có thể tránh được chuỗi ngày dài lê thê trong sầu khổ.
A story tells that two friends were walking through the desert. During some point of the journey they had an argument, and one friend slapped the other one in the face. The one who got slapped was hurt, but without saying anything, wrote in the sand:TODAY MY BEST FRIEND SLAPPED ME IN THE FACE.
They kept on walking until they found an oasis, where they decided to take a bath. The one who had been slapped got stuck in the mire and started drowning, but the friend saved him. After he recovered from the near drowning, he wrote on a stone: TODAY MY BEST FRIEND SAVED MY LIFE.
The friend who had slapped and saved his best friend asked him, "After I hurt you, you wrote in the sand and now, you write on a stone,why?" The other friend replied "When someone hurts us we should write it down in sand where winds of forgiveness can erase it away. But, when someone does something good for us, we must engrave it in stone where no wind can ever erase it.
LEARN TO WRITE YOUR HURTS IN THE SAND AND T O CARVE YOUR BENEFITS IN STONE.
They say it takes a minute to find a special person, an hour to appreciate them, a day to love them, but then an entire life to forget them.Send this phrase to the people you'll never forget. It's a short message to let them know that you'll never forget them.
Do not value the THINGS you have in your life. But value WHO you have in your life! "If you are patient in one moment of anger; You will escape hundred days of sorrow."
Wednesday, June 11, 2008
THIÊN NHIÊN
Gió vờn lá rối, cành xào xạc nhạc trời nhẹ trổi rồi gió cũng nói lời tạm biệt trong chốc lát.
Đêm về, trăng vàng buông thõng những sợi tơ trời mong manh giăng lối, rồi trăng cũng bỏ trời không mà lặng lẽ đi rong,
Mưa lại về ,đem tâm sự tỉ tê ngàn đời kể cho đất và cây rồi cũng lại ra đi.
Nắng rực sáng thắp đèn khắp chốn, nhưng nắng nào có ở lại trọn ngày suốt bốn mùa đâu!
Chỉ có thời gian, không làm gì cả, thế mà lúc nào cũng quấn quít với không gian...
Sunday, June 1, 2008
NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (Bài 3)
Bài 3: CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
Dịch từ THE SUBJECT-MATTER OF EDUCATION của John Dewey, đăng trên School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80
Tôi tin rằng đời sống xã hội của đứa trẻ là nền tảng cho, hoặc liên quan mật thiết đến, toàn bộ quá trình đào tạo và phát triển. Đời sống xã hội đưa đến sự hài hòa vô thức và nền tảng cho tất cả những nỗ lực và thành tựu của bản thân đứa trẻ.
Tôi tin rằng chương trình đào tạo ở trường tạo nên sự khác biệt với sự hài hòa nguyên sơ vô thức của đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn.
Tôi tin rằng chúng ta đã xâm phạm bản chất hồn nhiên của đứa trẻ và điều này đưa những kết quả tốt đẹp nhất về luân lý đạo đức vào tình trạng khó khăn khi bắt đứa trẻ đột nhiên học một số lượng lớn các môn học như đọc, viết, địa lý, v.v chẳng có liên hệ gì đến đời sống xã hội.
Do đó, tôi tin rằng, trọng tâm đích thực liên quan đến chương trình đào tạo ở trường không phải là các môn khoa học, văn chương, lịch sử hay địa lý mà chính là các hoạt động xã hội của đứa trẻ.
Tôi tin rằng giáo dục không đồng nhất với nghiên cứu khoa học, hay cái gọi là nghiên cứu tự nhiên, vì tự nhiên không còn là một thực thể trọn vẹn nếu tách nó ra khỏi các hoạt động của con người. Tự nhiên, tự thân nó bao gồm các vật thể đa dạng tồn tại trong không gian và thời gian, nếu chúng ta cố gắng lấy nó làm trung tâm của giáo dục thì chúng ta không thể nào đưa ra một nguyên tắc tập trung mà chỉ có thể là một nguyên tắc phân tán.
Tôi tin rằng văn học dùng để diễn tả và giải thích những kinh nghiệm xã hội; do đó văn học phải đi theo sau chứ không thể đi trước các kinh nghiệm này. Vì vậy, văn học không thể là nền tảng của giáo dục dù rằng văn học có thể thâu tóm sự hợp nhất.
Tôi tin tưởng một lần nữa rằng lịch sử có giá trị giáo dục chỉ khi nào nó phản ánh các giai đoạn trong quá trình phát triển đời sống xã hội. Nó bắt buộc phải chịu sự chi phối của đời sống xã hội. Nếu tách riêng lịch sử ra, nó bị quăng trở về trong quá khứ xa xôi của dĩ vãng, nó sẽ không còn sinh động và không sử dụng được. Nếu lịch sử được coi là môn học ghi chép lại đời sống xã hội và phát triển của con người, môn học này trở nên vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi tin rằng, điều này không thể thực hiện được nếu đứa trẻ không trực tiếp thâm nhập vào cuộc sống xã hội.
