Sunday, May 25, 2008

NHÀ GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG


Một nhà giáo không thật sự dạy nếu bản thân người ấy không tiếp tục học hỏi. Một ngọn đèn không thể chiếu sáng cho ngọn đèn khác nếu tự thân ngọn đèn ấy không tỏa sáng. Một nhà giáo coi như đã chết về kiến thức chuyên môn nếu không làm cho tri thức của mình luân lưu sống động mà chỉ biết lặp đi lặp bài bài học cũ mèm để cho học trò nhồi nhét vào đầu. Một nhà giáo như thế không có khả năng kích thích học trò tìm tòi trong học tập. Chân lý không chỉ là những gì cần thông báo mà phải có sự đam mê khám phá. Nếu niềm đam mê ấy chết đi, học chỉ là sự tích góp thông tin và như vậy, chân lý mất đi ý nghĩa vô cùng tận của nó. Phần lớn những gì chúng ta học ở trường không thể sử dụng được vì đối với hầu hết các thầy cô giáo của chúng ta, các môn học chỉ là những mẩu thí nghiệm trên các sinh vật đã chết, qua đó học trò có thể làm quen với những điều đã học nhưng không liên hệ gì đến cuộc sống và tình thương yêu.

A teacher can never truly teach unless he is still learning himself. A lamp can never light another lamp unless it continues to burn its own flame. The teacher who has come to an end of his subject who has no living traffic with his knowledge merely repeats his lesson to his students can only loads to their mind. He cannot quicken them. Truth not only must inform but also must inspire. If the inspriation dies out and the information only accumulates then truth lossses its infinity. The greater part of our learning in the school has been a waste because of most of our teacher, their subjects are like dead specimens of once living things, with which they have a learned acquaintance but no communication of life and love. (Rabindra Nath Tagore)

NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (Bài 2)

Bài 2: TRƯỜNG HỌC LÀ GÌ

Dịch từ WHAT THE SCHOOL IS của John Dewey, đăng ở School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80


Tôi tin rằng trường học trước hết là một thiết chế xã hội. Giáo dục là một quá trình xã hội, trường học đơn giản là một mô thức sống cộng đồng trong đó tất cả các tổ chức liên quan tập trung vào mục đích chung là tạo điều kiện cho đứa trẻ có khả năng chia sẻ nguồn di sản tri thức của nhân loại và phát huy tối đa năng lực của mình để đạt được mục đích xã hội một cách hiệu quả nhất.


Do đó, tôi tin rằng giáo dục là quá trình sống trong hiện tại chứ không phải là một sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.


Tôi tin rằng, trường học phải là nơi biểu trưng cuộc sống hiện tại, một cuộc sống sống động và chân thực cho đứa trẻ, để nơi ấy, đứa trẻ cảm thấy thoải mái như đang sống ở nhà, nơi xóm làng hay trên sân chơi.


Tôi tin rằng giáo dục nếu không thông qua các hình thức cuộc sống, các hình thức mà con người sống và phấn đấu cho mục đích của mình, thì chân giá trị luôn bị nghèo nàn thay thế và một nền giáo dục như vậy sẽ có xu hướng gò bó và trì trệ.


Tôi tin rằng, trường học, với tư cách là một thiết chế, là mô hình đơn giả hóa của xã hội hiện tại. Hãy đơn giản đến mức tối thiểu, hãy trở về với hình thức xã hội nguyên sơ nhất. Xã hội hiện tại vốn quá ư là phức tạp. Nếu đưa một đứa trẻ vào trong môi trường như vậy, nó không tránh khỏi bối rối và xao lãng. Một khi đứa trẻ bị choáng ngợp với các hoạt động diễn ra trong xã hội, nó sẽ mất đi khả năng phản ứng phù hợp, hoặc nó bị các hoạt động đa dạng này kích động lôi cuốn, nó phải dùng khả năng non nớt của mình để ứng phó; khi đó, nó chỉ có thể sử dụng năng lực chưa kịp trưởng thành ấy hoặc nó bị xã hội nghiền nát.


Tôi tin rằng, là một mô hình xã hội đơn giản hóa, đời sống ở trường học cần được phát triển trên nền tảng đời sống gia đình. Điều này có nghĩa là trường học cần tổ chức và duy trì các hoạt động vốn đã quen thuộc với đứa trẻ khi nó sống trong môi trường gia đình.


