Thursday, May 22, 2008

NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (Bài 1)

Bài 1: GIÁO DỤC LÀ GÌ

Dịch từ WHAT EDUCATION IS của John Dewey, đăng trên School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80

Tôi tin rằng giáo dục diễn ra với sự tham gia của cá nhân trong ý thức xã hội rằng mình là con người. Quá trình này bắt đầu một cách vô thức khi đứa trẻ vừa mới chào đời, và tiếp tục phát triển năng lực cá nhân, thỏa mãn ý thức, hình thành thói quen, tạo nên ý tưởng và khơi nguồn xúc cảm. Thông qua quá trình giáo dục vô thức này, cá nhân dần dần góp phần chia sẻ kho tàng tri thức và đạo đức mà nhân loại tích lũy được qua quá trình chung sống với nhau. Khi ấy, cá nhân sẽ trở thành người thừa hưởng vốn liếng tích lũy của nền văn minh. Nền giáo dục chính quy và kỹ thuật không thể phát triển an toàn được nếu tách khỏi quá trình phát triển chung. Do vậy, chỉ có thể sắp xếp hoặc phân chia nền giáo dục ấy theo một định hướng nào đó mà thôi.

Tôi tin rằng nền giáo dục đích thực là nền giáo dục khuyến khích đứa trẻ phát triển mọi năng lực của mình, tìm được chính mình thông qua nhu cầu của hoàn cảnh xã hội. Với những nhu cầu này, đứa trẻ có cảm hứng hành động như là một thành viên của cộng đồng, hòa nhập hành vi và cảm xúc vốn nhỏ bé của mình vào cộng đồng và nhận thức được mình là một thành viên của tập thể và mọi hành xử được đặt trên quan điểm lập trường và lợi ích của tập thể hơn là cá nhân. Thông qua những phản ứng trong giao tiếp với người khác, đứa trẻ ấy sẽ hiểu rằng những hành vi của bản thân nó cần được đặt trong mối tương giao xã hội. Giá trị của các hành vi này là sự tự chiêm nghiệm lại chính mình. Ví dụ khi đứa bé nói tiếng bập bẹ như là một bản năng, tùy vào phản ứng của những người xung quanh mà đứa trẻ dần dần học được tiếng bập bẹ ấy có ý nghĩa gì. Nhờ đó đứa bé dần dần chuyển tải nội dung ấy vào ngôn ngữ rõ ràng lưu loát. Như vậy, những ý tưởng phong phú và cảm xúc dồi dào của đứa trẻ được cô đọng vào trong ngôn ngữ.

Tôi tin rằng quá trình giáo dục này gồm hai phương diện, phương diện tâm lý và phương diện xã hội ; không thể coi phương diện nào quan trọng hơn, hoặc lãng quên đi một trong hai mà không đưa đến những hậu quả tệ hại. Trong hai phương diện này, phương diện tâm lý là nền tảng. Bản năng và khả năng của đứa trẻ là chất liệu khởi đầu cho mọi hình thức giáo dục. Khi đứa trẻ có thể thực hiện một hành vi độc lập mà nhà giáo dục gắng sức can thiệp vào thì giáo dục chỉ là một áp lực từ bên ngoài đối với người học. Cách làm như vậy, thật ra, cũng có một số kết quả bề ngoài, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là giáo dục đúng nghĩa. Nếu không có cái nhìn sâu sắc vào cấu trúc tâm lý và các hành vi cá nhân, giáo dục sẽ trở nên lủng củng và độc đoán. Nếu giáo dục may mắn đồng hành và phù hợp với hoạt động của đứa trẻ, nó có tác dụng như một chiếc đòn bẩy làm cho tinh thần đứa trẻ phấn chấn; trái lại, nó sẽ bào mòn, phá hủy và kềm hãm bản chất của đứa trẻ.

