Wednesday, January 2, 2019

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)


1. Mối quan hệ thầy-trò trong đạo

Trong xã hội truyền thống Việt Nam, mối quan hệ thầy-trò vô cùng cao quý và thiêng liêng. Trong Phật giáo, mối quan hệ này càng có ý nghĩa nhiều hơn khi người thầy đóng vai trò kép để kiêm nhiệm luôn vai trò cha mẹ đối với đệ tử. Do đó, bên cạnh việc truyền trao kiến thức, người thầy còn có trách nhiệm nuôi dạy đệ tử vốn còn nặng nề hơn cả cha mẹ nuôi dạy con. Hai nhiệm vụ lớn lao và thiêng liêng này hòa quyện làm một nên mô hình giáo dục thiền môn có những nét đặc trưng riêng không giống môi trường học đường. Một số phương diện chính yếu mà người thầy cần làm đối với đệ tử là truyền trao kiến thức, hướng dẫn phương pháp tu học, dạy kỹ năng sống, định hướng nhận thức và thái độ sống, truyền cảm hứng để tự học và tự giác trong tu tập.

Để có thể thực hiện tốt chức năng, trách nhiệm của một người nuôi dưỡng không chỉ đời sống vật chất mà còn đời sống tâm linh của đệ tử, luật quy định, một người thầy phải có ít nhất mười tuổi hạ, thông suốt kinh luật, có đạo đức, phẩm hạnh gương mẫu, có trí tuệ, đảm bảo được về vật chất, có thể chăm lo đời sống tinh thần và là nơi nương tựa, hỗ trợ về đời sống tâm linh cho đệ tử. Về phần mình, người đệ tử phải hết lòng kính ngưỡng, tôn trọng, chăm sóc và coi Thầy là hiện thân của Phật để hết lòng học hỏi và hành trì con đường mình đã chọn.
Mối quan hệ thầy-trò và môi trường giáo dục thiền môn luôn là mối quan tâm hàng đầu trong nền giáo dục Phật giáo và là trọng tâm của bài viết này.