Tôi tin rằng trường học nên có nhiều hoạt động cho đứa trẻ tham gia và nên tổ chức các hoạt động này theo những cách phù hợp để đứa trẻ dần dần học được ý nghĩa của chúng để rồi nó có khả năng tham gia trong mối quan hệ với các hoạt động này.


Tôi tin rằng đây là một nhu cầu tâm lý, vì đây là con đường duy nhất đảm bảo quá trình phát triển liên tục của một đứa trẻ, con đường duy nhất để những kiến thức mới tích lũy ở trường được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm và kiến thức đứa trẻ đã tích lũy được trước đó.


Tôi tin rằng đây cũng là một nhu cầu xã hội bởi vì gia đình là một mô thức của đời sống xã hội nơi ấy đứa trẻ được nuôi dưỡng và thông qua quá trình nuôi dưỡng này, đứa bé được dạy dỗ về luân lý đạo đức. Công việc của nhà trường là mở rộng và đào sâu nhận thức của đứa trẻ về các giá trị đạo đức vốn đã được thiết lập trong môi trường gia đình.


Tôi tin rằng hầu hết nền giáo dục hiện tại thất bại vì không chú trọng đến nguyên tắc nền tảng rằng nhà trường là một hình thức của đời sống cộng đồng. Giáo dục hiện tại chỉ thấy rằng nhà trường là nơi cung cấp một lượng thông tin nào đó, một số bài học được giảng dạy và dăm ba thói quen được hình thành. Giá trị của những thứ này chỉ được cảm nhận trong tương lai còn quá xa vời. Đứa trẻ phải làm tất cả những điều này cốt chỉ để phục vụ cho mục đích khác rồi đây nó sẽ phải làm. Những điều này thuần túy là một sự chuẩn bị. Điều này đưa đến kết quả là những thứ đứa trẻ phải học không phải là một phần trong kinh nghiệm sống của nó; tổ chức việc học như vậy là không thật sự có tác dụng giáo dục.


Tôi tin rằng giáo dục luân lý đạo đức cần đặt trên nền tảng rằng trường học là một mô hình của đời sống xã hội. Rõ ràng là đạo đức luân lý được phát triển thông qua các mối quan hệ xã hội với những người khác do sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Các hệ thống giáo dục hiện tại, hầu hết làm mất đi hoặc không chú ý đến sự thống nhất này, khiến cho việc giáo dục đạo đức luân lý đúng nghĩa và thường xuyên trở thành vấn đề khó khăn, thậm chí không thực hiện được.


Tôi tin rằng đứa trẻ cần được kích thích và quản lý thông qua các sinh hoạt cộng đồng.


Tôi tin rằng trong điều kiện thực tế hiện tại, các thầy cô giáo đã kích thích và quản lý học sinh trên mức cần thiết, vì khái niệm trường học là một mô hình của đời sống xã hội thật sự không được chú ý đến


Tôi tin rằng vị trí và công việc của các thầy cô giáo cũng cần được hiểu trên nền tảng này. Ở trường, thầy cô giáo không phải là người áp đặt tư tưởng hay hình thành một số thói quen cho học sinh mà các thầy cô giáo hiện diện nơi ấy như là một thành viên của cộng đồng. Công việc của thầy cô giáo là chọn lọc những ảnh hưởng có thể tác động đến học sinh và hỗ trợ đứa trẻ có khả năng phản ứng thích hợp với những tác động này.


Tôi tin rằng kỷ luật trường học cần được áp dụng trên nền tảng đời sống sinh hoạt của trường nói chung chứ không trực tiếp từ thầy cô giáo.


Tôi tin rằng công việc của thầy cô giáo, những người giàu kinh nghiệm hơn và có hiểu biết sâu sắc hơn, là định hướng cho đứa trẻ biết cách tự tạo ra một kỷ luật sống cho bản thân mình.


Tôi tin rằng tất cả những vấn đề liên quan đến đánh giá xếp loại đứa trẻ và động cơ thúc đẩy đứa trẻ học nên đặt trên nền tảng này. Thi cử chỉ nên dùng để kiểm tra khả năng thích ứng xã hội của người học và để biết rằng ở vị trí nào người này có khả năng phục vụ tốt nhất và ở phương diện nào người ấy cần sự hỗ trợ nhiều nhất.


