Giáo dục là nền tảng của một đất nước và như mọi nước trên thế giới, trong khả năng có thể của mình, nền giáo dục Việt Nam cũng đang chuyển mình đổi mới. Chương trình đổi mới, sách giáo khoa cải thiện, phương pháp dạy cần phải sửa đổi nhiều. Từ truyền thống thầy dạy-trò học theo quy trình một chiều, chương trình mới đòi hỏi người dạy và người học thay đổi phương pháp dạy, cải tiến hình thức học bằng cách “chuyển nhượng bản quyền” về tri thức. Trước đây, thầy ‘rót’ tri thức vào ‘đầu’ học trò; nay đòi hỏi học trò phải chủ động, sáng tạo và tự tích lũy tri thức cho mình dưới sự tổ chức và hướng dẫn có phương pháp của Thầy.
Qua tiếp xúc thực tế, một điều đáng mừng là chúng tôi thấy thầy cô tỏ ra rất có thiện chí trong việc áp dụng phương pháp mới vào trường học bằng cách tổ chức, gợi ý và khuyến khích trẻ em động não hơn trong việc học của mình. Kết quả của nỗ lực này thật đáng ghi nhận. Thế nhưng, có trường hợp, sự áp dụng phương pháp mới này một cách thiếu khoa học và nhất là, thầy cô chưa được trang bị đúng mức kiến thức về nền tảng triết lý, tiết học trở thành một vở hài là chuyện không thể tránh.
Trong một tiết học đánh vần ở lớp Một, cô giáo đang hướng dẫn học sinh ghép vần chữ “ơ” và “t”. Cô giáo yêu cầu một em học sinh đứng lên, bảo em ghép vần “ơ” và “t”. Đây là một đoạn đối thoại:
Cô giáo: ‘ơ’ ghép với ‘t’ thành gì? ơ tờ (t) gì vậy em?
Học sinh: (làm thinh, vẻ bối rối)…
Cô giáo gợi ý: cái này rất phổ biến ở nhà, nhà ai cũng có, nhà em cũng không thiếu. Cái gì mà nó cay cay…
Học sinh: ‘ơ’ ‘t’ ...tiêu cô ạ!
Cả lớp cười ầm lên…
Áp dụng phương pháp dạy cải cách kiểu này thì chỉ có nước…botay.com thôi!
Chứng kiến cảnh thật 100 % ở trên, tôi cũng gượng cười...một nụ cười méo xệch, mà lòng trăn trở và cảm thấy lo cho việc dạy và học đang diễn ra trong giai đoạn 'giao thời' này. Cải cách, nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?!