2. Tấm lòng người thầy

Đức Phật dạy, người thầy có lòng thương tưởng đến đệ tử sẽ thực hiện đầy đủ năm bổn phận sau: huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt” (Trường bộ kinh số 31: Kinh Giáo thị Thi-ca-la-việt). Những lời dạy trong kinh này được các bậc thầy ứng dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, căn bản vẫn không ra ngoài những bổn phận, trách nhiệm trên.
Theo truyền thống, người thầy coi việc tiếp độ đệ tử là một trong những bổn phận của người xuất gia. Với tâm từ bi của người con Phật, người xuất gia nào khi thực hành giáo pháp và cảm nhận được sự an lạc, hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống thoát tục, đều mong mỏi người khác cũng biết hướng về lối sống hướng thượng mà mình đang thực hành. Do đó, nếu có ai đủ duyên phát tâm xin xuất gia, vị ấy sẽ tận tình hướng dẫn, nâng đỡ và chăm nom với tư cách một người thầy tế độ để nuôi dưỡng tâm lành của đệ tử như chăm sóc một chồi non. Động cơ để người thầy không mệt mỏi trong quá trình giáo dưỡng đệ tử là luôn đem hết những gì mình biết, mình trải nghiệm để chỉ dạy với trọn vẹn tình thương yêu. Đây chính là điều đức Phật đã chỉ dạy trong kinh Giáo giới Thi-ca-la-việt: huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì”.
Kinh  Ưu bà tắc giới ghi rằng:nên dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục họ, làm cho họ rời xa điều ác, tăng trưởng pháp lành. Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình” (Phẩm 13, Thâu phục đệ tử, HT.Tịnh Nghiêm dịch). Điều này cho thấy tính chất thiêng liêng của tình thầy trò trong đạo thật là đặc biệt và cảm động làm sao! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tâm người thầy luôn hướng về đệ tử, toàn tâm toàn ý đầu tư công sức, năng lượng vào sự nghiệp đào tạo một thế hệ kế thừa đủ khả năng gánh vác Phật sự, hoằng dương chánh pháp ở đời.
Người thầy nào cũng sống hết lòng vì đệ tử, thương yêu, che chở và nâng đỡ đệ tử như cha mẹ thương con của mình, thậm chí còn hơn thế nữa. Cha mẹ ở đời cho con một hình hài nguyên vẹn, dạy con nên người, nhưng về phương diện kiến thức, nghề nghiệp, cha mẹ cần nhờ đến những người chuyên nghiệp hơn để giáo dục con qua môi trường học đường. Nhận lãnh vai trò kép nặng nề hơn, người thầy trong đạo không những thay cha mẹ nuôi dạy đệ tử, mà còn là người trực tiếp truyền trao cho đệ tử kiến thức Phật pháp, phương pháp hành trì và trang bị tất cả những gì cần thiết cho đệ tử vững chãi trên con đường tu học. Điều quan trọng nhất là người thầy hướng dẫn đệ tử cách nhận diện những nỗi khổ niềm đau và phương cách hiệu quả để hóa giải chúng. Huân tập nếp sống đạo đức, giữ tâm an tịnh, từng bước sống trong tỉnh thức, hiểu được tâm và chuyển hóa các tâm niệm tiêu cực thông qua sinh hoạt hằng ngày là những bài học sống động người thầy trao truyền cho đệ tử. Người gia chủ ở cuộc sống xã hội cần thông thạo một nghề để sinh sống bình an và hạnh phúc. Cũng như vậy, trong lãnh vực thực hành tâm linh, người xuất gia cần thuần thục các kỹ năng và nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, thiết lập bình an hạnh phúc. Đây là nội dung “dạy cho thuần thục các nghề nghiệp và bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt” mà đức Phật đã dạy trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt.
Khi tiếp cận đệ tử, người thầy trong truyền thống Phật giáo kết hợp nhiều cách dạy khác nhau một cách linh hoạt, tùy vào căn cơ, tính cách và tâm tánh của mỗi đệ tử. Thường trong chùa đều có những lớp gia giáo trong đó thầy là người trực tiếp đứng lớp dạy dỗ nhiều đệ tử. Lớp học có thời khóa rõ ràng, giáo trình hẳn hoi. Nội dung học là Luật và Kinh theo thứ lớp từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Nội dung học trong đạo là học để thực hành, học để sống chứ không chỉ học để biết một mớ kiến thức lý thuyết. Sống đúng theo quy củ thiền môn, tập mình thích nghi với nếp sống của người xuất gia, thận trọng và chánh niệm trong từng oai nghi, cử chỉ nhỏ nhất thể hiện cốt cách của một bậc xuất gia giải thoát là nội dung những bài học vỡ lòng thầy dành cho đệ tử. Học đi đôi với thực hành và người đệ tử luôn được đặt dưới sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp của thầy. Đây là mô hình giáo dục thiền môn mang tính thực tế và hiệu quả cao, khá phổ biến ở tất cả các chùa Việt Nam.
Trong những trường hợp tế nhị cần có sự trao đổi riêng, thầy thường chọn phương cách học cổ điển của Upanisad là “ngồi dưới chân thầy” để quá trình trao-nhận diễn ra trực tiếp giữa thầy và một người đệ tử. Đây là một cách dạy nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, bởi lẽ không ai hiểu đệ tử bằng người thầy. Mỗi người đệ tử có căn tánh, nghiệp lực, khả năng, tâm sinh lý và động cơ tu học riêng khác mà chỉ người thầy mới có thể thấu hiểu tận tường. Chỉ khi nào ngồi riêng với người đệ tử ấy, tâm cảm tâm trong mối quan hệ thầy-trò mở ra cơ hội để hai bên hiểu nhau hơn. Với cách này, khoảng cách thầy-trò được rút ngắn, sự cảm thông và thấu hiểu dễ dàng thiết lập hơn để việc dạy dỗ có hiệu quả nhiều hơn. Điều này hoàn toàn hợp lý vì có một số lỗi lầm, vụng về của đệ tử nên được chỉ dạy riêng sẽ có tác dụng hơn là quở trách trước mặt nhiều người. Sự tinh tế, quan tâm đến cảm xúc của đệ tử là một trong những yếu tố lay động tâm lý có sức cảm hóa lớn đối với người học: khen thì nên khen chốn đông người, quở trách thì nên kín đáo, tế nhị. Điều này nằm trong nội dung “khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc” mà đức Phật đã chỉ dạy.
Như vậy, khi người thầy tiếp nhận một đệ tử là bắt đầu nuôi dưỡng người ấy không chỉ về cơm áo thuốc men, mà còn dành trọn vẹn tâm trí để nuôi dạy đệ tử trong tinh thần:
Thương người như Phật thương mình,
Độ người như Phật độ sinh thuở nào (NT. Huỳnh Liên – Nhớ ơn Phật).
Tất cả những kiến thức Phật pháp học hỏi được, tất cả những kinh nghiệm tu tập của cả một đời, người thầy đều dốc lòng truyền trao cho đệ tử, với mong mỏi thế hệ sau càng giỏi giang hơn thế hệ trước về mọi phương diện, để góp phần nuôi dưỡng chí hướng xuất gia ban đầu với tâm trong veo của đệ tử khi bước vào cửa đạo. Không chỉ truyền trao kiến thức Phật pháp, người thầy còn uốn nắn cho đệ tử từng bước thuần thục trong nếp sống đạo đức, tỉ mỉ trong từng cử chỉ nhỏ nhặt, tinh tế trong từng công việc trong cuộc sống đời thường. Thầy còn dạy cho đệ tử cách đối nhân xử thế và quan trọng hơn hết là cách kiểm soát và làm chủ tâm mình.

