Bài 2: TRƯỜNG HỌC LÀ GÌ
Dịch từ WHAT THE SCHOOL IS của John Dewey, đăng ở School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80
Tôi tin rằng trường học trước hết là một thiết chế xã hội. Giáo dục là một quá trình xã hội, trường học đơn giản là một mô thức sống cộng đồng trong đó tất cả các tổ chức liên quan tập trung vào mục đích chung là tạo điều kiện cho đứa trẻ có khả năng chia sẻ nguồn di sản tri thức của nhân loại và phát huy tối đa năng lực của mình để đạt được mục đích xã hội một cách hiệu quả nhất.
Do đó, tôi tin rằng giáo dục là quá trình sống trong hiện tại chứ không phải là một sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.
Tôi tin rằng, trường học phải là nơi biểu trưng cuộc sống hiện tại, một cuộc sống sống động và chân thực cho đứa trẻ, để nơi ấy, đứa trẻ cảm thấy thoải mái như đang sống ở nhà, nơi xóm làng hay trên sân chơi.
Tôi tin rằng giáo dục nếu không thông qua các hình thức cuộc sống, các hình thức mà con người sống và phấn đấu cho mục đích của mình, thì chân giá trị luôn bị nghèo nàn thay thế và một nền giáo dục như vậy sẽ có xu hướng gò bó và trì trệ.
Tôi tin rằng, trường học, với tư cách là một thiết chế, là mô hình đơn giả hóa của xã hội hiện tại. Hãy đơn giản đến mức tối thiểu, hãy trở về với hình thức xã hội nguyên sơ nhất. Xã hội hiện tại vốn quá ư là phức tạp. Nếu đưa một đứa trẻ vào trong môi trường như vậy, nó không tránh khỏi bối rối và xao lãng. Một khi đứa trẻ bị choáng ngợp với các hoạt động diễn ra trong xã hội, nó sẽ mất đi khả năng phản ứng phù hợp, hoặc nó bị các hoạt động đa dạng này kích động lôi cuốn, nó phải dùng khả năng non nớt của mình để ứng phó; khi đó, nó chỉ có thể sử dụng năng lực chưa kịp trưởng thành ấy hoặc nó bị xã hội nghiền nát.
Tôi tin rằng, là một mô hình xã hội đơn giản hóa, đời sống ở trường học cần được phát triển trên nền tảng đời sống gia đình. Điều này có nghĩa là trường học cần tổ chức và duy trì các hoạt động vốn đã quen thuộc với đứa trẻ khi nó sống trong môi trường gia đình.
Tôi tin rằng trường học nên có nhiều hoạt động cho đứa trẻ tham gia và nên tổ chức các hoạt động này theo những cách phù hợp để đứa trẻ dần dần học được ý nghĩa của chúng để rồi nó có khả năng tham gia trong mối quan hệ với các hoạt động này.
Tôi tin rằng đây là một nhu cầu tâm lý, vì đây là con đường duy nhất đảm bảo quá trình phát triển liên tục của một đứa trẻ, con đường duy nhất để những kiến thức mới tích lũy ở trường được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm và kiến thức đứa trẻ đã tích lũy được trước đó.
Tôi tin rằng đây cũng là một nhu cầu xã hội bởi vì gia đình là một mô thức của đời sống xã hội nơi ấy đứa trẻ được nuôi dưỡng và thông qua quá trình nuôi dưỡng này, đứa bé được dạy dỗ về luân lý đạo đức. Công việc của nhà trường là mở rộng và đào sâu nhận thức của đứa trẻ về các giá trị đạo đức vốn đã được thiết lập trong môi trường gia đình.
Tôi tin rằng hầu hết nền giáo dục hiện tại thất bại vì không chú trọng đến nguyên tắc nền tảng rằng nhà trường là một hình thức của đời sống cộng đồng. Giáo dục hiện tại chỉ thấy rằng nhà trường là nơi cung cấp một lượng thông tin nào đó, một số bài học được giảng dạy và dăm ba thói quen được hình thành. Giá trị của những thứ này chỉ được cảm nhận trong tương lai còn quá xa vời. Đứa trẻ phải làm tất cả những điều này cốt chỉ để phục vụ cho mục đích khác rồi đây nó sẽ phải làm. Những điều này thuần túy là một sự chuẩn bị. Điều này đưa đến kết quả là những thứ đứa trẻ phải học không phải là một phần trong kinh nghiệm sống của nó; tổ chức việc học như vậy là không thật sự có tác dụng giáo dục.
Tôi tin rằng giáo dục luân lý đạo đức cần đặt trên nền tảng rằng trường học là một mô hình của đời sống xã hội. Rõ ràng là đạo đức luân lý được phát triển thông qua các mối quan hệ xã hội với những người khác do sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Các hệ thống giáo dục hiện tại, hầu hết làm mất đi hoặc không chú ý đến sự thống nhất này, khiến cho việc giáo dục đạo đức luân lý đúng nghĩa và thường xuyên trở thành vấn đề khó khăn, thậm chí không thực hiện được.
Tôi tin rằng đứa trẻ cần được kích thích và quản lý thông qua các sinh hoạt cộng đồng.
Tôi tin rằng trong điều kiện thực tế hiện tại, các thầy cô giáo đã kích thích và quản lý học sinh trên mức cần thiết, vì khái niệm trường học là một mô hình của đời sống xã hội thật sự không được chú ý đến
Tôi tin rằng vị trí và công việc của các thầy cô giáo cũng cần được hiểu trên nền tảng này. Ở trường, thầy cô giáo không phải là người áp đặt tư tưởng hay hình thành một số thói quen cho học sinh mà các thầy cô giáo hiện diện nơi ấy như là một thành viên của cộng đồng. Công việc của thầy cô giáo là chọn lọc những ảnh hưởng có thể tác động đến học sinh và hỗ trợ đứa trẻ có khả năng phản ứng thích hợp với những tác động này.
Tôi tin rằng kỷ luật trường học cần được áp dụng trên nền tảng đời sống sinh hoạt của trường nói chung chứ không trực tiếp từ thầy cô giáo.
Tôi tin rằng công việc của thầy cô giáo, những người giàu kinh nghiệm hơn và có hiểu biết sâu sắc hơn, là định hướng cho đứa trẻ biết cách tự tạo ra một kỷ luật sống cho bản thân mình.
Tôi tin rằng tất cả những vấn đề liên quan đến đánh giá xếp loại đứa trẻ và động cơ thúc đẩy đứa trẻ học nên đặt trên nền tảng này. Thi cử chỉ nên dùng để kiểm tra khả năng thích ứng xã hội của người học và để biết rằng ở vị trí nào người này có khả năng phục vụ tốt nhất và ở phương diện nào người ấy cần sự hỗ trợ nhiều nhất.
Bài 3: chương trình giáo dục (sẽ post tiếp)