NGUYỄN VIỆT CHIẾN MỞ ĐÀN RA GẶP TRẦM LUÂN KIẾP NGƯỜI
Lê Thiếu Nhơn
Xin Bác Nhơn bài này, lưu vào đây đề làm tài liệu...
http://lethieunhon.com/web/showpost.php?id=2854
Buổi chiều nhập nhoạng, nghe bạn bè từ Hà Nội báo tin nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị tạm giam vì sự sơ sót gì đó trong những bài viết phanh phui vụ án PMU 18, bất giác tôi nhớ hai câu thơ trong bài “Ngọn sóng thời gian” của anh:
Đi tìm một khúc tri âm
Mở đàn ra gặp trầm luân kiếp người
Không còn là một tai nạn nghề nghiệp mà là một tai họa nghề nghiệp đối với Nguyễn Việt Chiến. Tôi rong xe chầm chậm trên đường phố Sài Gòn tấp nập và miên man nghĩ về anh, một đồng nghiệp không thân thiết lắm, nhưng lâu nay vẫn dõi theo và quý trọng nhau. Dáng dong dỏng cao, luôn đi những sãi bước dài, cái đầu tóc ít khi chải chuốt lúc nào cũng như cắm về phía trước, Nguyễn Việt Chiến thuộc típ người bận rộn. Thế nhưng, điều tôi không ngờ là anh lại theo mảng nội chính. Tôi luôn nghĩ, Nguyễn Việt Chiến thích hợp hơn ở vai trò phóng viên văn hóa. Đọc những bài điều tra của anh, nhất là viết về tiêu cực, những lời căm phẫn, những câu quyết liệt của anh có lúc khiến tôi giật mình. Một nhà thơ đích thực chẳng khi nào chịu thỏa hiệp với những trò xấu xa hay những thứ bẩn thỉu. Nguyễn Việt Chiến đã cầm bút bằng trái tim nóng hổi. Tôi âm thầm cổ vũ anh với một chút tự hào về một đồng nghiệp thi ca và với một chút ái ngại về một đồng nghiệp báo chí! Thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh Nguyễn Việt Chiến trong chính câu thơ anh viết “Những bóng cây dáng khói. Như mộng du bên trời” hoặc “Anh là sóng khát khao và dằn vặt. Những bến bờ thương tích chẳng nguôi yên”
Nguyễn Việt Chiến đã in bốn tập thơ. Tôi không còn nhớ rõ tác phẩm đầu tay của anh đã ấn hành cách đây mười mấy năm, nhưng tôi thực sự thích thơ anh từ bài “Cát đợi”. Đó là những câu lục bát giản dị thôi, nhưng đăm đắm say mê
Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Con người yếu mềm ấy, con người run rẩy ấy, tránh sao khỏi tổn thương khi va đập với cuộc đời náo động lợi danh những năm đầu thế kỷ 21. Công việc làm báo ngày càng hối hả hơn thì thơ Nguyễn Việt Chiến càng trắc ẩn hơn. Anh như căng hết mọi giác quan để thu nhận, để đồng cảm.
Tôi nghe gió Gió ngoài kia vẫn kể Với mưa trời Với sương lạnh rủi may Chuyện thành phố có bao nhiêu đứa trẻ Qua mùa đông lạnh lẽo chẳng tất giầy Chuyện trái đất có bao nhiêu đứa trẻ Không học hành, không nhà cửa đêm nay
Nhiều, rất nhiều câu thơ hắt từ nhịp sống vào Nguyễn Việt Chiến và bật ra trang giấy, không cần đắn đo, không cần ngả giá. Anh cứ ôm lấy bao nhiêu ngổn ngang, anh cứ ngụp lặn bao nhiêu bất tận, chỉ để nuôi nấng niềm tin bé nhỏ của bản thân rằng, trần gian mỗi ngày sẽ bớt bất công, trần gian mỗi ngày sẽ bớt lạnh lùng, trần gian mỗi ngày sẽ bớt man trá. Vì vậy, đôi khi anh quặn thắt vì chua xót, vì bất lực
Tôi đi quabóng một sân gachẳng con tàu nào chở tôi về phía thương yêu cũchẳng con tem nào đưa tôi về địa chỉ yêu dấu cũchẳng câu thơ nào cõng tôi về tuổi thơ cũchẳng ánh sáng nào giúp tôi thoát khỏi những ám ảnh cũchẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt cũchẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ cũchẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũđang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi.