Bài 3: chương trình giáo dục (sẽ post tiếp)

Saturday, May 24, 2008

HOA HOÀNG YẾN














Friday, May 23, 2008

MƯA

Ba hôm nay, trời mưa suốt ngày lẫn đêm. Đây là một điều lạ nhiều năm chưa từng thấy giữa mùa Hè cháy bỏng ở nơi này. Mùa Hè nơi đây thường chỉ đong đầy với ánh nắng chói chang gay gắt của ông mặt trời vốn cần mẫn dậy từ rất sớm và miệt mài đốt nóng vạn vật đến tối lắm vẫn chưa chịu về đi ngủ. Những cơn gió cũng đem theo hơi nóng chứ không còn mang đến thông điệp hài hòa dễ chịu thường khi của nó là ‘mát’ mà chỉ có nóng và nóng.

Đột nhiên, ba ngày nay, ông mặt trời ngủ quên đâu mất (chắc ông đang thiếu ngủ nên tìm chỗ ngủ bù í mà) và mưa ùn ùn kéo đến. Mây giăng kín bầu trời một màu xám xịt. Trời như hạ thấp xuống, âm u hơn; cái bầu trời xanh ngắt và cao vọi của mấy ngày trước biến đâu mất, chỉ còn mây phủ, mưa giăng và sấm chớp thỉnh thoảng xé toạc màn đen lấp kín cả bầu trời.



Mưa ngày thứ nhất, cây cối tha hồ ‘uống nước bù’ sau nhiều ngày nhịn khát. Thân cành tươi nhuận hơn và lá xanh tươi hơn như hồi sinh sau chuỗi ngày nóng bỏng. Mưa lớn dội đi bao bụi bặm trên lá vì đã chịu đựng mấy cơn bão bụi của mùa Hè này đi qua rồi. Sau vài trận mưa xối xả như trời đang trút giận, mưa thưa hạt dần. Trong cơn mưa nhỏ kèm theo vài làn gió mát nhẹ lay, hoa lá mơn man làm duyên làm dáng cho thỏa chí, chim vui mừng tụ về hát ca. Thích thích…



Mưa ngày thứ hai, vẫn còn thích lắm! chao ôi là mát, là dễ chịu. Mưa liên tục nhưng nhẹ hạt như một màn tơ mỏng buông từ trên trời cao. Trời sáng dần lên và ông mặt trời ngái ngủ hé mở mắt và vạn vật lại nhuốm màu hổ phách trong ráng chiều tà. Ừ, màu nắng này cũng lâu lắm mới thấy nè. Mới vài hôm trước, đến tối rồi mà mặt ông cũng còn hừng hực và đem lửa rải khắp nơi, làm gì có cái màu vàng trong cái chớp mắt ngái ngủ của ngày hôm nay.



Ngày thứ ba, mưa tiếp tục, không cuồng nộ như ngày đầu nhưng cũng không lất phất nhẹ hạt bay bay như ngày thứ hai; mưa vừa phải. Thế mà cây lá không còn thỏa chí như ngày mưa đầu, cũng chẳng mơn man trong mưa nhẹ như ngày thứ hai, thay vào đó, lớp vỏ xù xì của thân cây đẫm nước giờ đến hồi bong tróc, cành xơ xác, lá rách le te và hoa rụng tả tơi phủ kín lối đi.


Nếu mưa thêm ngày nữa thì những bông hoa còn lại chắc sẽ không chống chỏi nổi; chúng cũng chịu chung số phận chết non như những cánh hoa vốn đã dệt thành một thảm mỏng dưới gốc cây già từ ngày thứ ba dầm dãi trong mưa. May mà hôm nay, trời tạnh, nắng trong, bầu trời lại nâng lên cao và mây lảng vảng vắt ngang lưng trời. Ông mặt trời sau mấy ngày ‘nghỉ phép’ trở nên điềm đạm hơn và bớt gay gắt hơn một chút. Vài ngày sau, nắng Hè vẫn thiêu vẫn đốt như bao ngày Hè khác mà thôi. Song có một điều chắc chắn rằng, dù nắng nóng thế nào thì cây vẫn sống, cành lá rung rinh trong gió, dù là gió nóng, và sẽ hiếm hoi có bông hoa nào chết yểu như trong mấy ngày mưa qua.



Thế đấy, có khi cái tưởng chừng dễ chịu thế mà nhiều quá sẽ trở nên...‘độc’!...

