Thursday, April 17, 2008

NHƯ LÀ CHUYỆN TIẾU LÂM

Trong dòng đời tất bật với bao áp lực của cuộc sống đời thường, nhất là trong thời đại @ này, cuộc sống vận hành với tốc độ nhanh hơn, tưởng chừng ta không còn có thời gian để nhớ về quá khứ, để sống với kỷ niệm xưa. Ấy thế nhưng ký ức con người thật màu nhiệm. Tôi thấy cái đầu tôi nó lạ lắm. Đôi khi trong bề bộn lăng xăng là vậy, quá khứ cứ ùn ùn chạy về như thể tranh thủ xí phần trong cái đầu loạn xà ngầu những ý tưởng lớn nhỏ, cũ mới lăn tăn. Có những chuyện xảy ra hồi năm nẩm nào đâu, khi tôi còn là con bé đen nhẻm, da cháy nắng và có màu gần giống màu tóc mãi đến bây giờ cũng không quên được! Những chuyện cỏn con hồi ấy, vẫn còn vùi sâu trong ngõ ngách nào đó của tâm thức, có dịp là nó trỗi dậy, thật ngộ và tức cười lắm. Giờ lớn rồi, trải đời nhiều hơn, nhìn lại, một góc nhìn khác, một suy nghĩ khác. Câu chuyện tôi sắp kể đây, bây giờ tôi thấy dễ thương làm sao! Càng nghĩ, càng thấy ‘cái con bé tôi’ lúc ấy sao đáng thương quá! Còn hồi đó thì sao? khỏi phải nói…
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng nội, với những chuỗi ngày, một buổi cắp sách đến trường làng, còn một buổi dắt trâu cày, trâu bừa cùng chăn trâu trên các đồng cỏ. Kỷ niệm tuổi thơ không thể thiếu những đêm trăng tụ tập cùng trẻ lối xóm chơi đủ trò con nít đến khi Mẹ ơi ới gọi về đi ngủ. Thế là tôi có cả “một kho tư liệu cổ” của tuổi thơ, không có áo đẹp dép mới, không được mỗi bữa đưa đón đến trường như trẻ em thành phố, nhưng tôi không thiếu những hoa và bướm, có cả ve ve rầy mít, cả dế mèn dế dũi đầy ắp trong ngăn kéo tuổi thơ đẹp và ngây thơ, ngây thơ đến ngây ngô và khờ dại của tôi đấy! Còn kỷ niệm ở trường thời ấy, cũng khờ khạo lắm…
Năm ấy tôi học lớp Một. Ngày đầu tiên đến lớp, chị tôi đưa tôi đến trường rồi chị về, bảo rằng tan học, tôi tự đi về. Chị học cùng trường với tôi nhưng mà khác buổi. Trên đường đi, lần lượt tôi gặp bọn trẻ chạc tuổi như tôi từ các ngả đường làng khác, nhập vào đường mòn và chúng tôi cùng đến trường trên con đường đất ấy. Chị bảo tôi theo các bạn đến trường, nhưng thấy tôi lo lắng, chị chìu lòng đưa tôi đến tận cửa lớp. Suốt buổi học đầu tiên, tôi cứ sợ đến lúc về sẽ đi lạc vì nhà tôi ở cuối xóm, không có bạn bè nào ở gần nhà để tôi cùng đi từ trường về cả. Tôi chỉ kịp nhớ từ nhà bà Hai đầu xóm, đi một tí quẹo phải, hai lần tiếp quẹo trái, rồi lại quẹo phải một lần nữa thì đến đường lớn dẫn đến trường. Bây giờ đi về, thì sẽ theo quy trình ngược, tức phải quẹo trái trước…rồi mới quẹo phải hai lần... Thế là đầu suy nghĩ, tay phải huơ một tí, rồi tay trái dang ra một chút để hình dung, định vị đường đi. Hồi đó tôi còn nhớ, nhỏ quá, nói tay phải thì phải giơ cánh tay phải ra mới có thể định vị. Trẻ em là vậy, khi tư duy trừu tượng chưa thuần thục, chúng chỉ biết dùng tư duy hình ảnh. Ngồi trong lớp, đâu có được tự do huơ tay múa chân như ở nhà, tôi đành ‘khiêm tốn’ huơ nhẹ nhẹ tí xíu để có thể mường tượng con đường tôi phải vượt qua để về nhà trưa nay. Trông sao về đến nhà bà Hai đầu làng là khỏi lo. Đến đó, tôi có thể phóng một mạch là đến nhà, không sợ lạc vì khi chơi bắn súng, trốn tìm, có khi tôi chạy đến vườn nhà bà Hai lận.
Mới đưa tay huơ huơ nhè nhẹ, ấy thế mà cô giáo bắt gặp. Đúng là cô giáo, đôi mắt tinh nhạy hết biết! Cô cảnh cáo tôi “làm gì mà huơ tay đó?” Tuy là ngày đầu tiên đến lớp, tôi hiểu được ngay đây không phải là câu hỏi để tôi trả lời, mà là câu rầy la cảnh cáo, vì tôi thỉnh thoảng gặp ‘loại câu hỏi’ này từ Cha Mẹ tôi mà. Người lớn có cách hỏi kỳ cục vậy đó, hỏi mà không phải hỏi…Tôi làm thinh cúi đầu nhìn xuống bàn như là một thái độ biết lỗi và cũng để tránh né ánh mắt nghiêm nghị của cô giáo. Từ đó, tôi sợ cô giáo, sợ hơn bất cứ người lớn nào khác. Ở nhà, tôi cũng sợ Cha Mẹ, nhưng không quá sợ và có khoảng cách nhiều đến vậy. Những ngày sau đó, cô càng làm cho tôi sợ nhiều hơn. Dù rằng tôi học rất tốt, nhưng tôi không thế nào có cảm giác gần gũi được với cô. Chính sự sợ hãi đến vô lý này (thật ra, với suy nghĩ của một con bé nhà quê học lớp Một thì nỗi sợ này có lý lắm!) mà một hôm, sự cố xảy ra với tôi.

