Monday, May 5, 2008

TÔI HỌC LÀM NGƯỜI

Một lần có nhà vũ kịch đến hỏi Đức Phật, những người làm nghề vũ kịch sau khi chết sẽ thác sanh về đâu. Lần đầu tiên Đức Phật từ chối không trả lời. Nhà vũ kịch gặng hỏi nữa, Đức Phật trả lời rằng hầu hết họ đều bị đoạ vào địa ngục. Nhà vũ kịch tưởng rằng làm cho mọi người vui cười, nhờ đó sau khi chết sẽ được sanh về cõi trời, nhưng thật ra ông đã lầm. (Tương ưng bộ kinh, tập iv, chương 8 [S.iv. 306])

Hãy suy nghĩ cẩn thận về vấn đề này. Làm những điều vừa lòng người khác không hẳn đã là thiện nghiệp. Trong hành vi cư xử, có nhiều cách để chúng ta làm vừa lòng người khác, nhưng điều này chưa nói lên được bản chất thiện-ác cũng như kết quả của việc mình làm. Có nhiều việc chúng ta cứ ngỡ là đang ‘giúp’ người, thật ra nó đang phản tác dụng. Những việc làm nào xuất phát từ các động cơ như thương hại, vị nể, xã giao, sợ mích lòng, sợ mất hình ảnh đẹp của mình trong mắt người khác…thường không đem lại kết quả tốt đẹp.

Về phương diện bản thân, hành động nào làm cho những ô nhiễm trong tâm tăng trưởng, tạo cho tâm một trạng thái bất an và nặng nề, đi lệch chuẩn mực đạo đức xã hội thì đó là việc làm bất thiện. Về phương diện xã hội, những hành động trợ duyên cho người khác phát khởi và tăng trưởng tâm bất thiện, mình cũng phải chia sẻ kết quả của việc ‘nối giáo cho giặc’ này. Trở lại lời kinh ở trên, người vũ kịch dựa trên những khuyết điểm nơi con người mà hư cấu nên những tình tiết giả tạo của cuộc sống để gây cười, làm thỏa mãn tâm lý con người. Thay vì mổ xẻ ung nhọt, người ấy chỉ phủ lên bề mặt khổ đau nhức nhối đó một lớp sơn để tạo ảo giác là đau khổ ấy không còn. Khổ nỗi, hầu hết con người có khuynh hướng chấp nhận cảm giác ảo để tin và sống. Một người từ chổi đi kiểm tra sức khỏe chỉ vì sợ…nhiều bệnh bị phát hiện (chứ không phải ‘được’ phát hiện để kịp thời điều trị). Che giấu khuyết điểm hay là chấp nhận khuyết điểm của mình mà không cố gắng khắc phục đều nguy hiểm như nhau nếu chúng ta thực sự muốn ‘làm mới’ trên lộ trình tự hoàn thiện mình.

Làm cho người ta vui là tốt; nói cho người ta nghe 'lọt tai' và 'êm tai' là hay; tạo cho người ta cảm giác an tâm là quý; nhưng nếu những thiện chỉ của mình vô tình hay cố ý đẩy người ấy đi xa hơn chuẩn mực đạo đức cần thiết thì trên cả những điều này là hãy giúp người ấy có một phương hướng cụ thể để hướng dẫn họ nỗ tự hoàn thiện hơn. Đừng chìu lòng nhau để sống với tâm lý ảo trong chốc lát nhằm che lấp tạm thời những khổ đau thực tế của cuộc đời. Điều này không giúp được gì cho con người trong quá trình tiến bộ vượt lên chính mình cả. Giải stress là cần thiết, nhưng chỉ dừng lại chỗ ‘mua vui' thì cũng chỉ ‘được vài trống canh’ là cùng!

Tôi mong mỏi, những người lương thiện tri thức quanh tôi, đừng chìu lòng dung dưỡng khi thấy tôi đang rớt vào trong 'vùng mù' tội lỗi vì tôi đang học SỐNG và muốn làm NGƯỜI.