3. Vị trí người thầy trong lòng đệ tử

Đáp lại công ơn giáo dưỡng của người thầy dành cho đệ tử, người học trò đem trọn tấm lòng thành hướng về thầy với tất cả sự quý kính và tình cảm yêu thương, thực hiện bổn phận chăm sóc thầy trong tinh thần tự nguyện và hoan hỷ. Với đệ tử, thầy là người có ơn lớn trong cuộc đời đệ tử khi dìu dắt mình từ những bước đi chập chững vào đạo. Người đệ tử luôn coi thầy ở vị trí cao tột, là kho báu, là người dẫn đường sáng suốt và hơn cả đó là nguồn sống của cuộc đời mình. Thầy là người tuyệt vời nhất, là nơi tập trung của tất cả sự tinh túy và trọn vẹn nhất. Trong tinh thần ấy, thầy là người duy nhất có ảnh hưởng trực tiếp và lớn lao nhất đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, đường hướng tu tập và thành quả tu tập của người đệ tử. Có thể nói người đệ tử nào cũng lấy thầy mình làm hình mẫu lý tưởng, hiện thân của chơn-thiện-mỹ để theo đó phấn đấu và rèn luyện.
Trong tâm trí của đệ tử, hình ảnh của người thầy trở nên vô cùng cao quý. Thầy là chỗ nương tựa vững chắc, là hiện thân của Phật, hiện thân của chân lý và là nguồn cảm hứng để tạo niềm tin và động lực cho đệ tử vững bước trên con đường mình đã chọn. Thầy là người thay thế Phật để dắt dìu đệ tử trên con đường tu học. Pháp mà thầy dạy là tinh hoa Phật pháp thầy chắt lọc kết hợp với kinh nghiệm tu tập để trở thành những bài học sống động quý báu không thể tìm thấy trong bất cứ kinh điển, sách vở nào để truyền trao cho đệ tử. Thầy là điển hình cho Tăng bảo, là người đi trước đã thành công trên con đường vận dụng Phật pháp để chế tác hạnh phúc, an vui thật sự của đời mình. Như người bệnh sử dụng thuốc và hết bệnh, thầy là người tạo niềm tin tưởng lớn lao cho người đệ tử, theo dấu chân thầy, lấy pháp Phật làm món thuốc linh diệu để đối trị các chứng bệnh của tâm, thì cũng sẽ có kết quả tương tự như thầy.
Đối với một con người sống đời tại gia, nếu cha mẹ là người có công nuôi dưỡng thân xác, thì thầy giáo dạy cho học trò kiến thức, còn thầy trong đạo là người đảm nhận đồng thời cả hai nhiệm vụ này trong suốt chặng đường dài. Thầy trong đạo không chỉ là người chăm lo đời sống vật chất, mà còn dìu dắt hướng dẫn đệ tử phương pháp tu học để thoát khổ, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Thầy là người trao cho đệ tử giới thân, tuệ mạng bất sinh bất diệt, giúp cho đệ tử trưởng dưỡng hạnh lành, từ bỏ những trói buộc của thế gian, phát nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu giải thoát. Thầy là người biến ngôi chùa thành tổ ấm tâm linh để thân tâm đệ tử được gội nhuần trong chánh pháp.
Người sơ tâm xuất gia, bước đầu gia nhập thiền môn, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới lạ, hoàn cảnh môi trường hoàn toàn mới lạ so với cuộc sống thế tục. Do đó, dù tâm nguyện dõng mãnh đến đâu cũng gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu hòa nhập khi phải khép mình tuân thủ những thanh quy nghiêm ngặt của chốn thiền môn. Chính thầy là người giúp cho đệ tử dần quen với đời sống của người xuất gia tu học. Khi gặp những khó khăn, vướng mắc, chính Thầy là người lắng nghe, thấu hiểu và chỉ ra phương cách tháo gỡ để tâm lành được nuôi dưỡng, tưới tẩm trong pháp thiện.
