Saturday, January 12, 2019

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 2)

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)

4. Quan hệ thầy-trò: những thay đổi trong thời đại ngày nay

a. Đệ tử có ít thời gian gần gũi thầy

Hầu hết nội dung học tập và thực hành căn bản cần thiết cho một người đệ tử mới vào đạo được quy định rất cụ thể và chi tiết trong luật. Do đó, theo cuốn Giới sa-di và sa-di-ni (HT. Trí Quang dịch giải), đức Phật quy định, người xuất gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Điều này từ xưa đã được áp dụng có hiệu quả ở hầu hết các chùa trên con đường giáo dục trọn đời dành cho một vị xuất gia. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, vấn đề này trở thành một thách thức lớn cho cả thầy và trò. Từ khi các trường Phật học được thành lập đến cấp thấp nhất là trường sơ cấp ở các quận, huyện thì người mới xuất gia chưa được bao lâu đều được đưa vào học trường sơ cấp. Đây là mô hình học đường hóa lối giáo dục gia giáo ngày trước, nên đối tượng chủ yếu là người mới xuất gia. Một khi vào môi trường học đường chính quy, thời gian học suốt tuần như học sinh phổ thông, nên thời gian đệ tử gần gũi thầy bị giảm đi đáng kể. Từ đó, tình thầy trò trở nên ít gắn kết, thầy cũng không sát sao đệ tử để kịp thời chỉ dạy, uốn nắn vốn rất cần thiết ở giai đoạn chập chững vào đạo này. Thêm vào đó, chương trình học gồm có nhiều môn, và Luật chỉ là một môn trong số ấy. Do đó, không có đủ thời gian để người mới vào đạo chuyên học và tinh tường về giới luật như Luật định. Giáo dục học đường dành cho người mới vào đạo là chủ trương của giáo hội và là xu hướng chung của thời đại, một người thầy không thể tách mình đứng ra ngoài guồng quay chung của thời đại, nên dù muốn dù không, vẫn phải cho đệ tử vào trường, dù thời gian vào chùa còn quá ngắn.
Trong tình hình đó, làm thế nào để nhà trường và nhà chùa cùng phối hợp, hỗ trợ để những tăng ni trẻ mới vào đạo vừa nhận được chương trình đào tạo học trường của trường Phật học, vừa nhận sự giáo dục thiền môn để vừa có kiến thức giáo lý căn bản vừa thuần thục những quy điều giới luật trong nếp sống của một người xuất gia là một thách thức lớn cho các bậc thầy và những bậc làm công tác giáo dục đào tạo tăng ni vậy.
Thêm vào đó, nếu người mới xuất gia còn đang độ tuổi học phổ thông, hoặc một số vị lớn tuổi nhưng chưa xong chương trình phổ thông trung học, thì ngoài một buổi học Phật học, buổi còn lại họ phải đi học phổ thông hoặc các lớp giáo dục thường xuyên, thì coi như suốt ngày đi học. Đi học về đến chùa đã muộn (có nhiều trường hợp đi học đêm nữa), lại còn học bài, làm bài, nên thời gian công phu, công quả cũng không có nhiều, thời gian gần gũi thầy càng ít đi. Đối với người mới vào chùa mà phải đi học nhiều như vậy, trong khi đạo chưa thắm, còn đời chưa phai thì rất khó để khép mình vào trong nếp sống của người xuất gia đúng nghĩa.
Về phía thầy, thường là đảm nhận trách nhiệm trụ trì, hoặc cùng lúc kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong giáo hội cũng như tham gia các công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ Phật tử, nên cũng không còn nhiều thời gian dành cho đệ tử của mình. Do đó, có khi thâu nhận đệ tử vào cùng một lúc nhiều người, hoặc thời gian cách nhau không xa, lại không đủ sự quan tâm, giáo dưỡng đúng mức, làm cho tình thầy-trò không còn khắng khít như những thế hệ trước đó cũng là một thực tế ngày nay.