Tôi tin rằng hiểu biết về hoàn cảnh xã hội, về nền văn minh hiện tại là điều kiện cần thiết để hiểu hết năng lực của đứa trẻ. Đứa trẻ luôn có những khuynh hướng và hành vi đặc trưng mang tính bản năng, nhưng chúng ta thường không hiểu hết những khả năng tiềm ẩn này nếu không quy chúng về những khái niệm xã hội tương ứng. Cần trả chúng về với hoàn cảnh quá khứ để hiểu rằng những hành vi của chúng là sự kế thừa của các thế hệ tổ tiên trước đó. Chúng ta phải có thể đưa chúng vào tương lai để nhìn thấy được kết quả do các hành vi của chúng tạo ra. Trong ví dụ vừa nêu, thông qua những lời bập bẹ của đứa trẻ, chúng ta có khả năng hiểu được những tiềm năng hứa hẹn trong các mối quan hệ giao tiếp xã hội để có thể phản ứng với những hành vi có tính bản năng ấy một cách thích hợp.

Tôi tin rằng cả hai phương diện xã hội và tâm lý luôn có mối tương quan với nhau, và không thể xem giáo dục là sự dung hợp giữa hai phương diện này, hoặc là sự đề cao một trong hai. Chúng ta biết rằng định nghĩa giáo dục về phương diện tâm lý học rất khô khan và hình thức, cung cấp cho chúng ta ý niệm về sự phát triển tất cả các năng lực tinh thần mà không hề đưa ra ý niệm chúng ta nên sử dụng những năng lực ấy ra sao. Mặt khác, định nghĩa giáo dục về phương diện xã hội là quá trình điều chỉnh để phù hợp với văn minh đã biến giáo dục thành một quá trình miễn cưỡng và hời hợt bề ngoài. Do đó, tự do cá nhân bị lệ thuộc vào các định kiến chính trị và xã hội.

Tôi tin rằng cả hai khái niệm giáo dục ở trên, tuy trái ngược, đều đúng khi chúng ta tách rời hai phương diện này với nhau. Để thực sự biết năng lực là gì, ta phải hiểu rõ mục đích, công dụng hoặc chức năng của nó, và sẽ không thể thấu hiểu điều này, trừ khi chúng ta coi cá nhân như là một thực thể chủ động trong các mối quan hệ xã hội. Mặt khác, trong điều kiện thực tế cho phép, hãy tạo điều kiện cho đứa trẻ phát huy tối đa khả năng của mình. Với sự xuất hiện của nền dân chủ và các điều kiện của nền công nghiệp hiện đại, chúng ta không thể lường được nền văn minh sẽ ra sao trong vòng hai mươi năm tới. Vì lẽ đó, chúng ta không thể chuẩn bị sẵn cho trẻ những gì gọi là điều kiện cần thiết để hòa nhập xã hội. Chuẩn bị tương lai cho đứa trẻ nghĩa là trao cho đứa trẻ quyền làm chủ chính bản thân mình. Điều này có nghĩa là cần đào tạo đứa trẻ theo một cách nào đó để nó có khả năng phát huy và sử dụng tối đa khả năng của mình. Đôi mắt, hai lỗ tai và đôi tay của nó phải là những công cụ phục vụ đắc lực; khả năng xét đoán của nó phải có thể thông hiểu hoàn cảnh làm việc, và mọi sức mạnh phải được rèn luyện để hành động một cách hiệu quả và kinh tế. Không thể nào đạt được tất cả những điều này, nếu không có mối quan tâm thường xuyên đến năng lực, thị hiếu và sở thích cá nhân; nói cách khác, giáo dục cần biến đổi liên tục trong cách nhìn người học ở phương diện tâm lý.

Tóm lại, tôi tin rằng một cá nhân được giáo dục là một cá thể trong xã hội và xã hội là một tập hợp của nhiều cá nhân. Nếu chúng ta loại trừ yếu tố xã hội ra khỏi đứa trẻ, chúng ta chỉ còn một cá thể trừu tượng; nếu chúng ta tách yếu tố cá nhân ra khỏi xã hội, chúng ta chỉ còn lại một đám đông vô hồn và tẻ nhạt. Do đó, giáo dục, về phương diện tâm lý, phải bắt đầu từ một cái nhìn thấu đáo về năng lực, sở thích và thói quen của đứa trẻ. Chúng ta cần không ngừng lý giải những khả năng, sở thích và thói quen này để hiểu biết chúng sâu sắc hơn. Chúng phải được nhìn và hiểu trong khái niệm xã hội tương ứng rằng những khả năng này giúp ích được gì cho xã hội.

Bài 2: Trường học là gì (sẽ post tiếp)