Wednesday, April 16, 2008

HỌC--XƯA VÀ NAY...



Ngót gần 30 năm tôi mới có dịp quay về trường cũ, ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời tôi với bao kỷ niệm đầy vơi. Ngôi trường xưa giờ đã thay áo mới với vẻ ‘hiện đại’ và khang trang hơn nhiều so với ngôi trường làng học ba ca một ngày của cái thời tôi cắp sách. Duy có ba cây phượng vĩ và hai cây nhãn vẫn còn nguyên như những người bạn cũ đón tôi về, tuy chúng có già nua và cằn cỗi hơn theo năm tháng thời gian. Về trường, tôi mong tìm lại những kỷ niệm xưa qua từng trang sách vở học trò của các em… Đi ngang dãy hành lang khu B, một lớp học thuộc khối lớp 3 đang xôn xao bàn tán. Tôi dừng lại bên cửa sổ nhìn vào, từng đôi mắt ngây thơ cười nói, trao đổi tập vở và tham gia bình luận đẹp-xấu, được loại ‘A’ hay ‘B’. Tôi thấy hình bóng tôi trong các em: học sinh là vậy, mỗi lần cô giáo trả bài là lớp sôi nổi lắm. Một nhóm học sinh đang xem và bình luận một bức tranh vẽ ‘Mẹ em’ của một em bé gái. Bức tranh vẽ thật ngộ nghĩnh ấy trở thành trung tâm điểm của cả lớp. Em vẽ một người phụ nữ, một nửa khuôn mặt tô màu đỏ nhạt, một nửa kia chỉ phớt hồng trên gò má. Một con mắt to và tròn, trông rất giận dữ và một con mắt dịu dàng như biết cười. Nửa miệng há hoác ra lộ một chiếc răng trong khi đó nửa miệng kia đang mỉm cười. Bức vẽ lạ thật lạ ấy được cô giáo cho điểm ‘C’, theo quy ước thông thường là tương đương 5 điểm.



(hình minh họa-không phải hình em bé vẽ)
Tụi nhỏ chuyền tay bức tranh kỳ cục và xúm nhau cười, riêng cô bé là ‘tác giả’ bức tranh chỉ ngồi làm thinh không nói gì cả trước thái độ của bạn bè, mặt thoáng buồn với điểm ‘C’ trong khi bạn bè đều được ‘A’ hoặc ‘B’. Đợi đến giờ ra chơi, tôi trở lại gặp em bé có bức tranh ngộ nghĩnh ấy và được em giải thích rằng, đó là bức tranh em vẽ mẹ mình. Những lúc bình thường, mẹ rất dễ thương, đôi má ửng hồng, cặp mắt như biết cười. Thế nhưng, khi mẹ giận dữ thì ôi thôi, mặt đỏ bừng bừng, miệng la hét và mắt trợn lên trông thật dễ sợ. Do vậy, để diễn tả mẹ trong cả hai trạng thái, bé vẽ một nửa khuôn mặt khi mẹ vui, một nửa kia biểu thị khi mẹ giận dữ và ‘sản phẩm nghệ thuật’ là bức tranh kia. Tôi ngạc nhiên và đánh giá cao sáng kiến của em bé. Tôi đem câu chuyện này thuật lại với cô giáo, cô chỉ buông một câu “nhưng một bức tranh thiếu cân đối và xấu như thế thì chỉ có thể cho điểm ‘C’ thôi.” Câu trả lời của cô giáo cho tôi hiểu được nhiều điều. Tôi lại quay về ký ức với kinh nghiệm của chính mình, cũng môn ‘Tập vẽ’ và đây là câu chuyện của tôi.

