Tỉnh thức là gì?
Cuộc
sống vốn luôn vận hành, chúng ta thường xuyên chịu nhiều áp lực nặng nề với bao
lo toan không hồi kết của kiếp người. Chính vì vậy mà Bùi Giáng đã từng viết “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc; Nào ngờ
đâu ở mãi đến hôm nay…”. Những tất bật hối hả với cơm, áo, gạo, tiền làm chúng
ta mệt nhoài và căng thẳng, lắm lúc chao đảo đến mất thăng bằng. Tâm trí luôn mệt
mỏi vì hoạt động hết “công suất”. Lúc thì một ý tưởng tiếc nuối những kỷ niệm đẹp
một thời trong dĩ vãng khởi lên, hoặc một niệm ân hận day dứt với những lỗi lầm
không đáng có trong quá khứ gợi về, khi thì những lo nghĩ, toan tính, dự định
cho những điều không có gì chắc chắn ở tương lai lại lảng vảng trong đầu. Ít
khi chúng ta biết trân quý và sống với hiện tại, để có thể đem tâm về chung sống
với thân. Đây là một nghịch lý mà phần lớn chúng ta dễ mắc phải! Ta muốn hạnh
phúc và hạnh phúc ấy chỉ có mặt trong hiện tại, sao ta lại bỏ hiện tại đi tìm hạnh
phúc hư ảo ở những vọng tưởng xa xôi? Để đời sống mình có thêm nhiều ý nghĩa,
chúng ta cần sống và thể nghiệm từng phút giây trong hiện tại nhiệm mầu với chánh
niệm tỉnh thức.
Rời hiện tại làm
gì có tỉnh thức?
Sống tỉnh thức là duy
trì ý thức trên mỗi công việc mà mình đang thể nghiệm, đang “sống” với trong từng
phút giây hiện tại. Không mua “vé khứ hồi” để tâm quay về bận bịu với quá khứ,
không viển vông chắp cánh mơ tưởng đến tương lai mà từng khắc, từng khắc trong
hiện tại, chúng ta cần tỉnh thức và biết rõ những gì đang diễn ra nơi mình, với
mình và với cuộc sống quanh mình.
Tỉnh thức được đề cập đến
ở nhiều hình thái khác nhau bàng bạc trong các bài thuyết giảng tôn giáo, thơ
ca và văn chương. Tuy vậy, có thể nói rằng, người đầu tiên thấy rõ vai trò của
tỉnh thức trong đời sống và đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để đạt đến trạng
thái tỉnh thức là đức Phật lịch sử Gotama. Tên Ngài (Gotama Buddha) nghĩa là Bậc
Tỉnh Thức, thật đúng với những gì Ngài thể hiện trong cuộc sống của mình. Suốt
cuộc đời 80 năm tồn tại trong kiếp nhân sinh, Ngài chỉ thực hiện một điều duy
nhất: sống tỉnh thức và hướng dẫn người khác phương pháp sống tỉnh thức để nhận
được trọn vẹn những lợi ích thiết thực do nếp sống tỉnh thức đem lại. Ngài tỉnh
thức trong từng động niệm của tâm thức, của cử chỉ hành vi, của lời nói mà
trong kinh thường mô tả “khi đi tới, đi lui, đều tỉnh thức, khi co tay, duỗi
tay, đều tỉnh giảng, khi mang y cầm bát, đều tỉnh thức…”.
Tỉnh thức là một trong
những yếu tố quan trọng nhất có tính quyết định sự thành bại trong mọi hoạt động
của con người. Những nghiên cứu về phương diện này chỉ ra rằng nếu duy trì và
tăng trưởng trạng thái tỉnh thức, chúng ta sẽ chủ động hơn trong công việc, cuộc
sống thêm nhiều niềm vui, cơ thể có sức đề kháng tốt hơn, có khả năng chống đỡ
bệnh tật tốt hơn, thân thể tráng kiện hơn, tư duy tích cực hơn và đời sống tinh
thần lành mạnh hơn. Tỉnh thức là thần dược trị bệnh căng thẳng và lo âu - một
căn bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại khi con người sống nhanh, sống vội
trước sức cuốn khó cưỡng của các cơn lốc xoáy vật chất. Do đó, thực hành tỉnh
thức là điều cần thiết để có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
Thực hành tỉnh thức
như thế nào?