Thursday, May 22, 2008

NIỀM TIN VỀ GIÁO DỤC (Bài 1)

Bài 1: GIÁO DỤC LÀ GÌ

Dịch từ WHAT EDUCATION IS của John Dewey, đăng trên School Journal vol. 54 (January 1897), pp. 77-80

Tôi tin rằng giáo dục diễn ra với sự tham gia của cá nhân trong ý thức xã hội rằng mình là con người. Quá trình này bắt đầu một cách vô thức khi đứa trẻ vừa mới chào đời, và tiếp tục phát triển năng lực cá nhân, thỏa mãn ý thức, hình thành thói quen, tạo nên ý tưởng và khơi nguồn xúc cảm. Thông qua quá trình giáo dục vô thức này, cá nhân dần dần góp phần chia sẻ kho tàng tri thức và đạo đức mà nhân loại tích lũy được qua quá trình chung sống với nhau. Khi ấy, cá nhân sẽ trở thành người thừa hưởng vốn liếng tích lũy của nền văn minh. Nền giáo dục chính quy và kỹ thuật không thể phát triển an toàn được nếu tách khỏi quá trình phát triển chung. Do vậy, chỉ có thể sắp xếp hoặc phân chia nền giáo dục ấy theo một định hướng nào đó mà thôi.

Tôi tin rằng nền giáo dục đích thực là nền giáo dục khuyến khích đứa trẻ phát triển mọi năng lực của mình, tìm được chính mình thông qua nhu cầu của hoàn cảnh xã hội. Với những nhu cầu này, đứa trẻ có cảm hứng hành động như là một thành viên của cộng đồng, hòa nhập hành vi và cảm xúc vốn nhỏ bé của mình vào cộng đồng và nhận thức được mình là một thành viên của tập thể và mọi hành xử được đặt trên quan điểm lập trường và lợi ích của tập thể hơn là cá nhân. Thông qua những phản ứng trong giao tiếp với người khác, đứa trẻ ấy sẽ hiểu rằng những hành vi của bản thân nó cần được đặt trong mối tương giao xã hội. Giá trị của các hành vi này là sự tự chiêm nghiệm lại chính mình. Ví dụ khi đứa bé nói tiếng bập bẹ như là một bản năng, tùy vào phản ứng của những người xung quanh mà đứa trẻ dần dần học được tiếng bập bẹ ấy có ý nghĩa gì. Nhờ đó đứa bé dần dần chuyển tải nội dung ấy vào ngôn ngữ rõ ràng lưu loát. Như vậy, những ý tưởng phong phú và cảm xúc dồi dào của đứa trẻ được cô đọng vào trong ngôn ngữ.

Tôi tin rằng quá trình giáo dục này gồm hai phương diện, phương diện tâm lý và phương diện xã hội ; không thể coi phương diện nào quan trọng hơn, hoặc lãng quên đi một trong hai mà không đưa đến những hậu quả tệ hại. Trong hai phương diện này, phương diện tâm lý là nền tảng. Bản năng và khả năng của đứa trẻ là chất liệu khởi đầu cho mọi hình thức giáo dục. Khi đứa trẻ có thể thực hiện một hành vi độc lập mà nhà giáo dục gắng sức can thiệp vào thì giáo dục chỉ là một áp lực từ bên ngoài đối với người học. Cách làm như vậy, thật ra, cũng có một số kết quả bề ngoài, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là giáo dục đúng nghĩa. Nếu không có cái nhìn sâu sắc vào cấu trúc tâm lý và các hành vi cá nhân, giáo dục sẽ trở nên lủng củng và độc đoán. Nếu giáo dục may mắn đồng hành và phù hợp với hoạt động của đứa trẻ, nó có tác dụng như một chiếc đòn bẩy làm cho tinh thần đứa trẻ phấn chấn; trái lại, nó sẽ bào mòn, phá hủy và kềm hãm bản chất của đứa trẻ.

Tôi tin rằng hiểu biết về hoàn cảnh xã hội, về nền văn minh hiện tại là điều kiện cần thiết để hiểu hết năng lực của đứa trẻ. Đứa trẻ luôn có những khuynh hướng và hành vi đặc trưng mang tính bản năng, nhưng chúng ta thường không hiểu hết những khả năng tiềm ẩn này nếu không quy chúng về những khái niệm xã hội tương ứng. Cần trả chúng về với hoàn cảnh quá khứ để hiểu rằng những hành vi của chúng là sự kế thừa của các thế hệ tổ tiên trước đó. Chúng ta phải có thể đưa chúng vào tương lai để nhìn thấy được kết quả do các hành vi của chúng tạo ra. Trong ví dụ vừa nêu, thông qua những lời bập bẹ của đứa trẻ, chúng ta có khả năng hiểu được những tiềm năng hứa hẹn trong các mối quan hệ giao tiếp xã hội để có thể phản ứng với những hành vi có tính bản năng ấy một cách thích hợp.