Hồi ấy tôi học lớp 2. Tôi còn nhớ như in, cái môn tôi ghét và sợ nhất là môn ‘tập vẽ’, vì tôi chẳng có tí khiếu nào về kỹ năng này. Bạn bè thi nhau kháo, đứa nào có hoa tay mới vẽ đẹp, tôi thì chẳng có được cái hoa tay nào cả, hèn gì cái môn này đày đọa tôi suốt thời đi học ở cấp I. Hôm nào tôi được 7 điểm tập vẽ, tôi mừng…hết lớn trong khi tôi không có cảm giác nhiều với những con 10 tròn trịa ở các môn khác. Điểm trung bình hàng tháng và vị thứ của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào môn tập vẽ đáng ghét này, vì các môn kia, không có lý do gì để tôi bị điểm thấp. Tự biết mình không có khiếu, tôi gia công, cần cù nhiều hơn và lúc nào cũng cố gắng hoàn thành ‘tác phẩm’ của mình một cách xuất sắc nhất trong khả năng mình.

Quái thật, nhìn tranh trong sách, trong các cuốn truyện tranh tôi đọc, tôi rất thích và thấy từng chi tiết trong ấy sinh động lắm. Tôi hiểu khá nhiều chi tiết của câu chuyện qua tranh, thế nhưng bản thân tôi thì, ôi thôi tệ ơi là tệ. Khi nào đến tiết tập vẽ, tôi dồn mọi cố gắng, chú ý vào để vẽ cho ra hồn một tí. Tôi vật lộn với từng nét chì trông đến tội nghiệp. Rồi cái đoạn tô màu thì ôi thôi quả là một cực hình. Khi nào đề bài yêu cầu ‘vẽ tự do’, y như rằng, ‘điệp khúc bốn mùa’ của tôi là trang trí hình vuông, hình chữ nhật hoăc đường diềm. Thú thật, lúc đó, khái niệm đường diềm còn quá xa lạ với một con bé hơn 7 tuổi như tôi, chỉ biết đó là đoạn thẳng bề ngang 1 ô vở, chiều dài chừng 8 đến 10 ô vở. Với tôi đó là một dạng đặc biệt của hình chữ nhật, chứ không biết ‘diềm’ là gì, vì tôi quen dùng từ ‘viền’ hay ‘biên’ để chỉ khái niệm này. Đơn giản tôi chọn những hình này vì nó có thể vẽ dễ dàng với sự hỗ trợ của thước kẻ, không có những nét cong phức tạp và khó vẽ. Thế nhưng, khi nào vẽ những hình này, tôi thường được 5 điểm, may mắn lắm thì được 6 điểm thôi. Tôi không muốn điểm môn tập vẽ này cứ làm ảnh hưởng đến kết quả chung những môn học khác vốn quá dễ dàng với tôi. Thế là tôi quyết định làm một cuộc ‘cách mạng’ ra khỏi hình vuông, chữ nhật hay đường diềm khi vẽ tự do.