Một
hình thức thực hành tỉnh thức có tính truyền thống và nguyên tắc được nhiều người
biết đến là “thiền tỉnh thức”, nghĩa là tập sống tỉnh thức trọn vẹn trong trạng
thái trầm tĩnh và minh mẫn của tâm. Người thực hành theo phương pháp này cần
tuân thủ một số nguyên tắc căn bản, ví dụ cần phải ngồi yên lặng trong một thời
gian đủ dài ở tư thế thoải mái thì tâm mới có thể lắng trong làm nền cho tỉnh
thức.
Tư
thế bán già (còn gọi tư thế nửa hoa sen, ngồi xếp bằng chân phải đặt lên đùi
trái, hoặc chân trái đặt lên đùi phải, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa
lên) phù hợp với người mới tập ngồi. Thế nhưng, cân bằng nhất và đem lại hiệu
quả tốt nhất trong thiền tập là tư thế kiết già (còn gọi tư thế hoa sen, ngồi xếp
bằng, chân phải đặt lên đùi trái, đồng thời đặt chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ
gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên). Thời gian tối thiếu cho người mới bắt
đầu là 30 phút mỗi lần, hai lần trong một ngày và duy trì thường xuyên sự thực
hành này như là một phần của sinh hoạt thường nhật. Khi quen dần, số lần ngồi
trong ngày và thời gian cho mỗi lần ngồi cần được tăng lên để an trú tâm trong
sự tĩnh lặng lâu nhất có thể. Trong quá trình ngồi, người thực hành bắt đầu tập
trung sự chú ý vào hơi thở. Đồng thời, nên thả lỏng các cơ, không gồng cứng, tâm
buông xả, để cho những cảm thọ ra đi, không giữ lại bất cứ ý tưởng nào vẫn
không ngớt lên-xuống, vào-ra.
Công
việc của người thực tập thiền thở là chú tâm vào hơi thở, đừng để tâm vào bất cứ
thứ gì khác. Đầu tiên, sự chú tâm đặt ở điểm xúc chạm giữa luồng không khí và cơ
thể khi chúng ta hít vào. Nghĩa là chúng ta chú tâm vào vùng môi trên, ngay dưới
chóp mũi để quan sát xem, luồng không khí từ ngoài chạm vào vị trí nào trước
khi đi qua hai lỗ mũi. Hãy để tâm theo dõi hơi thở đi vào trong buồng phổi và rồi,
khi hơi thở đi ra, hãy dõi tâm theo những cảm thọ của hơi thở cho đến khi nó chạm
vào điểm tiếp xúc cuối cùng rồi đi ra khỏi cơ thể mình. Đừng điều chỉnh hay can
thiệp vào hơi thở, chỉ cần yên lặng quán sát hơi thở tự nhiên của nó, quán sát
cảm thọ, quán sát sự chuyển động ra-vô, lên-xuống của hơi thở mà thôi. Ngoài việc
để tâm đến độ ngắn-dài của hơi thở cùng những tính chất nặng, nhẹ, dễ chịu, khó
chịu…của hơi thở khi ra-vào cơ thể, khoảng cách gián đoạn giữa hai hơi thở cũng
cần dõi tâm. Nói chung, đối tượng chú tâm là hơi thở và những gì thuộc về hơi
thở.
Đối xử thế nào với
các vị “khách không mời”?
Một điều không thể
tránh khỏi là khi đang thực hành tỉnh thức, những ý tưởng, cảm thọ và cảm xúc ồ
ạt dâng trào trong tâm thức. Bạn đừng vội nản lòng khi tâm mình chưa tĩnh lặng
và lắng trong. Đây là lúc bạn chánh niệm thực hành kiên nhẫn và bình thản, hai
yếu tố vô cùng cần thiết trong sự thực hành thiền tỉnh thức.
Chúng ta cần đối xử “thân
thiện” và “chừng mực” với những vị “khách không mời” này để không bị ảnh hướng
trong việc thực hành và duy trì tỉnh thức. Đừng để mình bị cuốn theo bất kỳ cảm
xúc nào, chúng ta cũng không đè nén, không phân tích, không “bạo động” với chúng.