Tôi tin rằng cả hai phương diện xã hội và tâm lý luôn có mối tương quan với nhau, và không thể xem giáo dục là sự dung hợp giữa hai phương diện này, hoặc là sự đề cao một trong hai. Chúng ta biết rằng định nghĩa giáo dục về phương diện tâm lý học rất khô khan và hình thức, cung cấp cho chúng ta ý niệm về sự phát triển tất cả các năng lực tinh thần mà không hề đưa ra ý niệm chúng ta nên sử dụng những năng lực ấy ra sao. Mặt khác, định nghĩa giáo dục về phương diện xã hội là quá trình điều chỉnh để phù hợp với văn minh đã biến giáo dục thành một quá trình miễn cưỡng và hời hợt bề ngoài. Do đó, tự do cá nhân bị lệ thuộc vào các định kiến chính trị và xã hội.

Tôi tin rằng cả hai khái niệm giáo dục ở trên, tuy trái ngược, đều đúng khi chúng ta tách rời hai phương diện này với nhau. Để thực sự biết năng lực là gì, ta phải hiểu rõ mục đích, công dụng hoặc chức năng của nó, và sẽ không thể thấu hiểu điều này, trừ khi chúng ta coi cá nhân như là một thực thể chủ động trong các mối quan hệ xã hội. Mặt khác, trong điều kiện thực tế cho phép, hãy tạo điều kiện cho đứa trẻ phát huy tối đa khả năng của mình. Với sự xuất hiện của nền dân chủ và các điều kiện của nền công nghiệp hiện đại, chúng ta không thể lường được nền văn minh sẽ ra sao trong vòng hai mươi năm tới. Vì lẽ đó, chúng ta không thể chuẩn bị sẵn cho trẻ những gì gọi là điều kiện cần thiết để hòa nhập xã hội. Chuẩn bị tương lai cho đứa trẻ nghĩa là trao cho đứa trẻ quyền làm chủ chính bản thân mình. Điều này có nghĩa là cần đào tạo đứa trẻ theo một cách nào đó để nó có khả năng phát huy và sử dụng tối đa khả năng của mình. Đôi mắt, hai lỗ tai và đôi tay của nó phải là những công cụ phục vụ đắc lực; khả năng xét đoán của nó phải có thể thông hiểu hoàn cảnh làm việc, và mọi sức mạnh phải được rèn luyện để hành động một cách hiệu quả và kinh tế. Không thể nào đạt được tất cả những điều này, nếu không có mối quan tâm thường xuyên đến năng lực, thị hiếu và sở thích cá nhân; nói cách khác, giáo dục cần biến đổi liên tục trong cách nhìn người học ở phương diện tâm lý.

Tóm lại, tôi tin rằng một cá nhân được giáo dục là một cá thể trong xã hội và xã hội là một tập hợp của nhiều cá nhân. Nếu chúng ta loại trừ yếu tố xã hội ra khỏi đứa trẻ, chúng ta chỉ còn một cá thể trừu tượng; nếu chúng ta tách yếu tố cá nhân ra khỏi xã hội, chúng ta chỉ còn lại một đám đông vô hồn và tẻ nhạt. Do đó, giáo dục, về phương diện tâm lý, phải bắt đầu từ một cái nhìn thấu đáo về năng lực, sở thích và thói quen của đứa trẻ. Chúng ta cần không ngừng lý giải những khả năng, sở thích và thói quen này để hiểu biết chúng sâu sắc hơn. Chúng phải được nhìn và hiểu trong khái niệm xã hội tương ứng rằng những khả năng này giúp ích được gì cho xã hội.