Một hôm, trong giờ giải lao...

Trường làng, nhà vệ sinh đã không sạch sẽ, mà lại ít ỏi, chỉ có hai cái thôi! Thế là suốt giờ ra chơi, tôi canh chừng chạy vào nhà vệ sinh và lúc nào cũng…có người. Tôi lại chạy ra tranh thủ nhập vào nhóm bạn chơi thêm tí nữa. Lát sau, trở vào, cũng lại…bận, thế là chạy ra chơi tiếp, cho đến khi trống vào lớp trở lại. Vào lớp học, tôi ngồi nghiêm túc lắm. Kể từ cái hôm đầu tiên bị la, tôi không còn ngọ nguậy chân tay nữa, vì tôi cũng đã thuộc đường đi từ nhà đến trường và tôi cũng đã quá sợ cô giáo rồi. Đang ngồi học, tôi lại muốn... Chết rồi, cách đây ba hôm, có đứa xin cô ra ngoài, bị cô mắng là làm mất trật tự trong giờ học, làm ảnh hưởng người khác và cảnh cáo hôm sau không được ‘tái phạm’. Cuối cùng cô cũng cho phép ra ngoài nhưng nó phải bị la mắng trước mặt bạn bè. Tôi không muốn thế, tôi cố nín, nhưng rồi không thể đợi đến giờ tan học được.