Việc chúng ta cần làm là quan sát và ghi nhận những động tĩnh và hành trạng của
chúng mà thôi. Khi chúng đến, chúng ta biết chúng đến; khi chúng đi, chúng ta ý
thức đầy đủ sự ra đi của chúng rồi đem tâm về với hơi thở. Không cần “hiếu
khách” ân cần mời mọc chúng ở lại, cũng không “khiếm nhã” cộc cằn xua đuổi
chúng ra đi. Thái độ “hiếu khách” hay “khiếm nhã” như vậy đều không thích hợp, mà
còn gây chướng ngại, làm tổn thương đến sự tỉnh thức khi chú tâm vào hơi thở của
mình.
Nếu đã biết tên những vị
“khách không mời” này, ví dụ như “suy nghĩ”, “cảm giác ngứa ngáy”, “một ý tưởng
buồn”…chúng ta cũng cần biết thời điểm nó “đột nhập” vào tâm mình, và nên nhớ,
biết cũng chỉ để biết nó “như là”, không can thiệp, không phản ứng. Nếu không
biết tên chúng cũng không sao, ví dụ có một cảm giác là lạ, không mô tả được
nhưng có thể cảm nhận, thì việc của chúng ta là cảm nhận chúng một cách khách
quan. Khi nhận diện được hành trạng của những ý tưởng, cảm thọ và cảm xúc này, nếu
chúng ta không can thiệp, chúng sẽ tự động ra đi. Lúc này, chúng ta đang thực
hành tỉnh thức về sự đến-đi của các cảm thọ. Thế nhưng, mục đích của chúng ta
là trụ tâm vào đối tượng là hơi thở, nên duy trì tỉnh thức trên hơi thở càng
nhiều càng tốt. Khi nào sự chú tâm trượt khỏi đối tượng hơi thở mà rong chơi ở
những nơi khác, ngay khi phát hiện, chúng ta nhẹ nhàng đem tâm về trú trên hơi
thở trở lại. Kiên trì và liên tục, nếu tâm rong chơi 10 lần, chúng ta nhẹ nhàng
đem tâm về với hơi thở 10 lần; nếu tâm rong chơi 100 lần, thì vẫn 100 lần chúng
ta bình thản đem tâm về trú trên hơi thở.
Sống tỉnh thức có
lợi ích gì?
Sống tỉnh thức trước hết
là chú tâm trọn vẹn vào những việc đang làm để nhận diện rõ những gì đang diễn
ra trong ta và quanh ta, nhờ đó, chúng ta có thể hoàn thành công việc một cách
hoàn hảo và chỉnh chu nhất. Một khi nguồn năng lượng, sự tập trung và nỗ lực được
đặt vào một đối tượng duy nhất là việc đang làm, kết quả mỹ mãn nhất trong khả
năng có thể là điều hiển nhiên vậy. Đây là cách chúng ta tiết kiệm thời gian
nhiều nhất, làm việc hiệu quả nhất vì nguồn năng lượng dành cho công việc cần
làm không bị phân tán và lãng phí.
Sống tỉnh thức là luôn
quán sát dòng tâm thức đang vận hành và phản ứng của tâm đối với những tác động
từ bên ngoài. Theo cách này, tâm trí chúng ta dần dần trở nên tĩnh lặng và sáng
suốt hơn. Thực hành tỉnh thức là cách để chúng ta tự hiểu về chính bản thân
mình nhiều và rõ hơn. Quá trình thực hành mỗi ngày sẽ tạo cho chúng ta một thói
quen kiểm soát sự vận hành ý tưởng và suy nghĩ của mình trong từng giây từng
phút khi tiếp xúc với thế giới hiện tượng thông qua các cửa ngõ giác quan. Gặp
những gì mình thích, tâm phản ứng ra sao; gặp điều mình không ưa, tâm hành hoạt
thế nào; khi gặp người hay cảnh không ưa cũng chẳng ghét, tâm thể hiện ra sao… Nhờ
thực hành liên tục, chúng ta hiểu được tâm ý mình muốn gì, đi về đâu và hiểu được
những suy nghĩ của mình để kịp thời điều chỉnh chúng.