Bài 2: Trường học là gì (sẽ post tiếp)

Friday, May 16, 2008

NGUYỄN VIỆT CHIẾN MỞ ĐÀN RA GẶP TRẦM LUÂN KIẾP NGƯỜI
Lê Thiếu Nhơn

Xin Bác Nhơn bài này, lưu vào đây đề làm tài liệu...
http://lethieunhon.com/web/showpost.php?id=2854
Buổi chiều nhập nhoạng, nghe bạn bè từ Hà Nội báo tin nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị tạm giam vì sự sơ sót gì đó trong những bài viết phanh phui vụ án PMU 18, bất giác tôi nhớ hai câu thơ trong bài “Ngọn sóng thời gian” của anh:
Đi tìm một khúc tri âm
Mở đàn ra gặp trầm luân kiếp người
Không còn là một tai nạn nghề nghiệp mà là một tai họa nghề nghiệp đối với Nguyễn Việt Chiến. Tôi rong xe chầm chậm trên đường phố Sài Gòn tấp nập và miên man nghĩ về anh, một đồng nghiệp không thân thiết lắm, nhưng lâu nay vẫn dõi theo và quý trọng nhau. Dáng dong dỏng cao, luôn đi những sãi bước dài, cái đầu tóc ít khi chải chuốt lúc nào cũng như cắm về phía trước, Nguyễn Việt Chiến thuộc típ người bận rộn. Thế nhưng, điều tôi không ngờ là anh lại theo mảng nội chính. Tôi luôn nghĩ, Nguyễn Việt Chiến thích hợp hơn ở vai trò phóng viên văn hóa. Đọc những bài điều tra của anh, nhất là viết về tiêu cực, những lời căm phẫn, những câu quyết liệt của anh có lúc khiến tôi giật mình. Một nhà thơ đích thực chẳng khi nào chịu thỏa hiệp với những trò xấu xa hay những thứ bẩn thỉu. Nguyễn Việt Chiến đã cầm bút bằng trái tim nóng hổi. Tôi âm thầm cổ vũ anh với một chút tự hào về một đồng nghiệp thi ca và với một chút ái ngại về một đồng nghiệp báo chí! Thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh Nguyễn Việt Chiến trong chính câu thơ anh viết “Những bóng cây dáng khói. Như mộng du bên trời” hoặc “Anh là sóng khát khao và dằn vặt. Những bến bờ thương tích chẳng nguôi yên”
Nguyễn Việt Chiến đã in bốn tập thơ. Tôi không còn nhớ rõ tác phẩm đầu tay của anh đã ấn hành cách đây mười mấy năm, nhưng tôi thực sự thích thơ anh từ bài “Cát đợi”. Đó là những câu lục bát giản dị thôi, nhưng đăm đắm say mê
Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Con người yếu mềm ấy, con người run rẩy ấy, tránh sao khỏi tổn thương khi va đập với cuộc đời náo động lợi danh những năm đầu thế kỷ 21. Công việc làm báo ngày càng hối hả hơn thì thơ Nguyễn Việt Chiến càng trắc ẩn hơn. Anh như căng hết mọi giác quan để thu nhận, để đồng cảm.
Tôi nghe gió Gió ngoài kia vẫn kể Với mưa trời Với sương lạnh rủi may Chuyện thành phố có bao nhiêu đứa trẻ Qua mùa đông lạnh lẽo chẳng tất giầy Chuyện trái đất có bao nhiêu đứa trẻ Không học hành, không nhà cửa đêm nay
Nhiều, rất nhiều câu thơ hắt từ nhịp sống vào Nguyễn Việt Chiến và bật ra trang giấy, không cần đắn đo, không cần ngả giá. Anh cứ ôm lấy bao nhiêu ngổn ngang, anh cứ ngụp lặn bao nhiêu bất tận, chỉ để nuôi nấng niềm tin bé nhỏ của bản thân rằng, trần gian mỗi ngày sẽ bớt bất công, trần gian mỗi ngày sẽ bớt lạnh lùng, trần gian mỗi ngày sẽ bớt man trá. Vì vậy, đôi khi anh quặn thắt vì chua xót, vì bất lực
Tôi đi quabóng một sân gachẳng con tàu nào chở tôi về phía thương yêu cũchẳng con tem nào đưa tôi về địa chỉ yêu dấu cũchẳng câu thơ nào cõng tôi về tuổi thơ cũchẳng ánh sáng nào giúp tôi thoát khỏi những ám ảnh cũchẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt cũchẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ cũchẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũđang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi.