Một hôm, cô giáo bảo ‘ngày mai, tập vẽ tự do’, tôi quyết định áp dụng sáng kiến của mình. Tôi dự định vẽ một chiếc lá khoai lang. Tôi tin là mình sẽ có bức tranh khá hơn và biết đâu lại được điểm 7 không chừng. Sáng sớm hôm sau, tôi dậy sớm hơn thường lệ, chạy ra vườn, ngắt một đoạn khoai lang có đến 3 chiếc lá đẹp. Tôi tự nhủ, lỡ rụng hay héo lá này, còn có lá khác. Tôi cẩn thận bỏ cọng lang vào chiếc bọc nylon, rồi cho vào cặp, đến trường. Đến giờ tập vẽ, tôi lấy cọng lang ra, chọn chiếc lá đẹp nhất ra làm mẫu để vẽ. Tôi hì hục, hý hoáy một hồi, tìm mọi cách để vẽ chiếc lá lang thật giống với chiếc lá thật trong tay. Từng đường cong, nét uốn, tôi cố gắng vẽ, có khi nín thở cho một nét bút, có lúc tôi ướm chiếc lá lên trang vở nữa. Lại cặm cụi, hì hục… Cuối cùng, chiếc lá xong, đến đoạn tôi tô màu. Tôi đem mấy cây bút màu ra thử trên giấy, rồi đem lá lang ra so, không thấy màu nào giống màu thật của chiếc lá. Giờ vẽ cũng sắp hết, tôi bắt đầu lo lắng. Thế rồi, một sáng kiến chợt lóe lên trong đầu, tôi lấy chiếc lá, bóp nhàu nát thành một thứ ‘màu nước’ tự chế rồi tô vào hình chiếc lá tôi vừa vẽ rất công phu ấy. Thú thật, khá vất vả để màu không bị lòe ra bên ngoài. Lại là màu nước, nên rất dễ vấy bẩn. Thế là mồ hôi mẹ, mồ hôi con thi nhau tuôn ra. Bây giờ thì màu dính cả hai tay rồi, ô kìa lại vấy sang cả áo! Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành ‘tuyệt tác’ của tôi đúng giờ và thu dọn ‘đồ nghề’ kịp lúc, nhưng than ôi, chiếc áo đi học của tôi (chiếc áo nền trắng, hoa màu hồng; hồi đó học sinh chưa phải mặc đồng phục) bây giờ thêm lốm đốm mủ khoai lang, màu xanh lá lang, trông dị hợm và dơ bẩn quá. Tôi bắt đầu lo về nhà bị một trận la vì không biết gìn giữ áo quần đi học. Tôi tự trấn an “bị la cũng được, nhưng ít ra mình cũng vẽ được một bức tranh khá hơn và quan trọng nhất là thoát ra khỏi kiếp hình vuông, đường diềm”.


Việc gì đến ắt phải đến, tôi bị mẹ la về chiếc áo, không sao, tôi làm thinh, thế là qua chuyện. Còn hình vẽ chiếc lá của tôi ư? Sau khi nộp ‘tác phẩm’ của mình, tôi nóng lòng chờ đời. Ngày hôm sau,cô trả tập vở lại, tim tôi đập nhanh hơn, tôi hồi hộp đợi chờ…Vừa nhận cuốn tập từ cô giáo, không một giây chần chừ, tôi lật ra coi liền. Trời ạ, vẫn con số 5 xấu xí đỏ chét như đang trêu ghẹo tôi về công sức dã tràng tôi đã ‘đầu tư’ cho bức vẽ. Tôi buồn…buồn lắm! Tôi nhớ, lúc ấy, tôi buồn cho con số 5 thì ít, mà buồn vì sự cố gắng của tôi chẳng ích gì thì nhiều. Tôi buồn vì phải trở lại quẩn quanh với hình vuông, đường diềm khi tự mình được chọn vật thể để vẽ (lâu lâu mới được ‘vẽ tự do’ một lần). Tôi buồn vì cứ phải bo bo dựa vào cây thước kẻ với những đường ngang, dọc cứng nhắc khô khan…
Rõ ràng em bé kia, và bản thân tôi cùng bao học sinh khác không thể trở thành họa sĩ, nhưng chúng tôi biết cảm nhận cái đẹp, cái hay trong cuộc sống và muốn thể hiện vào trong những bức vẽ. Chúng tôi có thể hiểu và yêu thích những bức vẽ hay các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi vẫn có sáng kiến, một yếu tố khá quan trọng trong sáng tác nghệ thuật, và cố gắng thể hiện theo các nhìn, cách hiểu của mình. Thế nhưng, ai sẽ là người hiểu và đánh giá đúng mức sự nỗ lực và cách cảm nhận, thể hiện của chúng tôi?! Nếu thầy cô giáo cứ mong nhìn thấy những bức tranh đẹp từ học sinh cấp I, tôi e rằng sẽ có nhiều em bé như chúng tôi, luôn nhận được con số 5 méo mó hay loại ‘C’ tội nghiệp kia thôi. Thầy cô giáo muốn học sinh mình phát triển những gì? đánh giá học sinh và việc học của các em như thế nào? câu hỏi nhiều năm vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng…

Trường lớp vẫn vậy, bảng đen phấn trắng như xưa, học trò xưa và nay, cách nhau 30 năm mà cách học, cách đánh giá coi ra không khác mấy! Vì đâu?