Những suy nghĩ không
trong sáng và tiêu cực, nếu được kiểm soát khi nó còn là ở dạng tiềm tàng trong
suy nghĩ, sẽ được ngăn chặn kịp thời trước khi nó hành hoạt và biểu hiện ra lời
nói và hành động, nhờ đó chúng ta sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Lợi
ích sẽ nhiều và bền vững hơn nếu chúng ta thực hành sống tỉnh thức thường xuyên,
tập trung và kiểm soát tâm ý trong tất cả các công việc mình làm. Đây là một việc
làm không hề dễ dàng, cần phải tập luyện kiên trì trong một thời gian dài. Không
có con đường tắt, lại càng không phải cứ muốn là tỉnh thức đến với mình một
cách tự nhiên. Từng bước, từng bước một, chúng ta tập giám sát chặt chẽ những ý
tưởng và hành động, nhờ đó sẽ giảm đi rất nhiều những lỗi lầm, sai sót để không
phải hối hận và nuối tiếc về sau. Một cuộc sống đầy tỉnh thức trong từng phút
giây là cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa nhất.
Có thể tỉnh thức
trong công việc hằng ngày?
Với người mới thực
hành, chỉ nghĩ rằng cứ phải dõi tâm vào những việc mình đang làm, cả trong tư
tưởng và suy nghĩ, chúng ta đã thấy khó có thể làm được! Mỗi ngày biết bao
nhiêu là việc, làm sao thực tập đây? Đừng vội nản lòng. Nếu chúng ta biết cách
trụ tâm, cả núi công việc hằng ngày, lần lượt từng việc một, đều được giải quyết
một cách hiệu quả trong sự soi sáng của tỉnh thức. Bạn có thể sử dụng một số “mẹo”
nhỏ sau để thực hành chánh niệm tỉnh thức trong mọi tình huống:
Ø Chú
tâm vào hơi thở khi dừng lại ở đèn đỏ giao thông, trong giờ giải lao, trong lúc
xếp hàng chờ đến lượt mình…, hít thở sâu và nhẹ trong bình thản, không nôn
nóng, không càn lướt hối thúc người đứng trước mình.
Ø Khi
quá căng thẳng và lo âu, tạm dừng công việc, chú tâm vào những ý tưởng và cảm
xúc, coi nó ảnh hưởng thế nào đến cơ thể của mình lúc này. Khi làm vậy, chúng
ta có thể nhanh chóng thiết lập lại trạng thái cân bằng.
Ø Với
những việc thường ngày chúng ta vốn quen làm trong vô thức, vội vã và nôn nóng,
như đi, đứng, nằm, ngồi, đánh răng, súc miệng hay đứng xếp hàng chờ đến phiên
mình. Bây giờ, cũng những việc đó, hãy làm trong chú tâm và tỉnh thức để mọi việc
được thực hiện dưới sự kiểm soát và điều khiển của nguồn tâm lặng và sáng.
Ø Thực
hành thiền thở vào buổi tối trước khi đi ngủ và nhất là sáng sớm khi vừa thức dậy
là điều cần thiết để có sự tỉnh thức ngay từ đầu ngày. Hãy huân tập điều này
thành thói quen, coi việc khoanh chân ngồi và hít thở nhẹ nhàng, đều đặn trong
chánh niệm là một phần việc không thể thiếu trong sinh hoạt của mình. Đây là
lúc chúng ta dành thời gian cố định để tập kỹ năng sống tỉnh thức cho thuần thục
trong môi trường tĩnh để sử dụng kỹ năng này trong môi trường động.
Ø Tuy
nhiên, có những ngày chúng ta quá bận rộn với cuộc sống, thì ít ra trước khi ngủ
và ngay khi thức dậy, việc đầu tiên là hít thở vài hơi nhẹ nhàng trong tỉnh thức
thay vì để tâm lao đến những mối quan tâm về cuộc sống cơm áo gạo tiền của ngày
hôm ấy. Đây là lúc chúng ta bắt đầu vận dụng kỹ năng sống tỉnh thức để dần đưa
nếp sống ấy vào trong các sinh hoạt đời thường bận rộn của mình để hoàn tất các
công việc ấy trong tâm thái nhẹ nhàng nhất. Đây là lúc chúng ta dùng kỹ năng sống
tỉnh thức đã được huân tập trong các thời thực hành cố định để ứng dụng vào
trong lúc làm việc, học tập, và ngay cả trong giờ nghỉ giải lao, uống trà…Nói
chung, trong tất cả các hoạt động, ở mọi lúc, mọi nơi, chúng ta đều nhắc mình trú
tâm trọn vẹn lên những gì đang làm, đó là làm trong tỉnh thức vậy.