Không biết bao lâu mới hết giờ nhỉ? Tôi mong sao thời gian trôi nhanh hơn. Ba tiếng trống là tất cả những gì tôi muốn lúc này. Không tìm đâu ra được một cái gì để có thể xác định thời gian. Phải chi đang đứng ngoài trời, tôi có thể nhìn bóng của mình đổ xuống ánh nắng thì có thể đoán được giờ. Người tôi bắt đầu run lên. Nguy rồi! Thế là chuyện xấu nhất đã xảy ra... Tôi định đổ bình đông nước dưới đất bên cạnh chân bàn để phi tang, nhưng chưa kịp…
Mấy đứa xung quanh biết chuyện, rồi mấy đứa xa hơn chút cũng biết luôn. Cuối cùng, khu vực quanh chỗ tôi ngồi bắt đầu mất trật tự. Chết rồi! cô đi xuống gần, tôi càng mất bình tĩnh hơn, ước gì có phép màu độn thổ được, chắc tôi làm liền! Khi thấy bạn bè xúm lại nhìn tôi, đứa cười chúm chím chọc ghẹo, mấy đứa ngồi gần quay mặt đi hướng khác vì ngượng…giùm cho tôi. Cô hỏi “chuyện gì xảy ra vậy?” Có thể câu hỏi này là để biết thông tin, sẽ không giống câu hỏi cô hỏi tôi trong ngày đầu tiên, nhưng miệng tôi cứng lại vì ngượng, mặt nóng bừng bừng, mắt chớp chớp liên hồi để cố ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra. Cô biết chuyện (tôi lại ngồi đầu bàn mới ác chứ!), cô lặng lẽ quay lên. Cô gõ cây thước lên bàn, bảo “các em tập trung nghe đây” rồi cô tiếp tục bài giảng.
Một lát sau, trống tan trường vang lên. Cô giáo giả vờ như không có chuyện gì ‘đặc biệt’ xảy ra; cô đi thẳng ra cửa lớp…Tôi chỉ đợi có vậy. Thông thường, khi nghe trống hết giờ, chúng tôi thi nhau chạy ùa ra khỏi lớp như ong vỡ tổ. Hôm nay, đám bạn học tôi thay vì ùa ra cửa lớp, chúng xúm lại quanh tôi. Vài đứa con trai thì vừa ré vừa cười chọc ghẹo. Mấy đứa còn lại la và đẩy chúng ra xa, nước mắt tôi bắt đầu tuôn ra… Tôi nghe tụi nó nói với nhau “đừng có chọc nữa, nó khóc rồi kìa!” nước mắt tôi trào ra nhiều hơn vì bị bạn bè ‘thương hại’. Có mấy đứa ra chiều thông cảm đến bên tôi, dỗ dành “nín đi, đừng khóc nữa. Răng bạn không xin cô ra ngoài? Cùng lắm là cô la mất trật tự, có chi mô mà sợ kinh rứa?”. Tôi chỉ biết khóc và khóc. Dưới chân tôi chỉ còn lại vết vằn vện trên nền, khuôn mặt tôi nhạt nhòa nước mắt. Mắt đỏ hoe, sưng húp. Lại lo về nhà bị phát hiện thì đúng là “họa vô đơn chí”.
Bạn bè cũng đã ‘tha’ cho tôi mà lần lượt ra về. Đợi đến khi không còn ai nữa, tôi bẽn lẽn ôm cặp về theo. Mặt mày ủ ê, không dám nhìn ai cả. Tôi có cảm giác ai cũng biết chuyện của tôi, cả những người ngoài đường. Thường ngày tôi gặp mấy cô bác nông dân đi làm đồng về, tôi khoanh tay thưa, hôm nay, tôi lầm lũi bước đi trong tủi hổ. Tôi tưởng chừng những bụi hoa ngũ sắc ven đường tôi đi cũng đã biết chuyện và cười trêu tôi. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ với mấy cây dủ dẻ tôi thường chui vào hái hoa mỗi tối. Chắc từ nay, tôi sẽ mắc cỡ và không dám chui đầu vào hái hoa dủ dẻ nữa rồi, mặt mũi nào mà lại gần nó chứ! (hoa dủ dẻ thơm về đêm lắm, gần tối đi bứt hoa dủ dẻ là thú vui của tôi, tôi tiếc rẻ…) Tôi giận tôi nhiều quá, nhưng biết làm sao hơn. Văng vẳng trong đầu, câu trêu chọc của vài bạn trong lớp vẫn bám theo tôi nhiều ngày. May mà khi xảy ra ‘sự cố’ tôi cũng sắp xong lớp Một rồi.
Năm sau, tôi nằng nặc Mẹ xin cho tôi chuyển sang lớp khác mà không nói lý do gì. Tôi toại nguyện. Cô giáo lớp Hai của tôi vô cùng cởi mở và gần gũi. Mọi người thân thiện với tôi hơn. Tôi hòa nhập nhanh chóng vào môi trường lớp mới, tôi tự tin và học tốt cho đến ngày rời ngôi trường đầy ắp kỷ niệm vui buồn ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi học với cô giáo cũ thêm một năm nữa…
Không biết trong kỳ họp phụ huynh cuối năm, cô giáo có nói gì với Mẹ tôi không, đến giờ tôi cũng không được biết. (Sau này, khi lên cấp II rồi, nghĩ lại, tôi tin giáo viên cả trường đều biết câu chuyện của tôi và hầu hết thầy cô đều thay đổi ứng xử với tôi để giúp tôi học trong môi trường tốt nhất).
Thế đấy, con nít ngây ngô, khờ dại và có những nỗi sợ vô lý như vậy đó mọi người ạ. Đã xa rồi cái thời người lớn mong trẻ con chỉ biết vâng phục và sợ sệt. Hãy khuyến khích các em nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình. Hãy tạo môi trường thân thiện để các em được học thoải mái nhất. Làm cô giáo dạy trẻ nít, hiểu và giúp chúng vượt qua khỏi những gút mắc tâm lý, những sợ hãi không đáng có là một điều vô cùng quan trọng. Những hành vi, cách cư xử của thầy cô giáo trong những năm tháng đầu đời nơi học đường sẽ đi theo con người suốt thời gian dài trong cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của người ấy. Hãy đến với các em như là một người bạn, các em sẽ ngoan và học tốt hơn. Giúp cho trẻ em thích nghi với môi trường học trong không khí cởi mở và cảm thông, các em nhanh trưởng thành và đi vào đời tự tin hơn vậy.