b. Thầy không còn là nguồn tri thức duy nhất

Mỗi thời đại, quan hệ giữa con người trong xã hội thay đổi dưới sự tác động của nhiều yếu tố. Quan hệ thầy-trò trong đạo cũng như vậy. Ngày trước, khi mới bước vào đạo, đệ tử chỉ biết có thầy mình và suốt ngày theo sát thầy để học hỏi, chịu sự uốn nắn, hướng dẫn của người thầy, cung kính hết mực, không dám khởi tâm phiền trách. Thậm chí kinh sách nào được phép đọc, cũng phải do thầy quyết định và đưa cho, chứ đệ tử không được tự ý. Như vậy, người thầy là nguồn tri thức duy nhất và đệ tử chấp nhận điều này trong tinh thần hoan hỷ và tự nguyện:
Bước đầu học tập lần dò,
Đem thân, khẩu, ý giao cho người thầy.
Mặc thầy uốn nắn, chuyển xoay,
Đặng mình diệt bỏ riêng tây ý xằng”.
Với tấm lòng thương yêu, người thầy nào muốn đệ tử trở thành bản sao của mình, nên người thầy tiếp nhận được sự giáo dục thế nào, thường có xu hướng áp dụng tương tự với đệ tử của mình. Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi và người đệ tử không dễ dàng tuân phục thầy mình toàn tâm toàn ý như những thế hệ đệ tử trước đây.
Như trên đã nói, mới vào chùa thời gian ngắn, đệ tử được vào các trường Phật học, tối thiếu là Sơ cấp Phật học; lại có trường hợp đã tốt nghiệp đại học rồi thì có thể thi vào Học viện mà không cần qua trường lớp Phật học cấp thấp hơn. Như vậy, với môi trường hiện tại, đệ tử có cơ hội tiếp xúc nhiều người và thâu nhận kiến thức từ nhiều vị thầy giáo thọ, không chỉ thầy bổn sư của mình. Khi thời gian không đủ dài nên sự gắn giữa thầy và trò chưa đủ độ “chín”, đệ tử chưa thể trọn niềm tin vào thầy được. Từ đó, người đệ tử có sự so sánh, khen chê trong tâm, dù không nói ra. Như một hệ quả tất yếu, việc “coi thầy như Phật” là điều xa vời đối với đệ tử thời này dù người thầy ấy rất nghiêm túc hành trì giới luật, đủ khả năng để dạy dỗ, truyền trao kiến thức cho đệ tử. Đây là một sự thay đổi không nhỏ trong mối quan hệ thầy-trò trong thời hiện đại dẫn đến các bậc thang giá trị cũng theo đó thay đổi.

c. Ảnh hưởng của các phương tiện công nghệ

Trong xã hội ngày nay, một xã hội có quá nhiều bước tiến văn minh về công nghệ kỹ thuật, quá phong phú về vật chất, quá tiện nghi trong mọi sinh hoạt của con người thì các mối quan hệ con người ít nhiều đã trở nên khác xưa, quan hệ thầy-trò trong đạo Phật cũng không ngoại lệ. Nếu ngày trước, một người mới vào chùa chỉ biết dốc tâm vào học luật, học kinh, hầu thầy, công phu công quả và hầu như không tiếp xúc với cư sĩ Phật tử bên ngoài. Đây là cách tốt nhất để người mới vào đạo tách ly mình ra khỏi môi trường thế tục để đặt mình vào cuộc sống mới. Nhờ đó mà việc khép mình vào quy củ của thiền môn của một người mới vào đạo trở nên dễ dàng hơn.
Ngày nay, sự tiện nghi và phổ biến của mạng internet, nhu cầu giao tiếp điện thoại và các thiết bị công nghệ hiện đại khác đã làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống. Một người lúc còn là cư sĩ đã sử dụng các phương tiện này rồi, khi bước chân vào chùa sống đời xuất gia, việc rời xa các thiết bị công nghệ là một thử thách lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến quan hệ thầy-trò trong đạo Phật. Nếu người thầy không cho sử dụng các phương tiện này thì nhiều đệ tử có thể khởi tâm nghĩ thầy mình lạc hậu, từ đó có tâm bất kính đối với thầy; mà một khi bất kính thì không thể coi thầy là một kho báu tri thức để học hỏi và Thầy không còn là hình mẫu lý tưởng để noi theo. Nếu người thầy cho phép sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ thoải mái thì chắc chắn người mới vào đạo không đủ bản lĩnh và trí tuệ để chọn cho mình cái gì cần học, cái gì cần tránh. Thêm vào đó, nếu sử dụng không làm chủ được mình thì việc này ngốn khá nhiều thời gian và đây là nguyên nhân đưa đến nhiều hệ lụy khác. Mối quan hệ thầy-trò cũng từ đây mà trở nên xấu hơn. Làm thế nào để có thể sử dụng những ứng dụng công nghệ của thời đại trong sự kiểm soát và tiết chế để không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống tu tập là cả một vấn đề nan giải đối với cả thầy lẫn trò trong thời đại ngày nay. (Còn nữa)