Sống tỉnh thức thường
được mặc định là sống trong bình thản và lắng đọng. Với những người quen sống hối
hả mà không thực hành sống tỉnh thức nhầm tưởng rằng, sống tỉnh thức là cái gì
đó xa xỉ đối với họ, vì như thế sẽ chậm rãi, trì trệ thì khi nào mới xong việc!
Thế nhưng, sống và làm việc trong tỉnh thức mà không lăng xăng, hối hả, chúng
ta mới làm được nhiều việc cần làm trong ngày một cách hiệu quả. Bởi lẽ người sống
tỉnh thức biết sắp xếp công việc mình một cách khoa học, khôn ngoan và hợp lý
và khi làm, mọi thứ diễn ra theo tuần tự, không quên sót. Không nhất thiết lúc
nào cũng khẩn trương, căng như dây đàn mới được, vì như thế, chúng ta vô cùng mệt
mỏi, lãng phí năng lượng nhiều hơn và hiệu quả công việc kém hơn.
Làm thế nào để sống
tỉnh thức trở thành một thói quen?
Chỉ có đức Phật mới có
khả năng sống tỉnh thức trọn vẹn, tâm lắng trong hoàn toàn, tất cả các tâm niệm
sinh khởi trong tâm Ngài đều thiện lành. Còn những người bình thường như chúng
ta thực hành sống tỉnh thức bắt đầu từ việc kịp thời nhận biết những tâm niệm vừa
sinh khởi trong tâm; tâm niệm ấy có thể thiện hoặc ác, có thể tích cực hoặc
tiêu cực. Đối với những ý tưởng tiêu cực, cảm xúc bất an khởi lên trong tâm,
chúng ta không cần vội vàng loại trừ chúng, hay can thiệp một cách thô bạo thiếu
phương pháp. Chúng ta cứ sống VỚI chúng, nhưng đừng sống TRONG chúng là được. Việc
cần làm là hãy nhìn thật kỹ, thật sâu vào những ý tưởng, cảm xúc này rồi lựa chọn
cẩn thận giải pháp ôn hòa để thỏa hiệp với chúng. Với mỗi một tâm niệm khởi lên,
dù thiện hay ác, người sống tỉnh thức đều nhận biết rõ và quan sát chúng một
cách tỉnh táo. Với bước khởi đầu căn bản như vậy, dần dần chúng ta trở nên điêu
luyện và có khả năng kiểm soát những tư duy, cảm xúc và hành vi của mình thông
qua các công việc thường ngày mỗi lúc một nhiều hơn. Đến mức độ này, những tâm
niệm bất thiện dần tự loại trừ ra khỏi tâm. Càng tỉnh thức, nguồn tâm càng
thanh tịnh, chúng ta càng có sự bình an vững chãi hơn, và chính điều này tạo cảm
hứng để chúng ta nỗ lực duy trì nếp sống tỉnh thức trong mọi sinh hoạt của
mình.
Để phát triển kỹ năng
và nghệ thuật kiểm soát tâm, chúng ta phải tập chú tâm trên những việc làm một
cách có ý thức. Với sự thực hành liên tục, sau một thời gian, chúng ta tập dần
thành thói quen, quen như hơi thở vào ra của chính mình và cơ chế này bắt đầu
hoạt động một cách tự nhiên trong mọi công việc, ở mọi lúc, mọi nơi. Ngược lại,
nếu không thực hành một cách có ý thức trong thời gian đầu, tâm chúng ta, theo
bản năng không được huấn luyện, cứ mãi dong ruổi hết chỗ này đến chỗ nọ mà không
thể trụ ở nơi công việc mình đang làm. Tỉnh thức không thể do ai cho mình, hoặc
tự nhiên mà có. Hãy kiên nhẫn tập luyện, tất cả đều cần có thời gian và sức bền,
hãy tạo cho mình một thói quen làm việc trong tỉnh thức. Càng tỉnh thức, càng
làm chủ tâm mình tốt hơn, cuộc sống nhờ đó càng an lành và bình yên hơn. Đừng để
vuột mất hạnh phúc chúng ta đang có trong lòng bàn tay.