Thật mừng, bàn chân lầm lụi của anh vẫn phăm phăm đi giữa những mơ ước chân chính. Qua tuổi tri thiên mệnh rồi, Nguyễn Việt Chiến không cao vọng gì, nhưng anh cũng không để mình dễ dàng tuyệt vọng. Anh thừa thông minh để thấu hiểu “Bình hoa chật bởi gai hoa nhiều quá. Bông hồng buồn do dự thức trong gai” và anh cũng thừa kiên nhẫn để an ủi “Nếu không có mặt trời. Chắc anh đã lẫn vào cỏ đêm”. Một minh chứng rõ nhất cho tình yêu tha thiết của Nguyễn Việt Chiến dành cho xã hội mến thương là anh đã cặm cụi viết 13 bài thơ chỉ xoay quanh cái tựa đề duy nhất “Con người”. Khi cẩn thận đọc hết 13 bài thơ “Con người”, tôi hoàn toàn tin rằng, đó là tuyên ngôn của Nguyễn Việt Chiến. Tuyên ngôn ấy không hề đao to búa lớn gì, không hề mang dáng dấp học thuyết cao sang. Nguyễn Việt Chiến chỉ muốn khẳng định, không ai bị bỏ rơi, không ai đáng bị hắt hủi, và không ai có quyền gieo rắc tội ác. Khúc hoan ca “Con người” của Nguyễn Việt Chiến dài gần 200 câu, chỉ cần trích ngẫu nhiên cũng đủ để trực diện một tấm lòng trĩu nặng
…Chúng ta ngồi bình đẳng với những cơn ho Và đếm trên đầu ngón tay Những niềm vui hiếm hoi không trở lại…
…Ta chợt hiểu chỉ có ta là khổ Cái gì không đáng nhớ Ta chưa bao giờ dám quên …
…Anh đã sống bốn chục năm Trong thành phố của mình Đắng cay đã dư thừa Và mộng mơ không ít Anh giấu trong ngực áo của mình Trái tim buồn và khúc ca mỏi mệt Nỗi nhớ về em ngọn lửa tháng ngày
Có một điều khiến tôi thán phục Nguyễn Việt Chiến là khi đã xông thẳng vào những địa điểm nóng bỏng nhất của giới truyền thống như một phóng viên dày dạn và dũng cảm, thì anh vẫn giữ được cho mình những rung động mỏng mảnh trước cái đẹp. Lúc bút danh ký giả Nguyễn Việt Chiến đã lừng lẫy trên báo Thanh Niên, thì trong trang thơ lặng lẽ của anh còn nguyên vẹn bóng dáng thi sĩ rạo rực
Chiếc váy của em khe khẽ hát bài ca thân thểSự chuyển động mơ màng từ ngực đến chânTiếng thở dài khoả thân trong giấc ngủ
Phải tận tụy với người hết mực, phải chăm chỉ với đời trọn vẹn, thì bên cạnh những bài báo nảy lửa mới có thể lấp lánh những câu thơ cuồng si dường vậy! Bây giờ khi nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang gặp khốn đốn, tôi nghe sóng mũi cay xè khi đọc lại những câu thơ của anh. Những câu thơ lầm lũi lương tri, những câu thơ bùi ngùi trong sạch
Nhưng anh biết cái thời anh phải sống Sẽ qua đi tất cả dẫu nhọc nhằn Thôi hãy để thơ mình gieo vỡ với gian lao
Rồi sỏi cát sẽ nảy mầm trổ lá Rồi đau khổ sẽ xanh tươi cởi mở Với muôn trùng thiên nhiên.
Nguyễn Việt Chiến ơi, cách đây gần 10 năm, trong một quán đêm vắng lặng bên Hồ Tây, anh đọc mấy câu theo thể thơ truyền thống dân tộc Việt Nam mà hôm nay tôi còn khắc khoải: “Ở miền đất chật dân đông. Rối phải xuống nước mới mong thành người. Ở vùng buôn ngược bán xuôi. Diễn trò như rối là người đó ư?”. Sao chữ nghĩa ngày xưa lại vận vào anh cay nghiệt đến thế? Anh đang ứa nước mắt cho mình, hay đang khóc cho ai? Lẽ nào, người “đi tìm một khúc tri âm” lại vướng cảnh “mở đàn ra gặp trầm luân kiếp người” mãi ư? Dẫu từ mệnh lệnh nào, dẫu từ phán xét nào, tôi vẫn đinh ninh chốn lao tù không có chỗ cho nhà thơ như anh, một nhà thơ trân trọng cái thiện và dấn thân làm phóng viên nội chính cũng vì cái thiện. Tôi vẫn vững vàng tin thời đại chúng ta đang vun đắp bằng tin yêu, đang dựng xây bằng dân chủ, không những có chân lý mà còn có thiên lý. Tôi vẫn bồn chồn tin câu thơ anh viết: “Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ. Ta gắn hàn chút giá trị mong manh”