Trong kinh đức Phật dạy, với ơn nghĩa sâu dày của thầy dành cho đệ tử, trọn đời đệ tử phụng dưỡng thầy còn chưa đủ để đền đáp. Trong kinh dạy rằng: “Này Ananda, nếu do nhờ một người, mà một người khác được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, thời này Ananda, Ta nói rằng người này không có một đền ơn nào xứng đáng đối với người kia về đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, về làm những việc thích hợp và về dâng cúng các sự cúng dường như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.” (Kinh Phân biệt cúng dường, Trung bộ kinh, số 142).
Ở một bài kinh nổi tiếng nói về các mối quan hệ trong xã hội, trong đó có quan hệ thầy-trò, đức Phật dạy rằng: “này gia chủ, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp” (Trường bộ kinh số 31: Kinh Giáo thị Thi-ca-la-việt). Những việc cần làm của một người đệ tử đối với thầy được cụ thể hóa thành những quy định trong các thiên oai nghi dành cho sa-di, sa-di-ni. Đây là những việc rất chi tiết được quy định cho người đệ tử phải làm cho thầy, chăm sóc, cư xử với thầy. Trong đó, cụ thể và  tỉ mỉ nhất được trình bày trong thiên oai nghi thứ ba: Thờ thầy. Thiên oai nghi này mở đầu rằng: “Chiêm ngưỡng hòa thượngxà lê, như chiêm ngưỡng Phật. Phải kính thầy, thường gần gũi thầy để hành trì đúng pháp đúng luật. Phải giữ đúng huấn dụ của thầy, với sự kính thuận thường xuyên”. Tiếp theo đó là tất cả những cử chỉ, hành vi của đệ tử từ lúc mới thức dậy đến khi đi ngủ cần phải kề cận, hầu thầy ra sao, vào ra phòng thầy cần phải thế nào, khi nào nên lễ lạy khi nào không, học kinh cầu pháp, làm việc riêng cho thầy thế nào cho đúng lễ, đúng pháp… nhất cử nhất động đều phải theo sự chỉ dạy của thầy. Thân cận chăm sóc thầy được coi đó là nhiệm vụ thiết yếu của người mới vào đạo.
Với người không thực hành giáo pháp, rất có thể hiểu sai lệch rằng, luật quy định bổn phận đệ tử là phải thân cận chăm sóc Thầy là một yêu cầu khắt khe, thậm chí quá đáng khi “bắt” người mới xuất gia tu học hầu hạ thầy mình. Mới nhìn, có vẻ như quan liêu, thiếu từ bi và không bình đẳng nơi đạo được mệnh danh là “từ bi” và “bình đẳng”. Tuy nhiên, đó là cách đánh giá chủ quan và thiếu cơ sở của người đứng ngoài khi họ không hiểu được giá trị của phương pháp giáo dục trực tiếp bằng “thân giáo”, “khẩu giáo” và “ý giáo” trong đạo Phật. Chủ ý của đức Phật và chư Tổ Thầy là tạo điều kiện tối đa để người đệ tử mới vào đạo có cơ hội tiếp cận với thầy mình trong phần lớn thời gian trong ngày để được học hỏi nhiều nhất trong khả năng có thể. Chỉ có tiếp cận cùng nhau thì người thầy mới có dịp quan sát đệ tử mình để dễ dàng hướng dẫn, kịp thời uốn nắn những hành vi, cử chỉ, lời nói cho phù hợp với phong cách một người xuất gia. Một khi bước vào cửa đạo, cuộc đời sang trang, người ấy dù bao nhiêu tuổi đời cũng chí là mới được khai sinh trong nhà đạo, là phải nỗ lực thay đổi bao thói quen, tập quán của người cư sĩ tại gia mà giờ đây không phù hợp với nếp sống trong đạo. Hình thành một thói quen mới để thay thế một thói quen cũ không dễ dàng tí nào. Việc này giống như dùng một chiếc nêm đánh bật một chiếc nêm khác theo phương pháp thế mà đức Phật đã chỉ dạy trong bài kinh Song tầm (Trung bộ kinh số 19). Sự huân tập các thói quen tốt đẹp cũng như quá trình thích nghi với môi trường sống mới của đệ tử cần có sự hỗ trợ lớn lao của người thầy và cách dạy hiệu quả nhất là thông qua sự tiếp xúc trực tiếp vậy. (còn nữa)