Thật mừng, bàn chân lầm lụi của anh vẫn phăm phăm đi giữa những mơ ước chân chính. Qua tuổi tri thiên mệnh rồi, Nguyễn Việt Chiến không cao vọng gì, nhưng anh cũng không để mình dễ dàng tuyệt vọng. Anh thừa thông minh để thấu hiểu “Bình hoa chật bởi gai hoa nhiều quá. Bông hồng buồn do dự thức trong gai” và anh cũng thừa kiên nhẫn để an ủi “Nếu không có mặt trời. Chắc anh đã lẫn vào cỏ đêm”. Một minh chứng rõ nhất cho tình yêu tha thiết của Nguyễn Việt Chiến dành cho xã hội mến thương là anh đã cặm cụi viết 13 bài thơ chỉ xoay quanh cái tựa đề duy nhất “Con người”. Khi cẩn thận đọc hết 13 bài thơ “Con người”, tôi hoàn toàn tin rằng, đó là tuyên ngôn của Nguyễn Việt Chiến. Tuyên ngôn ấy không hề đao to búa lớn gì, không hề mang dáng dấp học thuyết cao sang. Nguyễn Việt Chiến chỉ muốn khẳng định, không ai bị bỏ rơi, không ai đáng bị hắt hủi, và không ai có quyền gieo rắc tội ác. Khúc hoan ca “Con người” của Nguyễn Việt Chiến dài gần 200 câu, chỉ cần trích ngẫu nhiên cũng đủ để trực diện một tấm lòng trĩu nặng
…Chúng ta ngồi bình đẳng với những cơn ho Và đếm trên đầu ngón tay Những niềm vui hiếm hoi không trở lại…
…Ta chợt hiểu chỉ có ta là khổ Cái gì không đáng nhớ Ta chưa bao giờ dám quên …
…Anh đã sống bốn chục năm Trong thành phố của mình Đắng cay đã dư thừa Và mộng mơ không ít Anh giấu trong ngực áo của mình Trái tim buồn và khúc ca mỏi mệt Nỗi nhớ về em ngọn lửa tháng ngày
Có một điều khiến tôi thán phục Nguyễn Việt Chiến là khi đã xông thẳng vào những địa điểm nóng bỏng nhất của giới truyền thống như một phóng viên dày dạn và dũng cảm, thì anh vẫn giữ được cho mình những rung động mỏng mảnh trước cái đẹp. Lúc bút danh ký giả Nguyễn Việt Chiến đã lừng lẫy trên báo Thanh Niên, thì trong trang thơ lặng lẽ của anh còn nguyên vẹn bóng dáng thi sĩ rạo rực
Chiếc váy của em khe khẽ hát bài ca thân thểSự chuyển động mơ màng từ ngực đến chânTiếng thở dài khoả thân trong giấc ngủ
Phải tận tụy với người hết mực, phải chăm chỉ với đời trọn vẹn, thì bên cạnh những bài báo nảy lửa mới có thể lấp lánh những câu thơ cuồng si dường vậy! Bây giờ khi nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang gặp khốn đốn, tôi nghe sóng mũi cay xè khi đọc lại những câu thơ của anh. Những câu thơ lầm lũi lương tri, những câu thơ bùi ngùi trong sạch
Nhưng anh biết cái thời anh phải sống Sẽ qua đi tất cả dẫu nhọc nhằn Thôi hãy để thơ mình gieo vỡ với gian lao
Rồi sỏi cát sẽ nảy mầm trổ lá Rồi đau khổ sẽ xanh tươi cởi mở Với muôn trùng thiên nhiên.
Nguyễn Việt Chiến ơi, cách đây gần 10 năm, trong một quán đêm vắng lặng bên Hồ Tây, anh đọc mấy câu theo thể thơ truyền thống dân tộc Việt Nam mà hôm nay tôi còn khắc khoải: “Ở miền đất chật dân đông. Rối phải xuống nước mới mong thành người. Ở vùng buôn ngược bán xuôi. Diễn trò như rối là người đó ư?”. Sao chữ nghĩa ngày xưa lại vận vào anh cay nghiệt đến thế? Anh đang ứa nước mắt cho mình, hay đang khóc cho ai? Lẽ nào, người “đi tìm một khúc tri âm” lại vướng cảnh “mở đàn ra gặp trầm luân kiếp người” mãi ư? Dẫu từ mệnh lệnh nào, dẫu từ phán xét nào, tôi vẫn đinh ninh chốn lao tù không có chỗ cho nhà thơ như anh, một nhà thơ trân trọng cái thiện và dấn thân làm phóng viên nội chính cũng vì cái thiện. Tôi vẫn vững vàng tin thời đại chúng ta đang vun đắp bằng tin yêu, đang dựng xây bằng dân chủ, không những có chân lý mà còn có thiên lý. Tôi vẫn bồn chồn tin câu thơ anh viết: “Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ. Ta gắn hàn chút giá trị mong manh”