Trên cơ sở này, tôi tin tưởng rằng, nền tảng của giáo dục cần được đặt trên năng lực làm việc của đứa trẻ và những yếu tố tương tự có tính kiến tạo nói chung vì chính những yếu tố này duy trì được nền văn minh.
Tôi tin rằng cách duy nhất để thực hiện được điều này là làm cho đứa trẻ ý thức được di sản xã hội nó đang thừa hưởng để nó có thể thực hiện các hoạt động nền tảng, các hoạt động có tác dụng kiến tạo một nền văn minh.
Do đó, tôi tin rằng các hoạt động có ý nghĩa và mang tính xây dựng là nền tảng trong mối tương quan này.
Tôi tin rằng cần đưa các môn học như nữ công gia chánh, cách làm vườn, v.v., vào chương trình học ở trường.
Tôi tin rằng học sinh không thể học một cách thoải mái và nhẹ nhàng các môn chuyên ngành vốn có nội dung quá tải được đưa vòa chương trình để bổ sung kiến thức cho hoàn thiện. Tôi tin rằng, tốt hơn các môn học này nên trình bày theo loại, những mô thức nền tảng của hoạt động xã hội. Một ước mơ có thể thực hiện được là đứa trẻ học các môn học chính quy trong nhà trường thông qua các hoạt động.
Tôi tin rằng nghiên cứu khoa học có ý nghĩa giáo dục khi đưa ra những thông tin và quy trình có thể áp dụng được vào trong đời sống xã hội.
Tôi tin rằng một trong những khó khăn lớn nhất trong việc dạy môn khoa học hiện nay là việc trình bày thông tin thuần túy khách quan, như thể đó là một loại kinh nghiệm mới mẻ mà đứa trẻ cần bổ sung vào vốn kinh nghiệm sẵn có của mình. Thật ra, khoa học có giá trị vì nó đưa đến khả năng giải thích và kiểm tra những kinh nghiệm trước đó. Vì vậy, khoa học cần đưa vào chương trình như là một môn học không nhằm mục đích giới thiệu các chủ đề mới, mà là để đưa ra những yếu tố liên quan đến các kinh nghiệm trước đó và có công dụng như là những công cụ để điều chỉnh kinh nghiệm một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tôi tin rằng hiện tại chúng ta mất đi qua nhiều giá trị của các môn văn học và ngôn ngữ vì chúng ta đã loại bỏ đi yếu tố xã hội trong các môn học này. Ngôn ngữ trình bày trong các cuốn sách sư phạm đơn giản là chỉ để diễn đạt tư tưởng. Thật ra ngôn ngữ vốn có chức năng là một công cụ luận lý, nhưng trước và trên hết, về căn bản, ngôn ngữ là một công cụ xã hội. Ngôn ngữ là phương tiện dùng để giao tiếp. Thông qua ngôn ngữ, một cá nhân có thể chia sẻ tư tưởng và cảm xúc của mình với những người khác. Một khi ngôn ngữ được dùng chỉ để tiếp nhận thông tin hay là một phương tiện để trình bày những gì mình đã học, nó sẽ mất đi động cơ và mục đích xã hội.
Do đó, tôi tin rằng, trong một chương trình học lý tưởng, không có một chuỗi các môn học nối đuôi nhau. Nếu giáo dục chính là cuộc sống, thì bản thân cuộc sống, ngay từ điểm khởi đầu, tự nó đã có yếu tố khoa học, yếu tố nghệ thuật và văn hóa cũng như yếu tố truyền thông giao tiếp. Vì thế, không nên quy định rạch ròi một số môn học như đọc, viết cho cấp học này và rồi lên cấp học cao hơn, lại học các môn đọc, văn học và khoa học. Sự tiến bộ không phải ở chỗ học hết môn học này đến môn học khác mà là có được những quan điểm mới mẻ, niềm đam mê sáng tạo mới và có thêm kinh nghiệm.
Cuối cùng, tôi tin rằng giáo dục phải được hiểu là một quá trình tái lập kinh nghiệm liên tục; nơi ấy, quy trình giáo dục và mục đích giáo dục phải đồng nhất là một.
Tôi tin rằng thiết lập bất kỳ một mục đích nào khác ngoài giáo dục, khi hướng đến mục tiêu và tiêu chuẩn để thành tựu mục đích này, quá trình giáo dục bị băng hoại và mất đi nhiều ý nghĩa. Điều này khiến chúng ta có khuynh hướng dựa vào các tác động giả tạo bên ngoài khi cư xử với đứa trẻ.
Bài 4: Bản chất của phương pháp giáo dục (sẽ post tiếp)