Saturday, May 10, 2008

Mừng ngày sinh Đức Phật

Do all the good you can, by all the means you can, in all the ways you can, at all the times you can, to all the people you can, as long as ever you can.


Giá trị của một tôn giáo không phải là ở chỗ có bao nhiêu người theo và có ai theo, mà là ở chỗ giáo lý của tôn giáo đó như thế nào và tôn giáo đó đã làm những gì cho nhân loại. (Trần Chung Ngọc)

Monday, May 5, 2008

TÔI HỌC LÀM NGƯỜI

Một lần có nhà vũ kịch đến hỏi Đức Phật, những người làm nghề vũ kịch sau khi chết sẽ thác sanh về đâu. Lần đầu tiên Đức Phật từ chối không trả lời. Nhà vũ kịch gặng hỏi nữa, Đức Phật trả lời rằng hầu hết họ đều bị đoạ vào địa ngục. Nhà vũ kịch tưởng rằng làm cho mọi người vui cười, nhờ đó sau khi chết sẽ được sanh về cõi trời, nhưng thật ra ông đã lầm. (Tương ưng bộ kinh, tập iv, chương 8 [S.iv. 306])

Hãy suy nghĩ cẩn thận về vấn đề này. Làm những điều vừa lòng người khác không hẳn đã là thiện nghiệp. Trong hành vi cư xử, có nhiều cách để chúng ta làm vừa lòng người khác, nhưng điều này chưa nói lên được bản chất thiện-ác cũng như kết quả của việc mình làm. Có nhiều việc chúng ta cứ ngỡ là đang ‘giúp’ người, thật ra nó đang phản tác dụng. Những việc làm nào xuất phát từ các động cơ như thương hại, vị nể, xã giao, sợ mích lòng, sợ mất hình ảnh đẹp của mình trong mắt người khác…thường không đem lại kết quả tốt đẹp.

Về phương diện bản thân, hành động nào làm cho những ô nhiễm trong tâm tăng trưởng, tạo cho tâm một trạng thái bất an và nặng nề, đi lệch chuẩn mực đạo đức xã hội thì đó là việc làm bất thiện. Về phương diện xã hội, những hành động trợ duyên cho người khác phát khởi và tăng trưởng tâm bất thiện, mình cũng phải chia sẻ kết quả của việc ‘nối giáo cho giặc’ này. Trở lại lời kinh ở trên, người vũ kịch dựa trên những khuyết điểm nơi con người mà hư cấu nên những tình tiết giả tạo của cuộc sống để gây cười, làm thỏa mãn tâm lý con người. Thay vì mổ xẻ ung nhọt, người ấy chỉ phủ lên bề mặt khổ đau nhức nhối đó một lớp sơn để tạo ảo giác là đau khổ ấy không còn. Khổ nỗi, hầu hết con người có khuynh hướng chấp nhận cảm giác ảo để tin và sống. Một người từ chổi đi kiểm tra sức khỏe chỉ vì sợ…nhiều bệnh bị phát hiện (chứ không phải ‘được’ phát hiện để kịp thời điều trị). Che giấu khuyết điểm hay là chấp nhận khuyết điểm của mình mà không cố gắng khắc phục đều nguy hiểm như nhau nếu chúng ta thực sự muốn ‘làm mới’ trên lộ trình tự hoàn thiện mình.

Làm cho người ta vui là tốt; nói cho người ta nghe 'lọt tai' và 'êm tai' là hay; tạo cho người ta cảm giác an tâm là quý; nhưng nếu những thiện chỉ của mình vô tình hay cố ý đẩy người ấy đi xa hơn chuẩn mực đạo đức cần thiết thì trên cả những điều này là hãy giúp người ấy có một phương hướng cụ thể để hướng dẫn họ nỗ tự hoàn thiện hơn. Đừng chìu lòng nhau để sống với tâm lý ảo trong chốc lát nhằm che lấp tạm thời những khổ đau thực tế của cuộc đời. Điều này không giúp được gì cho con người trong quá trình tiến bộ vượt lên chính mình cả. Giải stress là cần thiết, nhưng chỉ dừng lại chỗ ‘mua vui' thì cũng chỉ ‘được vài trống canh’ là cùng!

Tôi mong mỏi, những người lương thiện tri thức quanh tôi, đừng chìu lòng dung dưỡng khi thấy tôi đang rớt vào trong 'vùng mù' tội lỗi vì tôi đang học SỐNG và muốn làm NGƯỜI.